Tạp chí dân tộc miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí dân tộc 1-12

Kính chào đồng bào và các bạn! Đồng bào và các bạn đang theo dõi tạp chí dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình hôm nay chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn phóng sự: Hướng Hóa tìm giải pháp cho người trồng cà phê khi giá cà phê giảm. Tiếp đó là một số ghi nhận về nỗ lực của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế ở vùng cao. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Nhạc cắt

Hướng Hóa tìm giải pháp cho người trồng cà phê

Thưa đồng bào và các bạn! Huyện Hướng Hóa là một trong hai vùng chuyên canh cây cà phê của khu vực miền trung Tây Nguyên. Những năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Hướng Hóa, nhiều người dân trồng cà phê không còn mặn mà với cây cà phê. Một phần là do liên tục nhiều năm liền cà phê mất giá, bên cạnh đó là biến đổi khí hậu làm cho cây cà phê cũng liên tục mất mùa. Trước thực trạng trên, huyện Hướng Hóa đã phối hợp với các chương trình dự án, xây dựng mô hình trồng cà phê theo nhóm hộ đồng thời hỗ trợ cho người trồng cà phê ở trên địa bàn.

Toàn huyện Hướng Hóa hiện có hơn 5.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân và rải rác ở một số xã khá‌c. Nếu như trước đây cây cà phê đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Vì cà phê là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh gây hại, chỉ cần giá khoảng dao động từ 40.000- 50.000 đồng/ký là nông dân có thu nhập ổn định để gắn bó với cây cà phê. Tuy nhiên, hiện nay giá cả bấp bênh nên nhiều nông dân không dám đầu tư vì sợ cảnh thu lỗ, việc chăm sóc cầm chừng làm cho nhiều vườn không đạt năng suất, cây bị sâu bệnh tấn công. Việc giá cà phê liên tục giảm mạnh trong khi đó giá thuê nhân công ở mức cao, nhiều gia đình không dám thuê nên đành tự bỏ công hái hoặc bỏ không thu hoạch.

Phỏng vấn

Chị HỒ THỊ ĐÔNG

Thôn Trằm – Hướng Tân – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Gia đình tôi trước đây có trồng một rẩy cà phê nhưng 2 năm nay gia đình bỏ vườn không đầu tư thu hoạch, không trồng nữa vì giá cà phê thấp quá. Bây giờ tôi chỉ đi hái cà phê thuê cho người ta thôi. Nhiều gia đình trong thôn cũng vậy, vì giá cà phê thấp mà công chăm sóc và thuê nhân công khá cao nên không đủ để chi trả, đành bỏ vườn thôi. Tiếc thì cũng tiếc nhưng không biết làm sao.)

Chị HỒ THỊ IN

Thôn Trằm – Hướng Tân – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Giá cà phê thấp quá, tiền bán không đủ để trả tiền phân bón và thuê nhân công nên gia đình tôi bỏ không trồng cà phê mấy năm rồi. Bây giờ đi hái cà phê thuê mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng đến 200.000 ngàn đồng. Chúng tôi mong sao cà phê được giá như mọi năm, khi đó gia đình sẽ khôi phục lại vườn cà phê, vì những năm trước nhờ cà phê mà đời sống gia đình khấm khá hơn. Mấy năm nay thì buồn quá... )

Giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo, bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, thu hái, phơi phóng… Theo một số nông dân, nếu tình trạng giá cà phê xuống thấp tiếp tục kéo dài buộc họ sẽ phải chuyển hướng sang trồng các loại cây khác chứ không trồng cà phê.

Phỏng vấn

Anh TRẦN HỮU NAM

Xã Hướng Tân – Hướng Hóa – Quảng Trị

(Gia đình tôi trồng cà phê từ năm 1994 và đến năm 1995 thì chuyển sang trồng cà phê đại trà, tính đến bây giờ thì cũng đã 2 – 3 lần thực hiện tái canh cây cà phê. Cũng như nhiều bà con khác ở địa phương, nếu như cây cà phê cho hiệu quả cao, năng suất, chất lượng tốt, giá cả ổn định thì sẽ tiếp tục trồng. Còn hiện nay cà phê không đạt năng suất, giá cả bấp bênh thì gia đình cũng có chủ trương chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, không đạt năng suất để sang trồng một số loại cây khác như trồng hoa, trồng màu... )

Vì cây cà phê vẫn là một cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa nên trước thực trạng nói trên, thời gian qua huyện Hướng Hóa cũng đã triển khai thực hiện các chính sách phát triển cây cà phê như: chương trình tái canh cà phê theo hình thức đốn đau, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của các địa phương… và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Tuy nhiên, để giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước mắt, chính quyền và doanh nghiệp cần có ngay giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo bà con bình tĩnh, không nên vội vã chặt bỏ vườn cây hoặc chán nản, bỏ bê làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê của vụ sau.

Phỏng vấn

Ông HỒ QUỐC TRUNG

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa – Quảng Trị

( Đối với cây cà phê hiện nay, thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh về các cây chủ lực thì ở huyện Hướng Hóa cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực. Chính vì thế, huyện Hướng Hóa đã tập trung vào các giải pháp như vẫn duy trì diện tích cây cà phê, tái canh cây cà phê bằng phương pháp đốn đau. Để nâng cao sản phẩm đầu ra chúng tôi cũng tiến hành một số phương pháp như nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để tạo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê. Khi thu nhập của bà con tăng thì bà con sẽ duy trì diện tích cà phê trên địa bàn.)

Để giải quyết thực trạng khó khăn cho người trồng cà phê ở Hướng Hóa, duy trì diện tích, tiếp tục triển khai phương án tái canh cho những diện tích cây đã già cỗi bên cạnh những giải pháp của các cấp chính quyền thì việc nâng cao chất lượng cà phê bằng cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín theo tiêu chuẩn, sản xuất theo phương thức an toàn được xem là một trong những giải pháp giúp tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm cà phê đang rớt giá hiện nay.

Nhạc cắt

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế ở vùng cao

Thưa đồng bào và các bạn! Không chỉ đối mặt với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, núi cao vực thẳm, đường sá xa xôi, vất vả, mà trước đây những cán bộ y tế, y bác sĩ ở vùng núi huyện Đakrông còn phải làm việc trong tình trạng rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế. Từng được coi là vùng trũng về y tế, tuy nhiên những năm gần đây, từ sự quan lâm của chính quyền địa phương, nhất là trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. 

Trên cơ sở kế hoạch xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực y tế phù hợp với chiến lược đào tạo của đào tạo nhân lực ngành và đặc thù của địa phương, Trung tâm y tế Đakrông đã  gắn việc  đào tạo với sử dụng và quản lý nguồn nhân lực y tế. Trong đó, bên cạnh chủ động về nguồn cán bộ làm công tác y tế dự phòng, đơn vị luôn chú trọng  tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cán bộ chuyên khoa, định hướng đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ. Đến nay, 100% số xã đã có bác sỹ đạt chuẩn, có nữ hộ sinh. 12/14 trạm y tế có  dược sỹ trung học; 8/14 trạm y tế có y sỹ y học cổ truyền…Riêng tại tuyến huyện, các khoa phòng đã có bác sỹ chuyên khoa, một số được đào tạo chuyên sâu trong khám và chữa bệnh nên chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao. Người dân trên địa bàn tin tưởng điều trị mà không phải lo vượt tuyến như trước đây.

Phỏng vấn

Ông HỒ VĂN RỒNG

Xã A Ngo – Đakrông – Quảng Trị

(Người dân của bản làng mình dù ở xa hay gần khi đau ốm đều đến trạm y tế để khám. Đến đây được các bác sỹ, y tá chăm sóc nhiệt tình, dân bản chúng tôi yên tâm tin tưởng, bữa nay đau ốm không phải lo đi xa nữa, cứ đến trạm để khám chữa bệnh thôi.)

Y tế cơ sở được coi là “người gác cổng”, tiếp cận sớm khi người dân ốm đau, bệnh tật,  thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Riêng trong 6 năm qua, đã có gần 20 cán bộ y, bác sỹ được đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đã đóng góp tích cực vào việc cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế, giảm áp lực quá tải cho tuyến trên và nhất là đảm bảo công bằng hơn trong tiếp cận y tế của người dân trên địa bàn. Khó khăn về y tế ở huyện miền núi Đakrông còn rất lớn do địa bàn rộng lớn, dân cư sống phân tán, khoảng cách đi lại từ các xã, bản về trung tâm y tế rất xa nên hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Vì vậy nâng cao chất lượng y tế vùng núi Đakrông là công việc cần thiết, cấp bách, trong đó tập trung củng cố đội ngũ cán bộ  y tế dự phòng tuyến cơ sở và y tế điều trị chuyên khoa ở tuyến huyện và khu vực.

Phỏng vấn

Ông CHÂU VĂN HIỀN

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông – Quảng Trị

(Hiện nay phải nói rằng theo nhu cầu của nhân dân trên địa bàn chúng tôi lựa chọn những lĩnh vực chuyên môn còn yếu, còn thiếu để tập trung đào tạo chẳng hạn như: đào tạo bác sỹ gây mê hồi sức, bác sỹ về hồi sức cấp cứu và đặc biệt chúng tôi đảm bảo đào tạo số bác sỹ có trình độ chuyên khoa như  Tai – mũi – họng, Răng – hàm – mặt ... )

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giai đoạn 2019 – 2025, ngành Y tế Đakrông  tiếp tục tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cán bộ chuyên khoa, định hướng đào tạo chuyên sâu; gắn với đó là bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ, chú trọng phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ, đi đôi với việc khuyến khích cán bộ y tế đa khoa  tham gia học thêm một số ngành còn thiếu nhân lực như: dược, y tế dự phòng, khám chữa bệnh chuyên khoa HIV/AIDS, nhi… đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới./.

          Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 26/11/2019 15:46 Nguyễn Việt Hà 09/12/2019 07:52
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà