Đất và người QT (pt) 17/1
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 17/1 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct ghi nhận về một nghệ sĩ quê nhà, An Thái có bút ký " Sức sáng tạo như mùa xuân". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, việc tìm tòi về bản sắc văn hóa, nhất là vùng cao có một ý nghĩa rất quan trọng. Đó cũng là nội dung bài viết sau của Hiếu Giang, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct, khi tìm hiểu văn hóa tâm linh làng quê, Tam Nguyên có tùy bút sau. Mời quý vị và các bạn cùng nghe!. -Quý thính giả vừa nghe ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                          SỨC SÁNG TẠO NHƯ MÙA XUÂN.

                                                                                    (Xuân Dũng)

  Sau vài lần trò chuyện, họa sĩ Trương Đình Dung mới có thể  tiếp tôi tại nhà riêng của anh ở Đông Hà (Quảng Trị). Đơn giản vì anh thường rất bận việc, ngày nào không vẽ là cảm thấy bứt rứt chân tay. Với anh sống là lao động miệt mài. Và với một họa sĩ chuyên nghiệp đúng nghĩa thì cuộc sống chính là tranh vẽ.

   Nhưng lối đến với hội họa đương đại cũng nhiều màu nhiều vẻ khác nhau, không ai giống ai, đặc biệt là khi người nghệ sĩ muốn in dấu cá tính sáng tạo của mình lên tác phẩm. Câu chuyện vẽ cái gì rất nhiều khi không còn là điều cốt yếu mà  nhường chỗ cho việc vẽ như thế nào, tức ý nói đến phương thức biểu hiện, đến nỗ lực tìm kiếm trên con đường định hình phong cách nếu anh thực sự là nghệ sĩ có tài. Với Trương Đình Dung, anh tâm đắc với quan niệm vẽ cái mình cảm thấy chứ không phải cái mình nhìn thấy. Nói đúng hơn là cảm thấy sau khi đã nhìn thấy và lắng đọng, suy ngẫm để tạo nên những tâm tình bằng sắc màu và đường nét, kể một câu chuyện hay giản đơn là tâm sự đôi điều bằng ngôn ngữ hội họa theo cách diễn đạt của riêng mình.

   Như anh đã tâm sự là rất nhiều khi anh mang tâm trạng vẽ là để trả nợ, trả nợ quê hương, trả nợ cuộc đời, trả nợ nhân gian với muôn vạn ân tình khó lòng nói hết. Như motif (mô típ) sen trở thành một ám tượng trong tranh của anh cũng là hiện thân cho quê nhà Quảng Trị, dù mỗi lần xuất hiện thì hoa sen lại có vẻ khác nhau qua cách nhìn và đặc biệt là cách cảm của người họa sĩ. Hay địa đạo Vịnh Mốc, một chứng tích lịch sử thật sự ấn tượng của người dân Vĩnh Linh đã thôi thúc anh sáng tạo để trả nợ nguồn cội sinh thành nơi quê cha đất tổ.

*Họa sĩ Trương Đình Dung nói (băng)

  Họa sĩ là người năng động, khát khao làm việc và dễ thích nghi nên cũng không gò mình vào một bút pháp, chất liệu cụ thể nào mà thường là tùy cơ ứng biến, tùy theo đề tài và cảm xúc mà tìm cách thể hiện cho thích hợp. Bởi vậy tranh của anh cũng đa thanh, đa sắc, sinh động và mang hơi thở sự sống như chính cuộc đời này. Kể cả khi anh tái hiện địa đạo Vịnh Mốc như một thử thách khắc nghiệt thời chiến giữa lằn ranh sinh tử thì nụ cười trẻ thơ nhi nhiên vẫn hình tượng chủ đạo quán xuyến tinh thần của bức tranh, một cách nhìn tươi mới, lạc quan, tạo nên thần thái của một họa phẩm có vẻ sơ giản về đường nét nhưng mới lạ về bố cục và tư tưởng nghệ thuật. Trong nhiều bức tranh khác của họa sĩ Trương Đình Dung, có cảm giác chất uy-mua ẩn chứa trong tác phẩm, thấp thoáng nụ cười của người sáng tác, một nụ cười có chút gì hài hước như thể đang muốn chuyện trò với người thưởng lãm. Phải chăng đó là duyên riêng trong tranh Trương Đình Dung khiến nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tranh của anh được nhiều nhà sưu tập lựa chọn và anh là họa sĩ sống được bằng nghề,  bằng tác phẩm, một điều không dễ trong thời buổi hiện nay kể cả với nhiều người hoạt động nghệ thuật ở các thành phố lớn.

   Họa sĩ Thế Hà là người thầy đầu tiên dìu dắt họa sĩ Trương Đình Dung vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong căn nhà của mình, ông vẫn nhắc lại những cảm nhận từ khoảng hai mươi năm về trước. Và sau này ông vẫn thường xuyên theo dõi con đường sáng tác của họa sĩ Trương Đình Dung để có những ghi nhận và ý kiến đóng góp xác đáng.

   Còn với nghệ sĩ Bùi Khánh Toàn cũng là người theo đuổi nhiếp ảnh nhưng quan tâm đến công việc sáng tác và giảng dạy của họa sĩ Trương Đình Dung đã kể với chúng tôi nhiều điều đáng nói. Đó không chỉ là lao động sáng tạo của người họa sĩ mà còn là những kết quả truyền thụ sau khi anh đứng trên bục giảng.

   Ngoài việc giảng dạy ở trường CĐSP Quảng Trị và sáng tác, họa sĩ Trương Đình Dung còn tình nguyện dạy vẽ cho các em học sinh ở nhiều trường học xa gần. Anh luôn muốn mang niềm vui đến cho tuổi thơ bằng tình yêu hội họa, tình yêu con người với những lứa tuổi măng non. Các em thường vui vẻ, hào hứng mỗi khi thầy Dung đến lớp. Bởi lứa tuổi các em thì quan trọng nhất là mỗi ngày đến trường phải là một niềm vui hứng khởi và bổ ích để học đường thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của con trẻ. Được biết họa sĩ Trương Đình Dung còn lặng thầm tham gia công việc thiện nguyện bán tranh hỗ trợ các nạn nhân TNGT và sắp tới sẽ làm thiện nguyện ở khoa Nhi-Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.

   Mùa xuân đã rộn rã ở ngoài đường phố, làng quê. Chúng ta cùng cầu chúc cho người họa sĩ năng động và miệt mài sáng tạo có thêm những tác phẩm và công việc có ích cho đời. 

   

  

                                BÍ ẨN “RỪNG MA”.

                                                                                (Xuân Dũng)

 

Với đồng bào Vân Kiều, sự sống đã chất chứa bao điều huyền bí và sự chết của họ cũng có không ít lạ lùng khác thường. Nghĩa địa của họ là nơi bất khả xâm phạm mà người ta gọi là rừng ma với biết bao điều bí ẩn.

 

Lần đầu lên miền núi Quảng Trị vào thập niên 1980, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc ấy nạn đốt rừng làm rẫy còn tràn lan. Đó là tập quán phát - đốt - cuốc - trỉa của đồng bào miền ngược, di chứng của lối sống du canh du cư từ cả ngàn năm trước. Nhưng có một điều lạ là bên cạnh những núi đồi bị đốt trụi lại có những cụm rừng nguyên sinh xanh thẳm nổi lên như một cù lao, thậm chí có những cánh rừng già cây cối cao vút um tùm như không hề có bàn tay con người đụng đến. Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, một cán bộ người Kinh giải thích đó là chỗ chôn người chết của đồng bào Vân Kiều. Người sống không dám lai vãng chứ đừng nói đến chuyện phá rừng. Người ta gọi nôm na là rừng ma. Tôi nhờ anh cán bộ người Kinh đưa vào rừng ma, anh hốt hoảng từ chối và khuyên tôi đừng rước vạ vào thân.

Anh Lê Văn Quang, một thanh niên Cam Lộ, buôn bán gỗ mít, thường hay lên miền núi mua hàng. Lần ấy, vì gấp việc anh đã đi tắt qua một cánh rừng cho nhanh. Vừa mới qua khỏi, chợt có tiếng quát: ”Này, ai cho anh đi qua đây? Muốn chết hả?”. Rồi xuất hiện trước mặt mấy người Vân Kiều mặt mũi hầm hầm, xem chừng tức giận sôi gan. Quang giải thích vì gấp việc phải đi qua đây, có làm gì sai trái đâu mà bà con la mắng. Một người Vân Kiều nói chỗ chôn người chết không ai được đến gần, nhất là người lạ. Nếu ai vi phạm sẽ phải cúng một con heo dài năm gang và ba con gà cùng với rượu để tạ tội với thần linh, để ma rừng yên ổn không quấy phá người sống. Quang nghe xong là ù tai, cố sức phân trần.Thấy bộ dạng anh hiền lành, nói năng thật thà nên sau cùng họ bỏ qua. Kể lại chuyện này, Quang vẫn còn rụt cổ: ”Em khiếp đến già luôn anh ơi”. Quang kể lúc đi qua khu rừng ma không thấy nhà mồ gì cả, chỉ có một lối mòn nhỏ giữa cây cối rậm rạp mà họ bảo là nơi ở của người chết.

Tôi đem chuyện này hỏi ông Hồ Văn Cường, người xã Mò Ó (huyện Đakrông, Quảng Trị). Ông Cường cho hay đồng bào Vân Kiều khi chết được đưa ra chôn ở ngoài rừng và nơi đó thường xa chỗ ở. Mai táng xong người chết, họ bỏ chạy một mạch về nhà, không được ngoái cổ lại đằng sau. Theo quan niệm của người Vân Kiều, người ta dù chết đi vẫn còn linh hồn, nếu để hồn ma biết đường trở về nhà sẽ bắt người sống phải ốm đau bệnh tật, phải chết theo với mình. Vì vậy, chỗ chôn người chết là cách biệt hẳn và bất khả xâm phạm. Người sống, ngay cả người nhà, cũng hầu như không dám viếng thăm lãnh địa của những linh hồn. Lâu ngày mồ chôn biến thành đất bằng, cây rừng mặc sức mọc lên. Dân tộc Vân Kiều thường chôn người chết thành từng chỗ riêng theo gia tộc. Khi chôn họ thường chôn theo chiếu, chén bát, nồi niêu... dành cho người đã khuất núi. Họ quan niệm người chết vẫn sống bình thường ở một thế giới khác, thế giới của những hồn ma. Họ gọi nơi đó là lùm cu múi (nghĩa là rừng ma).

Tôi muốn đến đó một lần cho biết nhưng ông Cường lắc đầu quầy quậy: “Không được đâu, làng phạt đấy!”.

VÀO “RỪNG MA”.

Tôi bàn với Lập, anh chàng lái buôn vốn rất thân quen với người Vân Kiều, phải tìm cách một lần vào được rừng ma. Lập hiến kế nên đi vào nửa buổi chiều, lúc ấy thường vắng người, hi vọng không gặp rắc rối. Nhưng anh chàng này hơi sợ, nên chỉ nhận nhiệm vụ trinh sát và cảnh giới phòng bất trắc, còn thì mặc tôi xoay xở. Tôi liền đồng ý.

Chúng tôi gặp cán bộ xã Hướng Hiệp trình bày ý định và nhờ giúp cho một cán bộ trẻ dẫn đường. Chính quyền xã cử ngay bí thư xã đoàn người Vân Kiều tên Hồ Văn Nhiên dẫn đường. Dọc đường đi, tôi dạm hỏi về chuyện rừng ma, Nhiên vẫn vui vẻ kể chuyện. Nhưng khi tôi đề nghị Nhiên dẫn tôi vào rừng ma để tìm hiểu rõ hơn về văn hóa miền núi thì bí thư xã đoàn hoảng hốt: “Thật tình em cũng muốn giúp anh, nhưng vào rừng ma thì không dám. Người Vân Kiều kiêng kỵ vào rừng ma, nhất là người lạ”.Tôi kiên trì thuyết phục, cuối cùng Nhiên đồng ý chỉ đường tới gần rừng ma rồi anh quay ngay về xã.

Đến nơi, Lập vội... núp vào một lùm cây um tùm ven đường. Nhìn kỹ bốn phía không thấy ai, tôi nhanh chóng rẽ vào một lối mòn, cây cối hai bên rậm rạp, chứng tỏ lâu ngày không có người vào. Đi chừng nửa cây số, hiện ra một khoảng trống giữa bốn bề rậm rạp. Rừng ma đây rồi! Tôi ngồi xuống quan sát, xung quanh lặng ngắt, không khí u tịch, nặng nề. Trước mặt tôi có một chiếc chiếu đã rách, cạnh bên là chiếc bát. Bỗng dưng tôi thấy lạnh sau gáy. Chính vào lúc này bằng trải nghiệm của bản thân, tôi mới thấm thía một sự thật mang dáng dấp nghịch lý: có những điều mình không tin có thực mà nhiều khi vẫn sợ, một nỗi sợ in sâu trong tiềm thức, khi có cơ hội sẽ bùng lên. Đang lúc nghĩ ngợi miên man thì bỗng “soạt” một cái, tôi giật mình. Hóa ra chỉ là tiếng vỗ cánh của con chim.

Rồi đột nhiên thấy hình như xa xa trong rừng ma nhô lên một tấm bia mộ. Lạ thật, người Vân Kiều làm gì có chuyện dựng bia mộ. Tôi khom lưng đi tới gần nhìn cho rõ. Đúng là một tấm bia mộ, ghi rõ tên người chết là một cán bộ người Vân Kiều. Có lẽ người nhà anh cán bộ này học cách dựng bia mộ của người Kinh. Đó là kết quả của việc giao lưu văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược vẫn diễn ra từng ngày ở đây. Tôi chụp mấy kiểu ảnh “rừng ma” và nhanh chóng rút khỏi “lãnh địa bất khả xâm phạm”...

Tùy bút:

      CHÙA LÀNG KIM ĐÂU

                                                                                                (Xuân Dũng)

Kim Đâu thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ có ngôi chùa làng cũng vào loại chùa cổ mấy trăm năm. Chùa này vốn dĩ ra đời do nhu cầu đồng bào sùng mộ đạo Phật. Hàng trăm năm qua chùa thành nơi thăm viếng, khói hương của phật tử vùng này và không có sư trụ trì, mọi việc đều do làng coi sóc, mãi tận gần đây mới có  nhà sư được giáo hội cử đến lo phật sự. Ngôi chùa làng nằm xa phố xá, xa những con đường ồn ào náo nhiệt, ẩn mình phía sau làng nên gần gũi với người dân quê vốn chất phác, hiền hòa. Mỗi khi có dịp lễ trọng thì chúng sinh Phật tử chốn quê lại quây quần về đây sinh hoạt bên nhau để nêu cao một đời sống tâm linh hướng thiện. Cửa thiền rộng mở cho mọi người nuôi dưỡng khát vọng xây đắp một đời sống an lành. Người già,thanh niên và cả trẻ em tìm thấy một khung cảnh an hòa, thanh tịnh đặng tu tâm dưỡng tính và góp tâm lực của mình trong công việc nhà chùa. Phía sau chính điện là nơi phụng thờ hai vị tiền khai khẩn và các vị hậu khai canh có công lớn với làng. Vị sư trụ trì giới thiêu với người vãn cảnh chùa những chứng tích về một ngôi chùa làng đã có một quá khứ dài lâu. Những hình tượng Phật giáo, nhất là từ ngôi chùa làng luôn gợi lên cảm giác gần gũi, thân tình. Những hình ảnh, thanh âm quen thuộc, thân thương từ một ngôi chùa làng lại khiến cho  người dù là dân làng hay khách thập phương thấy tâm mình lắng đọng khi bước chân vào một  chốn thiền môn. Đại đức Thích Minh Nhơn, sư trụ trì chùa Kim Đâu, Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị đã cho hay dựa vào những vật dụng ở chùa như chuông có thể khẳng định đây là một ngôi cổ tự đã làm bạn với người dân qua hàng trăm năm nay.
Làng quê Kim Đâu với hàng mấy trăm hộ dân đã vui buồn sớm tối có nhau, vẫn nhắc nhau lấy công việc siêng năng và đạo nghĩa, yên bình làm trọng đã thành một điểm nhấn sinh động trong bức tranh Cam Lộ vốn nhiều màu sắc. Không gì yên lòng hơn khi đến với một làng quê no ấm, an lành khi bà con muôn người như một trong khung cảnh thơ mộng, trữ tình. Ông Hà Văn Ban, trưởng thôn Kim Đâu, Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị phấn khởi khi nói với chúng tôi về đời sống vật chất của người dân đã có nhiều thay đổi đáng mừng và an ninh nông thôn luôn được gìn giữ đem lại niềm tin về một quê hương no ấm, yên vui.
Một vùng quê có đủ núi đồi, ruộng đồng, sông nước, có những di tích cổ kính ngàn xưa, có những tấm lòng thơm thảo và hiền lành, sâu xa như đất. Những mùa vàng đã dâng hiến cho nhà nông  vất vả sớm hôm, rút ruột mình ra mà cảm tạ công người trải qua lắm ngày mưa dầm nắng gắt. Đó cũng là những nét phác thảo đầu tiên khi muốn có một góc nhìn khác hơn về vùng quê Cam Lộ.
 

 

 

 

 

  

     

 

 

Chú thích duyệt

Lưu ý về hình ảnh

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 13/01/2020 15:12 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà