khoa học công nghệ
Danh mục
Khoa học và Công nghệ
NỘI DUNG

        KỊCH BẢN CHUYÊN MỤC KH&CN THÁNG 3.2023

 Phát sóng ngày 16/3/2023. Thời lượng: 12 phút

 


         PTV: Kính chào QV&CB đang theo dõi chuyên mục Khoa học và Công nghệ do Đài PT-TH Quảng Trị phối hợp với Sở KH&CN Quảng Trị thực hiện.

Thưa QV&CB! Địa chí hay Dư địa chí là loại sách được xem như công trình Bách khoa thư của địa phương. Từ năm 2015, Địa chí Quảng Trị được khởi động biên soạn, trên tinh thần kế thừa bản thảo năm 1996, do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và đến tháng 11/2022 đã hoàn thành, ra mắt cuốn sách Địa chí Quảng Trị hơn 1.600 trang. Đây là công trình bách khoa thư đầu tiên về tỉnh Quảng Trị. Việc ra mắt công bố Sách Địa chí Quảng Trị đã đáp ứng được sự mong mỏi và kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chuyên mục Khoa học và Công nghệ tuần này xin giới thiệu đến QV&CB về Công trình khoa học ý nghĩa này.

   Địa chí Quảng Trị: Công trình Bách khoa thư đầu tiên

     về tỉnh Quảng Trị

Xác định việc biên soạn, xuất bản Địa chí có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Ngay từ những ngày đầu lập lại tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã giao các ngành phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường ĐH Khoa học Huế) tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn Địa chí Quảng Trị, đến năm 1996 cơ bản đã hoàn tất tập bản thảo. Tuy nhiên, qua đánh giá của Hội đồng nghiệm thu lúc bấy giờ, tập bản thảo còn thiếu nhiều nội dung quan trọng, chưa được đề cấp (dung lượng tập bản thảo Địa chí chỉ có gần 700 trang A4) hơn nữa nhiều thông tin, số liệu trong tập bản thảo, trãi qua 20 năm nên đã thay đổi, thiếu chính xác. Nên tập bản thảo vẫn chưa được xuất bản, công bố.

Năm 2015, trước nhu cầu cần thiết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh về một công trình mang tính khảo cứu tổng hợp địa phương, việc đề xuất khởi động biên soạn công trình Địa chí Quảng Trị lại được bắt đầu. Vì vậy, sau khi có chủ trương biên soạn, Sở KH&CN đã hợp tác với Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bắt tay khởi động lại công việc biên soạn Địa chí Quảng Trị.

Trên tinh thần kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã được công bố và tập bản thảo Địa chí Quảng Trị năm 1996 của Trường Đại học Khoa học Huế, Sở KH&CN Quảng Trị đã phối hợp với Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Quảng Trị, Hội Di sản Văn hóa, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, đã bắt tay xây dựng đề cương chi tiết, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để tranh thủ ý kiến tham gia của đông đảo giới nghiên cứu, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý về đề cương Địa chí Quảng Trị.

Ngày 24/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện công trình Địa chí Quảng Trị; Ngày 19/10/2016, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề tài “Địa chí Quảng Trị”; giao cho Sở KH&CN là cơ quan chủ trì, TS. Nguyễn Bình là Chủ nhiệm đề tài biên soạn công trình.

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, sự đóng góp của các đồng chí Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của Tỉnh qua các thời kỳ; Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Tỉnh; Đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Sở KH&CN Quảng Trị, Nhóm Tác giả Nghiên cứu, Ban Biên soạn, Ban Biên tập;Tháng 11/2022, cuốn sách Địa chí Quảng Trị đã được hoàn thành, ra mắt với hơn 1.600 trang.

Phỏng vấn: TS. Nguyễn Bình. Chủ biên

 (Nội dung:  Khi bắt tay vào việc biên soạn Địa chí Quảng Trị, nhóm

 nghiên cứu gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Theo ông đánh giá thì giá trị lớn nhất của địa chí Quảng Trị là gì?)

Sách Địa chí Quảng Trị với hơn 1.600 trang, 22 chương, gồm 4 phần chính.

Phần thứ 1: Địa lý tự nhiên và Dân cư gồm có 5 chương trình bày quá trình thay đổi địa lý, địa giới hành chính trong lịch sử, sự hình thành các yếu tố tự nhiên, địa hình và cảnh quan của tỉnh, hình thành nên môi trường sống của các khu vực trên địa bàn; Dân số và lao động, các nhóm tộc người, phân bố và biến động dân cư qua các thời kỳ, các giai đoạn khác nhau của Quảng Trị.

Phần thứ 2: Lịch sử (có 6 Chương, từ Chương VI - XI). Trong phần này đã bám sát phân kỳ lịch sử và diễn trình lịch sử địa phương để tái hiện tiến trình lịch sử mảnh đất và con người Quảng Trị qua các thời kỳ: Quảng Trị thời nguyên thủy và buổi đầu lịch sử nhằm tái hiện Quảng Trị thời tiền - sơ sử và Quảng Trị trong kỷ nguyên Lâm Ấp - Champa. Tiếp đến là Quảng Trị trong kỷ nguyên Đại Việt. Từ chương VIII đến chương XI được xem là phần trọng tâm lịch sử Quảng Trị, gồm  Quảng Trị thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (từ 1885 đến 1945). Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954); Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) và Quảng Trị thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển (1975 -2016). Các chương này tập trung khảo cứu quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Quảng Trị qua các thời kỳ lịch sử. Điểm nhấn là vị thế vai trò Quảng Trị trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phần thứ 3: Kinh tế (gồm 4 Chương, từ Chương XII đến Chương XV). Phần này lần lượt trình bày theo các lĩnh vực: Nông lâm, ngư nghiệp; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch; Xây dựng, Giao thông vận tải, Bưu chính - viễn thông. Để tái hiện bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực kinh tế của tỉnh qua từng giai đoạn lịch sử, phần này được trình bày theo phương pháp “bổ dọc” từ cổ đại đến hiện đại, điểm nhấn là từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 2016. Toàn bộ các chương mô tả sự hình thành các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh, đặc biệt giai đoạn từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986 đến nay (2016) với sự phát triển mạnh mẽ và năng động của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sự hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã tạo nên bước phát triển đột phá về kinh tế và xã hội của tỉnh.

Phần thứ 4. Văn hóa, xã hội (gồm 7 Chương, từ Chương XVI - XXII). Phần văn hóa nhằm giới thiệu quá trình hình thành, tiếp biến văn hóa của vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử. Đó là các chương Ẩm thực, trang phục và nhà ở; Phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo; Văn học nghệ thuật. Đồng thời phần này cũng dành các chương trình bày về Văn hóa Thông tin, Giáo dục và KH&CN, Y tế và vấn đề an sinh xã hội; Các nhân vật lịch sử - văn hóa (nhân vật chí) Quảng Trị.

Ngoài 4 phần chính văn của nội dung, Địa chí Quảng Trị còn 2 phần Phụ lục: Danh mục làng xã Quảng Trị qua các thời kỳ và Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu Quảng Trị, cùng các hệ thống bản đồ, ảnh tư liệu để minh họa, chú thích...

Để sách Địa chí Quảng Trị đến được với toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn trong cả nước, sau khi công bố, phát hành, cần đa dạng hình thức trưng bày, quảng bá để người đọc có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu. Hiện tại, bản điện tử Sách Địa chí Quảng Trị đã được Sở KH&CN đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy, Cổng Thông tin điện tử KH&CN và phối hợp với Thư viện tỉnh cùng các đơn vị khác để trưng bày và tổ chức các hình thức giới thiệu, quảng bá Sách Địa chí Quảng Trị.

 

Phỏng vấn Ông Hồ Ngọc Thiên - Giám đốc Thư viện tỉnh

(Kế hoạch trưng bày và đẩy mạnh các hoạt động Quảng bá Sách Địa chí

 trong thời gian tới của Thư viện tỉnh)

Để có được Công trình Địa chí hiện tại là cả quá trình quyết tâm, nỗ lực nghiên cứu, biên soạn công phu và đầu tư nhiều thời gian, công sức và trí tuệ. Có thể nói, Địa chí Quảng Trị là một công trình khoa học tổng hợp, một thành tựu quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh nhằm sưu tầm, xử lý tư liệu, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội qua các giai đoạn lịch sử khác nhau có tính khoa học, phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa - xã hội và xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, qua đó giúp chúng ta hiểu biết hơn về Địa lý, Lịch sử, Con người Quảng Trị một cách bài bản, có hệ thống.

Phỏng vấn: Lãnh đạo UBND tỉnh

 

Địa chí Quảng Trị là bộ sách quý, giúp cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật, thanh niên, thiếu niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có cái nhìn tổng quát về tiến trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. Bộ sách còn là tài liệu quan trọng để giáo dục truyền thống, phục vụ công tác giảng dạy truyền bá kiến thức cho các thế hệ con em Quảng Trị hôm nay và mai sau.

Chào cuối

Đón xem

Từ năm 2015, Địa chí Quảng Trị được khởi động biên soạn, trên tinh thần kế thừa bản thảo năm 1996, do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và đến tháng 11/2022 đã hoàn thành, ra mắt cuốn sách Địa chí Quảng Trị hơn 1.600 trang. Đây là công trình bách khoa thư đầu tiên về tỉnh Quảng Trị. Việc ra mắt công bố Sách Địa chí Quảng Trị đã đáp ứng được sự mong mỏi và kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chuyên mục Khoa học và Công nghệ được phát sóng vào 20h15 thứ 5 ngày 16/3 trên sóng TH của Đài PTTH Quảng Trị, mời Qv & các bạn đón xem.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 13/03/2023 15:11 Lê Vĩnh Nhiên 14/03/2023 10:31
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà