Đất và người QT pt 20/12
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 19/12 -Qúy vị và các bạn thân mến! Mở đầu ct, tiếp nối mạch cảm xúc về những đổi thay trên mặt trận nông nghiệp của quê hương Quảng Trị trong mấy chục năm qua, An Thái có tùy bút sau. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Tiếp nối ct, pv chương trình đã có những tìm hiểu khá công phu về một nữ đạo diễn nổi tiếng gắn bó sâu nặng với quê hương Quảng Trị từ chiến tranh cho đến hòa bình. Đó cũng là nội dung bài viết của Hiếu Giang. Mời quý thính giả cùng theo dõi.\ -Phần cuối ct, nhìn nhận lại những đổi thay ở một nơi cửa sông ra biển, Tam Nguyên có tùy bút " Nhớ lại chuyện cửa sông". Chúng ta cùng nghe. -Qúy vị vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tam gia của ...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                   VÌ NHỮNG MÙA VÀNG TRÊN QUÊ HƯƠNG.

                                                                                   (Xuân Dũng)

   Phía bắc tỉnh Quảng Trị thì các hồ đập cũng đóng một vai trò quan trọng như là bầu sữa của nông nghiệp, đặc biệt là với cây lúa.

   Nói đến thủy lợi Cam Lộ, Đông Hà và nhất là Gio Linh không thể không nhắc tới hồ Trúc Kinh. Để có thể biết những nét tổng thể và có thể hình dung khái quát về công trình này, cũng như tránh những nhầm lẫn, cần phải biết một số thông tin cơ bản.

   Hồ thủy lợi Trúc Kinh hiện nằm ở địa bàn xã Linh Hải-huyện Gio Linh. Công trình đầu mối hồ thủy lợi Trúc Kinh được xây dựng năm 1992, đưa vào sử dụng năm 1996, có chức năng tưới nước cho hơn 2350 ha ruộng và cải tạo môi sinh, môi trường các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Việt, Gio Thành - huyện Gio Linh; các xã Cam An, Cam Thanh-huyện Cam Lộ;  và phường Đông Giang, Đông Thanh-tp.Đông Hà. Hệ thông mương và khu tưới cũng thuộc các địa bàn vừa mới kể trên.  Lưu vực lòng hồ thuộc các xã Linh Hải, Gio Quang-huyện Gio Linh; các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy-huyện Cam Lộ. Địa hình lòng hồ thuộc vùng đồi núi có lưu vực rộng gần 50km, chu vi đường viền ước tính 62km.  Hệ thống đê bao khá quy mô kiến tạo và bảo vệ hồ đầu mối cùng với các công trình phục vụ cho công tác thủy lợi như nhà làm viêc, tràn xả đã cho thấy sự đầu tư của nhà nước đối với một công trình quan trọng cho thủy nông Quảng Trị từ khi tỉnh nhà vừa thành lập lại.

   Xung quanh hồ là những cánh rừng cao su, rừng tràm có tác dụng giữ nước cho hồ thủy lợi lại được ảnh hưởng tích cực bởi môi trường trong lành mà hồ Trúc Kinh mang lại, rừng và nước dựa vào nhau, nâng đỡ nhau trong tác dụng tương hỗ như là một sự bù trừ có sẵn từ thiên nhiên nay được con người vận dụng hợp lý vào cuộc sống của chính mình, và đó tất nhiên là một lựa chọn sáng suốt để hòa hợp với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên lâu dài chứ không phải là chụp giật, ăn xổi ở thì, không quan tâm đến tương lai lâu dài. Bởi vì đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư cho mặt trận hàng đầu ở tỉnh ta, nước ta khi muốn nông dân no ấm, muốn cải thiện ruộng đồng và phát triển kinh tế.

   Hơn hai mươi năm đã trôi qua, thời gian ngày càng chứng minh sự cần thiết của công trình hồ thủy lợi Trúc Kinh trong đời sống kinh tế thường nhật của người dân.  Mặc dù vào giữa thời điểm mùa hè nắng nóng nhưng hồ Trúc Kinh vẫn làm dịu mát mắt người, với một không gian rộng rãi, trải dài giữa núi đồi Gio Linh,  với cảnh những chiếc đò trên hồ như điểm xuyết cho gương mặt nước non ở phía đầu nguồn, xa xa phía sau hồ là những cánh rừng đẹp như tranh vẽ điểm tô cho phong cảnh nơi này.  Từ bộ phận cho đến toàn cảnh hồ Trúc Kinh đã cho thấy tầm quan trọng của công tác giữ nước, giữ rừng ngày càng trở nên quan trọng và khẩn thiết, điều đó cần sự quan tâm thường trực và dài lâu của con người không phải trong một sớm một chiều.

   Xung quanh hồ Trúc Kinh là bà con xã Linh Hải, huyện Gio Linh tập trung đồng bào từ huyện Hải Lăng đi kinh tế mới từ sau ngày nước nhà thống nhất. Họ đã vượt qua rất nhiều gian khó và cũng đã hy sinh quyền lợi của mình khi phải thay đổi chỗ ở ngay chính gần hồ khi tạo dựng công trình thủy lợi này, cho lợi ích lâu dài của bà con nông dân phía dưới xuôi. Ông Hoàng Văn Đen, thôn Hải Quế, xã Linh Hải, nói (băng)

   Nhờ công trình thủy lợi Trúc Kinh mà người nông dân nhiều nơi, đặc biệt là ở huyện Gio Linh đã nhận được sự đổi thay trong sản xuất nông nghiệp nhờ chủ động được nguồn tưới tiêu, nhất là trong việc trồng lúa, cây lương thực chủ chốt cho an ninh lương thực cũng như việc cải tạo môi trường, môi sinh và cả cảnh quan của đồng bằng. Cũng qua chuyến đi này, chúng tôi vỡ vạc thêm nhiều điều như nguyên ủy của hồ Trúc Kinh vốn là một dòng sông, hay tên gọi hiện nay của hồ là Trúc Kinh, cũng đúng nhưng chưa đủ vì nó có dính dáng đến Trúc Lâm.

   Nếu hồ Trúc Kinh cùng với sông Cánh Hòm gắn bó mật thiết với mảnh đất Gio Linh thì hồ Bảo Đài là một bầu sữa tưới mát ruộng đồng ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, quê hương Vĩnh Linh cũng từ nhiều năm nay. Hồ Bảo Đài nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Khê.

   Nhiều hồ nước thủy lợi ngoài tác dụng tưới mát ruộng đồng còn là tạo nên những cảnh quan thơ mộng, trữ tình, trở thành những điểm du lịch sinh thái, điều này càng có ý nghĩa vào những ngày hè chói chang, nóng bỏng. Bảo Đài từ nhiều năm nay đã là một địa chỉ hòa hợp giữa nước, trời, phong cảnh xung quanh khiến nhiều người tìm đến đây, vui chơi thăm thú. Được hòa mình với thiên nhiên dịu mát từ hồ nước bao la cũng là một thú vui tao nhã, một cách thư giãn sau những ngày lao động, học hành vất vả. Đó cũng là một cách tìm đến thiên nhiên, trở về với thiên nhiên để hiểu hơn thiên nhiên và khám phá chính bản thân mình, lắng đọng với những trải nghiệm không ồn ào nhưng thực sự có ích, vì nó bồi dưỡng tâm hồn và thẩm mỹ trong cảm quan sinh thái.

   Tìm hiểu vai trò của hai hồ thủy lợi Trúc Kinh và Bảo Đài sẽ thấu hiểu hơn vai trò của nước đối với sản xuất nông nghiệp, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Trước hết như chúng ta đã thấy trong bốn yếu tố quyết định của sản xuất nông nghiệp được người xưa dày công đúc kết, là: nước- phân- cần- giống thì cho đến nay câu tục ngữ này vẫn chính xác, đặc biệt là với yếu tố tiên quyết chính là nguồn nước. Thành công hay thất bại đối với một nền nông nghiệp lúa nước, trước hết chính là nằm ở điểm này. Các hồ thủy lợi cùng với hệ thống kênh mương như những cánh tay nối dài đã quanh co uốn lượn đưa nước về với ruộng đồng. Nhờ vậy cuộc sống những người chân lấm tay bùn sau lũy tre làng mới mới vất vả, cuộc đời mới có những đôi thay đáng kể, làng quê mới có dịp nở mày nở mặt, cuộc sống sau lũy tre làng, nay gọi khái quát là tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng khác xưa nhiều lắm. Chỉ so sánh với những ngày đầu tái lập tỉnh nhà, nay cũng đã nhiều chuyện đổi thay đáng mừng cho những con người một nắng hai sương. Nước từ các sông, các hồ đã hồi sinh lại những cánh đồng hạn hán, vốn xưa kia sinh chuyện mất mùa, đói kém thì bây giờ đã trải dài một màu xanh no ấm khi vào mùa gặt hay cũng là đồng đất không còn nứt nẻ vì mãi trông chờ con nước. Như thế tìm đáp số bài toán thủy lợi là bài toán thuộc loại khó giải nhất trong trận đồ nông nghiệp xưa nay đã giải giáp được nhu cầu tưới tiêu của ruộng đồng, thiết thực giúp nhà nông cởi bỏ âu lo ám ảnh trên từng chân ruộng, mái nhà, làng mạc, trong từng giấc ngủ chân quê. Bởi chủ động được nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa cũng gần như đồng nghĩa với việc tác động quan trọng, thiết thân vào sự thay đổi cách thức, diện tích, thời vụ, năng suất và đương nhiên kéo theo  thu nhập, từ đó góp phần đáng kể vào việc thay đổi vận mạng, cuộc đời của những người gắn bó với công việc đồng áng ở các làng quê.

 

 

   MỘT NỮ ĐẠO DIỄN NỔI TIẾNG GẮN BÓ VỚI VÙNG QUÊ QUẢNG TRỊ.

                                                                                   (Xuân Dũng)

   Đó là đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Thị Xuân Phượng.

   Đang yên ổn với vị trí bác sĩ ở Bộ Y tế và phiên dịch ở cơ quan liên lạc văn hóa với nước ngoài (Bộ Ngoại giao) thì một ngày năm 1967 bà được Phủ chủ tịch nước gọi lên có việc quan trọng. Đến nơi gặp mới biết Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tiếp đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Pháp gốc Hà Lan Ivens có vợ Loridan là một tù nhân của trại tập trung phát xít Đức. Bà Phượng được cử làm phiên dịch đi cùng đoàn làm phim vào Vĩnh Linh thực hiện cuốn phim “Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân”. Hai tháng ở Vĩnh Linh, sống và chiến đấu như những người lính với biết bao nguy hiểm, với nhiều kỷ niệm quý giá. Đến khi phim đưa ra Hà Nội, dọc đường bị ném bom, cuốn phim cũng thấm máu của những nhà làm phim. Bộ phim đã được công chiếu ở nước ngoài đã gây được tiếng vang và được dư luận thế giới chú ý.

  Một điều hệ trọng là đạo diễn Ivens khi về Hà Nội đã đề nghị bà nên chuyển sang làm phim tài liệu. Một đề nghị quá bất ngờ trong lúc bà đang có vị trí công tác thuận lợi, lương bổng cao và đang được đề nghị làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Mọi người đều không đồng tình trước đề nghị  này, kể cả chồng của bà. Nhưng bà đã đồng ý, với lý lẽ giản di; “Một người nước ngoài còn tình nguyện sang Việt Nam xông pha làm phim để nói cho thế giới biết điều gì đang xảy ra ở Việt Nam, vậy thì mình đắn đo gì mà không đồng ý lời đề nghị”. Vậy là bà trở thành nhà làm phim chiến trường với mức lương khởi điểm như một người lao công.

    Đời làm phim của bà Phượng đã từng chứng kiến những hình ảnh hy sinh của chiến sĩ tại chiến trường biên giới phía bắc 2/1979 rồi làm phim về CPC khi đất nước này vừa trải qua nạn diệt chủng với rất nhiều cảm xúc.

    Năm 2007 bà Phượng trở lại Vĩnh Linh cùng với nhà thơ Nguyễn Duy (biên kịch) để tìm lại các nhân chứng trong bộ phim tài liệu 50 năm trước. Họ đã chiếu lại cuốn phim, gặp gỡ cán bộ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt bà Phượng rất muốn gặp lại hai nhận vật, một là đứa bé mà bà đã đỡ đẻ trong địa đạo, sau đó cha mẹ nhờ bà đặt tên và bà đã chọn tên mình, hai là chú bé anh hùng, mới 9 tuổi mà rất gan dạ không sợ máy bay Mỹ. Nhưng suốt cả tuần lễ đi khắp Quảng Trị và nhờ người dò hỏi đến cả Quảng Bình nhưng biệt vô âm tín. Buồn và cũng thất vọng nên bà định ngày mai sẽ trở lại SG. Đúng lúc than thở với Phan Khiêm, pv đài TH Quảng Trị thì anh Khiêm lên tiếng hay là...Và một cuộc điện thoại giữa đêm đã tìm lại được chú bé anh hùng nay đã mang tên khác. Một cuộc tái ngộ hạnh phúc.

   Sau khi về hưu, không biết làm gì bà tìm cách mở phòng tranh và giới thiệu văn hóa Việt với thế giới, trước hết là nước Pháp. Để họ không còn nhìn phiến diện rằng nước ta chỉ là một nước mà lịch sử chỉ có chiến tranh, đói khổ và tội nghiệp. Bà trở thành sứ giả của văn hóa và hữu nghị giữa hai nước, cứ mỗi năm triển lãm  tranh hai lần. Những cuộc giao lưu văn hóa với những tác phẩm mang nặng tâm hồn Việt đã nối được những nhịp cầu hòa giải, xóa bỏ hận thù để người Việt nhìn đồng bào và Tổ quốc mình nhân ái và thân ái hơn. Đó là những câu chuyện xúc động và rất nhân văn lại vừa mang tính thời sự.

  Bà được Pháp trao tặng huân cương Bắc đầu bội tinh.

   

 

Tùy bút:

                        NHỚ LẠI AN LÀNH NƠI CỬA SÔNG.

                                                                                                     (Xuân Dũng)

                          

   Hiệu ứng nhà kính từ sản xuất công nghiệp gia tăng, nạn chặt phá rừng bừa bãi, sự nóng lên của trái đất xoay quanh việc biến đổi khí hậu cùng với sự tác động của thiên tai đã gây ra vô vàn khó khăn cho cuộc sống con người. Bão lụt, hạn hán,sóng thần, động đất và nhiều biểu hiện khí hậu cực đoan khác đã khiến cho nhân loại loay hoay chống đỡ.

   Riêng ở Quảng Trị mỗi năm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra. Ngoài ra ảnh hưởng đến sinh kế người dân, đến an sinh xã hội, đến an cư lạc nghiệp. Biến đổi khí hậu và tác động của môi trường đã ảnh hưởng sát sườn đến cuộc sống người dân. Sự cố môi trường biển doanh nghiệp Fomarsa gây nên trong năm 2016 từ Hà Tĩnh là một lời cảnh báo kinh hoàng. Điều này cho thấy cần phải thực sự quan tâm và hành động cụ thể vì môi trường sống của chính con người.

Trước mắt chúng tôi là đoạn cuối dòng sông Thạch Hãn chảy quanh co về với cù lao Bắc Phước thuộc xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trước khi đổ ra biển Cửa Việt hòa vào Biển Đông mênh mông bát ngát. Ngày trước khi chưa có dự án trồng cây ngập mặn của Sở NN&PTNT Quảng Trị thì sóng gió, mưa bão mặc sức tung hoành, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, từ sinh hoạt cho đến làm ăn.

Nhìn cơ ngơi vợ chồng anh Nguyễn Hữu Ba nuôi trồng thủy sản như tôm cá ở cù lao Bắc Phước cũng đủ thây họ vui vẻ an cư lạc nghiệp. Được vậy là nhờ môi trường được cải tạo, tôm cá theo nương tựa theo cây bần giữa rừng cây ngập mặn mà sinh sống, còn con người nhờ vậy mà nương tựa theo để có được sinh kế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

   Khi người dân có được nguồn lợi từ rừng cây ngập mặn thì họ gắn bó nhiều hơn với đồng đất quê hương, coi đất đai chính là nồi cơm của mình, luôn thành tâm bằng tất cả tấm lòng.

   Nhiều người hẳn còn nhớ có một sự kiện ở vùng quê Bắc Phước diễn ra không lâu. Đó là lễ khởi công dự án trồng rừng ngập mặn vào đúng ngày chủ nhật do Chi cục biển, hải đảo và khí tượng thủy văn thuộc Sở TN&MT Quảng Trị  làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Dữ liệu Hàn Quốc tài trợ. Tất cả mọi người từ lãnh đạo tỉnh cho đến ngành chức năng, các đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn cơ sở Sở TN&MT Quảng Trị cùng các tình nguyện viên Hàn Quốc đã hào hứng lội bùn trồng cây ngập mặn nhằm cải tạo môi trường sau lễ khởi công, ứng phó với biến đổi khí hậu, với thiên tai ở một nơi sát biển vào trưa nắng.

   Dự án tuy không lớn song thiết thực và có ý nghĩa với cộng đồng. Bởi mỗi năm Quảng Trị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng do biến đổi khí hậu, do môi trường bị xâm hại. Bởi vậy những việc làm dù lớn hay nhỏ tham gia bảo vệ môi trường đều đáng trân trọng và cần được nhân rộng. Bởi vì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta trước mắt cũng như lâu dài, bảo vệ nồi cơm của chính đồng bào, bảo vệ bầu không khí trong lành từ những lá phổi xanh. Chính vì ý thức rõ điều này mà các bạn nước ngoài đã không quản ngại xa xôi, đến với chúng ta, chung tay góp sức vì một hành tinh xanh.

 Hôm ấy, Ông Yoon Joo Pill, Chủ tịch LĐLĐ Công ty TNHH Dữ liệu doanh nghiệp Hàn Quốc, đơn vị tham gia bảo vệ môi trường ở Quảng Trị nói rằng:  Việc trồng rừng ngập mặn ở khu vực này rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khi hậu với địa bàn gần biển Quảng Trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm đến môi trường hướng đến đất nước các bạn, trong đó có Quảng Trị với những hoạt động cụ thể nhằm tác động để môi trường ngày càng được cải thiện tốt hơn.

   Người xưa có nói : vì lợi ích mười năm nên trồng cây, thậm chí là vì lợi ích hàng trăm năm, lợi ích lâu dài và bền vững mà trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Những việc làm như thế không chỉ là ngày một ngày hai.

   Nhìn những cây bần mới trồng hôm nay và cả rừng bần bao quanh cù lao Bắc Phước như thành lũy bảo vệ ruộng đồng thôn xóm nơi đây. Mong rằng chuyện trồng rừng ngập mặn nói riêng cũng như bảo vệ môi trường sống nói chung sẽ ngày càng được nhiều người, nhiều ngành,  nhiều cấp chính quyền quan tâm và hưởng ứng. Tất cả vì sự yên lành và no ấm, vì sự phát triển của quê hương đất nước.

   Cũng chính nhờ những việc làm lớn nhỏ thân thiện với môi trường, hòa thuận với thiên nhiên ở Triệu Phước và nhiều nơi khác mà chúng ta có được những cảnh quan xanh, schj, đẹp, có được những xóm làng yên vui, thanh bình, một điều không dễ có trong cuộc sống hôm nay. Bởi vì con người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ phát triển công nghiệp ồ ạt không đi liền với bảo vệ môi trường, đối mặt với nạn phá rừng, nạn khai thác cát sạn bừa bãi. Bởi vậy mỗi hành động bảo vệ môi trường hôm nay có ý nghĩa biết bao trong hành trình xây dựng quê hương đất nước. Phát triển kinh tế nhất thiết phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

 

 

 

 

 

     

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 19/12/2019 07:46 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà