GÌN GIỮ DI SẢN CHÈO CẠN
Danh mục
Văn hóa và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Cũng như ở các vùng biển dọc miền Trung, chèo cạn là một nét văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân Quảng Trị. Đây là một hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian có kết cấu nội dung, quy trình chặt chẽ, với một hệ thống phong phú các làn điệu được kết hợp logic, đã xây dựng thành một kịch bản hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao. Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi đề cập đến câu chuyện những cố gắng gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian này của người dân làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

Chuyên mục Văn hóa Quảng Trị

Ngày phát sóng Thứ 5, 15/8/2024

GÌN GIỮ DI SẢN CHÈO CẠN

MC Studio: Thưa quý vị và các bạn! Cũng như ở các  vùng biển dọc miền Trung, chèo cạn là một nét văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân Quảng Trị. Đây là một hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian có kết cấu nội dung, quy trình chặt chẽ, với một hệ thống phong phú các làn điệu được kết hợp logic, đã xây dựng thành một kịch bản hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao. Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi đề cập đến câu chuyện những cố gắng gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian này của người dân làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

Phim: Dọc theo dòng sông Bến Hải, từ cầu Hiền Lương xuôi về biển Cửa Tùng 2 km có một ngôi làng xanh mượt mà, trù phú ven sông. Thế đất của làng thoai thoải tựa như mai một con rùa, lưng tựa vào đồi đất đỏ ba dan, mặt nhìn ra dòng sông quanh co uốn lượn đổ ra biển trong thật nên thơ và kì vĩ. Ngôi làng ấy có tên gọi là làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

Làng Tùng Luật là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, là cái nôi của những làn điệu dân ca, nghệ thuật tuồng, chèo cạn, bài chòi và những điệu lí sâu lắng, trữ tình lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Theo những bậc cao niên của làng Tùng Luật cho biết thì chèo cạn làng Tùng ra đời trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX. Vốn được du nhập từ các tỉnh Nam trung bộ mà cụ thể là ở Quảng Nam, Đà Nẵng.  

Phỏng vấn: Ông NGUYỄN XUÂN NHẬT – Làng Tùng Luật – Vĩnh Giang - Vĩnh Linh – Quảng Trị

(Nội dung nói về lịch sử, nguồn gốc hò chèo cạn)  

Qua thời gian người Tùng Luật đã có những cải biên đáng kể nhằm phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương với hai bài cơ bản đó là hò chèo cạn cầu mùa và hò chèo cạn đưa linh. Chèo cạn cầu mùa được trình diễn trong lễ hội cầu ngư trước đây của làng. Xuất phát từ quan niệm cho rằng giữa biển cả bao la luôn có một thế giới thần linh tồn tại song hành với cuộc sống mưu sinh của họ. Do đó, trong cơ cấu lễ hội hàng năm có lễ hội cầu ngư nhằm cầu mong thần linh phù hộ, che chở cho mọi người được bình an, không gặp bất trắc hiểm nguy khi ra khơi. Cầu cho trời yên biển lặng, mùa vụ được thắng lợi, tôm cá đầy thuyền... Chèo cạn cầu mùa được thể hiện bằng một âm hưởng vui tươi phấn khởi với các làn điệu dân gian như xuân phong long hổ, ca lý ngư, nam bằng, hò khoan, hò hụi, hò mái nhì, mái xấp... Nội dung chính xoay quanh việc ngợi ca cảnh vật, con người và niềm tin cuộc sống, đồng thời tái hiện lại quá trình mưu sinh phải vật lộn với sóng gió biển cả và thành quả lao động cuối cùng có được.

Phỏng vấn: Bà DƯƠNG THỊ LOAN – Chủ nhiệm CLB Thơ ca Tùng Luật - Vĩnh Giang - Vĩnh Linh – Quảng Trị

(Nói quá trình thành lập CLB và việc tập luyện để duy trì chèo cạn)

Chính vì vậy, dù trải qua bao thăng trầm, chèo cạn làng Tùng Luật vẫn duy trì và trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian. Đình làng, nhà thờ hoặc miếu là không gian diễn ra chèo cạn cầu mùa. Khi 3 hồi trống vừa dứt thì đội múa bông/hoa bước ra. Lúc này trống và đàn nhị hòa âm cất lên thì 8 người chia làm 2 tốp theo nhịp trống chạy đan chéo nhau xếp thành hàng dọc rồi chuyển qua xếp hàng ngang sau đó chạy thành một vòng tròn rồi lui vào bên trong. Tiếp theo người đứng mũi bước ra xưng danh. Ông lái bước ra và đồng thời gọi bá trạo ra. Ngay lập tức 8 người cầm chầm và 4 người hát nhanh chóng đều bước ra vừa thể hiện các điệu hò vừa trình diễn động tác chèo thuyền. Trong quá trình các bá trạo chèo thuyền thì đội múa bông cũng bước ra và múa. Toàn đội sẽ trình diễn dưới sự điều khiển của ông lái cho đến khi kết thúc tiết mục thì mọi người lui vào bên trong, kết thúc biểu diễn.

Phỏng vấn: ………………… Học sinh lớp 10 – Làng Tùng Luật – Vĩnh Giang – Vĩnh Linh – Quảng Trị

(Nội dung nói về sức hấp dẫn của chèo cạn và quá trình được các mẹ các dì truyền dạy)

Có thể nói rằng, nét đặc sắc của chèo cạn là chèo thuyền trên cạn chứ không phải chèo thuyền thông thường trên sông nước. Chèo cạn thể hiện cốt cách hào sảng, tình cảm chân thành, yêu chuộng nhân nghĩa của người dân. Thể hiện những hiểu biết về nghi thức, nghi lễ cũng như tập tục của người dân, phản ánh sự phong phú và đa dạng trong đời sống tín ngưỡng của ngư dân vùng biển. Chèo cạn cầu mùa thì cầu cho trời yên biển lặng, mùa vụ được bội thu. Chèo cạn đưa linh xuất phát từ quan niệm của con người, đây là chuyến đò cuối cùng tiễn đưa đời người qua dòng sông sinh tử. Bởi thế nhân dân ta có câu: Kiếp sau hoá người sau kẻ trước/Dắt dìu nhau mà bước qua đò.

Phỏng vấn: Ông NGUYỄN THIÊN TÙNG – PCT UBND Huyện Vĩnh Linh – Quảng Trị

(nói về những hoạt động để gìn giữ các loại loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó có chèo cạn)

Sau một thời gian bị mai một do chiến tranh, từ năm 1996 cho đến nay, chèo cạn làng Tùng Luật được phục dựng và gìn giữ bởi những người con có tình yêu mãnh liệt với quê hương làng mạc. Thường vào những ngày cuối tuần, CLB thơ ca lại tổ chức gặp gỡ và tập luyện, đồng thời truyền dạy cho con cháu về di sản văn hóa đặc sắc của làng./.

(Nhạc cắt /hình hiệu)

MC Studio: thưa quý vị và các bạn! Với chủ đề "Đất mẹ anh hùng", Cửa Việt số 359 phát hành tháng 8 năm 2024 là ấn phẩm đặc biệt về miền đất bên dòng Bến Hải nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Vĩnh Linh.

Phim:

Theo dòng sự kiện, đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị có bài viết quan trọng, nhấn mạnh vai trò lịch sử của vùng đất địa đầu giới tuyến một thời, từ đó "Tiếp nối truyền thống anh hùng, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng Vĩnh Linh ngày càng văn minh, giàu đẹp". Từ mảnh đất yêu chuộng hòa bình", Vĩnh Linh là nơi biểu trưng cho ý chí khát vọng độc lập tự do, thống nhất non sông. Với vị trí và vai trò đặc biệt ấy, Vĩnh Linh được cả nước yêu mến, bạn bè năm châu kính phục. Bài phỏng vấn Bí thư huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang cung cấp thêm những hoạt động ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh. Quá khứ của một vùng đất anh hùng được nhắc lại xúc động, thân thương qua nhiều bài viết. Đó là những người phụ nữ thầm lặng, kiên cường, bất khuất trong dặm dài lịch sử. Hình ảnh của họ trở thành một biểu tượng của người "Mẹ Vĩnh Linh trong hành trình xây lũy thép" (Bút ký của Trần Thanh Hải). Những người từng đến Vĩnh Linh trong chiến tranh đã phải đối đầu với biết bao hiểm nguy rình rập, chứng kiến sự tang thương mất mát. Thế nhưng, qua cuộc thập tử nhất sinh, con người càng yêu hơn mảnh đấy ấy, vì thế đạo diễn Xuân Phượng đã xem Vĩnh Linh là "Đất lạ trở thành nhà". Các bài viết "Vuông tròn một triền đất đỏ" (bút ký của Đoàn Duy Long) hay "Cồn Cỏ - một dấu yêu tâm cảm" (tùy bút của Võ Văn Luyến) giúp bạn đọc cảm nhận sâu hơn về những chiến công anh dũng một thời của Vĩnh Linh - Cồn Cỏ. Truyện ngắn "Miền quê khói lửa" của Văn Xương kể câu chuyện tình yêu giữa thời đạn bom. Một cô gái thanh niên xung phong vào Vĩnh Linh và gặp gỡ chớp nhoáng với chàng bộ đội Vĩnh Linh về phép thăm nhà. Để rồi chỉ đôi ba lần gặp nhau ở Trường Sơn nọ đã nên duyên. Nhưng chiến tranh đã khiến đôi lứa phải gặp trắc trở. Một câu chuyện tình dở dang và kết truyện đau đớn nhưng vẫn truyền đi thông điệp nhân văn, yêu thương của con người.

Chào cuối!

GTPS: Cũng như ở các  vùng biển dọc miền Trung, chèo cạn là một nét văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân Quảng Trị. Đây là một hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian có kết cấu nội dung, quy trình chặt chẽ, với một hệ thống phong phú các làn điệu được kết hợp logic, đã xây dựng thành một kịch bản hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao. Trong chuyên mục văn hóa Quảng Trị tuần này, chúng tôi đề cập đến câu chuyện những cố gắng gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian này của người dân làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Chuyên mục được phát sóng vào lúc; 21h15 thứ 5 ngày 15/8, phát lại vào lúc 7h ngày hôm sau. Kình mời quý vị và các bạn đón xem!

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Ngọc Tú 13/08/2024 08:43 Lê Ngọc Tú 13/08/2024 08:43
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà