Tạp chí văn nghệ chủ nhật
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 27-10

Nét văn hóa trong tình yêu đôi lứa của người Vân Kiều, Pa Cô

MC1: Kính chào QV & CB đang nghe chương trình tạp chí văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị.

QV & CB thân mến! Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất đều chắt chiu và gây dựng nên những phong tục, tập quán phù hợp với địa bàn cư trú và giao lưu cộng đồng, xã hội. Đó chính là dòng chảy văn hóa được bắt nguồn từ cội nguồn, được nuôi dưỡng và phát huy suốt chiều dài lịch sử.

MC2: Trong đó, những phong tục hôn lễ truyền thống, mô hình gia đình truyền thống gắn với tập quán vòng đời, tập quán cư trú và ứng xử xã hội của các dân tộc thiểu số chính là những giá trị bản sắc cần được gìn giữ để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay. Tạp chí VNCN nhật tuần này mời QV & CB cùng chúng tôi tìm hiểu về nét văn hóa trong tình yêu đôi lứa của người Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị. Trước khi đến với nội dung này mời QV & CB theo dõi những thông tin văn hóa, văn nghệ thời gian qua.

Nhạc cắt

Trang tin

Ban Thường vụ Tỉnh ủy duyệt Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị

 

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để duyệt Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 -2024.

 

Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật ( VHNT) tỉnh Quảng Trị lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 -2024 dự kiến được tổ chức trong quý IV năm 2019. Để chuẩn bị cho Đại hội, Hội VHNT tỉnh đã thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội, xây dựng Văn kiện Đại hội, xây dựng đề án nhân sự Đại hội đảm bảo các bước theo quy trình, quy định. Nhiệm vụ trọng tâm được Hội VHNT tỉnh trong nhiệm kỳ 2019 -2024 là đề ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về văn học, nghệ thuật như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 33 của BCH Trung ương Đảng, Chiến lược phát triển băn hóa đến năm 2020 của Chính phủ cùng chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, văn học nghệ thuật. Hội cũng đề ra các giải pháp để tăng cường phát triển văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, văn học nghệ thuật dân gian. BTV Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với báo cáo chính trị trình Đại hội nhiệm kỳ 2019 -2024 mà Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hội nhiệm kỳ 2019 -2024 chuẩn bị.

Quảng Trị khai trương xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện

Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp trường tiểu học Nguyễn Tất thành, thành phố Đông Hà tổ chức khai trương hoạt động xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện, đưa ánh sáng tri thức đến vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

      Dự án xe thư viện đa phương tiện lưu động với tên gọi “Ánh sáng tri thức” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng, phát triển với sự tài trợ của Tập đoàn Vingroup phối hợp triển khai từ năm 2016. Đến nay, tỉnh Quảng Trị là 1 trong 31 tỉnh/ Thành phố trong cả nước được triển khai thực hiện dự án này. Theo đó, xe được trang bị hơn 4.500 cuốn sách các loại, 6 máy tính, một máy chủ cùng với phần mềm, máy chiếu, ti vi, tài liệu điện tử, máy phát điện và 100 ghế ngồi phục vụ đọc sách và xem ti-vi. Hoạt động của xe ô-tô thư viện lưu động đã góp phần trang bị thêm kiến thức trong học tập, giải trí, nâng cao vốn hiểu biết, trang bị cho học sinh và mọi người nhiều kiến thức trong học tập và kỹ năng sống.

Việt Nam vào top 10 điểm đến được yêu thích thế giới

Theo bình chọn của độc giả tạp chí du lịch Cntraveler, Việt Nam được xếp hạng cao hơn Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ.

Việt Nam đạt 90,46 điểm, nằm ở vị trí thứ 10 trong danh sách điểm đến được yêu thích nhất, do độc giả Cntraveler bình chọn năm 2019. Trong đó, tạp chí gợi ý du khách khám phá nhịp điệu sôi động của TP HCM, hay những điểm đến “đáng kinh ngạc” như Đà Nẵng và Hội An. Điểm số này là tỷ lệ phần trăm thể hiện mức độ hài lòng trung bình.  Indonesia là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng với số điểm 92,78. Ở đây, du khách có thể tắm nắng trên những bãi biển của bộ ba đảo Gili hay khám phá trái tim xanh của Bali, thị trấn Ubud. Xếp sau Indonesia là xứ sở chùa vàng với điểm số 92,37. Ngoài thủ đô Bangkok, thành phố Pattaya, Thái Lan còn sở hữu những hòn đảo đẹp, phù hợp với nhiều nhu cầu du lịch như Koh Yao, Koh Samui, Koh Tao, Koh Pha Ngan, Phuket... Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu đầu tiên trong bảng xếp hạng với số điểm 91,94.  

Nhạc cắt

Nét đẹp tình yêu vùng dân tộc thiểu số

MC1: Thưa QV & CB! Đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền đều mang những nét văn hóa độc đáo riêng có của mình, ngoài những nét khác biệt về trang phục, ẩm thực, các lễ hội thì quan niệm về tình yêu, hôn nhân cùng với những quy định mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng có những nét khác biệt riêng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến QV & CB một số nét văn hóa trong tình yêu đôi lứa vùng dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam.

MC2: Theo quan niệm của đồng bào dân tộc ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, trai gái Giẻ - Triêng đủ tuổi thì được phép tìm vợ tìm chồng, người con trai vào rừng săn bắn, lấy đầu thú về treo lên vách nhà rông. Con thú càng dữ thì chàng trai càng được dân làng kính trọng. Nhìn vào số đầu thú biết chàng trai có tài săn bắn đến đâu, đủ sức làm chồng làm cha, đủ sức chiến đấu bảo vệ buôn làng hay không. Còn các cô gái, khi đến tuổi thì vào rừng chặt 100 bó củi gùi về. Nhìn vào những bó củi, người ta biết cô gái ấy có khéo léo đảm đang, có đủ sức dẻo dai để làm vợ làm mẹ, để trỉa lúa, trồng bông dệt vải hay không...

MC1: Theo quan niệm của người Mường xưa, trai chưa vợ, gái chưa chồng có quyền tự do gặp gỡ không phải là ở ngoài rừng mà là ở tại phòng riêng của cô gái trên nhà sàn, có thể ngủ lại đó suốt đêm hay ra về lúc nửa đêm về sáng tùy ý thích của chàng trai và thuận tình của cô gái mà không có bất kỳ điều tiếng căn vặn gì.

MC2: Các tỉnh vùng cao phía Bắc vốn nổi tiếng với những buổi chợ phiên. Một nét đặc biệt thú vị mà gần như chẳng các vùng văn hóa chợ quê nơi khác không có được đó là một số tỉnh phía Bắc còn có chợ tình (chợ tình Sapa, chợ tình Khâu Vai). Chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm của những chàng trai cô gái đang tuổi thanh xuân, là nơi để hoài niệm về quá khứ, về một mối tình xưa cũ nào đó của những người đã qua thời son trẻ

MC1: Vào các đêm trăng sáng, tại nhà rông Gia Rai, bếp lửa sàn luôn đỏ. Đó là tín hiệu mời mọc trai tân gái son tụ về. Từng tốp, từng người lên cầu thang với niềm hứng khởi và hồi hộp lạ thường. Những đêm cộng đồng như vậy là duyên cớ cho ánh mắt tìm nhau, cho nụ cười trao nhau, cho lời ca, điệu múa, tiếng nhạc ngụ ý tặng nhau và cân đo đong đếm các phép thử của cung bậc tình cảm nam nữ. Tuy ngủ chung dưới mái nhà rông và dù có yêu nhau thắm thiết bao nhiêu chăng nữa, các cặp trai gái vẫn không vượt quá giới hạn cho phép của luật tục. Khắt khe hơn, trước kia ai vi phạm, cặp đôi nào trót nhỡ, sẽ bị phạt nặng, có trường hợp bị đuổi ra khỏi cộng đồng buôn làng.

MC2: Theo phong tục của người Hà Nhì Đen ở Lào Cai, thanh niên nam nữ không đi tìm bạn vào phiên chợ như ở nhiều dân tộc khác, họ có một lễ hội tình yêu riêng: Hội trùm chăn. Khi đôi bên thuận tình thì hai người bí mật rủ nhau vào sâu trong rừng rồi cùng trùm một tấm chăn kín mít. Rất nhiều đôi cùng trùm chăn như vậy ở nhiều nơi trong cánh rừng cấm. Tục lệ cho phép họ tùy nghi tình tự như vậy cho đến khi mãn hội. Nhiều đôi sau lễ hội trùm chăn đã nên vợ nên chồng.

MC1: Người Cơ Tu có tập tục lạ là, khi tìm chọn bạn tình, trai gái được tự do cùng nhau ngủ duông. Tục ngủ duông không diễn ra quanh năm mà có mùa đi duông nhất định. Thường là sau mùa gặt hái nương rẫy, khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, họ mở hội cúng lúa mới tạ ơn Yàng. Sau lễ hội, từng cặp nam nữ rủ nhau đến nhà duông, chung sống tình tự. Đây là dịp đôi bên được tự do quấn quýt bên nhau, giãi bày tâm sự trong một chốn riêng tư biệt lập mà không ai làm phiền được họ.

MC2: Còn người người Vân Kiều – Pa Cô sống ở miền núi phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế hôn nhân và gia đình cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số anh em, song có điều khác là trước hôn nhân, quá trình kết bạn tình lại rất lãng mạn. Theo tập quán cũ, con trai con gái vào tuổi 15 - 17 trở đi là đến tuổi đi tìm bạn tình, lựa chọn hôn nhân cho mình chứ không qua mai mối. Thanh niên nam nữ thường rủ nhau ra chòi canh trên nương rẫy xa làng hoặc tới những cánh rừng nẻo suối ưng ý, thuận tiện cho việc tâm tình. Người ta gọi đây là tục đi Sim.

MC2: Ngày nay, tuổi trẻ các dân tộc thiểu số có nhiều điều kiện và cơ hội tiếp thu những giá trị văn hóa và văn minh vào đời sống gia đình. Nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp của tình yêu hôn nhân từ ngàn đời để lại vẫn là những dấu son tô thắm cho hạnh phúc và khát vọng của gia đình mới. Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số không quên lãng, quay lưng lại với những giá trị bản sắc của truyền thống, coi đó là nền tảng, là điểm tựa cho mình trên chặng đường tìm kiếm, thiết lập, tạo dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình bền vững hôm nay.

Nhạc cắt

Độc đáo tục đi Sim ở miền tây Quảng Trị

MC1: Thưa QV & CB! Tình yêu là sự bắt đầu từ những điều gì giản dị và thực lòng nhất. Yêu là sự thương và nhớ là đi tìm người mình yêu. Thanh niên nam nữ người dân tộc Vân Kiều cũng vậy mùa xuân vào những đêm trăng  là khoảng thời gian lãng mạn để họ đi tìm “ một nữa” của mình. Nhưng cái khác biệt tạo nên một nét đẹp văn hóa, một phong tục truyền thống rất riêng không kém phần lãng mạn của tình yêu nam nữ đó là tục “đi sim”.

MC2: Khi đến tuổi dựng vợ gã chồng, như bao người khác thanh niên nam nữ người dân tộc Vân Kiều cũng đi tìm người yêu của mình. Họ được phép đến ngủ ở những ngôi nhà Xu . Những buổi đi sim ấy, họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy tình cảm,cả ánh mắt thiết tha nồng thắm.  Và phút giây lưu luyến ấy họ dường như tìm ra được “một nữa” của mình. Nếu đã phải lòng nhau, họ có thể ngủ lại ở ngôi nhà rẫy trong rừng và chàng trai sẽ trao cho bạn gái một chiếc vòng bạc để ngõ lời yêu. Trong cái điệp trùng của núi non, trăng thanh gió mát, những đêm sim lãng mạn là nền tảng đầu tiên của hạnh phúc lứa đôi để rồi đến khi đầu bạc răng long họ cũng không thể nào quên cái buổi đầu tiên lưu luyến ấy. Đi sim của người Vân Kiều trở thành một tập tục lâu đời, một nét đẹp văn hóa và một giá trị nhân văn sâu sắc đó là khát vọng yêu đương, tự do lựa chọn hạnh phúc của đời mình. Nói về tục đi sim, nghệ nhân ưu tú Kray sức cho biết:

Băng ghi âm

          MC1: Các đôi trai gái Vân Kiều  thường hẹn hò với nhau bên những bờ sông con suối, hay ở những ngôi nhà Xu giữa cảnh núi rừng  thiên nhiên  thơ mộng để  rồi nên vợ nên chồng. Núi rừng, sông suối chính  là những người bạn đồng hành  thân  thiết với những đêm  tình yêu của con  trai, con gái Vân Kiều. Luật tục cho phép khi họ đã phải lòng nhau nếu không ngủ ở nhà Xu thì các đôi trai gái có thể cùng nhau ra ngủ ngoài rừng. Người con gái mang theo một cái chăn, một cái gối, bẻ lá khô lót làm chiếu. Nếu chàng trai đã phải lòng một ai đó thì khi màn đêm buông xuống họ tìm đến nơi người đó nằm rẽ vách bật tín hiệu, đồng ý cô gái sẽ mở cửa cho vào rồi họ lại dắt nhau ra rừng, ra chòi canh để tìm hiểu nhau nhưng không được quan hệ tình dục trước hôn nhân nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì thế núi rừng, sông suối bản  làng người Vân Kiều  từ bao đời nay đã làm chứng cho biết bao mối nhân duyên như  thế. Tình yêu ấy vì thế trở nên vững bền, xanh mãi như núi rừng Trường Sơn hùng vỹ, chảy mãi như dòng sông đkrong trong xanh. Từ  thế hệ này  sang  thế hệ khác núi  rừng, sông  suối vẫn  là người bạn đồng hành  thuỷ chung với người Vân Kiều  trong cuộc  sống nói chung và trên con đường đi tìm tình yêu, hạnh phúc nói riêng.

Bà Hồ Thị Phi ở xã A Bung huyện Đakrông chia sẻ về kỷ niệm những ngày ông bà đi Sim và tìm hiểu nhau để gắn kết bên nhau suốt đời. Lúc đó tiếng hát, lời ca, tiếng khèn Aman đã trở thành công cụ, là sợ dây liên kết giúp ông bà nói lên được tình cảm của mình. Bà Hồ Thị Phi chia sẻ thêm:

Băng ghi âm

MC1: Đối với thanh niên nam nữ Vân Kiều trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua giai đoạn tìm hiểu quan trọng này. Điều này đánh dấu bước trưởng thành thực sự của con người  là khi  họ tự ý thức lựa chọn tình yêu, người yêu tâm đầu ý hợp để quyết định một cuộc hôn nhân vững bền. Vì thế những gia đình nhỏ của Người Vân Kiều ngày nay phần  lớn đã được xây dựng trên sự cảm thông và tình yêu của đôi nam nữ.

MC2: Đi Sim  - một nét  sinh hoạt đặc  sắc đã  trở  thành biểu tượng văn hoá  của người Vân Kiều. Đó là những đêm Sim lãng mạn, trữ tình, chân thành và nồng ấm hứa hẹn một tình yêu đẹp, cội nguồn của hạnh phúc. Ngoài ra đi Sim là một hoạt động văn hóa mang tính truyền thống nhắc nhở người Vân Kiều hướng về nguồn cội, gắn kết cộng đồng,tăng thêm tình thân ái, tình đoàn kết. Hôn nhân giữa con trai, con gái các bản với nhau là nhịp cầu để tất cả bà con trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Vì vậy từ bao đời nay tục lệ đi Sim đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Vân Kiều.

Nhạc cắt

Khúc hát  trong mùa tình tự của trai gái Pa cô

 

MC1: Thưa QV & CB! Ở QuảngTrị, hầu hết các dân tộc thiểu số đều có mặt và sinh sống tập trung ở hai huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrong. Mỗi dân tộc có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú.

        Trong lễ hội đi sim, người dân tộc Pa cô vẫn lưu truyền hình thức hát đối đáp- một nét đẹp trong văn hóa ứng xử đầy trữ tình, đằm thắm, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình. Đó là hát giao duyên với bốn làn điệu chính là: tăng y, areeng, atec, và xiêng. Bài viết Khúc hát trong mùa tự tình của trai gái Pa Cô của nhà báo Võ Thế Hùng, mời QV & CB cùng nghe.

MC2: Areeng là loại hình đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hẹn hò. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình, họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng.

Bước qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ còn nhiều nghi ngại, họ dần trở nên thân thuộc. Làn điệu atec giúp đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca, điệu hát. Những câu hát atec như trở thành người mai mối dẫn dắt họ tìm đến bên nhau.

Xiêng là làn điệu dân ca để bày tỏ mong ước kết đôi của hai người yêu nhau. Đó tự thấy được niềm khát khao yêu đương của lòng mình, thấy không thể thiếu được người mình yêu dấu trong đời.

Nghệ nhân ưu tú Mai Hoa Sen cho biết:

PV: Nghệ nhân ưu tú Mai Hoa Sen

         Tục đi sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Núi rừng, sông suối cũng là nơi hò hẹn lý tưởng của các nam thanh nữ tú, là bạn đồng hành thân thiết của những đêm tình yêu, là nhân chứng cho bao mối tình nên duyên vợ chồng. Lối hát giao duyên thể hiện tình cảm một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc. Núi rừng, sông suối cũng là nơi hò hẹn lý tưởng của các nam thanh nữ tú, là bạn đồng hành thân thiết của những đêm tình yêu, là nhân chứng cho bao mối tình nên duyên vợ chồng. Lối hát giao duyên thể hiện tình cảm một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc. Lời hát không chỉ để bày tỏ tình cảm mà qua đó các nam nữ thanh niên còn bày tỏ khao khát tìm được một người yêu lý tưởng.

Đi sim là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Pa cô miền núi Quảng Trị.Tuy nhiên nếp sống và văn hóa hiện đại đang dần xâm chiếm vào đời sống sinh hoạt của người Pa cô.

Nghệ nhân ưu tú Mai Hoa Sen trăn trở:

PV: Nghệ nhân ưu tú Mai Hoa Sen

 

Tục đi sim với những giá trị truyền thống tốt đẹp đang đối diện với nguy cơ có thể mai một. Cần có phương án để bảo tồn, gìn giữ văn hóa này trong mỗi người Pa cô.

                                                                         Thế Hùng

 

Nét độc đáo trong lễ cưới của người Vân Kiều

MC1: Thưa QV & CB! Mặc dù được tự do tìm hiểu, nhưng để đi đến kết hôn, trai gái Bru-Vân Kiều vẫn phải thông qua ông mối của hai bên, đó là luật tục lâu đời, đến nay vẫn còn hiệu lực. Việc tổ chức lễ cưới của người Vân Kiều ở Quảng Trị không chỉ là một việc hệ trọng đối với gia đình, dòng họ mà còn là của cả bản làng. Người Vân Kiều có câu: “Con trai lớn đủ tuổi phải lấy vợ, con gái đủ tuổi khôn gả chồng” nên sau một thời gian tìm hiểu, đôi trai gái phải lòng nhau thì cùng báo với hai gia đình để chuẩn bị lễ cưới. Ngày nay, trong đám cưới của người Vân Kiều vẫn giữ nhiều nghi lễ truyền thống gắn liền với tập quán sinh hoạt của đồng bào.

MC2: Khi chàng trai và cô gái cùng xác nhận với ông mối bên mình là đồng ý, thì chàng trai mới được phép đưa bạc cho cô gái, gọi là vantếch (bỏ của lần 1). Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà số bạc đưa cho cô gái dao động từ 1 đến 5 đồng. Khoảng 5 ngày sau đó, chàng trai đi atằm vantơr (bỏ của lần 2), số bạc đưa cho cô gái thường nhiều hơn lần trước. Sau atằm vantơr, người làm mối bên nhà gái thông báo cho bố mẹ cô gái biết rằng cô đã nhận bạc. Khoảng 10 ngày sau, không thấy gia đình nhà gái trả lại bạc thì ông mối bên nhà trai đến gia đình bên gái bàn định ngày rước dâu. Trong mỗi cuộc hôn nhân, người làm mối có vai trò rất quan trọng, là sợi dây nối liền hai gia đình, là người đi lại, chuyển tin trong từng tiến trình đi đến hôn nhân. Trong đám cưới, ông mối là chủ hôn. Sau đám cưới, ông mối là người giảng hòa nếu đôi vợ chồng có xích mích.

MC2: Ngày nay cuộc sống của người Vân Kiều ở Quảng Trị đã thay đổi nhiều từ cách ăn mặc cho đến các tập tục sinh hoạt, thế nhưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều vẫn được bảo lưu. Trong ngày cưới chính người Vân Kiều vẫn giữ tục lệ trao kiếm của chú rể cho cô dâu. Theo phong tục của người Vân Kiều thì trong ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị lễ vật xin dâu là một chiếc nồi đồng, đồng bạc trắng và 1 thanh kiếm. Thanh kiếm chính là lễ vật quan trọng nhất, được dùng để tiến hành tục lệ trao kiếm và chỉ khi thủ tục này hoàn tất thì cô dâu mới được rời khỏi nhà mình về nhà chồng. Tục lễ trao kiếm trong lễ cưới có ý nghĩa quan trọng với người Vân Kiều. Thanh kiếm biểu hiện cho sự gắn bó khăng khít giữa vợ và chồng vì người Vân Kiều quan niệm chuôi kiếm và lưỡi kiếm là hai bộ phận không thể rời nhau, chính vì vậy mà đôi vợ chồng cũng không thể thiếu nhau. Thanh kiếm còn tượng trưng cho sức mạnh của chàng trai, chính vì vậy trong một gia đình Vân Kiều sinh được bao nhiêu con trai thì sẽ chuẩn bị bấy nhiêu thanh kiếm. 

MC1:  Người Vân Kiều thường chọn buổi chiều để đón dâu. Theo quan niệm của người Vân Kiều, đây là thời khắc các vị thần linh như Thần sông, Thần suối... về với dân bản. Họ nhà trai đến đón dâu sẽ ở lại vui cùng nhà gái suốt đêm. Việc bố trí khách mời của họ nhà gái đều do người có uy tín trong bản đứng ra đảm nhiệm. Về đến nhà chồng, cô dâu phải bước vào cửa chính. Ngay giữa cầu thang, người Vân Kiều đặt sẵn một phiến đá. Phiến đá này cũng là một phần trong nghi lễ đón dâu của người Vân Kiều.  Ông Hồ Văn Tăng ở bản Ka Tăng huyện Hướng Hóa, cho biết: 

Băng ghi âm

MC2: Khi cô dâu chuẩn bị bước vào nhà, mẹ chồng cầm gáo nước dội nhẹ vào bàn chân của cô với mong muốn xóa đi những khó khăn vất vả và cầu cho vợ chồng hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Gia đình nhà trai chuẩn bị lễ vật đầy đủ như thịt, rượu, hoa quả dâng lên tổ tiên thông báo nhà có thêm một thành viên mới. Ông Hồ Văn Tăng cho biết thêm: 

Băng ghi âm:

 Đến dự đám cưới, khách thường tặng những chiếc bánh giầy và vải váy xấn để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, bền lâu. Ngoài những lời chúc tốt đẹp dành cho cô dâu chú rể, họ tập trung hát chúc mừng cho gia đình. Điệu hát trong đám cưới của người Vân Kiều là làn điệu Oát xà nớt đi kèm với tiếng sáo khui. Ông Tăng cho biết  trong ngày trọng đại này, mẹ chồng dành thời gian để dặn dò đôi vợ chồng trẻ cách ứng xử trước cuộc sống gia đình mới: 

Băng ghi âm

Chị Hồ Thị Thạch ở bản Cát huyện Đakrông chia sẻ thêm:

Băng ghi âm

MC1: Người Vân Kiều thường chọn các ngày chẵn như 6, 8, 10, 16, 18 trong các tháng đầu năm và cuối năm để làm lễ cưới. Sau lễ cưới, người Vân Kiều còn bắt buộc phải tổ chức cưới lần hai, gọi là lễ khơi hay lễ hoàn tất. Khi chưa thực hiện lễ khơi, đôi vợ chồng khi sang nhà vợ không được bước lên nhà. Những ràng buộc khắt khe đó, khiến các cặp vợ chồng dù khó khăn cũng cố dành dụm để thực hiện bằng được lễ khơi. Phong tục cưới lần 2 cũng giống lần đầu nhưng lễ vật giá trị hơn. Người Vân Kiều coi đây là cách để họ thêm gắn bó, yêu thương nhau hơn, sống hạnh phúc và gắn bó bên nhau trọn đời./.

Chào cuối.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Ngày nay, tuổi trẻ các dân tộc thiểu số có nhiều điều kiện và cơ hội tiếp thu những giá trị văn hóa và văn minh vào đời sống gia đình. Nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp của tình yêu hôn nhân từ ngàn đời để lại vẫn là những dấu son tô thắm cho hạnh phúc và khát vọng của gia đình mới. Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số không quên lãng, quay lưng lại với những giá trị bản sắc của truyền thống, coi đó là nền tảng, là điểm tựa cho mình trên chặng đường tìm kiếm, thiết lập, tạo dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình bền vững hôm nay.

MC1: Tạp chí VNCN tuần này cũng xin được khép lại tại đây. Những người thực hiện chương trình.... xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 24/10/2019 08:58 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà