Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 15-3

MC1: Kính chào quý vị và các bạn! Quý vị và các bạn đang nghe tạp chí văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Mỹ thuật ra đời từ cuộc sống thực tế và không ngừng tiếp biến với các luồng ảnh hưởng. Đổi mới cần tầm nhìn văn hóa thẩm mỹ thích ứng. Ở Việt Nam, diện mạo đời sống mỹ thuật đang rất phong phú, sinh động, cho thấy sự chuyển dịch tách khỏi môi trường mỹ thuật truyền thống.

MC1: Vâng, và khi cuộc sống ngày một hiện đại hơn, nhu cầu sống của con người giờ không chỉ còn dừng lại ở "ăn no mặc ấm" nữa mà còn trở thành ăn ngon mặc đẹp. Đó cũng là lý do nghệ thuật giờ đây có thể len lỏi vào bất cứ đâu trong cuộc sống của chúng ta, trở nên ứng dụng và thực tế. Trong tạp chí văn nghệ chủ nhật tuần này, mời QV & các bạn cùng chúng tôi nhìn lại bức tranh mỹ thuật Quảng Trị những năm qua và các họa sỹ Quảng Trị đã có những ứng dụng, đưa mỹ thuật vào cuộc sống như thế nào. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

Bức tranh mỹ thuật Quảng Trị

MC2: Thưa QV & các bạn! Cách đây 69 năm, trong bức thư gửi các họa sĩ ngày 10/12/1951, Bác Hồ thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Người với các họa sĩ cũng như đối với văn học, nghệ thuật nước nhà. Bác đã khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Câu nói bất hủ ấy của Bác đã trở thành điều tâm niệm sâu sắc trong hành động của anh chị em văn nghệ sĩ nước ta, bao gồm anh chị em mỹ thuật. Trong 69 năm qua, từng có biết bao nhà sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật đã phát biểu về giá trị to lớn và tầm quan trọng của bức thư mang tính lịch sử của Bác. Bác viết: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân mà trước hết là công, nông, binh. Để làm tròn, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết...

MC1: Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình”. Đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cụ thể trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; đồng thời cũng là lời giáo huấn có ý nghĩa quan trọng, là “kim chỉ nam” vạch lối chỉ đường, có giá trị lý luận và thực tiễn, được xem như là một văn kiện quan trọng mãi giữ nguyên giá trị trong các chủ trương, đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng và Nhà nước.

       MC2: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, bởi vì nghệ thuật không có định hướng là nghệ thuật mất gốc, tách ra khỏi đời sống. Người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm của mình phải nói lên được điều gì để cho mọi người hiểu, có tác dụng giáo dục trong công chúng, đồng thời không lặp lại tác phẩm của người khác, biết sáng tạo, biết thâm nhập cuộc sống để chuyển tải các hình ảnh hoạt động tích cực ngoài đời vào tác phẩm của mình một cách chọn lọc và qua đó bộc lộ được cái hồn cao nhất chính là tính dân tộc. Tính dân tộc hoàn toàn không chỉ thể hiện ở hình thức, mà nó là nội dung chắt lọc, chịu thử thách qua thời gian, là cái có thể cảm thấy chứ không chỉ nhìn thấy như yếu tố vật lý. Lãng quên tính dân tộc sẽ đi chệch qua con đường khác, lai căng và mất định hướng trong nền kinh tế thị trường.

          MC1: Nhiều năm qua, giới mỹ thuật Quảng Trị đã có nhiều cuộc hội thảo để bàn về tính dân tộc hiện đại và đã có định nghĩa khá thuyết phục. “… Tính dân tộc có thể được coi là mùi hương của chất mật ong mà con ong - nghệ sĩ đã lặn lội, miệt mài để hút nhụy của muôn loài hoa, tích lũy để truyền vào trong tác phẩm của chính mình thứ tinh hoa dường như chất mật ong và mùi hương tuyệt vời ấy…”. Chính tính dân tộc là tinh hoa tuyệt vời mà mỗi nghệ sĩ đều suy tư, miệt mài tìm kiếm trong kho tàng văn hóa dân tộc, vốn sống và mong muốn thể hiện được nó bằng ngôn ngữ thị giác trên tác phẩm của mình. Với tinh thần ấy, các nghệ sỹ, họa sỹ tỉnh nhà đã thổi hồn vào các tác phẩm của mình và gặt hái được nhiều thành công. Họa Sỹ Trương Minh Dự sẻ về các sáng tác của mình:

          Băng ghi âm

MC2: Với 7 Trại sáng tác được tổ chức ở Trung ương, khu vực và ở trong tỉnh, đã tổ chức 4 cuộc thực tế sáng tác khu vực biên giới và biển đảo, có tác giả ra tận Trường Sa, đã tổ chức 7 cuộc triển lãm Mỹ thuật, triển lãm điêu khắc toàn quốc về lực lượng vũ trang, về kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, liên hoan khu vực và 12 cuộc triển lãm tập thể, nhóm, cá nhân trên địa bàn Quảng Trị với hơn 550 tác phẩm. Các hội viên Phân hội Mỹ thuật đã gây được ấn tượng tốt đẹp trong giới chuyên môn cũng như khán giả về chất lượng nội dung, nghệ thuật và hình thức thể hiện.

          MC1: Phân hội Mỹ thuật còn tổ chức và tham dự các buổi Hội thảo trao đổi nghề nghiệp nhằm kích thích sự đổi mới trong sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm đạt giá trị cao. Phân hội còn góp phần gây dựng, phát hiện, bồi dưỡng một đội ngũ hoạ sĩ “mầm non” thông qua các cuộc triển lãm mỹ thuật thiếu nhi. Tranh của các cháu thiếu nhi Quảng Trị không những gây được sự chú ý ở địa phương mà còn có vị trí trong hoạt động mỹ thuật thiếu nhi khu vực và cả nước.

          MC2: Cùng với các hội viên của phân hội Mỹ Thuật Quảng Trị, còn có 1 đội ngũ các họa sỹ là những giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường học trên địa tỉnh họ cũng có nhiều sáng tác về quê hương. Trong dịp Kỷ niệm 30 năm ngày lập lại tỉnh Quảng Trị, ngày 29/6, tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, Sở GD&ĐT tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật ngành giáo dục Quảng Trị lần thứ I, năm 2019 với chủ đề “Quảng Trị 30 năm đổi mới và phát triển”. Triển lãm có 167 tác phẩm của các tác giả là thầy giáo, cô giáo, giáo viên dạy bộ môn Mỹ thuật cấp Tiểu học, THCS đang giảng dạy, công tác tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tham gia triển lãm. Mỗi tác phẩm tham dự triển lãm là một thông điệp cuộc sống qua góc nhìn của các tác giả, dù là những hoạ sĩ không chuyên nhưng với tình yêu và niềm đam mê sáng tạo các thầy cô đã thổi hồn vào những nét vẽ, từng mảng màu để có được những tác phẩm mỹ thuật đa dạng về màu sắc, thanh thoát tinh tế về đường nét, sáng tạo trong ý tưởng, chất liệu và bố cục…Các tác phẩm mỹ thuật được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như: sơn dầu, sơn mài Acrylic, phù điêu, tượng gỗ, bột màu, lụa… đã mang đến cho người xem nét đẹp của cảnh sắc, của văn hoá quê hương, những tấm lòng hồn hậu, nghĩa tình của người dân vùng gió Lào cát trắng Quảng Trị với tinh thần kiên cường, bền bỉ và ý chí, khát vọng vươn lên của con người Quảng Trị anh hùng; những thành tựu trong các mặt phát triển kinh tế- xã hội của địa phương…

 

          MC1: Có thể nói bằng những sáng tác của mình, các họa sỹ của tỉnh nhà đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước rất riêng. Những sáng tác của họ đã phản ánh hơi thở của cuộc sống, thể hiện những bước đi lên, đổi mới không ngừng của quê hương, và cũng ở các tác phẩm của mình, nhiều họa sĩ đã vẽ nên tương lai của quê hương với những gam màu đầy tươi sáng.

Nhạc cắt

Trịnh Hoàng Tân – Họa sỹ của người lính

MC2: Thưa QV & CB! Người họa sỹ không chỉ sáng tác nên những bức tranh có giá trị thẩm mỹ cao mà những tác phẩm của họ còn có giá trị về lịch sử, văn hóa. Trong chiến tranh, có những tác phẩm thể hiện tinh thần đấu tranh, khắc họa được hình ảnh những người lính anh dũng, kiên cường đã trở thành nguồn cổ vũ, khích lệ quân và dân ta đứng lên vì hòa bình dân tộc. Trong thời bình, có nhiều họa sỹ vẫn đau đáu với quê hương, họ muốn lưu giữ quá khứ, nhắc nhớ về lịch sử dân tộc và thể hiện điều đó trong các tác phẩm của mình. Họa sỹ Trịnh Hoàng Tân là một người họa sỹ như thế. Ông là một họa sĩ luôn có tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm mỹ thuật toàn quốc và giành các giải thưởng lớn về mỹ thuật. Đặc biệt, ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng, các tác phẩm hội họa của ông đã phản ánh đa dạng công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, lao động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Giới mỹ thuật trong và ngoài tỉnh vẫn gọi ông là họa sỹ của người lính.

MC1: Sinh ra trong một gia đình không có ai đi theo con đường nghệ thuật, Trịnh Hoàng Tân cũng không nghĩ rằng sẽ có lúc ông bén duyên với hội họa rồi gắn bó cuộc đời mình với bộ môn nghệ thuật đầy sáng tạo vào trừu tượng này. Thế rồi trong những năm tháng vào quân ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, ông được phân công nhiệm vụ vẽ tranh cổ động cho sư đoàn, cũng từ đây ông bén duyên với hội họa.

Năm 1987, sau khi rời quân ngũ, ông thi vào trường Đại học nghệ thuật Huế, khoa hội họa chuyên ngành sơn mài và bắt đầu con đường sáng tác của mình.

Với họa sỹ Trịnh Hoàng Tân, những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với chiến trường, đồng đội là những năm tháng gian khổ nhưng cũng đẹp đẽ nhất. Có lẽ, cũng vì thế mà đề tài về chiến tranh cách mạng, về người lính, về những người mẹ luôn là đề tài xuyên suốt và chủ đạo trong các tác phẩm của ông. Họa sỹ Trịnh Hoàng Tân chia sẻ:

Phỏng vấn họa sỹ Trịnh Hoàng Tân

MC2: Một trong những bức tranh đưa tên tuổi Trịnh Hoàng Tân đến gần hơn với giới mỹ thuật và công chúng chính là bức tranh “Mẹ và người lính”. Bức tranh gây ấn tượng mạnh và gợi nhiều cảm xúc cho người xem không chỉ bởi gam màu nóng mà họa sỹ đã sử dụng chất liệu sơn mài để làm nổi bật lên hình ảnh của những người mẹ và người lính. Ở đó, có bóng dáng của người mẹ chờ con trở về, ở đó có bóng dáng của những người vợ bồng con chờ chồng, ở đó có hình ảnh những người mẹ đón con trong khúc khải hoàn của ngày độc lập… tất cả hiện lên một cách sinh động và đầy cảm xúc. Cũng chính vì thế mà bức tranh “ Mẹ và người lính” đã nhận được 5 giải thưởng như: Giải A khu vực Bắc miền trung năm 2015, giải ba tại triển lãm lực lượng vũ trang toàn quốc, giải B về đề tài chiến tranh cách mạng chất lương cao do Bộ văn hóa thông tin và du lịch và ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao tặng…

Phỏng vấn họa sỹ Trịnh Hoàng Tân

MC1: Cùng với thực tế của những năm tháng sống với nhân dân, cùng nhân dân chiến đấu và lao động, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân đã có những thành công trong thể hiện đề tài, hình ảnh chiến tranh cách mạng ngay cả trong thời kỳ hậu chiến, hòa bình. Cầm cọ vẽ từ năm 1980, họa sĩ  Trịnh Hoàng Tân đã và đang sáng tác trong sự gắn bó với hiện thực của thời đại và những hoài niệm của mình, đều đặn có tác phẩm tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật mỹ thuật khu vực và toàn quốc. Vẽ tranh về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và cuộc sống hòa bình, sự đổi mới toàn diện và mạnh mẽ của đất nước, Người họa sỹ luôn tâm niệm “trở về với nguồn cội” ngày ấy đã ươm mầm và tiếp lửa cho biết bao thế hệ học trò yêu hội họa của quê hương. Bởi với ông, quê hương là mạch nguồn cảm hứng trong suốt cuộc đời theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật.

Nhạc cắt

Hoa lá vào tranh

          MC2: Thưa QV & các bạn! Bên cạnh những họa sỹ đau đáu và gắn liền với hình ảnh của những người lính thì có nhiều họa sỹ đã hòa mình vào cuộc sống đương đại, những sáng tác của họ mang hơi thở của cuộc sống được nhiều người yêu thích. Tranh của họ đã đến gần hơn với người dân, góp phần cho cuộc sống của mọi người thêm đa sắc. Một trong những dòng tranh được nhiều người yêu thích, sưu tầm để trang trí trong gia đình, đó là tranh về phong cảnh, hoa lá.

MC1: Vâng, Từ ngàn xưa, hoa, lá, cỏ cây đã trở thành máu thịt của con người. Lòng khao khát cái đẹp thấm sâu trong thiên nhiên dễ dàng giúp con người toại nguyện trước thế giới hoa và cây cảnh. Có người nói cuộc sống cần bánh mì và hoa hồng.Thiếu hoa thì cuộc đời sẽ nghèo đi biết mấy.

Trồng hoa, chơi hoa, vẽ hoa tạo cho con người có thú vui tao nhã, tu dưỡng tâm tính, hướng tới chân, thiện, mỹ. Họa sĩ Trương Đình Dung (Giảng viên môn mỹ thuật Trường CĐSP Quảng Trị) vẽ những bức tranh hoa lá có sức lôi cuốn người xem bằng những xúc cảm về màu sắc và các rung động tình cảm được trưng trổ trên những nhát cọ, nét bút tự do hòa quyện với nhau làm mặt tranh sáng bừng những hòa sắc.

MC2: Người xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” - đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt. Nếu như những thú chơi khác đều thay đổi xu hướng theo mỗi năm thì có vẻ tranh về hoa lá là môn nghệ thuật ít “xê dịch” nhất. Nhìn chung, đã là tranh hoa thì đều hướng về truyền thống, nguồn cội. Trong từng nét vẽ, mỗi bức tranh hoa lá quê nhà như mang theo những cảm xúc bình an, tự tại.

Điểm độc đáo của các bức tranh hoa lá cỏ cây là được tạo bởi 5 màu sắc chính là đen, xanh, vàng, đỏ, trắng, có nhiều nét tương đồng với 5 yếu tố ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bởi vậy, sự hòa hợp của các gam màu trên tranh hoa của Trương Đình Dung là điềm báo cho sự khởi phát thuận lợi của ngũ hành, mang đến may mắn và điềm lành cho gia chủ. Với màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, những bức tranh hoa của Dung không đơn thuần để trang trí cho những căn nhà thêm phần ấm áp, rực rỡ sắc màu của hoa, mà còn là không gian văn hóa với những giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa sâu sắc.

MC1: Đó còn là "Đồng hoa An Lạc" với không gian làng hoa bên sông Hiếu chìm ngập trong gam vàng là những bông cúc Đại Đoá đong đưa, người xem có thể cảm thấy sự ẩm ướt trong từng cánh hoa và hương hoa thơm ngát. Gam màu vàng nhẹ êm đềm phía xa biểu hiện cho màn mưa xuân lắc rắc trên màu nâu đất ẩm xốp những hạt mầm đang nảy nở. Đặc biệt, hình tượng đơn sơ, mộc mạc của những người nghệ nhân thấp thoáng trên đồng hoa. Tác phẩm này như một bản hợp xướng của cánh đồng hoa An Lạc và hương sắc mùa xuân tràn ngập đất trời.

Họa sĩ Trương Đình Dung chia sẻ thêm:

PV: Họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Nội dung: nói về bức tranh cánh đồng hoa An Lạc

MC2: Có thể nói, với bút pháp phóng khoáng, Trương Đình Dung đã dùng những vệt màu chảy và nét bút vẩy phản chiếu cảm xúc trong giây phút, không thể lặp lại lần thứ hai, bộ tranh hoa đã đưa người xem như được trở về với mùi hương hoa của đồng đất quê nhà.

Làng hoa An Lạc quê nhà luôn rực rỡ trong tâm hồn họa sĩ Trương Đình Dung. Những cánh hoa rung rinh dưới nắng xuân, dưới trăng thu hay dưới mưa phùn đều mang đậm hồn Việt và sự tiếp nối của dòng chảy mỹ thuật folklore của miền quê cát trắng gió Lào. Tất cả những hình ảnh đó được in dấu trong tranh của Trương Đình Dung và đi vào ký ức của người xem.

Thoạt nhìn, ngỡ như các màu sắc trong tranh của Trương Đình Dung được vẽ cô lập và nội dung đơn giản, nhưng ngắm kỹ sẽ thấy sắc độ chuyển khá nhiều và tinh tế.

MC1: Trương Đình Dung sáng tác tranh hoa dựa trên ngôn ngữ tạo hình và màu sắc. Những bức tranh được lấy cảm hứng từ thiên nhiên mà người họa sĩ chỉ làm cho nó sáng hơn, đẹp hơn theo nghĩa của hội họa. Theo cách đó, hội họa của Trương Đình Dung làm thỏa mãn giác quan của người xem bằng các cung bậc màu sắc và đường nét hết sức tinh tế.

Tranh của họa sĩ Trương Đình Dung khá đa dạng phong cách, bút pháp thể hiện với sơn dầu, sơn mài và thủy mặc cho thấy đam mê hội họa và tính cách phóng khoáng, sự tìm tòi và khám phá đề tài mới lạ về thiên nhiên, con người, cuộc sống của một người đã tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên khoa Sơn mài và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Thủy mặc tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc).

Thế Hùng

Nhạc cắt

ĐƯA MỸ THUẬT GẦN HƠN VỚI CUỘC SỐNG

MC2 : Thưa quý vị và các bạn, Cùng với ngôn ngữ, nghệ thuật được xem là môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện tư duy sáng tạo và nhân cách con người.Với ý nghĩa đó, thời gian qua hoạt động sáng tác Mỹ thuật, nhất là môn Vẽ dành cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rất đáng phấn khởi. Nhiều tác phẩm không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao, nhận được các giải thưởng lớn ở các cuộc thi sáng tác Mỹ thuật cấp khu vực và toàn quốc mà hơn thế, giá trị tác phẩm của các em sáng tác ngày càng đến gần hơn với cuộc sống, lan tảo những giá trị nghệ thuật và những thông điệp nhân văn ý nghĩa, góp phần để cuộc sống mang nhiều sắc màu tươi vui hơn. Bài viết của PV Việt Thanh, mời Qv & các bạn cùng nghe!

MC1: Bước ra từ cuộc thi Vẽ Con yêu Mẹ - chiến sỹ Công An năm 2019 với Giải Nhất cấp tỉnh và Giải khuyến khích cấp Quốc gia, đề tài Em yêu người lính với em Võ Hoàng Bảo Hân ở phường 5 thành phố Đông Hà đó là niềm vui lớn thôi thúc Bảo Hân mạnh dạn hơn trên con đường nghệ thuật của mình. Từ đây, Bảo Hân cũng sáng tác nhiều hơn, tranh của em đa dạng về chủ đề, tươi vui trong màu sắc, và điểm nhấn lớn trong các sáng tác là thông điệp về cuộc sống sinh động và gần gũi hơn. Chính vì vậy, tranh của Bảo Hân không chỉ dành để tham gia trưng bày ở các buổi triển lãm mà em tham gia, làm quà tặng bạn bè, người thân sau mỗi cuộc thi như một kỷ vật đẹp mà giờ đây nó được hiện diện trang trọng ở nhiều nơi như văn phòng, lớp học, bệnh viện và đôi khi tranh của em còn dành làm quà tặng cho các hoạt động nhân đạo ý nghĩa khác. Em Võ Hoàng Bảo Hân chia sẻ:

Băng ghi âm

MC2: Tặng, cho, biếu tranh đạt giải qua các cuộc thi cho các đơn vị, tổ chức nhằm góp phần quảng bá lan tỏa những giá trị mỹ thuật trong tranh đến với công chúng, đưa các tác phẩm mỹ thuật gần hơn với đời sống là một trong những định hướng hoạt động mà Nhà Thiếu Nhi Quảng Trị thực hiện nhiều năm qua, điều đó giúp cho mỗi lớp học mỹ thuật, nhất môn Vẽ không chỉ là điểm hẹn để các em khơi nguồn đam mê sáng tạo với hội họa mà còn giúp các em cảm nhận hơi thở cuộc sống gần gũi hơn. Vì lẽ đó mà tranh của em sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi tỉnh có mặt hầu khắp các hoạt động đời sống văn hóa xã hội của tỉnh, của các địa phương. Gần đây nhất là chương trình tặng Tranh cho các cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở ngoài đảo xa, đấu giá tranh đạt giải qua các cuộc thi để gây quỹ làm từ thiện Số tiền thu được từ chương trình bán tranh không lớn nhưng đó là một món quà vô cùng ý nghĩa không chỉ góp phần giúp cuộc sống của một số gia đình nghèo bớt nhọc nhằn hơn  mà còn giúp cho chính người họa sỹ sáng tác có những cảm xúc đặc biệt với tác phẩm của chính mình. Em Đặng Vân Anh, lớp 6A Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Đông Hà chia sẻ:

Băng ghi âm

Anh Nguyễn Thế Hùng, GĐ nhà thiếu nhi Quảng Trị cho biết:

Băng ghi âm

MC1: Với trẻ em, sáng tác Mỹ Thuật, trong đó có lĩnh vực hội họa gắn liền với đời sống xã hội còn giúp các em cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống chân thực và nhân văn hơn. Đây cũng là lý do để Trung tâm văn hóa thông tin thể dục thể thao huyện Vĩnh Linh mạnh dạn hơn trong các hoạt động giới thiệu, đưa tranh của thiếu nhi địa phương tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo trên địa bàn tỉnh với các chương trình như Tặng tranh cho các khoa nhi ở Bệnh viện, tặng tranh cho các trẻ em nghèo của huyện, ....

          ANH HOÀNG ĐỨC AN Giám đốc Trung tâm VH TT TD TT huyện Gio Linh chia sẻ:

Băng ghi âm

MC2: Cùng với ngôn ngữ, nghệ thuật được xem là môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện tư duy sáng tạo và nhân cách con người.Vì vậy, hoạt động sáng tác nghệ thuật nói chung dành cho thiếu nhi trong đó có Mỹ Thuật được gắn các hoạt động mỹ thuật với đời sống xã hội. Từ đó, không chỉ khơi dậy đam mê, năng khiếu nghệ thuật của các em thiếu nhi mà còn góp phần hình thành nhân cách tươi sáng của trẻ thơ và hơn thế giúp các em cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống cũng trọn vẹn và nhiều cảm xúc hơn. Đây cũng là cách để giúp các em thiếu nhi hiểu rằng đến với Mỹ thuật các em không chỉ được thể hiện năng khiếu, thỏa mãn đam mê sáng tạo mà đó còn là nhịp cầu để các em góp phần làm cho cuộc sống chúng ta tươi đẹp hơn./.

MC1: Vâng, thưa QV & các bạn! Những tác phẩm mỹ thuật không chỉ làm đẹp cho đời mà điều đáng trân trọng hơn cả đó là những tác phẩm mỹ thuật đã phản ánh được lịch sử, mang dấu ấn của đời sống, văn hóa. Việc đưa những tác phẩm mỹ thuật đến gần hơn với công chúng, hòa mình và cuộc sống đang chuyển động không ngừng, định hướng thẩm mỹ và nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ thêm đa dạng, phong phú, khơi gợi trí sáng tạo, tình yêu quê hương, đất nước và một việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa.

MC2: Tạp chí VNCN tuần này cũng xin được khép lại tại đây. Những người thực hiện chương trình: Phạm Quỳnh, Thái Hiền, Như Quỳnh, Vĩnh Lộc chúc QV & các bạn có 1 ngày cuối tuần nhiều niềm vui. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 11/03/2020 15:39 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà