Tạp chí văn nghệ chủ nhật
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí VNCN 15-12

 

MC1: Kính chào QV & CB! Rất vui khi được đồng hành cùng QV& CB trong 30 phút của tạp chí VNCN tuần này.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Sân khấu kịch nói Việt Nam ra đời tuy có muộn hơn so với các loại hình sân khấu truyền thống khác, nhưng đến nay nó đã phát triển khá nhanh và có một đội ngũ đông đảo tác giả, đạo diễn, diễn viên được đào tạo chính quy, có tâm huyết, tài năng.

MC1: Tại Quảng Trị, mãnh đất vốn chịu nhiều khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai này cũng đã sản sinh ra nhiều nghệ sỹ là những nhà văn, nhà đạo diễn, diễn viên ưu tú của lĩnh vực kịch nói và để lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng yêu kịch tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

MC2: Tạp chí VNCN tuần này mời QV & CB cùng chúng tôi nhìn lại bức tranh kịch nói Quảng Trị với những dấu ấn riêng có của mình.

Nhạc cắt

KỊCH NÓI QUẢNG TRỊ - DẤU ẤN 30 NĂM

 

MC1: Thưa QV & CB! Ngay sau khi tái lập tỉnh Quảng Trị, lực lượng kịch nói của sân khấu Bình Trị Thiên hầu như dồn cả về mảnh đất này. Các tác giả Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Lê Bá Sinh... đã có nhiều kịch bản hay từ trước trở thành nguồn cung cấp kịch bản. Một đạo diễn có tay nghề cao là Xuân Đàm cùng vợ là nghệ sĩ Kim Quý, hai vợ chồng Sĩ Cừ - Kim Phú... trở thành nòng cốt cho sân khấu kịch nói Quảng Trị ngày đầu thành lập – những con người ấy quả là niềm mơ ước của sân khấu nhiều tỉnh. Và thế mạnh đội ngũ ấy đã được phát huy ngay trên mảnh đất vốn chứa đựng những xung đột nóng bỏng trong cái bề bộn, ngổn ngang của hiện thực cuộc sống.

Nghệ sĩ nhân dân Kim Qúy xúc động chia sẻ:

PV: NSND KIM QUÝ

Nội dung: Cho đến bây giờ … thì đây là thời khắc đó

 

MC2: Những năm trước khi đoàn kịch Quảng Trị ra đời, sân khấu Bình Trị Thiên cũng như nhiều đoàn kịch ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều vở diễn với bối cảnh xảy ra ngay tại vùng đất này như Bão tố ngoài khơi, Chứng chỉ thời gian, Mùa hạ cay đắng...Và mạch đời với bao xung đột của số phận một vùng đất, thân phận những con người lại được tác giả đưa lên sân khấu mang vác, chuyển tải tới người xem những trăn trở, khắc khoải về cuộc sống sâu thẳm ở phía sau đời sống thường nhật. Cái mạnh ấy đã được khai thác triệt để mà không hề bị lặp lại, sáo mòn, ngược lại càng cho người xem những khám phá mới. Ngay từ vở diễn đầu tiên của đoàn “Chuyện đời thường vớ vẩn”, thông qua một câu chuyện đời thường, tác giả đã đề cập tới một quan niệm sống, một thái độ ứng xử với những ràng buộc của những phép tắc, chế định được gọi là “đạo lý” khiến con người không dám sống thực với mình. Và tiếp theo đó là những vở: “Sự tích nước mắt” (Kịch bản Nguyễn Quang Lập). “Đứa con nối dõi” (Xuân Đức - Cao Hạnh), “Cuộc chơi”, “Ám ảnh” (Xuân Đức)... Dấu ấn của vùng đất được coi như một bản lề lịch sử này được tái hiện trên sân khấu kịch nói với tất cả những giằng xé của ý thức hệ, của đòn xoáy nghiệt ngã, bi kịch hậu chiến và những dáng vẻ trần trụi, thô ráp, gân guốc, những dục vọng phải trả giá... Không ai khác hơn, chính những nghệ sĩ của đoàn với một lớp diễn viên trải nghề, bản lĩnh như Kim Quý, Thế Hùng, Quang Hà... hay một lớp trẻ yêu nghề, thông minh và chịu khó như Thương Huyền, Hoàng Hà, Linh Thủy... đã mang đến cho sân khấu Quảng Trị một hình hài riêng, môt tiếng nói riêng đầy bản lĩnh nghệ thuật giữa điệp trùng gian khó. Người xem cả nước đã biết đến Quảng Trị không chỉ là một vùng đất có số phận lịch sử đặc biệt. Khi tấm màn nhung sân khấu kéo ra, khán giả đã tìm thấy một điều gì sâu thẳm hơn, bao la hơn về cuộc sống và đất nước thông qua những vở kịch của đoàn.

Nghệ sĩ nhân dân Kim Qúy bồi hồi nhớ lại:

PV: NSND KIM QUÝ

Nội dung: Khi trở về quê hương…

MC1: Một ngày cuối năm 1990, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, giữa những rực rỡ màu sắc, náo nhiệt bầu không khí hội hè của giới sân khấu của cả nước quần tụ về, có một chiếc xe u-oát lấm đỏ bụi đường vượt hơn 1000 cây số từ đất Quảng Trị vào dự hội. Một chiếc u-oát chở đủ cả phông màn đạo cụ, diễn viên kiêm quản lý, lái xe kiêm... hậu đài... Một đoàn kịch đã bắt đầu hành trình như thế. Sáng 01.01.1991, tại Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, vở diễn khai sinh của đoàn “Chuyện đời thường vớ vẩn” – kịch bản nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSUT Xuân Đàm (nay đã là NSND), với 3 diễn viên Kim Quý (nay đã là NSND), Chánh Phùng và Tiểu Hoa. “Chuyện đời thường vớ vẩn” đã giành huy chương vàng của liên hoan và huy chương vàng cho hai diễn viên Kim Quý, Chánh Phùng; Huy chương bạc cho tiểu Hoa. Từ vở diễn đầu tiên của đoàn kịch Quảng Trị, bây giờ đã thoáng chốc 30 năm. Và thật khó tin khi nói rằng suốt một dãi đất miền Trung dằng dặc từ Bình Thuận ra tận Thanh Hóa lại chỉ có một sân khấu kịch nói ở miền đất trần ai nắng gió này, nhưng đó lại là sự thật! Ngay cả những thành phố lớn của miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... vẫn chưa hình thành nên sân khấu kịch nói của mình hoặc có cũng đã giải thể...

MC2: Với khá nhiều huy chương vàng qua nhiều liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đặc biệt tại liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế năm 1996, vở diễn “Ám ảnh” của đoàn là Huy chương vàng duy nhất cho kịch nói tại liên hoan - một thành công mà ngay cả các sân khấu kịch nói mạnh như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vẫn mơ ước. Năm sau, đoàn đã đến với liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại Hà Nội với vở diễn mới “Chuyện dài thế kỷ” (kịch bản Xuân Đức, đạo diễn NSUT Xuân Huyền – Thế Hùng) để tranh tài với hơn hai mươi đoàn của cả nước (nhưng Quảng Trị là đại biểu duy nhất của sân khấu kịch nói miền Trung).

 

Với sự khổ luyện của tài năng và tình yêu nghệ thuật, sân khấu Quảng Trị suốt gần 20 năm vẫn là điểm sáng lung linh gần như duy nhất của sân khấu kịch nói miền Trung, âu cũng là niềm tự hào không dễ có của người Quảng Trị vậy.

 

                                                                            Thế Hùng

 

Xuân Đức – Nhà viết kịch của miền đất lửa

MC1: Thưa QV & CB! Nhắc đến nhà văn Xuân Đức, nhiều người nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Người không mang họ”. Thế nhưng, gia tài của nhà văn đất lửa Quảng Trị này còn nhiều hơn thế, ông có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hàng chục vở kịch, tiểu thuyết lớn, ông cũng được xem là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của Quảng Trị và để lại nhiều dấu ấn cho kịch nói tỉnh nhà.

MC2: Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, Xuân Đức thuộc thế hệ nhà văn cùng trang lứa với Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Thắng, Đỗ Chu, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thuỵ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thuỵ Kha,... được đào luyện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Trước khi cầm bút, ông là người cầm súng khi đang học năm cuối trường cấp III Vĩnh Linh. Là một trong những người lính đầu tiên của tiểu đoàn bộ binh 47 Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến (thành lập 1/5/1965), Xuân Đức đã cùng đồng đội của mình tham gia nhiều trận chiến đấu đánh địch và xây dựng cơ sở ở các chiến trường nóng bỏng đạn bom: Đường 9, Gio Linh, Cam Lộ... Tiểu đoàn 47 của ông trong cuộc tổng tiến công chiến lược tết Mậu Thân 1968 đánh địch dọc tuyến bờ Bắc sông Hiếu từ Cửa Việt đến Đông Hà hy sinh hơn một nửa quân số (trong số đó có hai nhà báo quân đội Lê Đình Dư (Hồ Thừa) và Nguyễn Ngọc Nhu). Những tháng năm sôi động ở chiến trường, trực tiếp sống, trực tiếp quần nhau với Mỹ nguỵ, trực tiếp đổ máu, trực tiếp đau thương, đói, rét... đã để lại trong trái tim đa cảm nhà văn ngập tràn cảm xúc về tinh thần chiến đấu, hy sinh, về sự chịu đựng và vượt qua gian nguy, ác liệt của đồng đội mình và du kích, nhân dân Quảng Trị một thời máu lửa. Có lẽ từng có nhiều cái “trực tiếp” nên khi đến với nghiệp cầm bút Xuân Đức không viết cái gì khác hơn ngoài những cái “trực tiếp”.

MC1: Đến với đề tài chiến tranh cách mạng ở nhà văn Xuân Đức, thoạt đầu là những vở kịch mà ở đó ngay từ những sáng tác đầu tiên đã gây ấn tượng. Những vở kịch đó được đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, đoàn văn công Quân khu 4 dàn dựng biểu diễn trọn vẹn trong một  đêm diễn trên dưới 2 tiếng đồng hồ. Đó là các vở “Trận địa”, “Tiếng chim tapar”, “Tổ quốc” (viết chung với Đào Hồng Cẩm). Sau này vở “Tổ quốc” (NSND Đình Nghi đạo diễn) được chọn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Ba vở diễn này được viết vào quãng từ năm 1969 - 1976. Không gian kịch trường mà nhà văn “mượn” để kể chuyện đều là miền đất hai bờ Bắc Nam con sông Hiền Lương lịch sử.

MC2: Các vở kịch như: “Chuyện đời thường vớ vẩn”, “Ám ảnh”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, “Chứng chỉ thời gian” “Chuyện ấy không phải cổ tích” “Cuộc chơi” “Nhật thực” “Chuyện dài thế kỷ” đều lấy đề tài chiến tranh cách mạng làm phương tiện chuyển tải ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Các kịch bản này đều được đạo diễn NSND Xuân Đàm, NSND Xuân Huyền, NSƯT Thế Hùng dàn dựng cho đoàn nghệ thuật Quảng Trị phục vụ bộ đội, nhân dân Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, hầu hết đoạt huy chương vàng, bạc trong các Hội diễn kịch nói toàn quốc.

MC1: Có thể nói, sân khấu là lĩnh vực mà nhà văn Xuân Đức dành nhiều tâm huyết, đam mê và trăn trở ngay từ những năm đầu cầm bút và cũng đem đến cho ông nhiều niềm vui, niềm tự hào. Nhà văn tâm sự rằng, suốt hơn 40 năm cầm bút cho đến tận bây giờ,viết kịch bản sân khấu vẫn là cách ông trút vào đó những nỗi niềm tâm sự, những trăn trở lo âu và cả niềm hy vọng vào cuộc đời. Thông điệp trong mỗi vỡ kịch do ông viết đã truyền cảm hứng sáng tạo và lòng yêu nghề mạnh mẽ đến nhiều thế hệ nghệ sỹ sân khấu cũng như tiếp sức cho nền sân khấu đương đại Việt Nam trong nhiều giai đoạn khó khăn. Nghệ sỹ Ưu tú Kim Quý, một diễn viên kịch đã có nhiều gắn bó với các tác phẩm của nhà văn Xuân Đức chia sẻ:

Băng ghi âm

Nghệ sỹ ưu tú, diễn viên Trương Thương Huyền, người đã có dịp được tham gia diễn trong các vở kịch của nhà văn Xuân Đức bày tỏ:

Băng ghi âm

MC2: Tiếp nối những thành công, nhà văn Xuân Đức sáng tác hai vở liền: “Nhiệm vụ hoàn thành” viết về người Anh Cả QĐND Việt Nam - cố đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Thành phố lúc bình minh” viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hai vở này đều viết về danh nhân, nhưng đó là những danh nhân đặc biệt, là người lãnh đạo, chỉ huy, cống hiến to lớn trọn đời mình trong suốt hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc Việt Nam. Kịch “Nhiệm vụ hoàn thành” được Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng công diễn tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, được dư luận đánh giá rất cao, và đoạt giải cao trong Hội diễn toàn quân.

Có thể khẳng định rằng, những tác phẩm của nhà văn Xuân Đức đều thấm đẫm những suy tư, trăn trở về cuộc sống và đầy nhân văn. Khối lượng tác phẩm của ông đồ sộ, phong phú thể loại và ở thể loại nào, thời kỳ nào trong hoặc sau chiến tranh cũng ghi được những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Nhạc cắt

NSND Xuân Đàm: Một không gian sân khấu độc đáo

MC1: Thưa QV & CB! Sinh ra và lớn lên tại làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị (nay là Đông Hà, Quảng Trị) - một vùng quê nghèo, hẻo lánh - chẳng ai biết Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói là gì cả. Thế nhưng, tố chất nghệ sỹ và niềm đam mê đã đưa tên tuổi của NSND, đạo diễn Xuân Đàm đến với công chúng trong và ngoài tỉnh. Cùng với nhà văn Xuân Đức, NSND Xuân Đàm đã có nhiều đóng góp quan trọng cho kịch nói Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.

MC2: NSND, đạo diễn Xuân Đàm là một trong những tên tuổi lớn của nền sân khấu đương đại Việt Nam. Ngoài những vở diễn có giá trị nghệ thuật đủ các thể loại như Kịch dân ca, Kịch nói, Tuồng… mà ông đã sáng tạo từ những năm 70 của thế kỷ XX; ngót nửa thế kỷ qua, với cương vị là người làm công tác quản lý văn hoá, nghệ thuật nhiều năm của vùng đất Huế - Quảng Trị; (ông từng là Giám đốc Sở văn hóa Thông tin, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị, nhiều năm là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), Xuân Đàm đã có những đóng góp nhất định trong việc giữ gìn và phát triển một nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…            

MC1: Sinh ra và lớn lên tại làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị (nay là Đông Hà, Quảng Trị) - một vùng quê nghèo, hẻo lánh - chẳng ai biết Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói là gì cả. Lên mười tuổi, cậu bé Xuân Đàm vào học trường Thánh mẫu Đông Hà của Thiên Chúa giáo (để khỏi phải trả học phí)…

Vào năm Nhật đảo chính Pháp, đang học đệ nhất thì phải bỏ dở, về nhà đi học tư, sau năm tháng học hết chương trình 3 năm bậc tiểu học, nhưng chưa kịp thi chuyển cấp thì nổ ra Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945; Xuân Đàm  gia nhập đoàn biểu tình, cướp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị… Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn tổng phản công; phong trào xếp bút nghiên ra trận dâng lên mạnh mẽ, chàng trai trẻ Xuân Đàm đã ghi tên nhập ngũ vào ngày 1.7.1950, khi chưa học hết lớp đệ nhị. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, anh tập kết ra Bắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, với chức vụ Trung đội trưởng - quân hàm Thiếu uý. Năm 1960, Xuân Đàm thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, vào học lớp đạo diễn và chính thức chuyển ngành rời khỏi quân ngũ… Từ đó, một chân trời mới với những đam mê, khát vọng nghệ thuật mới đã mở ra trước mắt Xuân Đàm - khi anh  bước vào tuổi "tam thập nhi lập"- với tất cả độ chín và từng trải của người cựu chiến binh vùng đất Bình - Trị - Thiên khói lửa năm xưa…

Khi vừa học hết kỳ một, anh đã được chọn đi học đạo diễn sân khấu ở Matxcơva (Liên Xô cũ). Từ đó, sau những năm tháng miệt mài học tập (từ 1962 đến 1964, và từ 1967 đến 1970), Xuân Đàm về nước, trở thành một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp.

MC2: Xuất phát từ văn hoá Việt Nam, từ nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam mà những tác phẩm đạo diễn của Xuân Đàm đã không hướng tới tả thực như Kịch nói phương Tây, không làm nhiệm vụ phản ánh hiện thực một cách chân thực, khách quan như nó vốn có, mà là một công trình cảm tác mang tính chủ quan của mình về hiện thực cuộc sống. Cũng nhờ có quan niệm đó mà các tác phẩm của đạo diễn Xuân Đàm, dù là đề tài lịch sử hay hiện đại thì cũng luôn luôn được giàu tính tự sự và tính trữ tình. Hay nói cách khác, những vở diễn Gia đình má Bảy, Tiếng hát, Bão tố ngoài khơi, Chuyện đời thường vớ vẩn, Trần Thủ Độ, Ám ảnh, Độc thoại đêm, Bình minh đó trái tim anh, Mùa tôm, Người mẹ v.v…qua bàn tay đạo diễn của ông, tất cả đã trở thành công trình sáng tạo đầy cảm tác- tự sự - trữ tình như sân khấu truyền thống Việt Nam.

MC1: Một trong những vỡ kịch do ông đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Xuân Đức đã gây được tiếng vang và được nhiều người nhớ đến đó là vỡ kịch “ Ám Ảnh”. NSND Xuân Đàm cũng tìm được cảm hứng, và tiếng nói chung trong những vỡ kịch do nhà văn Xuân Đức viết, và ông đã cùng với nhà văn Xuân Đức cho ra đời những vỡ kịch hay, để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. NSND Xuân Đàm chia sẻ:

Băng ghi âm

MC2: Thấm thoắt, thời gian cứ thế trôi đi, đến nay, NSND, đạo diễn Xuân Đàm đã bước qua tuổi 80; lại đã trải qua một căn bệnh hiểm nghèo, nên không thể tiếp tục sáng tạo với những niềm vui, nỗi buồn cùng sàn diễn và hai cánh gà sân khấu nữa. Nhưng với những gì mà ông đã cống hiến, chắc chắn sẽ còn lại mãi với nền nghệ thuật sân khấu cách mạng nước nhà, trong suốt nửa sau của thế kỷ XX. Bởi, Xuân Đàm là một trong những gương mặt đạo diễn  độc đáo của sân khấu đương đại Việt Nam - đúng như lời tự bạch đầy tâm huyết của ông "Để có một bộ mặt sân khấu Việt Nam khác biệt với thế giới, chúng ta phải trở về cội nguồn của sân khấu dân tộc, có nghĩa là sân khấu Kịch nói Việt Nam cần phải thực hiện khẩu hiệu "Dân tộc hoá" nền sân khấu Kịch nói Việt Nam hiện đại".

Nhạc cắt

MC1: Thưa QV & CB! Từ vỡ kịch đầu tiên tham gia liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1990 đó là vỡ “Chuyện đời thường vớ vẩn” – kịch bản nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSUT Xuân Đàm (nay đã là NSND), với 3 diễn viên Kim Quý (NSUT), Chánh Phùng và Tiểu Hoa. “Chuyện đời thường vớ vẩn” đã giành huy chương vàng của liên hoan và huy chương vàng. Từ vở diễn đầu tiên của đoàn kịch Quảng Trị, bây giờ đã thoáng chốc ngót nghét gần 30 năm và dẫu có trải qua nhiều thăng trầm thì kịch nói Quảng Trị cũng đã có những thành công nhất định. Để có một cái nhìn tổng quan hơn về sân khấu kịch nói nước nhà, mời QV & CB cùng nghe cuộc trò chuyện của nhà báo Võ Thế Hùng với NSUT Nguyễn Thế Hùng – nguyên trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Trị.

          Chào cuối

          MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Những chia sẻ của nhà báo Võ Thế Hùng với NSUT Nguyễn Thế Hùng cũng đã khép lại 30 phút tạp chí VNCN tuần này. Chương trình do.... thực hiện, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 12/12/2019 09:07 Lê Vĩnh Nhiên 07/01/2020 16:03

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà