Đất và người QT pt 3/1
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 3/1 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, với ghi nhận vai trò của sản xuất nông nghiệp trong mấy chục năm qua, vào năm mới 2020 An Thái có bút ký "Than trắng miền tây". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy vị và các bạn thân mến! Cũng nói về vùng cao nhưng là câu chuyện phong tục tập quán của bản sắc văn hóa một thời, đó cũng là nội dung bài viết sau của Hiếu Giang. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct là tùy bút " Làng của bao đời" của Tam Nguyên, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký :

                      TỪ DÒNG THAN TRẮNG...

                                                                                 (Xuân Dũng)

  Một trong những thành quả quan trọng rất đáng ghi nhận có sự tham gia của đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị là việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện. Đặc biệt là công trình thủy điện Rào Quán, một điểm nhấn về năng lượng và tưới tiêu cho nhiều vùng quê.

   Lên với miền tây Quảng Trị chúng ta sẽ bắt gặp công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán, đứng đầu trong hàng ngũ thủy điện quê nhà, với số vốn đầu tư cho công trình này là khoảng 1700 tỷ đồng, đưa vào sử dụng hơn mười năm nay và ngày càng phát huy tác dụng. Nhân đây cũng cần nói thêm cho rõ, đây không chỉ là công trình thủy điện mà còn là công trình thủy lợi, thậm chí chức năng thủy lợi như tưới tiêu, xả lũ còn đặt lên hàng đầu. Công trình này chặn dòng chính của sông Rào Quán, một phụ lưu của sông Ba Lòng trong hệ thống sông Thạch Hãn để phát điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia và như đã nói tưới tắm cho hơn 1000 ha lúa ở đồng bằng Triệu Hải. Sự xuất hiện của công trình thủy lợi, thủy điện này là một dấu son trên bản đồ năng lượng và thủy lợi Quảng Trị, nó không chỉ làm thay đổi bộ mặt của miền núi    

Hướng Hóa mà còn góp phần thay đổi và tạo lập nên môi trường xanh với những cánh rừng tươi tốt bao bọc bảo vệ xung quanh, góp phần làm  nên một điểm nhấn cảnh quan khá quy mô và thơ mộng giữa đại ngàn Quảng Trị.

Ông Nguyễn Trí Thức, PQĐ Phân xưởng vận hành, công ty thủy lợi-thủy điện Rào Quán, nói (băng)

   Tham quan phân xưởng vận hành sẽ hiểu thêm công việc thầm lặng của những CBCNV nơi đây. Họ lặng lẽ làm việc và cống hiến trong tư cách một mắt lưới của  nguồn điện quốc gia và một đầu nguồn của thủy lợi Quảng Trị. Lặng thầm nhưng công việc không hề đơn giản, nhẹ nhàng như nhiều người vẫn tưởng, nhất là vào những lúc cao điểm, vào giai đoạn bão lũ thì rất nhiều nguy cơ cần được nhìn nhận, đối phó và kiểm soát. Họ luân phiên túc trực ngày đêm quanh năm suốt tháng để vận hành trôi chảy, sẵn sàng ứng phó với những trường hợp bất ngờ, những sự cố đột biến và những biến động khó lường của thời tiết, của thiên nhiên ngày càng trở nên khó tính và khó lường.

  Lên rừng, xuống gần biển và đi ngang đi dọc theo những công trình thủy lợi, thủy điện để cảm nhận rõ hơn những tác nhân tích cực đã và đang thay đổi vận mệnh nông nghiệp quê nhà, làm thay đồi số phận hàng chục vạn gia đình Quảng Trị bao đời này gắn bó với ruộng đồng. Những đổi thay này đã có từ trước, đó là điều không thể phủ nhận nhưng thực sự chuyển mình kể từ khi tái lập tỉnh nhà, chúng ta mới có điều kiện và cơ hội nhiều hơn, tập trung hơn lo lắng cho nông nghiệp, đặc biệt là về phương diện thủy lợi. Những cố gắng của nhiều thế hệ đã tô bồi cho gương mặt ruộng đồng, quê hương, tạo nên những mùa vàng no ấm và hạnh phúc, để từ đó có đà tạo nên những vận hội mới trên mảnh đất mà bao thế hệ đã sinh thành và tiếp nối. Những công trình này đã hòa với những giọt mồ hôi cần lao của bà con nông dân Quảng Trị mà sinh hạ nên những xanh tươi cho cuộc đời vốn vẫn còn nhiều gian khó. Câu chuyện thủy lợi là câu chuyện vừa thời sự lại vừa muôn thưở đối với một nền nông nghiệp, nhất là quan thiết trong nền văn minh lúa nước. Đó là nỗi ám ảnh thường trực và dài lâu đối với mỗi cánh đồng, mỗi nóc nhà, mỗi làng quê Quảng Trị và rất nhiều nơi khác. Trường ca thủy lợi nếu biết khai thác sẽ câu chuyện không hề khô khan mà ẩn chứa nhiều điều thú vị và đem lại nhiều bài học nhân sinh quý giá. Sử thi thủy lợi, nếu có thể gọi như vậy, tiềm ẩn bao điều chưa nói hết cần được tìm hiểu và khám phá để có một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về vai trò của nước đối với nhà nông từ trước đến nay và kể cả mai sau, nếu như nền nông nghiệp lúa nước vẫn còn. Cuốn phim này chỉ mới là những phác thảo ban đầu, những ký họa đơn sơ về họa phẩm hoành tráng của thủy lợi Quảng Trị. Hy vọng nếu có dịp, sẽ tiếp tục quay lại với đề tài mới nghe qua tưởng chừng khô như ngói nhưng kỳ thực lại không phải như vậy. Nó vẫn hàm chứa nhiều điều bất ngờ, nhiều số phận con người mà nhiều sách báo , phim ảnh vẫn chưa chạm được chiều sâu của dòng nước cuộc đời. Vì vậy vẫn cần được lắng nghe, tìm tòi và khám phá.

       Và như vậy, câu chuyện của những chiếc hồ thủy lợi, thủy điện chắc chắn sẽ còn nhiều điều đáng nói, đáng kể, với những điều thú vị và cả những tình tiết mới mẻ mà chỉ có đi sâu tìm hiểu mới có thể biết thêm những ngóc ngách đáng nói về cuộc đời này như mặt nước quen thuộc bao đời mà vẫn luôn bí ẩn. Đó là bản giao hưởng của nước vẫn luôn được ngân vang giữa đất trời Quảng Trị và để lại muôn vạn dư âm trong mỗi đời người.

 

          PHONG TỤC VÙNG CAO.

                                                                                    (Xuân Dũng)  

Có dịp đi về với núi rừng miền tây Quảng Trị, đôi khi ta lại vỡ vạc thêm nhiều điều về một đại ngàn thâm u mà từ lâu tưởng mình đã rõ. Dân tộc Vân Kiều ngỡ đã quen thuộc lại nhiều khi lạ lẫm như thể mới gặp lần đầu.

Một buổi chiều sương phủ quanh núi rừng trùng điệp miền tây Quảng Trị, tôi ngược lên vùng cao trong tâm trạng háo hức muốn thêm một lần cận cảnh Vân Kiều, mắt thấy tai nghe chuyện lạ sau dãy Trường Sơn.

Rít một hơi thuốc dài bên bếp lửa nhà sàn ở bản Khe Vấn, xã Hướng Hiệp,huyện Đakrong, ông Hồ Văn Chiến, tuổi quá 80, trầm tư như cây gỗ rừng già bên suối. Chúng tôi ngồi cạnh già làng lắng nghe đại ngàn kể chuyện. Trước đó, ông hé lộ sẽ nói ra một điều thú vị mà ít người biết gắn liền với tục căng tai.

Nếu tục căng tai diễn ra khi con gái mới lọt lòng vừa nhìn thấy ông mặt trời mấy bữa thì tục cà răng dành cho hết thảy mọi người khi đã gần đến tuổi trăng tròn, khoảng 13-14 tuổi. Lứa tuổi người đã lớn, trí óc đã biết khôn. Ông Chiến kể rằng người được cà răng nằm dài trên sàn.

Cạnh đó có một hai người thạo việc này sẽ dùng dao, liềm hoặc rựa nhỏ với hòn đá mài rồi cà từng chiếc răng cửa hàm trên cho mòn dần đến sát lợi, máu ra lênh láng, đau tưởng chừng đứt ruột.Thường có bốn hoặc sáu chiếc răng phải ”ra đi” trong lễ tục này. Người nhà và bạn bè trong bản ngồi quanh động viên người được cà răng.

Họ dùng bông gạo lau sạch máu cho người ấy và giúp việc súc miệng, rồi cầm máu bằng thứ nhựa đen được lấy từ một loại cây rừng. Đây là loại thuốc hiệu nghiệm dùng để sát trùng và làm chắc răng. Cà răng là lễ tục hệ trọng của đồng bào Vân Kiều nên bà con dân bản tụ hội đông đúc. Vào dịp này trai gái vùng sơn cước tìm hiểu nhau nhân ngày đau - ngày vui có một không hai vì làm thủ tục “đóng dấu” son cho sự trưởng thành.

Nhìn những người già xem chừng móm mém, tôi nghĩ đến tục cà răng bỗng xa lắc xa lơ như cổ tích, có còn chút gì lưu dấu nơi đây.Tôi buột miệng nói giá như có cây rựa cà răng thì hay biết mấy. Cũng là buột miệng nói thế thôi vì tôi biết tục cà răng đã mai một từ lâu, nay đã thuộc về dĩ vãng...

Thật không ngờ, tôi đã bé cái nhầm. Mấy phút sau, ông Chiến đã mang một chiếc rựa đặt trước mặt khách miền xuôi. Cả tôi và Lập đều mân mê cây rựa cà răng đặc quánh nhựa cây rừng hai bên lưỡi. Nó như là một kỷ vật gia bảo còn lại từ ngày xưa.Vật dụng này đã gắn bó với biết mấy đời người khi đánh dấu sự trưởng thành của họ bằng lễ tục đớn - đau - khôn - lớn. Cây rựa này cứa vào răng mình thì sao?

Tôi rùng mình, óc tưởng tượng của tôi không dám nghĩ thêm. Ông Chiến nói rằng chiếc rựa này bây giờ là của hiếm, là bảo bối của rừng già. Tôi cũng nghĩ vậy khi tục cà răng hầu như chỉ còn trong ký ức ngàn xanh.

Chỉ nghe kể thôi cũng đã toát mồ hôi, ớn lạnh sống lưng trước tập tục kinh dị này.Tôi vội hỏi:”Thế nếu có ai không chịu cà răng thì sao?”, ông Chiến điềm nhiên trả lời:”Thì không được mọi người công nhận là đã trưởng thành, ai cũng chê cười”.

Cũng do tò mò nên chúng tôi theo ông Chiến vào rừng để tận mắt thấy cho được loại lá cây dùng để lấy nhựa nhuộm răng đen. Leo qua một con dốc dài, khi chúng tôi còn đang thở dốc, ông Chiến chỉ vào đám cây rừng trước mặt giải thích loại cây này người Vân Kiều gọi là tằng e cà rẻ a te.

Đang hổn hển, mồ hôi ra như tắm nhưng tôi vẫn reo lên như phát hiện một điều mới lạ. Đây là thảo dược giữa đại ngàn xanh thẳm.Loại cây này thấp, thân mềm, gân lá song song, lá màu xanh tươi, mềm và hơi dày, bứt lá đưa lên mũi có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu. Loại cây này hình như tôi đã gặp đâu đó.

Đưa tay vuốt mồ hôi trán, tôi sốt ruột gặng hỏi: ”Thế tục cà răng còn điều gì đáng nói nữa không? “. Ông cười đáp:”Sau lễ này, người được cà răng sẽ được trao một chiếc vòng bằng đồng có đánh dấu bí mật để đi tìm người yêu. Được chưa?”.

Ông nheo mắt hóm hỉnh. Một người đã kinh qua mấy mươi năm quân ngũ nói ra điều cơ mật của núi rừng như lời vang vọng của hồi âm quá khứ. Tôi bắt đầu hiểu ra rồi, phần thưởng xứng đáng cho sự lớn khôn khi bước qua bước ngoặt của cả một đời người.

 

Tùy bút:

                  LÀNG CỦA BAO ĐỜI.

                                                                                   (Xuân Dũng)

   Có những ngôi làng chỉ một lần ghé chân đã thấy lòng trìu mến.

   Nằm dọc hai bên đường xuyên Á chạy qua Cam Lộ hôm nay, thônTam Hiệp thuộc xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ được là một địa danh cũng được nhân dân trong vùng biết đến bởi quá trình hình thành nên một cộng đồng dân cư nông thôn từ xưa cho đến hôm nay.

   Nói vùng quê Tam Hiệp khá đặc biệt là bởi có căn nguyên của nó tương đối phức tạp được hình thành từ ba ngôi làng khác nhau nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau từ hàng trăm năm trước là Đại Độ, Tân Độ và Tân Đình. Tên gọi Tam Hiệp cũng từ câu chuyện đó mà thành địa danh của một vùng quê được nhiều người nhắc nhở. Theo tìm hiểu của giới chuyên môn thì tổ tiên người dân nơi đây xuất xứ từ Thanh-Nghệ-Tĩnh vào Quảng Trị khai phá đất đai,  dựng xây cơ nghiệp. Câu chuyện thành lập nên làng Tam Hiệp là câu chuyện của những con người chịu thương chịu khó, sống tình nghĩa, hết lòng giúp đỡ những người thiệt thòi có được chỗ đứng an cư lạc nghiệp dài lâu. Những câu chuyện về làng Tam Hiệp còn được truyền tụng dài lâu cho các đời sau mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau nơi sân đình thưở trước.

      Tam Hiệp là một vùng quê có phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú, con người chuyên cần, linh hoạt. Bà con sống bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng . Hơn 200 hộ dân của vùng quê này đã chung lưng đấu cật hình thành nên một diện mạo thôn trang tươi đẹp, hiền hòa khiến cho bức tranh cuộc sống ngày một thêm nhiều sắc màu hy vọng.

   Địa hình Tam Hiệp mặc dù ngày nay cũng thuộc vùng bán sơn địa nhưng thông thoáng, thuận tiện cho việc làm nhà và sản xuất nông nghiệp, thuận tiện cho giao thông, nhất là từ khi con đường xuyên Á chạy qua đây. Một địa bàn có nhiều thuận lợi để có thể trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng rau màu, cải tạo vươn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Họ trồng lúa, trồng  rau và trồng cả hoa cũng như tận dụng mặt nước để nuôi cá, nuôi vịt và cả chăn thả lơn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều hướng đi trong xóa đói giảm nghèo, trong việc kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, trong việc tận dụng thế mạnh cụ thể của mỗi nhà, của mỗi xóm để tìm được hướng đi thích hợp. Nhiều, rất nhiều gia đình ở Tam Hiệp đang hăng say lao động, trăn trở với công việc nhà nông hôm sớm để tìm cho mình một hướng đi, cách làm thích hợp. Điều đáng nói là với địa bàn thuận lợi về nhiều mặt như gần chợ, gần sông, gần đường nên Tam Hiệp từ khá lâu không còn là địa bàn thuần nông mà mở ra nhiều ngành nghề mới, thương mại, dịch vụ và vật liệu xây dựng. Nhưng con người của Tam Hiệp hôm nay quyết không cam chịu đói nghèo mà vươn lên bằng nỗ lực của chính mình để thay đổi cuộc đời mình và diện mạo của quê hương.

     Hàng trăm hộ nhưng chỉ còn 5 hộ nghèo, đó là một sự phấn đấu của bà con Tam Hiệp được ví như ba chân kiềng trong xây dựng nông thôn mới hôm nay. Trên khắp vùng quê tháng chạp vào một ngày cuối năm nắng ấm, tất cả đều rạng ngời sắc xuân trong rất nhiều hy vọng. Đó chính là những đổi thay đáng kể ở một vùng quê miệng nói tay làm và đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Đến với Tam Hiệp hôm nay để thấy rõ những đổi thay đang hiện rõ qua từng ngôi nhà trong nắng xuân, từng vườn ruộng được tay người chăm bón, từng nhành xuân đang hiện diện ở mỗi đường quê ngõ xóm, từ những nhọc nhằn vất vả của nhà nông để góp nhặt những điều làm nên hạnh phúc

   Nhiều người nghĩ đến Tam Hiệp là nhớ đến một quê hương được xem hội đủ các yếu tố ; thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về với Tam Hiệp hôm nay sẽ cảm nhận sâu hơn những chuyển động rạo rực như chính mùa xuân đang đến. Những đổi thay và hứa hẹn đổi thay đã và đang diễn ra hàng ngày trên một phần máu thịt  của quê hương Cam Lộ. Tin rằng Tam Hiệp cùng với nhiều làng quê khác của vùng quê Cam Lộ sẽ tiếp tục viết tiếp bản tráng ca chinh phục như ngày xưa gian khó vô vàn nhưng không thể nào ngăn nôi khát vọng của tiền nhân. Để từ đó sinh thành nên một quê hương đời trước truyền lại cho đời sau mang tên Tam Hiệp. Tất cả những ước mơ và nỗ lực dâng hiến đều mang hơi thở của mùa xuân, đều là thông điệp đổi thay những mong đem lại những gì tươi mới như chính bản chất thanh tân và sống động của chính cuộc đời này..

 

 

 

 

 

ất trời Quảng Trị và để lại muôn vạn dư âm trong mỗi đời người.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 01/01/2020 11:30 Nguyễn Việt Hà 13/01/2020 08:38

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà