Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 26
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI 22/8

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 22/08/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 23/08/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Hướng Lộc và xã Thanh đổi mới từ những tuyến đường

Cảnh báo tình trạng sạt lở bờ sông Sê Pôn trước mùa mưa lũ

Thay đổi nhận thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở xã Tà Rụt

Kính mời đồng bào và các bạn cùng quan tâm đón nghe.

2MC xen kẽ:

MC: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Hướng Lộc và xã Thanh đổi mới từ những tuyến đường

Cảnh báo tình trạng sạt lở bờ sông Sê Pôn trước mùa mưa lũ

Thay đổi nhận thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở xã Tà Rụt

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

Nhạc cắt

( Hướng Lộc và xã Thanh đổi thay từ những tuyến đường)

 

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Nằm về phía Nam của huyện miền núi Hướng Hóa, hai xã Hướng Lộc và xã Thanh là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào Bru Vân Kiều, cuộc sống dựa vào sản xuất nương rẫy, trong đó sắn là một trong những cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Trước đây Hướng Lộc và Thanh từng được biết đến là những địa phương có điều kiện giao thông hết sức khó khăn hạn chế,  vì vậy quá trình đi lại hàng ngày và việc vận chuyển hàng hóa nông sản luôn là nỗi lo của người dân, nhất là vào mùa mưa…Thế nhưng giờ đây điều kiện giao thông của hai xã Hướng Lộc và Thanh đã có nhiều thay đổi. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe một số ghi nhận của phóng viên Tân Lâm.

Xã Hướng Lộc có 6 thôn bản, bao gồm các thôn Ta Xía, Cu Ta Ka, Cu Ty, Của, Ra Ty và Trằm Cheng. Trong đó Ra Ty là thôn cách xa trung tâm xã nhất, vào mùa mưa lũ hàng năm tuyến đường chính nối thôn Ra Ty với các thôn còn lại của Hướng Lộc thường xuất hiện nhiều điểm bị ngập sâu, bị sạt lở đất khiến cho việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, tình trạng bị cô lập do giao thông bị chia cắt xảy ra kéo dài trong nhiều năm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân tại địa phương.

Với dân số có 69 hộ gia đình, 345 nhân khẩu. Dân cư ở thôn Ra Ty sống trong những ngôi nhà sàn, bám theo các triền đồi. Kinh tế chủ yếu là trồng sắn, chuối, trồng rừng keo và chăn nuôi gia súc. Cũng chính vì đường giao thông kết nối với bên ngoài không được thuận lợi nên hàng hóa nông sản khó tiêu thụ, người nông dân luôn bị động và chi phí vận chuyển hàng hóa lại hết sức tốn kém, từ đó nguồn thu thực tế của các hộ dân sau mỗi mùa vụ thu hoạch đều bị giảm đáng kể so với mặt bằng chung, khiến cho cuộc sống càng thêm khó khăn, vất vã.

Còn nhớ sau khi xảy ra trận mưa lũ vào cuối năm 2020, sau khi tuyến đường vào thôn Ra Ty bị sạt lở nặng, lúc bấy giờ hầu như tất cả nông sản của các hộ dân đều không thể tiêu thụ, nhiều người phải tìm đường tạm bằng cách di chuyển theo tuyến giao thông thuộc thôn Ván Ri, xã Húc ra thị trấn Khe Sanh để mua các loại nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống.

Ông Hồ Văn Cung sống ở thôn Ra Ty, trước đây phải leo qua mấy quả đồi mới đến được nơi trồng sắn, nhưng đến mùa thu hoạch nếu trời mưa thì mọi người trong gia đình phải gùi sắn đi gần 2 cây số mới có thể bán được sắn để mua gạo, còn giờ đây nhờ có đường bê tông nối Ra Ty với trung tâm xã Hướng Lộc đã thực sự mở ra cơ hội để kinh tế của gia đình ông Cung sớm đổi thay. Đó cũng là niềm hy vọng đối với nhiều gia đình ở Ra Ty hôm nay.

Ông Hồ Văn Cung - Thôn Ra Ty - Hướng Lộc - Hướng Hóa chia sẻ: (Băng PV)

MC đọc PV: “Ngày trước chưa có đường thì khó khăn lắm, đến mùa mưa đường toàn bùn lầy trơn trượt rất khó đi. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ một nửa thì đã có đường sá thuận lợi. Tuy đường chưa đến tận nhà, tận bản nhưng cũng đỡ khó khăn nhiều so với trước.”

Để giúp người dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện để phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai nông, lâm nghiệp. Năm 2022 huyện Hướng Hóa đã đầu tư hơn 13,4 tỉ đồng xây dựng tuyến đường giao thông nối từ thôn Pả Xía đến thôn Ra Ty với chiều dài hơn 3,6 km bằng bê tông. Hiện tại phần mặt đường cơ bản đã hoàn thành và đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống mương thoát nước do theo 2 bên tuyến để sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân trước mùa mưa lũ.

Ông Hồ Văn Tăng - PCT UBND xã Hướng  Lộc - Hướng Hóa cho biết: (Băng PV)

MC đọc PV: “Bây giờ đường Ra Ty và đường Của là nhờ có Nhà nước đầu tư. Năm 2020, ở xã Hướng Lộc nói chung thì thôn Ra Ty là khó khăn nhất, thứ hai là thôn Của. Bây giờ nhờ có Đảng Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên có đường đi. Nhân dân thôn Ra Ty và thôn Của buôn bán sắn chuối cũng thuận lợi hơn, trước kia toàn bị ép giá, giờ đường sá thuận lợi nên sắn chuối bán ra được giá. Từ đó tăng thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo.”

 

      Đi trên con đường bê tông vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng hơn 1 năm nay, ông Lê Minh Mết, một người dân ở thôn A Ho, xã Thanh không giấu được niềm vui cho cả cộng đồng. Bởi lẽ cách đây khoảng hơn một năm về trước, mỗi khi từ trung tâm xã Thanh đi vào các thôn như Thanh Ô, Thanh Mới dọc theo bờ sông Sê Pôn…Mọi người hầu như chỉ có thể đi bộ, nếu sử dụng xe máy thì rất dễ bị trơn trượt, hư hỏng do phải vượt qua nhiều khe suối. Nếu mùa mưa lũ thì việc đi lại càng khó hơn vì các đoạn đường qua các điểm ngầm tràn đều bị ngập sâu, bị chia cắt dẫn đến việc trao đổi, mua bán hàng hóa không thể thực hiện. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác, có con đường bê tông rộng rãi, bản thân ông Mết cũng như bà con Vân Kiều ở xã Thanh rất vui vì điều kiện đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều, con em đến trường cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt những người thu mua nông sản dễ dàng đến tận thôn bản để thu mua chuối, sắn, ngô, nhờ vậy đời sống bà con ngày càng khởi sắc, ngày càng có nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ông Lê Minh Mết - xã Thanh - Hướng Hóa chia sẻ: (Băng PV)

Chị Hồ Thị Phức - Thôn thanh Ô - Xã Thanh - Hướng Hóa cho biết thêm: (Băng PV)

MC đọc PV: “Bây giờ có đường, có cầu qua khe nên rất thuận lợi cho bà con, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em không còn nguy hiểm nữa. Thanh niên khỏe mạnh thì có thể qua sông được, còn phụ nữ sức yếu lại không biết xử lí các tình huống bất ngờ xảy ra thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Từ ngày có đường, đến mùa thu hoạch sắn chúng tôi cũng đỡ lo hơn trước. Trước kia, mỗi mùa mưa đến, đường sá bị nước cuốn trôi hư hỏng hết, chúng tôi rất vất vả trong việc nhập sắn, có đường thì có nhiều thuận lợi hơn, kinh tế cũng phát triển hơn.”

Không chỉ được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường quốc phòng chạy dọc theo sông Sê Pôn kết nối với xã Xy, trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thanh đã được đầu tư 3 công trình đường giao thông vào khu sản xuất tại các thôn A Ho, Ba Viêng và đường thôn Mới đi A Quan, xã Lìa với kinh phí hơn 1,8 tỉ đồng. Như vậy trên địa bàn xã Thanh hiện nay cơ bản có 100% tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông, nhựa hóa kiên cố.

 

Ông Hồ Xa Canh - Chủ tịch UBND xã Thanh - Hướng Hóa chia sẻ: (Băng PV)

Ông Lê Ngọc Sáng - Giám đốc Nhà máy tính bột sắn Hướng Hóa cho biết thêm: (Băng PV)

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về hệ thống đường giao thông ngày càng hoàn chỉnh, đồng bào Vân Kiều ở hai xã Hướng Lộc và Thanh càng có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế từ cây sắn, biến những vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng trở thành vùng nguyên liệu quan trọng để cung cấp cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, từ đó giúp cho hàng ngàn hộ gia đình thoát khỏi nghèo khó để vươn lên làm giàu ngay trên vùng đất mà tổ tiên người Bru- Vân Kiều đã gắn bó qua biết bao thế hệ, cùng nhau xây dựng bản làng vùng sâu vùng xa, vùng biên giới ngày càng trù phú. Hướng Lộc và xã Thanh đang thực sự chuyển mình và đổi thay từ những tuyến đường. 

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Cảnh báo tình trạng sạt lở bờ sông Sê Pôn trước mùa mưa lũ)

 

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Với đặc điểm tự nhiên ¾ là đồi núi, hệ thống sông, suối chảy qua vùng đất Quảng Trị có đặc điểm là dòng chảy thường hẹp, độ dốc lớn nên thường xuyên bị sạt lỡ vào mỗi mùa mưa lũ, không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, mà còn ảnh hướng đến công tác quản lý đường biên giới, một trong số đó là sông Sê Pôn chảy qua địa bàn phía Nam của huyện Hướng Hóa trên tuyến biên giới Việt – Lào. Sau đây là những ghi nhận của phóng viên Tân Lâm.

 

Sông Sê Pôn dài gần 60 km, bắt đầu từ phía Tây của dãy Trường Sơn tại Muang Samoyoy, tỉnh Salavan, lặng lẽ băng qua bao thác ghềnh, cuộn chảy giữa đại ngàn hùng vĩ.  Trước khi bất ngờ đổi dòng quay ngược trở về phía Tây để đổ nước vào "sông mẹ” Mêkông trên đất bạn Lào, Sê Pôn đã kịp trở thành dòng sông biên giới chảy qua 10 xã, thị trấn của vùng đất phía Nam huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị của Việt Nam.

Sê Pôn vừa là huyết mạch giao thông đường thủy, vừa có vai trò cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất quan trọng cho người dân thị trấn Lao Bảo, các xã Thanh, Thuận, Lìa, A Dơi, Xy, Ba Tầng của huyện Hướng Hóa và người dân các bản Đen Vi Lay, Xy Ôỉ, Ba Lọ, Rạ…, thuộc huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet - Lào.  Người dân hai bên sông thường dùng thuyền đi lại trên dòng Sê Pôn để vận chuyển hàng hóa, giao thương qua lại giữa hai bên biên giới. Hàng năm, Sê Pôn còn bồi đắp một lượng lớn phù sa, tạo nên những vùng đất màu mỡ, những bản làng trù phú dọc theo đôi bờ.

Nhưng với đặc điểm của sông Sê Pôn ngắn và dốc, có nhiều đoạn gấp khúc, không liền mạch, vào mùa mưa, mực nước sông nước thường dâng cao từ 5 đến 6m và chảy xiết làm sạt lở bờ sông, cuốn trôi một lượng lớn đất đá, và thường thay đổi dòng chảy.

Đặc biệt trong những năm gần đây, do tác động từ khí hậu biến đổi, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và ảnh hưởng từ việc xây dựng công trình thủy điện ở khu vực đầu nguồn nên vùng đất đôi bờ Sê Pôn thuộc huyện Hướng Hóa thường xảy ra ngập lũ bất thường, đất đai bị xói lở, sụt lún ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân dọc theo tuyến biên giới.

Phần đất sản xuất của gia đình anh Hồ Văn Linh ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa vốn là bãi bồi rộng hơn 2 ngàn vét vuông. Hàng năm gia đình anh Linh thường trồng ngô và một số cây hoa màu cho thu hoạch khá ổn định. Nhưng kể từ mùa lũ năm 2020, bờ sông bị sạt lở đã cuốn trôi mất khoảng 1 ngàn mét vuông, phần đất còn lại bị cát bồi lấp, không giữ được nước nên chỉ có thể trồng khoai và trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Anh Hồ Văn Linh - Thị trấn Lao Bảo - Hương Hóa chia sẻ: (Băng PV)

   

Không riêng gì gia đình anh Hồ Văn Linh, những năm gần đây đất canh tác của không ít gia đình dọc theo bờ sông Sê Pôn cũng bị ảnh hưởng qua mỗi mùa mưa lũ. Ở những điểm sạt lở nặng, xuất hiện những hàm ếch ăn sâu vào trong phần đất đang trồng cây nông nghiệp của người dân. Nhiều nhà dân và diện tích trồng bắp, đậu... nằm ven sông cũng đang bị sạt lở dần và có nguy cơ biến mất trong những mùa mưa sắp tới. Một phần diện tích còn lại đành bỏ hoang vì chỉ toàn cát và địa hình dốc, không thể giữ được nước cho cây trồng , trong khi đó loài cây dại xâm lấn sau mỗi mùa lũ.

Đại úy Phạm Quang Quốc - Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho biết: (Băng PV)

        Ông Phạm Văn Du năm nay 47 tuổi, sinh sống ở thôn Yên Thuận, xã Tân Long. Trước đây ngôi nhà của gia đình ông Du cách bờ sông Sê Pôn ước chừng khoảng 100 mét, một khoảng cách khá an toàn ngay trong mùa mưa lũ, ngoài ra ông Du còn trồng rất nhiều tre tạo thành một vành đai khá dày để bảo vệ khu vườn và ngôi nhà của mình. Nhưng rồi qua mấy mùa mưa lũ gần đây, nhất là vào khoảng thời gian cuối năm 2020, toàn bộ hàng tre hầu như đã bị cuốn trôi, vì thế ngôi nhà của ông Du hiện chỉ còn cách bờ sông chỉ khoảng 20 mét.

Phía trước nhà ông Du, hai gia đình ông Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Thuận đã phải di dời đi nơi khác cách đây ba năm. Nguyên nhân vào mùa lũ năm 2020, dòng nước từ sông Sê Pôn bất ngờ dâng cao đã cuốn một phần phía sau ngôi nhà của ông Tư xuống dòng sông. May mắn là các thành viên trong gia đình đều ngủ ở nửa phía trước ngôi nhà nên mới thoát nạn.

Còn với ông Du do chưa có điều kiện để di dời, nên cứ vào mùa mưa, khi mực nước sông Sê Pôn dâng cao là mọi người phải thức thâu đêm để cảnh giác với dòng nước hung dữ, và kịp thời đưa tài sản cùng người đi trú tránh ở những nơi cao hơn.

Ông Phạm Văn Du - Tân Long - Hướng Hóa - Quảng Trị cho biết: (Băng PV)

      Trước tình trạng sạt lở bờ sông Sê Pôn ngày càng nghiêm trọng, cuối tháng 5 năm nay, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khảo sát và xác định có 14 đoạn sạt lở, dài 12,7 km, rộng 15 đến 60m tính từ mép sông vào bờ, qua thị trấn Lao Bảo, xã Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh.  Sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến đất và nhà ở của 65 hộ dân.

Trên thực tế, sạt lở xảy ra hàng năm và liên tục theo hướng mở rộng cả về phạm vi và chiều sâu, nhưng sạt lở hầu như chỉ diễn ra ở bờ sông phía Việt Nam; còn phía bạn Lào do bờ sông có kết cấu đất cứng, nhiều đá nên ít bị ảnh hưởng.

Không chỉ ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở những khu vực ven sông, sạt lở bờ sông Sê Pôn còn gây không ít khó khăn cho công tác quản lý đường biên giới và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của lực lượng bộ đội biên phòng, vì đường biên giới được xác định ở giữa dòng sông,  nên mỗi khi sạt lở sẽ gây khó khăn cho việc xác định chính xác đường biên giới.

Thượng tá Phan Mạnh Trường - Chính trị viên Đồn BP Quốc tế Lao bảo chia sẻ: (Băng PV)

Mùa mưa bão năm 2023 cũng sắp cận kề, nguy cơ bờ sông Sê Pôn phía Việt Nam tiếp tục bị sạt lở là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc xây dựng kè chống sạt lở là giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài để ổn định đời sống nhân dân; góp phần xây dựng đường biên giới Việt- Lào ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển.

 

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát sóng vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Thay đổi nhận thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở xã Tà Rụt)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Kô ở địa bàn miền núi Quảng Trị nói chung vẫn còn không ít khó khăn. Nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, người lớn thường xuyên phải gắn bó với công việc nương rẫy.  Nói chung trong nhiều gia đình bố mẹ vừa thiếu kiến thức, vừa không có đủ thời để chăm sóc và bảo vệ con cái, vì vậy trẻ em phải chịu không ít thiệt thòi, làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Song với đồng bào Pa Kô, Vân Kiều trên địa bàn huyện Đakrông nói chung, nhờ có sự hỗ trợ của tổ chức Plan thông qua mô hình nhóm U10 nên từ 2 năm nay nhiều gia đình đã thực sự thay đổi nhận thức về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phần cuối chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe phóng sự sau đây của phóng viên Tân Lâm.

 

Là địa phương đầu tiên tổ chức triển khai mô hình nhóm U10, ban đầu huyện Đakrông trong đó có xã Tà Rụt cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hay, hiệu quả, những khó khăn, trở ngại từng bước được khắc phục, mô hình nhóm U10 bước đầu đã phát huy hiệu quả.

 Như thường lệ vào ngày 17 hàng tháng, các thành viên trong nhóm câu lạc bộ cha mẹ có con từ 0 đến 10 tuổi của thôn A Đăng, Xã Tà Rụt, huyện Đakrông lại dành thời gian để tham gia buổi sinh hoạt nhóm U10 với chủ đề  “Cha mẹ cùng con chơi mà học”

 Buổi sinh hoạt lần lượt diễn ra bao gồm 5 bước: Gặp gỡ chào hỏi, điểm danh số thành viên tham gia; Ôn tập và chia sẻ kiến thức thực hành của buổi họp trước; Giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề mới ; Cha mẹ thực hành hoạt động kỹ năng theo chủ đề mới; Tóm tắt nội dung của buổi sinh hoạt và lập kế hoạch cho buổi họp tiếp theo của câu lạc bộ.

Trọng tâm của buổi sinh hoạt lần này, cùng với đội ngũ tình nguyện viên, nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi sẽ cùng nhau ôn lại những nội dung quan trọng trong lần sinh hoạt của tháng trước. Cụ thể là kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con, hỗ trợ con trong tập và vui chơi.

Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe những trao đổi của chị Hồ Thị Xở, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông cùng các phụ huynh trong nhóm U10.

1.          Trích tiếng: Hồ Thị Xở- Tà Rụt- Đakrông- QT

“Nhắc lại với tất cả các cha mẹ, tháng trước chúng ta sinh hoạt với chủ đề “Cha mẹ hỗ trợ con học tập tốt.  Xin hỏi mẹ Phim, nội dung trong chủ đề Cha mẹ hỗ trợ con học tập tốt là gì?

2.          Trích tiếng:  Hồ Thị Phim - Tà Rụt- Đakrông- QT

“ Đầu tiên là đưa đón con đi học hàng ngày. Trước khi đưa con đi học thì phải chuẩn bị cặp với đầy đủ sách vở, chuẩn bị quần áo cho con. Khi con tan học thì đón về nhà”

3.          Trích tiếng: Hồ Thị Xở- Tà Rụt- Đakrông- QT

“ Mời cha mẹ Chương nhắc lại nội dung thứ 2 trong chủ đề cha mẹ hỗ trợ con học tập tốt? “

4.          Trích tiếng:  Hồ Thị Chương - Tà Rụt- Đakrông- QT

“ Không nên cho con nghỉ học, cho con được vui chơi và học tập cùng các bạn

5.          Trích tiếng: Hồ Thị Xở- Tà Rụt- Đakrông- QT

“Mẹ Chương đã làm những việc gì  để hỗ trợ cho con khi ở nhà?”

6.          Trích tiếng:  Hồ Thị Chương - Tà Rụt- Đakrông- QT

           “ Tôi thường xuyên cho con đi học đầy đủ, thường xuyên cho con vui chơi cùng các bạn”  

Có thể thấy, thông qua buổi sinh hoạt, các cha mẹ giờ đây đã biết quan tâm xây dựng gốc học tập cho con, nhờ vậy nhiều em có điều kiện học tập tốt hơn nên kết quả ngày càng tiến bộ rõ rệt.

Trong buổi sinh hoạt lần này của nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 10 tuổi ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt có chủ đề “ Cha mẹ cùng con học mà chơi”, mục đích nhằm trao đổi và chia sẻ của cha mẹ sẽ chơi với con mình như thế nào. Qua đó cha mẹ đều thống nhất các con của mình sẽ được chơi những trò chơi mà trẻ yêu thích, và với lứa tuổi từ 0 tuổi đến 10 tuổi không nên có sự phân biệt các loại trò chơi, đồ chơi dựa vào yếu tố giới tính là trẻ em trai hay trẻ em gái.

Sau khoảng thời gian 2 năm triển khai mô hình sinh hoạt nhóm U10 trên địa bàn, kết quả đội ngũ tình nguyện viên ngày càng mạnh dạn, tự tin khi chia sẻ các nội dung đối với nhóm cha mẹ. Các bà mẹ vùng cao đã tích cực tham gia nhóm, nắm bắt được kiến thức nhanh hơn để hướng dẫn, thực hành lại cho con của mình. Các bậc cha mẹ đã biết quan tâm nhiều hơn đến các con như quan tâm đến chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi cho trẻ, dành nhiều thời gian hơn để được gần gũi, chăm sóc con…

Thông qua nhóm vui chơi, đọc sách, trẻ em đã phát triển về ngôn ngữ, tư duy, nhận thức về xã hội tốt hơn. Các cháu đã dần có sự thay đổi theo hướng tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn trong mọi hoạt động, trong học tập và tích cực tham gia các trò chơi, văn nghệ do địa phương tổ chức. Đặc biệt tại các địa bàn triển khai mô hình nhóm U10, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, sức khỏe trẻ em được cải thiện, vệ sinh tốt hơn, ít bệnh tật hơn. trẻ em biết lễ phép, biết tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của người lớn khi gặp khó khăn nguy hiểm.

Chị Hồ Thị Xở - Tà Rụt – Đakrông chia sẻ: (Băng PV)

Từ hiệu quả của mô hình nhóm “Cha mẹ có con từ 0 đến 10 tuổi”, đến nay huyện Đakrông đã có 47 nhóm tham gia sinh hoạt hàng tháng, huyện Hướng Hoá có 59 nhóm và Hội LHPN tỉnh cũng đã nhân rộng ra các huyện ngoài vùng dự án của tổ chức Plan là 18 nhóm.

          Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình Hồ Thới, Khắc Nam, Đỗ Hằng, Nguyên Hương xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại đồng bào và các bạn vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.            

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 19/08/2023 15:07 Lê Vĩnh Nhiên 22/08/2023 10:02
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà