Tạp chí văn nghệ chủ nhật
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật

TÌM VỀ VỚI NHỮNG ĐIỆU DÂN CA QUÊ HƯƠNG

MC 1: Kính chào quý vị và các bạn!

Như thường lệ, vào ngày chủ nhật hàng tuần chúng ta lại gặp nhau trong Tạp chí văn nghệ chủ nhật.

MC 2: Thưa quý vị!

Ca dao- dân ca của bất cứ miền nào trước hết cũng là tiếng ca của nghĩa tình, tiếng nói của yêu thương. Trong sinh hoạt gia đình, làng xã, lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi tiếng nói của con tim đã ở cung bậc cao nhất, người lao dộng dùng lời ca để bày tỏ tâm tình trước cảnh vật, trước những biến diễn của cuộc đời và trao đổi tâm tình với nhau. Tính trữ tình, bởi vậy thấm đượm trong nội dung lẫn âm điệu của các khúc hát dân gian.

MC 1: Chính vì thế, trong tạp chí VNCN tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những làn điệu dân ca của quê hương.

Nhạc cắt

Dân ca Bình Trị Thiên

MC 1: Quý vị và các bạn thân mến!

Với những đặc điểm về điều kiện, hoàn cảnh địa lý, lịch sử, cùng các yếu tố phong tục tập quán, ngữ âm giọng nói...đã tạo ra trong ngôn ngữ âm nhạc cổ truyền khu vực Bình Trị Thiên mang những nét độc đáo, đặc trưng, khu biệt khác hẳn với phong cách dân ca từ đèo Ngang trở ra và từ đèo Hải Vân trở vào.

MC 2: Những nét độc đáo đó là gì? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của tạp chí VNCN ngày hôm nay.

Nhạc cắt

MC1: Bình - Trị - Thiên là tên ghép của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế nhưng cũng như Nghệ An, Hà Tĩnh (gọi ghép là Nghệ - Tĩnh), không hẳn chỉ vì trong quá khứ, do điều kiện lịch sử, địa lý đã nhiều lần là một đơn vị hành chính; mà sự gắn kết này, nổi trội lên là do tính chất tương đồng về văn hóa. Bởi vậy mà đôi lúc người ta thường gọi cả khu vực ba tỉnh Bình -Trị -Thiên là Xứ Huế. Tính chất đồng văn được biểu hiện rõ nhất trong hệ thống dân ca - nhạc cổ của xứ này. Đặc biệt là Quảng Trị và Thừa Thiên, được xem như chỉ là một. Nhìn chung, dân ca Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trên cơ bản là đồng nhất. Trong ca dao-dân ca Bình Trị Thiên, dù mỗi vùng sắc thái có khác nhau vẫn là tiếng nói đằm thắm giàu ân nghĩa chứ không thiên về rắn rỏi, mạnh mẽ, quyết liệt hoặc quá mộcmạc, trần tục…Cách diễn đạt lại thường nhẹ nhàng, bóng bẩy, có sự trau chuốt, gia công tỷ mỉ trong việc dùng chữ, đặt câu.

Trích 1 đoạn dân ca Bình Trị Thiên

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Vừa rồi là một số nét khái quát về dân ca Bình Trị Thiên, để hiểu rõ hơn về loại hình này mời Qv & CB cùng theo dõi phần trò chuyện của PV Phạm Quỳnh với NSUT Hoàng Sĩ Cừ.

PV: Thưa ông Hoàng Sĩ Cừ, khi nhắc đến dân ca Bình Trị Thiên, chúng ta có thể nói về những thể loại dân ca tiêu biểu nào?

Ông Cừ trả lời: (nói về các điệu lý, điệu hò, hát sắc bùa, bả trạo, vè, hát ru, ngâm thơ…)

PV: Trong những thể loại mà ông vừa nêu thì có lẽ phổ biến nhất trong đời sống chính là các điệu hò, điệu lý phải không ạ?

 Trước hết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các điệu lý. Thường những điệu lý sẽ được sử dụng trong các dịp nào thưa ông?

Ông Cừ trả lời:

PV: Vậy các điệu lý vùng Bình Trị Thiên có gì khác biệt so với các điệu lý của các vùng miền khác trong cả nước?

PV: Vâng, Có lẽ quý vị sẽ dễ dàng hiểu được những nét khác biệt mà ông Hoàng Sĩ Cừ vừa mới trao đổi, bằng việc chúng ta cùng nghe các làn điệu lý ngựa ô của các vùng miền khác nhau.

 

Biểu diễn dân ca- Lý ngựa ô khu vực Bình Trị Thiên-Bắc Trung Bộ- Nam Bộ

 

MC 2: Thưa quý vị, liên quan đến các điệu lý, trong bài Một làn điệu đặc sắc trong kho tàng dân ca Bình - Trị - Thiên, tác giả Lê Văn Hảo đã viết: Xuất thân từ đồng bằng Bắc bộ nhưng vào đến Huế Lý lại trở thành nhạc khúc giàu tính nghệ thuật, đặc sắc về giai điệu, phong phú về bài bản, sang trọng về tên gọi…. đã làm cho thể Lý ở Bình – Trị - Thiên không những nhiều mà trở nên mang tính bác học chuyên nghiệp.

MC 1: Rất độc đáo phải không thưa quý vị! Và nếu dân ca là suối nguồn cảm hứng của nhân dân lao động trong cuộc sống thì hò là phương thế thể hiện tâm tình tràn đầy xúc cảm một cách trung thực nhất. Miền trung Việt Nam vốn là vùng đất phong phú các làn điệu hò so với cả nước. Ngay từ đầu thế kỷ XVI Dương Văn An đã có những nhận xét về lòng yêu thích văn nghệ dân gian - đặc biệt là Hò của dân xứ "Ô châu ác địa": "Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca. Lễ an táng thì chôn cất rất nhanh không có lệ cúng sớm cúng chiều, nhưng khi cúng tế thì bày cỗ bàn linh đình tốn của hàng ức hàng vạn vô cùng hoang phí. Làm ma chay trong nhà thì múa hát trước quan tài gọi là "hò đưa linh".

MC2: Nhận xét về các làn điệu hò nổi tiếng ở Bình Trị Thiên, các nhà âm nhạc học chú trọng đến làn điệu hò mái nhì man mác, mênh mang trên sông Hương, hò khoan giã gạo rộn ràng, thắm thiết ở Quảng Bình, Quảng Trị, hò ô vang vọng xa vắng não nùng trong đêm khuya ở đồng bằng Thừa Thiên. Trùm lên tất cả các làn điệu ấy, làm nổi bật bản sắc của hò Bình Trị Thiên, chính là lối hò theo ngũ cung "hơi nam giọng ai" rất đặc biệt của dân vùng này. Nét "ai" trong các làn điệu hò đã biểu lộ tâm hồn, tính cách con người Bình Trị Thiên một cách đậm đà và sâu sắc. Ngay trong lối hò vui chơi như hò bài thai ở Trị Thiên, ta vẫn thấy vương vấn nét buồn, trái lại hò lô tô ở Quảng Nam thật vui nhộn, biểu lộ tâm tính ưa hoạt động, vui tươi của dân vùng đất mới.

MC1: Vì sao tiếng hò của Trị Thiên lại man mác, não nùng làm vậy? Có nhiều cách giải thích khác nhau dựa trên hoàn cảnh lịch sử, địa lý, sự giao lưu văn hóa dân tộc Champa qua bao thế kỷ, nhưng có lẽ yếu tố cốt yếu vẫn là con người sinh sống từ bao năm ở vùng đất có truyền thống văn hóa và đấu tranh với thiên nhiên lẫn ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc. Tiếng hò chính là tiếng lòng của quần chúng, nhân dân lao động là nỗi niềm chất chứa từ bao đời, là tâm sự riêng được bộc lộ trong một hoàn cảnh và một không gian riêng biệt. Thể hiện tâm tư của người nông dân vốn "vui ít khổ nhiều". Như ở Bình Trị Thiên, có lẽ tiếng hò ở vùng đất này có khả năng bộc lộ mạnh mẽ và sâu sắc nhất.

MC2: Và vốn là nơi có văn hóa truyền thống, các câu hò ở đây vẫn có một giá trị cao về văn học. Có thể nói Bình Trị Thiên là nơi phát sinh các câu hò ru em đằm thắm, hò mái nhì đầy tính trữ tình, hò bài thai thanh nhã, hò khoan giã gạo thiết tha, sâu sắc xứng đáng được chọn là những câu hò tiêu biểu cho giá trị văn học dân gian toàn quốc:

Núi cao chi lắm núi ơi.
Núi che mặi trời không thấy người thương...
Hoặc
Đêm năm canh mơ màng bóng bạn Ngày sáu khắc nhớ dạng thương thầm
Nào ai nhắc đến bạn tri âm,
Là gan em khô từng chặng, ruột em đau ngầm từng khi...

Hò Bình Trị Thiên phong phú, đa dạng, đủ các làn điệu hò trên cạn, dưới nước. được phân bố đều từ vùng trung du, đồng bằng đến vùng biển có đến 40 làn điệu hò. Đó là một con số đáng ghi nhận trên một vùng đất dài mà hẹp, giàu thổ ngữ địa phương, có bề dày văn hóa như ở Bình Trị Thiên.

Nhạc cắt

MC1: Kính thưa QV! Chúng ta vừa tìm hiểu về một số nét đặc sắc của hò Bình Trị Thiên. Và bây giờ mời QV & CB cùng quay lại buổi trò chuyện của PV Phạm Quỳnh với NSUT Hoàng Sỹ Cừ để tìm hiểu kỹ hơn về hò Bình Trị Thiên.

PV: Thưa NSUT Hoàng Sĩ Cừ, có thể nói cùng với các điệu lý thì hò là một thể loại dân ca có mặt lâu đời trong kho tàng văn nghệ dân gian phong phú của Bình – Trị - Thiên. Tuy có diện tích hẹp nhưng bờ biển kéo dài, Bình – Trị - Thiên là nơi tập trung rất nhiều điệu hò độc đáo và đặc sắc.

- Có thể kể tên những điệu hò cơ bản nào thưa ông?

Ông Cừ trả lời:

PV: Và những điệu hò của khu vực Bình Trị Thiên có gì khác so với những điều hò khác trên cả nước?

Ông Cừ trả lời:

PV: Xin cảm ơn NSUT Hoàng Sỹ Cừ với những chia sẻ vừa rồi.

Nhạc cắt ( hoặc trích đoạn hò Bình Trị Thiên )

LÀN ĐIỆU NAM BÌNH

 

MC 1: Vâng, Quý vị và các bạn thân mến! Có thể nói trong những làn điệu dân ca Bình – Trị - Thiên thì làn có một làn điệu dân ca nổi bật, đặc trưng của Quảng Trị đó là làn điệu Nam Bình. Vậy làn điệu Nam Bình có từ bao giờ và mang những nét đặc trưng gì, mời QV & CB cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của nhà báo Võ Thế Hùng.

MC2: Làn điệu Nam Bình có nhiều giả thuyết cho rằng có từ năm 1044, rồi 1691,1725 và những ý kiến tương đối chính xác cho rằng mùa thu năm 1306 khi Công chúa Huyền Trân bị ép duyên cùng Chế Mân, nàng đã đau buồn mà viết nên khúc hát sầu man mác này. Dĩ nhiên để khu biệt bài hát này nằm ở dòng âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền hay dòng âm nhạc dân gian cổ truyền thì đã rõ, bởi vì đó hai dòng âm nhạc khác nhau. Âm nhạc dân gian là sáng tạo tập thể, nó được sáng tác ngay trong quá trình lao động, người trình diễn, sáng tác đồng thời là người thưởng thức nghệ thuật; còn âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp là sáng tạo của cá nhân. Người sáng tác biểu diễn có khi là hai, cũng có khi là một. Qúa trình biểu diễn là quá trình biểu cảm nội tâm của mình đến đối tượng thưởng thức là khán thính giả.

Để khu biệt rạch ròi nền âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền Quảng Trị với nền âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền Thừa Thiên- Huế là một việc làm rất khó. Nếu có làm được cũng chỉ có thể xem xét nó ở phong cách của người biểu diễn chứ không thể phân tích một cách rạch ròi trong từng tác phẩm cụ thể được. Thậm chí đến ngay việc phân tích phong cách biểu diễn mang “tính vùng” cũng là việc khó có thể làm được bởi tính thống nhất của nó rất cao.

MC1: Theo thiển ý của tôi, nền âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp là sản phẩm sáng tạo đặc biệt của nhân dân và trí thức của cả vùng nối tiếp nhau kéo dài suốt các triều đại nhà Nguyễn, và khởi nguồn của dòng âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp chắc chắn phải có từ thời Nguyễn Hoàng khi ông đặt dinh thự của mình tại Quảng Trị. Một cơ sở để xét đoán tính khởi nguồn của nó là sự bảo thủ, bảo lưu những sáng tạo nghệ thuật, và đặc biệt là gương mặt những nghệ sĩ bậc thầy của nhiều thế hệ nối tiếp nhau truyền bá nghề cha ông. Nhiều sử liệu đã cho hay, thủa xưa rất nhiều đoàn các nghệ sĩ tài danh của Quảng Trị hằng năm vào các ngày lễ tết thường được triều đình đón vào Đại nội biểu diễn.

Ở làng Điếu Ngao, phường 2, thành phố Đông Hà còn lưu truyền cuốn “phả nhạc” của gia đình cụ Hoàng Ân (đã mất). Sinh thời, cụ có kể lại rằng, cuốn “phả nhạc” là cuốn sách thiêng, đã dạy cho con cháu trong dòng họ hành nghề âm nhạc suốt 6 đời nay. Đến đời cụ, cụ vẫn dùng sách này dạy cho con cháu học đúng nghề tổ, và chính cụ cũng được cha dạy nghề từ cuốn sách này từ năm 10 tuổi.

MC2: Bước đầu khảo sát cuốn “phả nhạc”, chúng tôi biết đây là cuốn ký nhạc. Cuốn sách có 3 cách ký nhạc cho 3 loại: ký cho nhạc, cho hát và đàn; ký nhạc cho bộ gõ; ký nhạc cho kèn. Cả 3 cách ký nhạc đều dùng hán tự. Và, trong cuốn ký nhạc đó có làn điệu Nam Bình.

Cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy cuốn phả nhạc thứ hai có được sự sắp xếp, phân chia rành rẽ các thể loại âm nhạc cùng với việc có nhiều kiểu chữ nhạc để biểu thị nhiều cách đọc khác nhau như cuốn ký nhạc cổ truyền ở Điếu Ngao. Nếu chỉ dựa vào cuốn ký nhạc Điếu Ngao để đoán định nguồn gốc âm nhạc cung đình Huế xuất phát từ Quảng Trị là phiến diện, nhưng với những cứ liệu trình bày ở trên có thể chứng minh sự ra đời của dòng âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền Quảng Trị đã có mặt ở Quảng Trị từ rất lâu đời.

Chúng tôi có hơi dài dòng như vậy để lạm bàn cùng quý vị một điều rằng: bài ca Nam Bình có nguồn gốc xuất phát từ Quảng Trị hay Thừa Thiên –Huế? Bởi, nếu được phân loại thì nó được xếp vào dòng âm nhạc thính phòng cổ truyền tức là Ca Huế. Nhưng có một điều mà giờ đây ai cũng thừa nhận: Quảng Trị và Thừa Thiên –Huế ngày càng gần nhau và đồng nhất với nhau ở dòng âm nhạc chuyên nghiệp truyền thống, gọi là âm nhạc cổ truyền Trị Thiên – Huế.

Đề cập đến làn điệu Nam Bình, NSUT Hoàng Sỹ Cừ chia sẻ thêm:

PV: NSUT Sỹ Cừ

                                                                                   Thế Hùng

Nhạc cắt

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Vừa rồi nhà báo Võ Thế Hùng đã giới thiệu đến QV đôi nét về làn điệu dân ca Nam Bình, và hẵn rằng với mỗi người dân Quảng Trị khi nhắc đến những làn điệu dân ca quê hương thì không thể không nhắc đến điệu hò Như Lệ rất nổi tiếng ở Quảng Trị. Điệu hò Như Lệ mang trong mình những nét văn hóa, lịch sử rất đặc biệt, sau đây là những ghi nhận của chúng tôi.

MC1: Thạch Hãn, con sông đẹp và dài nhất tỉnh Quảng Trị. Dòng nước cứ mải miết chảy về với biển khơi, để lại những bãi bồi phù sa với những luống khoai, bãi ngô non xanh mướt. Vượt qua một quãng sông, cách Thành Cổ chừng 5 km, là bến đò làng Như Lệ, nơi đây vốn nổi tiếng với điệu Hò Như Lệ nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, hò Như Lệ không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn nức tiếng khắp vùng Bình Trị Thiên khói lửa. Công lao của hò Như Lệ đối với cách mạng, đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc.

 

MC2: Hò Như Lệ đã theo suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bằng những làn điệu êm ái, trong trẻo như nước con sông Thạch Hãn chảy ngang qua làng. Những khi lao động sản xuất trên đồng, tiếng hò lại cất lên, quyện vào giữa mênh mông bờ bãi, xua đi sự nhọc nhằn giúp người dân Như Lệ lao động có hiệu quả hơn.

Trong kháng chiến chống Pháp, điệu hò này được phổ biến rộng rãi, lực lượng dân quân du kích xã Hải Lệ đã sử dụng điệu hò với những câu chữ chứa chan ân tình để thức tỉnh, cảm hoá những người bị ép buộc phải cầm súng theo giặc quay trở về với nhân dân. Đó là nguyên nhân để hò Như Lệ được mang thêm một tên gọi khác là “hò địch vận”.

Kể từ đó, hò Như Lệ trở thành di sản văn hoá phi vật thể của quê hương Quảng Trị. Xét về làn điệu, điệu hò này được bắt nguồn và phát triển từ hò mái nhì nên có nét tương đồng về giai điệu và cấu tạo lời ca. Tuy nhiên, hò Như Lệ không chỉ bó hẹp trong không gian của “hò sông nước” mà nó mở rộng phạm vi đề tài và cách thể hiện. Ra đời từ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong lao động sản xuất cũng như quá trình tái thiết quê hương nên cuộc sống sinh động, chân thực của người dân quê cũng đi vào từng lời ca của điệu hò Như Lệ.

MC1: Người nghệ sĩ của điệu hò này chủ yếu tự sáng tác lời, tự biến tấu nhạc cho phù hợp với hoàn cảnh dựa trên làn điệu sẵn có. Hò Như Lệ có chất giọng khoẻ khoắn, dài hơi và mang nhiều sắc thái cảm xúc hơn so với các điệu hò khác như hò giã gạo, hò mái nhì…Không man mác buồn như “hò đò dọc”, hò Như Lệ mang đa sắc thái tình cảm: hát trong lúc tiễn quân ra trận thì mang sắc thái cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ; hát để khuyến khích binh lính về với cách mạng thì đầy tâm trạng của người lầm đường lạc lối; hát trong lao động, sản xuất thì trong sáng, tràn đầy niềm tin vào vụ mùa thắng lợi; hát cho người thân cách xa thì chan chứa tình yêu thương…Về cấu tạo lời ca, mỗi bài hò Như Lệ thường có bốn câu trở lên, viết theo thể song thất lục bát hoặc song thất lục bát biến thể. Do vậy, lời ca rất gọn gàng, cô đúc và khoẻ khoắn hơn so với hò mái nhì:

Bỏ súng về đi anh

Đồng xanh đang còn chờ đợi, thắng lợi vui chung

Về đây cho cha yên dạ, cho mẹ thoả lòng

Trước xứng đáng một người con yêu Tổ quốc

Sau lại xứng đáng một người chồng của em

 

MC2: Bà Ngô Thị Thời là một trong số các nghệ nhân hò Như Lệ hiếm hoi còn lại. Đến bây giờ bà vẫn nhớ, vẫn thuộc các bài hò xưa kia. Theo bà Thời, người hò Như Lệ phải thực sự có lòng đam mê, yêu quê hương đất nước thiết tha thì khi cất tiếng hò lên mới trong trẻo và có sức truyền cảm. Cũng như nhiều làn điệu khác, để chuẩn bị cho một cuộc hò, tâm hồn người hát trước hết phải trong sáng, không có bất cứ sự phân tâm nào để tập trung hoàn toàn vào mỗi ca từ. Các khâu phục trang như áo khăn chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng cũng góp phần làm nên sự tự tin cho người hò. Chính vì vậy, điệu hò Như Lệ trở nên có sức lan tỏa lớn trong mọi đối tượng, kể cả những người ở bên kia chiến tuyến.

MC1: Hiện nay, bà Ngô Thị Thời vẫn còn hát và liên tục sáng tác thêm lời mới nhằm truyền điệu hò cho thế hệ trẻ. Được lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ bằng điệu hò Như Lệ, các con gái của bà Thời hôm nay đang tiếp tục “giữ lửa” để giọng hò quê hương không bị mai một theo thời gian. Sau đây mời QV & CB cùng thưởng thức điệu Hò Như Lệ qua giọng hò của 2 nghệ nhân 2 thế hệ đó là bà Ngô Thị Thời và con gái của bà là NSUT Nguyễn Thị Thu Hằng.

Trích điệu hò như lệ

MC1: Được một lần thưởng thức điệu hò Như Lệ, mỗi người sẽ phần nào cảm nhận được hết cái tinh tuý, sự tài hoa của mảnh đất và con người nơi đây. Hò Như Lệ xứng đáng là một tài sản phi vật thể có giá trị và mang bản sắc riêng của vùng quê đã sản sinh ra nó, quê hương Hải Lệ anh hùng. Và trong lòng những người gần trọn cuộc đời gắn bó, chung thuỷ với điệu hò quê hương như bà Thời luôn dâng lên một niềm tự hào, bởi họ là lớp người giữ gìn một nét văn hóa đặc sắc, góp phần bồi đắp văn hoá cộng đồng trong quá trình xây dựng cuộc sống mới hôm nay.

Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 22/10/2019 10:11 Lê Vĩnh Nhiên 10/12/2019 15:12

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà