Tạp chí văn nghệ chủ nhật
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 17-11

HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

MC1: Quý vị và các bạn thân mến!

“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét đẹp văn hóa bao đời nay của người Việt Nam.

MC2: Vâng thưa quý vị! Chỉ cần gõ dòng chữ “tôn sư trọng đạo”, trang tìm kiếm Google sẽ cho ra 9.720.000 kết quả. Một con số không hề nhỏ phải không ạ? Điều này cho thấy truyền thống này có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội của chúng ta như thế nào.

MC1: Chính vì vậy mà hình ảnh người thầy cũng trở thành đề tài muôn thuở của thi ca. Trong nền thơ ca các thời kì nói chung và thơ ca hiện đại nói riêng, ngoài những hình ảnh về người mẹ, người lính thì hình ảnh về người Thầy cũng được đề cập nhiều. lập được thống kê, chắc sẽ đến hàng nghìn bài thơ như thế. Chỉ riêng mùa nhớ ơn thầy cô 20/11 hằng năm, trên những trang báo học trò, đã thấy bao lời hay ý đẹp viết về “người gặp hàng ngày ” trên bục giảng này. Chính vì thế trong tạp chí VNCN tuần này chúng tôi sẽ dành phần lớn thời lượng chương trình để nói về hình ảnh người thầy trong các sáng tác nghệ thuật.

MC2: Và ngày hiến chương nhà giáo cũng đã đến thật gần, người thực hiện chương trình xin kính chúc quý thầy cô giáo một ngày lễ thật nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Bây giờ là phần nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

MC1: Trước hết mời QV & Cb cùng đến với trang tin văn hóa văn nghệ.

Tin 1: Xây dựng Quảng Trị trở thành không gian văn hóa vì hòa bình.

 Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Đề án Festival “Vì hòa bình”. Hiện nay sở đang tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lí. Dự kiến hội thảo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2019. 

Festival “Vì hòa bình” là nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Khung chương trình của một kì Festival “Vì hòa bình” bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa - nghệ thuật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về chủ đề hòa bình; hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh và cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an; hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và trùng tu, tôn tạo các di tích gắn với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa và các hoạt động xã hội, hướng trọng tâm vào chăm lo nạn nhân chiến tranh, hỗ trợ phát triển các khu vực bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt. Festival “Vì hòa bình” dự kiến sẽ được tổ chức ở quy mô quốc gia và quốc tế; nằm trong danh mục các lễ hội lớn của quốc gia.

Tin 2: Huyện Cam Lộ: Thêm 5 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 1 khu phố đạt chuẩn đô thị văn minh.

UBND huyện Cam Lộ vừa có Quyết định số 2411/QĐ-UBND công nhận 4 thôn, khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 1 khu phố đạt chuẩn đô thị văn minh mức 1 năm 2019, nâng tổng số khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn huyện lên 7 đơn vị.

Theo đó, 4 thôn, khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm các thôn: Mai Lộc 2, xã Cam Chính; Tân Xuân 2, xã Cam Thành; Quật Xá, xã Cam Nghĩa và An Xuân, xã Cam An; khu phố đạt chuẩn đô thị văn minh là Khu phố 3, thị trấn Cam Lộ. Đây là những đơn vị đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, đi đầu trong các phong trào hiến đất, hiến cây mở đường, xây dựng thiết chế văn hóa...

Tin 3: Tặng 16 tủ sách cho trường phổ thông hữu nghị Việt Lào

 Trong tháng 10.2019, tại tỉnh Savannakhet, Chương trình sách hóa nông thôn Quảng Trị đã tặng Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào, thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet 16 tủ sách (trên 700 đầu sách) với tổng trị giá trên 20 triệu đồng. Toàn bộ số sách được tặng lần này do Tủ sách Nhân Ái và Sách hóa nông thôn Quảng Trị hỗ trợ. Sách chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Văn học kinh điển, truyện tranh lịch sử Việt Nam, danh lam thắng cảnh Việt Nam, giáo dục giới tính, kĩ năng sống. Được biết, bên cạnh chương trình học tiếng bản địa, Trường Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào còn đào tạo tiếng Việt Nam nhằm giữ gìn văn hóa dân tộc cho các thế hệ Việt kiều tại Lào. Năm 2018, Chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị đã tặng trường 10 tủ sách.

Nhạc cắt

Hình ảnh người thầy trong thơ ca xưa và nay

          MC2: Thưa QV & CB! Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống quý báu của người dân ta từ bao đời nay. Truyền thống ấy đã được ông cha ta đúc kết thành những lời ca dao, tục ngữ, thành những bài thơ, khúc nhạc lắng đọng, sâu sắc thầm nhắc nhở con cháu chúng ta phải luôn biết tri ân những người thầy, người cô giáo vì sự nghiệp trăm năm trồng người mà cống hiến cho cuộc đời, cho xã hội bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Không ở đâu chúng ta bắt gặp hình tượng người thầy, người cô được nhắc đến nhiều như ở những câu ca dao, tục ngữ và cả trong những trang thơ của mỗi thời đại. Sinh thời Bác Hồ kính yêu cũng đã cho chúng ta biết đến vị trí, vai trò và công lao vô cùng to lớn của những người thầy, người cô, của nghề giáo: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý - vì đó là những kỹ sư tâm hồn”. Thật vậy, người thầy – những kỹ sư của tâm hồn cần được tôn kính và ngợi ca bằng những gì tốt đẹp nhất. Những tình cảm quý kính và ngợi ca ấy đã được các tác giả thơ ca thể hiện qua những lời ca dao ngọt ngào cũng như những bài thơ trữ tình sâu lắng.

MC1: Người xưa có câu “Một ngày làm thầy/ Suốt đời là cha”, câu nói ấy quả không sai khi chúng ta biết rằng thầy là người đã dạy cho chúng ta học tập những điều hay lẽ phải trong cuộc đời, không chỉ cho chúng ta biết về cuộc sống với muôn nghìn kiến thức mới mẻ mà ở người thầy chúng ta còn học được cách sống, đạo nghĩa làm người. Vì thế ca dao, tục ngữ ta bao giờ cũng đặt vị trí của người thầy như những người cha, người mẹ đã sinh thành ra ta để được tôn kính, mong con cháu chúng ta khắc cốt ghi nhớ: “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/ Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng” hay “Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”. Tình cảm yêu thương và công lao to lớn mà người thầy đã dành cho chúng ta cần được mãi mãi tri ân. Những câu ca dao ngày xưa tuy đã trãi qua bao thế kỷ nhưng sức sống bền bỉ và những bài học ở đó vẫn còn nguyên vẹn, có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

MC2: Ông bà ta luôn vận dụng ca dao, tục ngữ vào cuộc sống để dạy dỗ và nhắn nhủ con cháu mình không được quên công ơn của người thầy, người cô giáo: “Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”. Khi chúng ta nhận được những thành quả tốt đẹp, những trái ngọt mà cuộc đời đã ban tặng cho, chúng ta không được quên những người đã luôn ở bên, đã dạy dỗ, động viên và giúp cho ta có được thành quả ấy – đó chính là những người gieo hạt cho tương lai, người thầy vĩ đại của chúng ta “Mười năm rèn luyện sách đèn/ Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy”. Và từ trong tập tục xa xưa của người dân ta cứ mỗi độ tết đến, xuân về là con cháu tụ tập viếng thăm chúc tết ông bà, cha mẹ thì cũng không bao giờ quên tết thầy như lời ca dao: “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Hình ảnh người thầy được nhắc đến nhiều trong thơ ca dân gian không chỉ mang đến cho con cháu những bài học quý giá về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”“tôn sư trọng đạo” mà ở đó còn là những khúc nhạc trữ tình làm ấm lòng người nghe, người đọc mỗi khi được ai đó nhắc đến một lời ca dân gian có hình ảnh người thầy hiện hữu trong đó. Chị Thùy An ở TP Đông Hà chia sẻ những suy nghĩ của mình:

Băng ghi âm


         MC1: Không chỉ có thơ ca dân gian xưa mới nhắc đến hình ảnh người thầy, người cô giáo mà trong thơ mới, thơ hiện đại và cả hậu hiện đại hình tượng người giáo viên cũng đi vào trang thơ của nhiều nhà thơ tên tuổi như Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Ngọc Thiện, Thảo Nguyên… Trong rất nhiều nhà thơ nổi tiếng ấy, Trần Đăng Khoa là một trong những nhà thơ đã đem đến cho bao người đọc những vần thơ xúc động nhất khi viết về hình tượng người thầy giáo. Nhắc đến người thầy, có lẽ từ trong sâu thẳm của rất nhiều người sẽ không quên được tiếng thơ vang vọng của nhà thơ Trần Đăng Khoa qua bài thơ “Nghe thầy đọc thơ”: “Em nghe thầy đọc bao ngày/ Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà/ Mái chèo nghiêng mặt sông xa/ Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa/ Nghe trăng thở động tàu dừa”. Nhà thơ viết về người thầy của mình bằng tất cả tấm lòng, tình yêu thương và hơn thế là bằng cả tài năng, trí tuệ của mình để khắc họa lên “giọng thầy khi đọc thơ”. Có lẽ, thầy có một chất giọng tuyệt vời nên làm cho cả thế giới xung quanh cũng trở nên tươi đẹp hơn “tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà”. Bằng biện pháp nhân hóa “tiếng thơ”“nghe trăng thở”“mái chèo nghiêng” tác giả đã vẽ lên một bức tranh vô cùng sống động và xinh đẹp, ở đó có hình ảnh người thầy với tất cả tình yêu thương đã truyền đạt cho học trò của mình những bài học hay, ý nghĩa của cuộc sống.

MC2: Từ trong những năm tháng chiến tranh đau thương, gian khổ, khốc liệt, hình ảnh người thầy giáo thương binh năm nào cũng được Trần Đăng Khoa khắc họa bằng những vần thơ làm xúc động lòng người: “Sáng nào bom Mỹ giội/ Phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc ngói/ Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi/ Thầy cầm súng ra đi/ Bài tập đọc dạy chúng em dang dở/ Hoa phượng/ Hoa phượng cháy một góc trời như lửa”. Khi giặt đến nhà thì mỗi một người dân đều là một người chiến sỹ. Người thầy lúc này đây cũng vậy, thầy “cầm súng ra đi” trở thành một chiến sỹ quyết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc. Ngày trở về thầy đã không còn nguyên vẹn như xưa mà “bàn chân thầy đã mất”, nhưng tình yêu và những bài học thầy dành cho học trò của mình vẫn vẹn nguyên hơn bao giờ hết. Tình yêu ấy đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao thôi thúc lòng căm thù giặt và nuôi giữ trong trái tim mỗi người học trò tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương tha thiết: “Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc/ Cho lẽ sống làm người/ Em lắng nghe thầy giảng từng lời/ Rung động bao điều suy nghĩ/ Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mỹ/ Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường/ Em đi suốt chiều dài yêu thương/ Chiều sâu đất nước/ Theo những dấu chân người thầy năm trước/ Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất/ Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời…”.

Cũng như Trần Đăng Khoa, với bất kỳ ai, hình ảnh và những kỷ niệm về người thầy luôn là dấu ấn khó phai mờ, đó là động lực, là hành trang để bao thế hệ học trò tiếp bước thầy cô trên con đường truyền dạy tri thức. Cô giáo Lê Nam Linh đến từ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ:

Băng ghi âm

MC1: Dù ở thời đại nào truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn luôn là truyền thống quý báu của người dân ta. Và hình ảnh người thầy, người cô giáo vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất và được tôn kính nhất. Bằng những lời ca tiếng hát, những vần thơ các tác giả dân gian và các tác giả trong mỗi thời đại khác nhau đã dành tặng cho người thầy với tất cả niềm kính mến nhất. Dù là thơ ca dân gian hay thơ ca hiện đại khi viết về hình ảnh người giáo viên thì ở đó vẫn luôn chứa đựng những bài học mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn biết ghi nhớ công lao to lớn của thầy cô giáo – những người đã hi sinh cả cuộc đời để dạy dỗ, để chèo lái những con đò cập bến bờ hạnh phúc.

Nhạc cắt

MC1: Vâng thưa QV & CB! Như chúng ta đã thấy, Tôn sư trọng đạo không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn tả một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên nền tàng đạo đức của xã hội văn minh. Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn để Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phái biết sống cho phải đạo làm người. Vì vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha nghĩa mẹ, ơn thầy".  Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn để quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Và để hiểu hơn về truyền thống này, PV Phạm Quỳnh đã có cuộc PV với nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Trung Hữu. Mời QV & CB cùng nghe.

Xin chào thầy, trước tiên xin cám ơn thầy đã nhận lời mời tham gia chương trình ngày hôm nay và xin chúc thầy ngày 20-11 nhiều niềm vui và hạnh phúc. Và  chỉ còn 1 ngày nữa là đến ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 thì cảm xúc lúc này đây của thầy như thế nào ạ?

Thầy Hữu trả lời

Thưa nhà giáo Nguyễn Trung Hữu. Có lẽ đối với mỗi người dân Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo đã trở thành một đặc trưng về tính cách, một yêu cầu trong đối nhân xử thế. Bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình, theo thầy quan niệm này có những thay đổi như thế nào, theo thời gian?

Thầy Hữu Trả lời

Và khi đứng trên bục giảng, thầy đã dạy cho học trò mình những điều gì, về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam?

Thầy Hữu Trả lời

Vâng, người học trò nào cũng mang trong mình niềm tôn kính, biết ơn đối với những người đã mang đến cho mình kiến thức và bài học làm người. Tuy nhiên, khi nhắc đến truyền thống tôn sự trọng đạo, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên thẳng thắn nhìn vào thực tế để thấy rằng ở giai đoạn hiện nay, truyền thống này cũng đang có những biểu hiện trái chiều của nó.

Vấn đề đầu tiên là từ các học sinh. Có ý kiến cho rằng dưới những tác động của thời đại, mối quan hệ giữa thầy và trò đã không còn giữ được nét tôn kính như truyền thống. Bằng chứng là có rất nhiều câu chuyện về vi phạm đạo làm trò, là những điều vô lễ, xúc phạm của học sinh đối với thầy cô giáo của mình. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?

Thầy Hữu Trả lời

Và để kết thúc câu chuyện ngày hôm nay, thầy có điều gì muốn chia sẻ thêm không?

Thầy Hữu Trả lời

Xin cảm ơn thầy với những chia sẻ hết sức ý nghĩa. Và nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 kính chúc thầy cùng với toàn thể các thầy cô giáo – những người đang đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức và đạo làm người đến các thế hệ học sinh thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

MC1: Xin cảm ơn PV Phạm Quỳnh và thầy giáo Nguyễn Trung Hữu với những chia sẻ vừa rồi.

Nhạc cắt

MC1: Thưa QV & CB! cứ mỗi năm đến ngày 20/11, dù có là ai, ở nơi đâu và có làm gì đi chăng nữa, thì người Viê%3ḅt Nam lại hướng lòng mình về những người thầy, người cô, những người đã dìu dắt ta đi những bước đi trí tuê%3ḅ đầu tiên trên đường đời. Vào ngày này, những ca khúc viết về thầy cô, mái trường lại được vang lên. Từ xưa đến nay, những ca khúc hát về thầy cô và mái trường luôn là những bài hát gây được ấn tượng mạnh đối với các bạn trẻ, nhất là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

MC2: Vâng, và nhắc đến các ca khúc về thầy cô, về mái trường chúng ta không thể không nhắc đến ca khúc bụi phấn.  Đây là ca khúc quen thuộc mà hầu như học sinh nào cũng thuộc nằm lòng. Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ thơ Lê Văn Lộc. Với ca từ mềm mại, ngắn gọn nhưng cô đọng và da diết, mỗi khi tiếng hát cất lên luôn làm bất cứ ai cũng xúc động, bùi ngùi khi nhớ về những người thầy cô đã từng dạy dỗ mình. Hình ảnh bụi phấn bay bay trên bục giảng, vương cả trên mái tóc thầy là một hình ảnh đẹp mà bất cứ người học trò nào cũng khó có thể quên được. Em Hoài Hương đến từ trường THPT Đông Hà chia sẻ cảm nhận của mình:

Băng ghi âm

MC1: Với ca từ nhẹ nhàng, trong veo mà da diết, Bài học đầu tiên do nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn sáng tác là một bài hát quen thuộc của biết bao thế hệ học sinh Việt Nam. Bài hát đúng như tên gọi đó là những bài học đầu tiên thầy dạy giúp chúng ta hiểu và thêm yêu quê hương, đất nước qua những hình ảnh quen thuộc và thân thương nhất, là những bài học giúp ta hướng tới ước mơ trong tương lai… Hình ảnh người thầy với bụi phấn trắng vẫn luôn là hình ảnh đẹp trong tâm trí mỗi học sinh.

 

MC2: Một trong những ca khúc khắc họa hình ảnh người thầy đã để lại dấu ấn với biết bao thế hệ học sinh đó là ca khúc Người Thầy. Với ca từ và giai điệu tha thiết, chân tình, bài hát Người thầy đã khắc họa đậm nét hình ảnh người thầy trong tâm thức của mỗi thế hệ học trò. Nhạc sĩ Nhất Huy đã khắc họa hình ảnh về người thầy xuất hiện một cách lặng lẽ và đi bên cạnh học trò.

Thầy đã không quản ngại những khó khăn để đưa kiến thức đến với mỗi học sinh của mình. Thầy như một người lái đò lặng lẽ đưa hết thế hệ này đến thế hệ khác qua sông.

Công lao dạy dỗ của thầy là điều mà bất cứ học trò nào cũng không thể kể và trả hết được. Từng giai điệu da diết bài hát người thầy cùng hình ảnh yêu thương học trò đã làm cho không ít thế hệ học sinh phải xúc động khi được gợi nhắc về trong ngày nhà giáo Việt Nam. Em Tất Thắng đến từ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ:

          Còn em Nguyễn Kỳ đến từ trường THPT Lê Lợi lại có cảm nhận như thế này:

          Băng ghi âm

Có thể nói Bài hát Người thầy cũng mang đến cho người nghe suy ngẫm đến lặng người về cuộc đời của người thầy: “Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi. Vẫn chiếc áo xưa choàng đôi vai. Thầy vẫn đi, buồn vui lặng lẽ...”.

MC1: Hình ảnh về người thầy hiện lên một cách giản dị, chân thực và rất đỗi mộc mạc qua những ca từ của nhạc sĩ Trần Đức trong bài hát “ Khi tóc thầy bạc trắng” - bài hát như chất chứa nỗi lòng của người học trò, công lao dạy dỗ của thầy cô làm sao có thể quên.

Biết bao chuyến đò đi qua, tóc thầy cũng bạc theo mỗi thế hệ học trò nhưng sự tâm huyết của thầy cô thì vẫn còn mãi theo năm tháng. Lời bài hát da diết khiến ai cũng phải bùi ngùi khi nghĩ về những người thầy tóc đã bạc trắng vẫn tận tụy dìu dắt các thế hệ học trò trưởng thành.

MC2:  Nhớ ơn thầy cô là ca khúc với ca từ vui tươi, nhẹ nhàng nhưng cũng đặc biệt sâu lắng dành cho các thế hệ học trò tri ân những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình.

Bài hát cất lên như đưa bao thế hệ học trò quay về với mái trường xưa, với lời thầy cô dạy vang vọng đâu đây với hình ảnh người thầy tóc đã bạc trắng. Những công ơn to lớn của các thầy các cô sẽ luôn khắc ghi trong tim mỗi học trò.

MC1: Vâng, kính thưa QV! Hầu như ai cũng có một thời cắp sách đến trường với bao mộng mơ, tinh nghịch và ngây ngô của tuổi học trò. Đến khi ra trường, những kỷ niệm về thầy cô, bạn bè và trường lớp mãi in sâu trong tâm trí của mỗi người. Với những ca từ hồn nhiên, dễ thương và giai điệu nồng nàn, đầy tình cảm, các nhạc sỹ đã khắc họa lên hình ảnh những người thầy, người cô đầy thân thương và gợi lên trong mỗi người biết bao cảm xúc.  Nhân ngày 20-11, xin dành tặng các thầy cô giáo ca khúc: Người thầy để thay cho lời tri ân đến những người đã thầm lặng gieo chữ và truyền đạt tri thức đến biết bao thế hệ học trò.

Trích bài hát Người thầy

Quý vị và các bạn thân mến! Tạp chí VNCN tuần này xin được khép lại tại đây, những người thực hiện chương trình.... kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 13/11/2019 08:14 Lê Vĩnh Nhiên 10/12/2019 15:12

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà