Đất và người QT 6/12 pt
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất và người QT pt 6/12 -Thưa quý vị và các bạn! Để hiểu hơn phần nào những đổi thay trên mặt trận nông nghiệp Quảng Trị sau 30 năm tái lập, An Thái có bút ký "Cho cả ngày mai". Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Qúy thính giả thân mến! Tiếp nối ct, với sự tìm hiểu về đời sống tâm linh của một vùng quê, Hiếu Giang có bài viết sau, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct, trong hành trình khám phá các làng quê, tùy bút "Một ngôi làng Quảng Trị" của Tam Nguyên sẽ là những cảm nhận như thế, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy vị vừa nghe ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của ...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                    CHO CẢ NGÀY MAI...

                                                                              (Xuân Dũng)

  Người xưa nói chữ :”ôn cố tri tân” với nghĩa ôn cũ để biết mới, còn dân Quảng Trị nói nôm na, mộc mạc : “Ăn cơm mớí, nói chuyện cũ”. Nghĩa là cuộc sống được thể hiện qua cơm áo, sống thời phải ăn và ăn mới có thể sống. Nói như chân lý, hết cãi.         

 Cách đây hơn 40 năm, trong muôn vàn khó khăn khi đất nước hòa bình, thống nhất,  tỉnh Bình Trị Thiên lúc ấy quyết định làm công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn mà dân gian quen gọi là Đập Trấm, vì đây là tên con đập ngăn dòng sông Thạch Hãn để làm thủy lợi. Cũng cần phải nói thêm rằng ý tưởng này đã có từ thời Pháp thuộc. Người Pháp đã dự định làm nhưng rồi vì nhiều lý do chuyện này đã không thành hiện thực. Nhưng làm thủy lợi mà lại công trình đại thủy nông vào giữa thời buổi khói súng còn chưa tan, bom đạn hậu chiến còn ngổn ngang, đời sống người dân còn cơ cực, phương tiện máy móc hầu như không có hoặc còn thô sơ, ít ỏi thì đúng là thi gan với trời nên nhiều người cho là ảo tưởng. Thời ấy tinh thần lãng mạn, có phần duy ý chí nhưng thể hiện khát vọng chinh phục của con người, ít nhất là trong mặt trận sản xuất nông nghiệp, kiểu “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Bởi nếu công trình thủy lợi này hoàn thành thì không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn một nửa tỉnh Quảng Trị mà còn tác động tích cực đến tưới tiêu cho ruộng đồng ở Thừa Thiên–Huế.

  Nếu thủy lợi Bàu Nhum là dấu ấn quan trọng thời nước nhà còn chia cắt thì công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn là bản tráng ca hùng vĩ của nước sau ngày giang sơn nhất thống mà dân gian quen gọi vắn tắt là thủy lợi  Đập Trấm. Công trình này được khởi công vào cuối thập niên 70 và hoàn thành vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chủ yếu cũng bằng thủ công. Được xây dựng cũng vào thời điểm hậu chiến trong hoàn cảnh cam go khi đạn bom còn sót lại sau chiến tranh, đói rét, ốm đau vây bủa mọi người nhưng vượt lên tất cả những bàn tay, khối óc của người dân Bình Trị Thiên đã viết nên trang sử hoành tráng để đời, chặn dòng sông Thạch Hãn, tạo nên một Đập Trấm kỳ vĩ, tưới mát cho một nửa nền nông nghiệp Quảng Trị và góp phần cho thủy lợi của Thừa Thiên-Huế. Cũng cần nói thêm rằng, chỉ huy trưởng công trường ngày đó là kỹ sư thủy lợi Nguyễn Đức Hoan, sau này là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị. Công trình này đúng nghĩa  là "cỗ máy cái" thủy lợi Quảng Trị với tác dụng rất to lớn không chỉ về tưới tiêu mà còn về nhiều mặt khác như cải tạo môi trường, cảnh quan, tạo nên những đột biến căn bản và lâu dài. Điều này cũng đã được chứng thực gần bốn chục năm qua.

*Ông Lê Đình Thanh, thôn Tân Mỹ, Hải Lệ, tx Quảng Trị, nói

   Muốn hiểu tác dụng thủy lợi như thế nào hãy nhìn vào thực tế cuộc sống, hãy nhìn vào những cánh đồng Quảng Trị sẽ biết được câu trả lời rõ nhất từ đất và nước.

   Nói đến công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn không thể không nhắc đến một người ưu tú của quê hương Quảng Trị, cố TBT Lê Duẩn. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngoài chuyện quốc gia đại sự vẫn luôn đau đáu với quê nhà, trong đó có việc tâm huyết với công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn để làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp Quảng Trị. Nguyện vọng tha thiết của người con từng gắn bó bên dòng sông Thạch Hãn là làm thế nào để lấy nước chính con sông này tưới mát ruộng đồng, đem lại no ấm cho bao người. Tâm nguyện ấy đã thành hiện thực với sự ra đời của công trình thủy lợi thế kỷ ở Quảng Trị, đáp ứng khát khao của đất và người quê hương, đem lại cuộc sống ấm no và an lành cho những ước mơ nay đã thành hiện thực.

   Câu chuyện thủy lợi không chỉ gói gọn trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn đem lại những thu hoạch thực sự về chính trị, về thế thái nhân tình. Một bài học lớn được rút ra, đó là khi trên dưới một lòng thì nhất định sẽ làm nên mọi việc dù khó khăn đến mấy. Ý Đảng, lòng dân thống nhất không hề là câu khẩu hiệu nếu ta biết nhìn lại những bài học sinh học từ quá khứ không xa và biết thành tâm vận dụng vào hiện tại.

           DẤU ẤN PHẬT GIÁO Ở MỘT VÙNG QUÊ.

                                                                                       (Xuân Dũng)

   Nói đến văn hóa Hải Lăng không thể không thể không nhắc đến hệ thống đình chùa miếu vũ ở đây. Các công trình này vừa nhiều vừa tập trung với mật độ khá dày đặc ở làng quê Hải Lăng.

 Có thể nhắc đến chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước ở xã Hải Thọ như một dẫn chứng. Chùa Diên Thọ có một lịch sử hàng mấy trăm năm, là một trong những di tích tiêu biểu cho tín ngưỡng Phật giáo ở vùng đất Kẻ Diên. Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi khi ngày trước ở đây cây cối um tùm, đường sá khó đi. Qua bao phen chiến tranh ly tán, chùa Diên Thọ đã được xây dựng lại và có được diện mạo như hôm nay. Chùa Diên Thọ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Theo giới chuyên môn thì chùa được xây dựng trên một đồi cát, với trước là trằm nước nổi nối với Bàu Chùa làng Câu Hoan. Chùa được xây dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) và được hoàn thành vào năm 1759. Chùa được tu bổ nhiều lần nhưng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản xưa kia. Chính điện là một ngôi nhà ba gian hai chái nhưng nhờ nghệ thuật sử dụng chái kép nên không gian mặt bằng được nâng lên theo chiều dọc. Kết cấu theo kiểu cột chống, cột mốc. Chính điện thờ bộ tượng tam thế,  kế tiếp là thượng Thích Ca tọa thiền, thấp hơn nữa là tượng Thích Ca sơ sinh. Gian bên tả thờ tượng Quan Thế Âm, phía sau thờ vọng thủy tổ 12 dòng họ vô tự.  Hai bên tả hữu cạnh khảm thờ các vị thủy tổ còn có bàn thờ thờ chư vị phật tử ký tự. Hậu liêu thờ Bồ Đề Đạt Ma. Thượng tọa Thích Tín Thuận, Trưởng ban nghi lễ GHPGVN tỉnh Quảng Trị kể chuyện lịch sử của một số ngôi chùa ở xứ Kẻ Diên. Nhà sư xác tín về văn hóa Phật giáo đã thấm đẫm từ lâu trên đất Quảng Trị, ngay từ lúc đồng bào vào đây theo chúa Nguyễn Hoàng lập làng mở cõi.

 Cách đó một đoạn đường ngắn là chùa Diên Bình, một ngôi chùa được ra đời sau  này do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con nơi đây. Chùa tọa lạc bên cạnh con đường lớn, thuận tiện cho bà con phật tử đi lễ hoặc vãn cảnh chùa. Người dân đến với chùa như đến ngôi nhà tinh thần thứ hai của mình, đặng tu tâm dưỡng tính, hướng thiện và hướng thượng. Sinh hoạt Phật giáo đã trở nên một nét riêng biệt, an hòa trong đời sống của người dân quê sau những lo toan  trong cuộc sống hàng ngày. Cách đó không xa là chùa Diên Phước hay còn có tên gọi là chùa Chính Phước. Đây cũng là một ngôi chùa cổ có tuổi đời hàng thế  kỷ, xuất xứ từ một niệm phật đường xưa kia. Vị trí này vốn dĩ là vùng đất trũng nằm giữa vùng ruộng nước, sau được đắp bồi dần, được xây cất và tu bổ ngày càng tử tế và thành hình như hôm nay. Ngôi chùa sau rất nhiều biến động thế sự vẫn bằng an, thanh tịnh trong đời sống tâm linh trong câu chuyện của những người quan tâm đến đời sống tín ngưỡng của bà con ở xứ Kẻ Diên.  Ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa khác, gần gũi với chúng sinh, tạo một mối giao hòa gữa đời và đạo, được nhiều người tìm đến để chia sẻ tâm tình. Người ta đến với nhau bằng tình người, bằng những sẻ chia chuyện đời, chuyện đạo để làm cho cuộc sống thêm tươi vui, thái hòa, xua đi những bận bịu đời thường. Âu đó cũng là nét đẹp cần được duy trì trong sinh hoạt phật giáo hiện nay. Cũng như mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, kinh kệ thì tâm hồn lắng lại, để cảm nhận sâu hơn cuộc sống con người, để có thể bình tâm tránh những cám dỗ tham, sân, si –Những tinh hoa của tinh thần Phật giáo cho lòng thêm được đôi phần nhân ái, từ tâm.

Cũng ngay ở chùa này ngoài giá trị của một ngôi cổ tự với cảnh quan khá đẹp mắt là các di tích gắn liền với người dân Kẻ Diên ngay trước tiền đình, đó là chiếc giếng làng ngày xưa và miếu thờ một vị tướng đã có công với dân với nước. Chỉ quanh quẩn mấy bước chân mà chứa đựng nhiều tầng sâu văn vật.

 

 

Tùy bút:

                   MỘT NGÔI LÀNG QUẢNG TRỊ.

                                                                              (Xuân Dũng)

   Chúng tôi lại đi điền dã về làng Nhĩ Thượng thuộc xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh với hành trình khám phá.  Đầu tiên là Sác, hay gọi cho đầy đủ là rừng Sác, một cánh rừng ngập mặn dọc theo sông Cánh Hòm đoạn này dài đến ba cây số chạy dài lên đến cầu Bến Ngự mới dừng lại.

 Cần nói thêm rằng, sau này do làm thủy lợi vào thập niên 80 của thế kỷ trước nên dòng nước đã thành dòng nước ngọt, đây cũng là một nét độc đáo trong thay đổi địa chất thủy văn cần các nhà chuyên môn tìm hiểu. Vì cho đến nay vẫn chưa có một giải đáp khoa học về sự ra đời và phát triển của khu rừng kỳ lạ này. Chỉ biết rằng dù nước thay đổi nhưng cấy cối vẫn thích nghi và xanh tốt như thường, như chẳng có chuyện gì xảy ra, thậm chí mới đây còn thu hút nhiều chim quý hiếm về đây. Đây chính là lá phổi xanh điều hòa sinh thái  cho ngôi làng Nhĩ Thượng, một báu vật trời cho từ ngàn đời nay cần gìn giữ như chính ngôi nhà của mỗi gia đình. Nếu có dịp về đây trải nghiệm theo lối điền dã sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ.

  Ngoài rừng ngập mặn nguyên sinh Nhĩ Thượng còn có một rừng tràm tự nhiên với diện tích lên đến 10 ha nằm trên đồi cát cũng không xa cao điểm 31. Rừng tràm trải rộng theo những cồn cát, địa hình cũng nhấp nhô, uốn lượn. Đi bộ vào rừng hay nhìn từ trên cao đều khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Đây cũng là một ân tứ của thiên nhiên ưu ái cho con người nơi đây. Vì ở những cồn cát, trảng cát được mệnh danh là tiểu sa mạc hay tiểu bán sa mạc trong thời tiết nắng lửa gió Lào nếu không có những cỗ máy thiên nhiên xanh như rừng tràm thì ắt hẳn quá trình sa mạc hóa chỉ còn là chuyện thời gian. Nhưng chính nhờ trời đất sinh hạ những rừng cây như rừng tràm này mà con người được hưởng lợi to lớn và bền vững. Mới giáp mặt rừng tràm đã thấy mùi thơm dậy lên từ một loài cây dược liệu truyền thống quen thuộc với một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị là nguyên liệu chế biến dầu tràm, trị được một số loại bệnh rất công hiệu, có tác dụng rất tốt cho trẻ nhỏ và phụ nữ mới sinh, làm nên một thương hiệu trong y học cổ truyền. Ngay giữa rừng tràm, trên đồi cát cao, dù giữa ngày hè nắng như lò lửa vẫn tồn tại nhiều hồ nước lớn nhỏ, vẫn ngoan cường không chịu cạn khô mà thủy chung tưới mát đất đai. Người dân bản địa khẳng định với chúng tôi rằng: rừng tràm cũng chính là một nguồn nước hết sức quan trọng cung cấp nước và giữ ẩm cho đất đai, cây trồng địa phương. Vì vậy việc bảo vệ rừng tràm là rất cần thiết. Được biết cơ quan kiểm lâm địa phương đã làm thủ tục bàn giao diện tích rừng tràm cho thôn quản lý. Đây cũng là một biện pháp hay vì không ai giữ rừng tốt hơn là người dân tại chỗ, nhất là với một vốn quý như rừng tràm Nhĩ Thượng.

   Về đây chúng tôi mới được chia sẻ sáng kiến khá táo bạo nhưng lại có cơ sở thực tế của người dân Nhĩ Thượng, đó là ý tưởng làm du lịch sinh thái trên chính làng quê của mình.

      Một điều mà cán bộ thôn vẫn còn băn khoăn là du lịch sinh thái nếu thành hiện thực sẽ gắn với địa chỉ tâm linh là di tích cao điểm 31. Tuy nhiên theo họ, đường bậc thang không thích hợp với nhiều khách gần xa, nhất là với những người cao tuổi, các cụ hưu trí muốn đến dâng hương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì vậy có thể đầu tư một con đường khoảng 800 mét để ô tô lên tận di tích, tạo điều kiện cho du khách viếng thăm, và con đường này cũng thông thương thuận lợi khi về biển Gio Hải.

   Khám phá Nhĩ Thượng còn là nhìn sâu hơn, hiểu rõ hơn một ngôi làng tưởng chừng quen thuộc. Bởi vì dù cho có đến đây thêm nhiều lần nữa cũng không chắc hiểu hết mảnh đất này. Đó là sự quen còn sự lạ thì khó cắt nghĩa hơn vì chúng chứa đựng nhiều bí mật của đất trời cẩn giải mã , mà để hiểu nguồn cơn những cơ mật của tạo hóa thì thật không dễ dàng gì, nhiều khi là bất khả thi, bất khả tri luận, vượt qua sự hiểu biết vốn rất hữu hạn của con người. Song, chỉ cần biết rằng: nên chung sống hòa thuận với thiên nhiên, nên nương tựa vào thiên nhiên mà sống phù hợp với quy luật tự nhiên, lễ độ với thiên nhiên thì ắt hẳn sẽ có sẽ có hậu lâu dài. Trải nghiệm ở Nhĩ Thượng qua chuyến điền dã này đã giúp chúng tôi hiểu thêm những điều mà nhiều người dân ở đây đã cảm nhận như máu thịt của mình. Bài học giữ môi trường  sống ở Nhĩ Thượng vẫn cần được nhắc nhở khi mà những thảm họa do chính con người gây ra vẫn như một lời cảnh tỉnh.

   Về Nhĩ Thượng, một làng cổ bao đời lại thấy nhiều điều thanh tân bên cạnh vẻ đẹp cổ truyền, chẳng hạn như chuyện bà con nô nức chung tay xây dựng nông thôn mới, làm cho quê nhà khang trang hơn. Khi người dân  hiểu được lợi ích thiết thực  và đồng thuận thì khó khăn đến mấy họ cũng có cách vượt qua. Đó là cách tạo dựng một nông thôn mới vừa cổ truyền lại vừa văn minh, rất cần thiết cho cuộc sống hôm nay khi muốn thay áo cho làng quê trong chuyển động của xu thế đổi thay.

          Tạm biệt Nhĩ Thượng, tạm biệt một làng quê tưởng quen mà vẫn lạ, tạm biệt ruộng đồng, thôn xóm, rừng cây, những quang cảnh thu hút người ta đến trải nghiệm và khám phá để tìm hiểu những trầm tích đất đai, con người, lịch sử và địa lý của một ngôi làng thuộc đồng bằng ven biển Gio Linh.   

  

  

  

  

 

  

                   

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 04/12/2019 16:36 Lê Vĩnh Nhiên 10/12/2019 15:12

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà