Tạp chí DTMN số 1 tháng 7
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DTMN ngày 2.7.2023

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau:

-        Hướng Hóa với những mô hình cải thiện sinh kế cho đồng bào

-        Đakrông nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo

-        Hạ tầng số, những vấn đề đặt ra ở vùng núi

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Hướng Hóa với những mô hình cải thiện sinh kế cho đồng bào

Thưa đồng bào và các bạn! Trong những năm qua huyện Hướng Hóa đã nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Để đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo qua từng năm, huyện đã khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bằng nhiều nguồn lực, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được triển khai và nhân rộng. Chính nhờ vậy, bộ mặt vùng nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ nét, đời sống của từng hộ gia đình từng bước được nâng cao.

Thấy được tiềm năng từ cây ớt bản địa của đồng bào, chị Hồ Thị Cúc, xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi vùng đất đồi kém hiệu quả của gia đình để trồng hơn 1000 gốc ớt. Sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn ớt phát triển và cho năng suất cao. Lúc được giá, 1kg ớt có giá 100 ngàn đồng, ngoài ra gia đình chị Cúc còn vay thêm vốn từ ngân hàng chính sách để nuôi bò nhốt, trồng thêm các loại rau màu để nâng cao thu nhập. Với việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, con nuôi và áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên kinh tế gia đình của chị Cúc ngày một phát triển, chị là một trong những hội viên tiêu biểu của cả thôn được nhiều chị em tín nhiệm và học tập để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Chị Hồ Thị Cúc

Xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Trước đây tôi không có nhiều kiến thức nên không biết cách để chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, bây giờ được tham gia các lớp tập huấn, được hỗ trợ vay vốn nên tôi mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng ớt, nuôi bò. Kinh tế gia đình bây giờ tốt hơn trước rất nhiều, con cái được quan tâm. Tôi muốn xây dựng thành công mô hình ớt bản và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này trong thời gian tới)

Cùng với công tác vận động, hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa đã chú trọng tới việc giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức, mô hình đa dạng, góp phần cải thiện đời sống cho chị em phụ nữ ở địa phương. Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các Hội cấp cơ sở đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Để chị em có vốn phát triển sản xuất, Hội đã chỉ đạo các chi hội xây dựng quỹ tiết kiệm. Đến nay, 100% chi hội đã xây dựng tổ tiết kiệm; giúp cho hội viên nghèo, hội viên có người thân bị ốm đau nặng được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

 Chị Hồ Thị Thu Nhường

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

( Hiện nay những mô hình trên địa bàn huyện Hướng Hóa chủ yếu là chăn nuôi dê và bò. Hội phụ nữ cùng với các cấp chủ yếu hỗ trợ cho các mô hình này, còn các mô hình tiếp theo hội phụ nữ cũng đang tìm kiếm những loại cây phù hợp để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, nhưng có một khó khăn là hiện nay quỹ đất của bà con rất ít nên khuyến khích chị em phát triển chăn nuôi là chủ yếu, với mong muốn cải thiện kinh tế của gia đình các hội viên)

Đối với đoàn thanh niên huyện, từ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế đã có rất nhiều mô hình thành công, là gương điển hình trong thanh niên được nhân rộng. Gia đình anh Hồ A Cơ ở Hướng Lộc lại chọn cho mình hướng vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi. Phát huy lợi thế đất đai tự nhiên, hơn 5 năm nay được hỗ trợ nguồn vốn và kiến thức chăn nuôi từ các tổ chức hội, đoàn thể gia đình anh mở hướng phát triển chăn nuôi dê, bò. Từ lợi nhuận và nguồn thu ổn định gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi thêm nhiều loại cây con khác nên đến nay kinh tế gia đình đã từng bước khá giả. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Cơ hiện đang là địa chỉ để người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc đến tham quan, học hỏi và làm theo.

Anh Hồ A Cơ

Xã Hướng Lộc, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Ở đây về  chăn nuôi thì bà con chủ yếu nuôi bò và dê, tập trung nhiều nhất là dê, trước đây bà con nuôi thả rông nhưng hiện nay thì chuyển sang nuôi nhốt. Với việc chú trọng phát triển nông nghiệp, người dân quan tâm đến trồng chuối, trồng sắn, áp dụng khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, để phát triển kinh tế gia đình)

 Từ nhiều năm nay, nhận thấy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là phát triển chăn nuôi và trồng rừng, huyện Hướng Hóa đã xây dựng các đề án về phát triển kinh tế nhằm định hướng cho người dân. Thông qua nguồn vốn từ các chương trình, sự hỗ trợ thiết thực của các tổ chức hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên đã có hàng ngàn hội viên tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý, thông qua các tổ chức hội đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua đó giúp người dân biết khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồi núi để trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo hướng bản địa, tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia trại. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có trên 1000 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, trong đó nhiều mô hình có quy mô tương đối lớn, nhiều hợp tác xã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hồ Văn Hen

Chủ tịch UBND xã Xy, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Chúng tôi đã chuyển đổi các cây trồng như cây chuối, cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay bà con của xã Xy chúng tôi rất đồng tình về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác xã. Đây là khởi đầu mới để người dân làm quen và phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống)

Có thể nói, với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân như hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con, giống cho đến việc thay đổi tập quán canh tác sản xuất và chăn nuôi có từ bao đời nay của đồng bào, đến nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn Hướng Hóa chuyển đổi phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây chính là những chìa khóa giảm nghèo bền vững, vươn lên khá và giàu cho người dân nơi đây. Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, huyện Hướng Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lồng ghép nhiều chương trình dự án nhằm giúp người dân định hướng trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả cao.

Ông Lê Quang Thuận

 Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

(Bốn năm trở lại đây thì huyện Hướng Hóa đang xây dựng các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị kinh tế của các mặt hàng nông sản. Kế hoạch của năm 2023 này huyện cũng đang tập trung hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, để từng bước hình thành những vùng nguyên liệu tập trung có giá trị cao, người dân sẽ chuyển đổi những mô hình kinh tế kém hiệu quả sang những cây trồng, con nuôi mới có tính lâu dài. Tuy nhiên để làm tốt công tác này cần có sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để thực hiện tốt các quy trình trong xây dựng sản phẩm)

Để đạt được mục tiêu giảm hộ nghèo qua từng năm, thời gian đến huyện Đakrông tiếp tục đổi mới về xây dựng chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai các chương trình giảm nghèo, rà soát lại hiệu quả thực sự của từng chính sách để tạo động lực giảm nghèo cho người dân và để khuyến khích người dân chủ động vươn lên. Chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo... Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình liên kết mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để qua đó, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương của mình.

 

Đakrông nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Thưa đồng bào và các bạn! Để đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, trong 5 năm qua huyện Đakrông đã đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng mô hình giảm nghèo tại các xã, thị trấn trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 24 ngàn tỷ đồng. Các mô hình này góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm là 5,54%.  Đây là cơ sở quan trọng để huyện Đakrông tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn tới.

Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Hồ Ước là một trong những mô hình tiêu biểu trong công tác xóa nghèo ở thị trấn Krông Klang. Trước đây tuy có diện tích vườn, đồi khá rộng  nhưng chỉ là vườn tạp. Năm 2021, được sự vận động của Hội Nông dân thị trấn, anh Ước đăng ký tham gia Tổ hội nghề nghiệp phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả của địa phương. Từ khi tham gia tổ, anh và nhiều hội viên đã được các cấp hội hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để để mua giống, vật tư, phân bón, phát triển trồng rừng, nuôi dê và gà. Từ đó, sản phẩm có đầu ra ổn định, mỗi năm thu nhập từ vườn trên  100 triệu đồng/năm.

Anh Hồ Ước

Thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Khi tham gia tổ nghề nghiệp tôi thấy mang lại cho mình rất nhiều lợi ích, trong chăn nuôi hay trồng trọt có vấn đề gì không hiểu thì các hội viên có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, từ đó biết được những cách làm hay, những mô hình hiệu quả để mình áp dụng làm theo. Các vấn đề như phòng bệnh cho vật nuôi, đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi hơn)

Có rất nhiều mô hình kinh tế đã và đang mang lại hiệu quả trên địa bàn huyện, giúp bà con tìm được hướng đi đúng để xóa nghèo, trong đó vai trò của các tổ chức, hội, đoàn thể đóng góp rất lớn có mô hình chăn nuôi dê quay vòng.  Điều đáng ghi nhận của mô hình này là các hộ dân được tham gia và chia sẻ lợi ích cùng nhau, dê bố mẹ sau khi sinh dê con sẽ được chuyển cho các hộ khác cùng chăn nuôi…cứ như vậy mô hình được nhân rộng ngày càng hiệu quả. Kinh tế khởi sắc đã góp phần ý nghĩa để nhiều địa phương quan tâm phát triển thay đổi nhiều mặt trong đời sống văn hóa xã hội. Có thể kể đến như việc người dân đóng góp xây dựng các thiết văn hóa làng bản văn minh, sạch đẹp hơn trước; hiến đất làm đường theo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Những dấu ấn phát triển ghi nhận được từ trong đời sống người dân là điểm sáng phấn khởi trên hành trình đổi thay và phát triển của những vùng quê này.

Bà Lê Thị Huỳnh

Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

( Địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề xóa đói giảm nghèo của xã, chúng tôi luôn tìm kiếm và xây dựng các mô hình cũng như các chủ trương của cấp trên để có được hướng đi tốt giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Hiện tại xã đang xây dựng mô hình chuối tiêu hồng ở thôn A Ngo và một số mô hình khác để nhân rộng ra các thôn giúp người dân xóa đói giảm nghèo)

Địa bàn huyện Đakrông có 5 xã biên giới là A Bung, A Ngo, A Vao, Pa Nang, Tà Long. Mỗi xã có những đặc điểm, khó khăn riêng, tuy vậy một trong những điểm chung khi triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo tại các địa phương này là sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Sự vào cuộc tích cực hiệu quả của các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự quan tâm và đồng hành của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị thông qua các Đồn Biên phòng đóng quân đã giúp các địa phương trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ để phát huy có hiệu quả lợi thế của vùng, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Thượng tá Lê Hồng Sơn

Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Nang, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị

( Thời gian tới, với quyết tâm của Đảng ủy Đồn Biên phòng Ba Nang  chúng tôi sẽ chỉ đạo các bộ phận và tranh thủ ý kiến của các cấp và sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tiếp tục nhân rộng đàn ngan, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để giúp đỡ nhân dân phát triển về kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương)

          Huyện Đakrông đang bắt tay thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2021 – 2025 từ việc chuyển đổi, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, theo quy hoạch và nguyện vọng của người dân thông qua hình thức thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, sau khi có chủ trương giao đất, giao rừng cùng với kế hoạch xóa đói giảm nghèo, phương châm chuyển đổi sản xuất vững chắc, có hiệu quả cao được bà con đón nhận và hưởng ứng tích cực. Một trong những giải pháp để giảm nghèo trong thời gian tới là nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là với các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Ông Thái Ngọc Châu

Chủ tịch UBND huyện Đakrông, Quảng Trị

( Đối với công tác giảm nghèo là một nội dung xuyên suốt của huyện, với huyện nghèo như Đakrông thì công tác giảm nghèo là việc đầu tiên cần quan tâm, tập trung. Chúng tôi đã ban hành rất nhiều chương trình, hành động để thực hiện nghị quyết của đại hội tỉnh, đại hội huyện về thực hiện kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2025 – 2030. Giải pháp đặt ra là chúng tôi tập trung, nỗ lực để hoàn thành 3 chương trình mục tiêu, đó là chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là 3 đòn bẩy hỗ trợ cho huyện trong việc xóa nghèo và nâng cao đời sống của người dân. Hiện nay với nguồn lực của 3 chương trình, huyện đang còn tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình này)

          Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị là phấn đấu trước năm 2030 đưa Đakrông ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước 2030, để thực hiện mục tiêu này tỉnh Quảng Trị xác định đồng hành của các ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường gắn kết, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện, bảo đảm các dự án đều phát huy mang lại hiệu quả cao nhất; trong đó ưu tiên các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo. Trong quá trình thực hiện cần lựa chọn mô hình kinh tế giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm địa hình, thế mạnh, tập quán sản xuất của người dân và nhu cầu thị trường, không dàn trải; hỗ trợ người dân gắn kết với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân nơi đây tin tưởng mục tiêu giảm nghèo bền vững của Đakrông sẽ sớm trở thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.

Hạ tầng số, những vấn đề đặt ra ở vùng núi

Thưa đồng bào và các bạn! Thời gian qua, Chuyển đổi số đã giúp tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, mở rộng sự kết nối liên thông giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với địa bàn vùng núi Đakrông, vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Để thực hiện chuyển đối số, yêu cầu cần thiết của mỗi người dân đến giao dịch thủ tục tại bộ phận 1 cửa xã Hướng Hiệp là phải có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều hộ dân ở địa bàn huyện miền núi này không có điều kiện sử dụng các thiết bị thông minh phục vụ cho việc giao dịch các thủ tục hành chính, phục vụ nhu cầu cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt hay chuẩn hóa cơ sở dữ liệu theo quy định của Nhà nước. Tính đến nay, toàn huyện Đakrông chỉ mới có 27.101 thuê bao di động, chiếm hơn 54% số dân, trong đó, số có thiết bị điện thoại thông minh còn ít.

Ông HỒ VĂN XÂY

Thôn Ruộng, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

( Khó khăn ở đây là phải ra trực tiếp tại cơ quan, đơn vị mới thực hiện được các giao dịch vì ở nhà không có điện thoại, thấy mọi người thực hiện chuyển đổi số, làm tất cả các thủ tục trên điện thoại rất dễ dàng, bà con rất muốn nhưng không có)

Để phục vụ công cuộc chuyển đổi số thì việc đáp ứng hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong toàn huyện bình quân ước đạt 93.3%. Trong đó, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức cấp huyện ước đạt 100% và tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức và bán chuyên trách cấp xã ước đạt 65%. Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…; việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; hạ tầng điện phục vụ cho hạ tầng viễn thông còn có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, tốc độ xử lý công việc trên các thiết bị máy tính còn chậm. Điều này cũng là một trong những trở ngại trong việc thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương.

Ông HỒ VĂN SINH

Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

( Vấn đề hiện nay là thanh toán trực tuyến phí và lệ phí của người dân thì đa số bà con không có máy điện thoại thông minh và việc sử dụng máy điện thoại của bà con còn nhiều hạn chế. Về cơ sở hạ tầng thì máy móc được trang bị tương đối đầy đủ tuy nhiên một số máy sử dụng đã lâu năm cũng ảnh hưởng đến việc xử lý văn bản nên mong muốn các cấp ngành chức năng hỗ trợ các thiết bị máy móc và nâng cao tốc độ đường truyền )

Còn tại nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa, sóng điện thoại vẫn chưa tới nơi. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, không có sóng điện thoại, không có mạng internet là thiệt thòi lớn đối với đồng bào vùng núi nơi đây. Không khắc phục được tình trạng lõm sóng này, việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tìm hiểu thông tin phục vụ cuộc sống vô cùng khó khăn và cũng là rào cản lớn để chuyển đổi số thành công. Việc chưa được phủ sóng kéo theo rất nhiều khó khăn trong đời sống sản xuất cũng như trong sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, khi không kết nối được hệ thống thông tin liên lạc khiến cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão lũ đến các thôn bản phải mất nhiều thời gian, người dân không nắm bắt kịp tình hình để kịp thời ứng phó.

Anh Ngô Văn Vang

Thôn Ngược, Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

(Ở đây không có sóng viettel , vinaphone hay mobiphone già cả, nếu có người đau ốm không biết phải làm sao, bà con phải lên dốc cao khoảng 6 km để tìm chỗ có sóng mới liên lạc được. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để người dân thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin cũng như các chủ trương của Đảng và Nhà nước)

Ông Hồ Văn Côn

Thôn Ngược, Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

( Ở đây vùng sâu vùng xa, không có sóng, không có mạng nên người dân không xem được tivi, không theo dõi được các tin tức thời sự trong tỉnh và trong nước, không học hỏi được những cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế, nhất là con em rất thiệt thòi)

Có thể thấy rằng, để phục vụ chuyển đổi số, hạ tầng thông tin, viễn thông có vai trò vô cùng quan trọng. Trên địa bàn toàn huyện hiện có có 13 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính tại địa bàn 13 xã, thị trấn và 3 cơ sở chuyển phát phục vụ nhu cầu cung cấp báo chí, chuyển phát bưu phẩm cho đồng bào dân tộc miền núi. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện hiện nay có 3 nhà mạng đang hoạt động là VNPT, Viettel và Mobiphone, hiện có 70 trạm BTS, hầu hết các xã đều có trạm BTS 3G và 4G đảm bảo hoạt động tốt. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN HÒA

Giám đốc Trung tâm Viễn thông Đakrông, Quảng Trị

( Thời gian tới chúng tôi đang xây dựng đề án chuyển đổi số của huyện nhà và thực hiện trong năm 2023 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Về hạ tầng để chuyển đổi số thì trong năm 2023 đến 2025 chúng tôi sẽ tăng năng lực hạ tầng di động lên 200%, quang hóa đến toàn bộ hộ gia đình, phấn đấu đến 2025 60% hộ gia đình của huyện Đakrông sẽ có đường truyền cáp quang tốc độ cao)

Việc chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương; tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; phát triển mạnh kinh tế số và xã hội số; hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Và để chuyển đổi số, việc đáp ứng nhu cầu về hạ tầng số có vai trò vô cùng quan trọng, bởi đây chính là phương tiện để chính quyền, người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công hay không. Tuy nhiên, với thực trạng khó khăn hiện nay, huyện Đakrông cần được đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Ông PHAN XUÂN LIỆU

Trưởng Phòng VH&TT huyện Đakrông, Quảng Trị

( Chúng tôi sẽ có các giải pháp như kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư đường truyền công nghệ cao đến địa bàn các xã và các thôn để phục vụ nhu cầu của người dân, bên cạnh đó phối hợp với đoàn thanh niên, các doanh nghiệp, các ngân hàng để tạo app cho người dân để sử dụng thanh khoản không dùng tiền mặt, ưu tiên đầu tư hệ thống một cửa điện tử và hệ thống phòng họp không giấy tờ để tạo thuận lợi trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND huyện. Mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ kinh phí, cùng với huyện lồng ghép 3 chương trình mục tiêu để đầu tư cho chuyển đổi số trên địa bàn)

Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ giúp chính quyền ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ công nhân viên chức, cải thiện dịch vụ công, giúp giảm ách tắc và phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa, không cần nguồn lực có sẵn. Do đó, việc đầu tư hạ tầng số nói riêng và các nguồn lực khác nói chung sẽ góp phần để huyện Đakrông chuyển đổi số hoàn thiện nhằm đáp ứng xu hướng hiện nay./.

 

                                               

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 30/06/2023 13:10 Đỗ Hoài Đức 30/06/2023 13:10
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà