Đất và người QT 15/11 PT
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất và người QT (pt) 15/11 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, với mong muốn tìm hiểu đầy đủ hơn về một vùng quê, An Thái có bút ký sau, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, để tôn vinh một người con đầy tài năng của quê hương Quảng Trị, nổi tiếng cả trong và ngoài nước, Hiếu Giang có bài "Một danh nhân Quảng Trị". Chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct, khi quay lại với một ngôi làng ở địa bàn đang được công nhận là vùng nông thôn mới, Nam Nguyên có tùy bút "Ấn tượng một ngôi làng". Mời quý vị thính giả cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký           BẢN SẮC MỘT VÙNG QUÊ.

                                                                                  (Xuân Dũng)

   Đó là khi ta nói về một vùng quê chạy dọc theo đường thiên lý Bắc-Nam đã có một quá trình lịch sử qua nhiều thế kỷ.

   Thiết tưởng cũng cần nhắc lại đôi điều về vùng đất Ái Tử xưa kia. Đây là nơi chốn nằm dọc theo đường thiên lý Bắc-Nam từ cổ chí kim. Vùng đất này được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp năm 1558 đóng dinh tại đây với và để lại rất nhiều dấu ấn qua năm tháng, chất chứa những trầm tích lịch sử sâu dày, những kiến trúc tâm linh, kể cả những danh lam quan trọng đối với Phật giáo Quảng Trị và hơn thế là nửa nước phía nam như chùa Sắc Tứ. Tất cả những đã làm nên một diện mạo của vùng quê này trong suốt chiều dài mở cõi của cha ông cho đến hôm nay.

  Vùng quê này  đã thành thủ phủ ngay từ những ngày đầu đầy gian nan, nguy hiểm nhưng đó cũng là lúc thể hiện rõ nhất hùng tâm đại lược của một bậc anh hùng như Nguyễn Hoàng. Đó là sự lựa chọn của lịch sử thông qua số phận và tầm nhìn của một một con người đặt cột mốc sừng sững đầu tiên trong quá trình Nam tiến của cha ông. Lịch sử và hậu thế đã ghi nhận điều này, ghi nhận công lao của một thời đại đã mang lại những thay đổi thật sự lớn lao cho giang sơn xã tắc. Ái Tử được vinh dự trong sự lựa chọn này để rồi mang lại nhiều kết quả mở rộng cương vực quốc gia, để lại một tài sản có thể nói đúng là vô giá.  Cho đến hôm nay đất này vẫn còn nhiều nơi một màu cát trắng, ấy thế nhưng đây lại là mảnh đất đắc địa với những người có chí lớn, nhìn xa trông rộng như Nguyễn Hoàng. Qủa thật mảnh đất Ái Tử đã chứng thực điều này, giúp các chúa Nguyễn, sau này là triều Nguyễn mở mang bờ cõi của nửa nước phía Nam. Có thể nói như người xưa, mảnh đất Ái Tử là đất thang mộc của nhà Nguyễn suốt mấy trăm năm. Bản đồ Đại Việt từ đây đã mở mang  rộng dài cho đến Nam Bộ, đến tận mũi Cà Mau

   Nhưng như đã nói còn có một địa danh Ái Tử khác nữa chưa được nhiều người biết đến. Chúng tôi đã đến thôn Ái Tử thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong vào một ngày mưa gió. Đây là một thôn đất rộng người đông với hơn 600 hộ dân. Thôn này có cả đồng bằng và đồi núi quanh co, nhấp nhô uốn lượn, hình thành rất lâu đời qua quá trình lịch sử.

   Cuộc sống người dân chủ yếu gắn bó với nông thôn. Dọc theo những con đường ngoằn ngoèo sẽ thấy nhà cửa của bà con nơi đây trải dài từ gần quốc lộ 1.A cho đến những xóm quê trung du rừng núi. Địa hình rộng với nhiều thế đất khác nhau đã tạo nên một sự đa dạng ít thôn nào có được. Đây vừa là thuận lợi nhưng lại cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong bước phát triển của một vùng quê có truyền thống tốt đẹp trong suốt chiều dài lịch sử. Đương nhiên vùng quê mang một tên gọi tôn vinh một đạo lý tốt đẹp nhất của con người-Ái Tử này đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có được một cuộc sống như hôm nay.

*Ông Lê Văn Tỵ, trưởng ban MTTQVN thôn Ái Tử, nói

   Cuộc sống hôm nay dù còn những vất vả, khó khăn những trở ngại cần được nhìn nhận và vượt qua nhưng con đường đi lên của Ái Tử đã có những lối hanh thông để có thể vươn đến tương lai ngày một ổn định hơn khi muốn phát triển một địa danh Ái Tử như nhiều người mong đợi sau những tháng ngày gian lao phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình, để giảm bớt đói nghèo, lạc hậu thường trói buộc nhiều làng quê.

   Dù trong mưa gió, người dân hầu như không thể làm lụng, sản xuất nông nghiệp như mùa khô nhưng nhìn phong cảnh làng quê, ruộng đồng nhà cửa, đường sá và các công trình phục vụ dân sinh cũng có thể cảm nhận một số đổi thay tích cực ở vùng quê này. Cũng như những công trình tín ngưỡng, tâm linh phục vụ đời sống tinh thần, khi cơm áo không còn là nỗi lo đeo đẳng quá nặng thì nhu cầu tinh thần được chú trọng. Đó cũng là những nét cần ghi nhận khi nói đến làng quê Ái Tử hôm nay. Và nói rộng ra đó cũng là những đổi thay đáng mừng cho những địa danh mang tên Ái Tử trên đất Quảng Trị trong quá trình thay đổi của quê hương. Những chuyển động tích cực, những  gam màu sáng sủa hơn sẽ dần là chủ đạo trên nhiều vùng quê của Triệu Phong-Quảng Trị.

  

 

      CHUYỆN VỀ MỘT DANH NHÂN.

                                                                                  (Xuân Dũng)

  Lê Bá Đảng sinh năm 1921 ở làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị và mất năm 2015. Ông bị Pháp đưa đi làm lính thợ ở châu Âu trong thế chiến thứ hai, sau đó định cư ở Pháp. Từ một người lao động bình thường, bằng tài năng và khổ công rèn luyện, ông đã trở thành một họa sĩ bậc thầy.

Có một bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau (Phông ten nơ bờ lô) năm 1946. Người đứng bên phải cạnh Hồ Chủ tịch chính là Lê Bá Đảng. Ông là một trong hai sinh viên xuất sắc được Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp cử ra tận sân bay quốc tế  Charles de Gaules (Sác lơ Đờ Gôn) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn ngoại giao Việt Nam.

Sau này, ông cũng đã có nhiều đóng góp cho kháng chiến, đặc biệt đã giúp đoàn ngoại giao để giành thắng lợi trong việc ký Hiệp định Paris 1973. Dù cho ở tận chân trời góc bể, trái tim ông vẫn luôn cùng nhịp đập với đồng bào Việt.

Hành trình nghệ thuật của Lê Bá Đảng là con đường khai sáng những chân trời mới, bắc một nhịp cầu vững chãi và ngoạn mục nối liền hai phía Đông-Tây của nhân quần. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, uỷ viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nhận định như thế. 

Họa sĩ Tựu cho biết thêm, Lê Bá Đảng đã kết hợp nhuần nhị tư duy phương Đông và kỹ thuật phương Tây trong sáng tác của mình, khai sáng một hướng sáng tác mới được thế giới công nhận mang tên đồ họa Lê Bá Đảng. Điều này càng có ý nghĩa ngay ở Paris, "kinh đô ánh sáng".

Dấu ấn Lê Bá Đảng vẫn còn in đậm ở cố hương Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đó là bốn phòng học được xây dựng bằng tiền dành dụm mà ông đã trao tặng cho con cháu của làng trong những tháng năm quê hương gian khó. Những hòn đá được họa sĩ cho mang về triển lãm ở làng quê chôn nhau cắt rốn vẫn nằm im trong mỗi buổi ngày thanh bình, yên ắng trước đình làng.

Tâm hồn người nghệ sĩ tài ba như vẫn còn nương náu đâu đây trong gốc cây, phiến đá, sân đình, trong cảnh vật làng quê nơi cố xứ níu kéo những bước chân đi xa rồi vẫn muốn quay về. Ông Lê Văn San, nguyên Trưởng thôn Bích La Đông kể, mỗi lần về thăm họa sĩ Lê Bá Đảng đều hỏi han ân cần chuyện làng xóm, chuyện làm ăn của bà con, chuyện học hành của lớp trẻ. Nhiều lần về quê mắt ông rưng rưng.

Người thân và làng xóm quê hương vẫn luôn nhớ về  ông. Bà Lê Thị Sửu, em dâu họa sĩ Lê Bá Đảng tuổi gần tám mươi, sức khỏe đã yếu, giọng đầy xúc động khi nhắc về người anh đã khuất: "Ông ấy thương em út lắm, nghe gió bão, lũ lụt đều gọi điện về hỏi thăm. Làm được điều gì, ông luôn quan tâm, san sẻ cho em út, cho gia đình, làng nước. Ông sống tình cảm lắm!".

Quê cũ đầy ắp một không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng. Từ bình phong, cổng nhà cho đến khu vườn như vẫn còn đọng lại ánh mắt và tâm hồn của người nghệ sĩ. Một người đã sống gần trọn đời người ở phương Tây mà vẫn có cách cảm, cách nghĩ rất Việt Nam, vẫn nằm lòng âm dương, ngũ hành, vẫn nhớ những điều quê kiểng nhất. Và ông đã tái tạo bằng nghệ thuật, thứ nghệ thuật vừa hiện đại, đa tầng, đa nghĩa lại vừa cụ thể, gần gụi với cảm thức Á Đông.

Tùy bút:

             ẤN TƯỢNG MỘT NGÔI LÀNG.

                                                                                 (Xuân Dũng)

   Có nhiều khách bộ hành đã qua lại nơi đây nhiều lần nhưng chưa dễ đã biết lai lịch quê hương này.

   Cam Vũ cũng là làng quê nằm trên trục đường xuyên Á, đoạn phía dưới thôn Tam Hiệp, cũng có ruộng đồng xanh tốt, thôn xóm hiền hòa bên cạnh những lạch nước bốn mùa tưới mát thôn trang. Những cảnh tượng Cam Vũ cũng có thể coi là tiêu biểu cho làng quê Quảng Trị, vừa giữ được nét xưa lại vừa lột xác đói nghèo, lạc hậu mà đi lên trong tiến trình đổi mới.

     Một nét khá đặc trưng cho chân quê Việt Nam là chùa làng an tọa hiền hòa trong lòng xóm thôn mộc mạc. Ngoài biểu tượng quen thuộc bộ ba: cây đa, bến nước, sân đình thì chùa làng cũng là một điểm nhấn không chỉ về kiến trúc, cảnh quan mà còn là tâm điểm của đời sống tín ngưỡng tâm linh, giúp con người   hướng thiện và hướng thượng. Bởi sự cần thiết của  đức tin bao giờ cũng là nhu cầu quan trọng và thiết thực với mỗi con người, nhất là khi tiếp cận với thế giới văn minh trong cơ chế thị trường  như này nay.  Ở Cam Vũ sau nhiều biến động về địa lý và lịch sử của quê hương đất nước, chỗ dựng chùa cũng đôi bận đổi thay. Nay được tọa lạc trên một mặt bằng thoáng đãng và thanh tịnh, âu cũng là chữ  duyên của một làng quê.

      Khi đời sống ấm no và nhiều nhà khấm khá thì con người có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tinh thần, tâm linh cũng  là điều dễ hiểu. Dạo quanh làng sẽ thấy nhiều công trình tâm linh như nhà thờ họ, đặc biệt là các họ có công khai lập xóm thôn thưở trước nay được con cháu tôn vinh. Đây cũng là nét đẹp lành mạnh trong đời sống tinh thần ở nông thôn Cam Vũ thiết thực tô đắp truyền thống đạo lý thiện lành : uống nước nhớ nguồn.

   Đình làng Cam Vũ là một trong những đình làng bề thế, khang trang, có không gian kháng đạt,  được xây dựng trên chính mảnh đất thờ phụng tiền nhân lập làng xưa kia. Đình làng cũng là nơi  ẩn chứa nhiều dấu tích lịch sử của làng và của quê hương Quảng Trị qua những bước ngoặt lịch sử và những khúc quanh của mỗi đời người. Ngay chính những cây đa trước và sau đình làng cũng chất chứa nhiều chuyện lạ, bởi qua chiến tranh khốc liệt, đạn bom như rải thảm vậy mà những cây này không hề hấn gì càng hun đúc một niềm tin và lòng sùng kính với những bậc tiền hiền.

      Làng quê  hôm nay đã có vẻ ngoài khang trang, tươi mới, cảm giác như thay đổi không chỉ tính bằng năm tháng mà có thể nhanh hơn trong mắt mọi người. Họ vẫn làm lụng với công việc của mình, từ ruộng vườn cho đến các ngành nghề dịch vụ, miễn sao linh động, tạo được nhiều việc và tăng thu nhập gia đình. Nhìn nhà cửa, vườn tược, đường làng  ngõ xóm kiên cố và  xanh, sạch, đẹp rất thích mắt trước cảnh trí nông thôn vừa văn minh, lại vừa có nét truyền thống lâu đời. Phải nói rằng những năm gần đây, người dân đã đồng lòng đồng sức xây dựng làng quê ngày một rạng ngời, mới mẻ. Trong đó không thể không nói đến sự đóng góp của những người con xa quê. Họ, mặc dù mỗi người một việc nhưng ly hương bất ly tổ đã đóng góp đáng kể để xây dựng các công trình tín ngưỡng, tâm linh cũng như hạ tầng cơ sở của làng. Đây lại cũng một nét đẹp trong đạo nghĩa của dân làng, khi tất cả đồng tâm hiệp lực hướng về nguồn cội. Nhiều nguồn lực hợp lại cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước trong các chương trình đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới nên càng làm cho hình ảnh xóm thôn ngày càng thanh tân, tràn đầy sức sống. Đó cũng là nguồn động viên cho mỗi người dân trong cuộc sống hôm nay khi chung tay tạo dựng gương mặt làng quê.

   Làng quê đang trải dài  với những cánh đồng no ấm, với những hàng cây mang bóng dáng quê hương, với những nếp nhà vừa quen vừa lạ trong quá trình thay da đổi thịt. Làng quê dù vẫn còn nhiều vất vả, gian lao nhưng vẫn hứa hẹn những điều tốt đẹp, đang rrạo rực chuyển mình đổi sắc như là một quy luật thường tình và bất biến khi người ta là hoa của đất.   Năm tháng đời người rồi sẽ đi qua, để lại tâm huyết nở hoa kết trái trên quê hương máu thịt ruột rà. Đó cũng là bài ca xây dựng lặng lẽ mà cao quý, mở ra những trang mới ngày một tốt đẹp hơn của một làng quê giàu truyền thống trên đất đai Cam Lộ đang vươn mình trong nhịp đời hối hả hôm nay.

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 14/11/2019 05:14 Lê Vĩnh Nhiên 10/12/2019 15:12

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà