Tạp chí DT&MN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DTMN ngày 04.02.2024

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau:

- Tết ấm cho phụ nữ nghèo ở biên cương

- Đakrông tạo việc làm gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương

- Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản ở Tà Rụt

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

 

Tết ấm cho phụ nữ nghèo ở biên cương

 

Thưa đồng bào và các bạn! Với những người dân ở vùng biên giới huyện Đakrông, nhiều năm qua, mặc dù được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và của các cấp ngành, thế nhưng đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Để tạo động lực cho người dân vùng cao thoát nghèo, nhiều tổ chức, đoàn thể đã có nhiều chương trình, dự án để giúp đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng giai đoạn 2021 - 2023 thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với phụ nữ nghèo vùng biên giới, nhất là dịp tết đến, xuân về.

 

Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 - 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân tại một số xã miền núi đặc biệt khó khăn ở huyện Đakrông. Tại mỗi địa bàn, lực lượng biên phòng và phụ nữ thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với năng lực, trình độ, nhu cầu và những vấn đề phụ nữ quan tâm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước xây dựng quê hương giàu đẹp và bảo vệ biên giới.

Ở mỗi địa bàn, hội đã linh động phối hợp với lực lượng biên phòng bám địa bàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động dưới hình thức bắt tay chỉ việc. Nhờ đó, không chỉ các phong trào, các hoạt động phụ nữ được nâng lên mà hơn hết, mỗi chị em đã tiếp cận xây dựng các mô hình kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả cao.Với những kiến thức kỹ thuật mà chị em tiếp cận được đã góp phần quan trọng để áp dụng vào thực tiễn. Cũng từ các buổi tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật mà các hội viên phụ nữ ở các xã biên giới đã thực hiện trồng sắn, trồng chuối hay chăn nuôi có hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống trước đây.

Bà Hồ Thị Pủa

Xã A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

( Bây giờ cuộc sống gia đình tôi khá hơn trước rất nhiều. Chúng tôi chăn nuôi và trồng trọt có hiệu quả, mang lại thu nhập nên có điều kiện để mua sắm tết và chăm lo cho gia đình tốt hơn)

Chị Lê Thị Huỳnh

Phó chủ tịch UBND xã A Ngo, Đakrông, Hướng Hóa

( Cuộc sống của bà con về tình hình phát triển kinh tế thì hiện tại xã A Ngo đã tiếp nhận nhiều mô hình như mô hình chăn nuôi gà, lợn bản, bò, mô hình trồng chuối tiêu hồng... cơ bản thì bà con phát triển sản xuất có hiệu quả. Hiện tại thì nhiều gia đình trồng sắn, trồng tràm cho thu nhập cao, bà con đang tập trung chăm sóc các loại cây trồng vật nuôi của gia đình trong dịp tết này. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền cho người dân ăn tết không quên nhiệm vụ, chăm lo phát triển sản xuất để không bị đói giáp hạt, tăng thu nhập cho gia đình)

Xác định thực hiện tốt 3 cùng, cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị cam kết đồng hành thực hiện chương trình cùng các tổ chức, ban, ngành trong và ngoài tỉnh phối hợp tổ chức mở những lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống, từ đó thay đổi về cách nghĩ, cách làm, áp dụng vào thực tiễn để tự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực và rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi, giúp phụ nữ và người dân huyện miền núi phát huy nội lực, chủ động vượt khó đi lên... Chị em phụ nữ các xã biên giới yên tâm gắn bó với quê hương, động viên gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo và từng bước ổn định cuộc sống; sát cánh cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thượng tá Nguyễn Xuân Linh

Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, Quảng Trị

( Qua 3 năm thực hiện chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương thì nhận thức của chị em phụ nữ đã nâng lên rõ rệt, các vấn đề như bình đẳng giới, pháp luật, xây dựng gia đình hạnh phúc được chú trọng nhiều hơn. Xác định trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, duy trì, thực hiện tốt các mô hình hiệu quả, chất lượng trước đây và xây dựng các mô hình mới do Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai)

Không chỉ bắt tay chỉ việc cho hội viên phụ nữ mà chương trình “ Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” có ý nghĩa trong phát triển kinh tế từ việc hỗ trợ cây, con giống cho các hộ gia đình. Tùy nhu cầu của từng hộ dân mà các cấp hội phụ nữ phối hợp hỗ trợ giống dê, bò, lợn hay các giống cây trồng cho bà con. Nhờ đó, kinh tế của bà con được nâng lên rõ rệt, hộ nghèo ngày càng giảm. Công tác an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng được các cấp hội chú trọng phối hợp với lực lượng biên phòng trong thời gian qua. Hoạt động chung sức xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe cho hội viên, phụ nữ và người dân được quan tâm chú trọng. Chương trình đã hỗ trợ nhiều công trình thắp sáng đường quê, mái ấm biên cương và nhà tiêu hợp vệ sinh, tủ sách phụ nữ. Nhiều hộ còn linh động sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ kết hợp vốn vay để vừa xây nhà ở và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.

Có thể nói đời sống người dân vùng núi các xã được hưởng lợi đã có nhiều đổi thay sau 3 năm thực hiện chương trình. Nhận thức của người dân được thụ hưởng trong chương trình có sự chuyển biến rõ nét, từ ban đầu là sự trông chờ, ỉ lại từ các nguồn hỗ trợ nhưng qua quá trình vận động, khảo sát kết hợp sự cam kết chung tay của người dân địa phương đã cho thấy cách nghĩ, cách làm cũng như nhận thức của phụ nữ được nâng lên, nâng cao chất lượng đời sống cũng như góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội ở vùng biên.

Chị Nguyễn Thị Ty

Chủ tịch  Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đakrông, Quảng Trị

( Với một huyện thuần nông như huyện Đakrông thì thế mạnh của chúng tôi vẫn là trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên điều kiện tự nhiên ở đây khá khắc nghiệt, chúng tôi mong muốn rằng cùng với các nguồn đầu tư, các nguồn hỗ trợ sẽ trang bị thêm các kiến thức về khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ về các nguồn lực để phụ nữ vùng biên cương có thể mở rộng quy mô cũng như nhân rộng các mô hình hiệu quả mà chương trình đã đầu tư)

Những ngày này, bà con dân bản ở các xã A Bung, A Ngo, thuộc huyện Đakrông rất vui khi  đón nhận những món quà nặng nghĩa tình từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao tặng. Những người nghèo, đồng bào vùng cao ở đây không chỉ vui vì cái Tết thêm phần đủ đầy mà còn hạnh phúc hơn khi cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các đơn vị để Tết đến, xuân về, mỗi nếp nhà thêm niềm vui, bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn...

Chị Hồ Thị Kim thoa

Thôn Cu Tài 1, A Bung, Đakrông, Quảng Trị

( Hôm nay, khi mà được nhận quà của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tôi cảm thấy rất vui. Món quà này giúp gia đình tôi có một cái tết ấm cúng và đầy đủ hơn)

Ông Nguyễn Đăng Sơn

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, Quảng Trị

( Phải nói rằng chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương gắn với địa bàn huyện Đakrông, đã phát động và thực hiện từ năm 2018 cho đến nay, hằng năm Hội LHPN tỉnh cùng đồng hành với phụ nữ các xã biên giới, đặc biệt là 5 xã trong chương trình. Đây là một hoạt động rất thiết thực không chỉ đối với phụ nữ vùng cao mà cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ ở các đồn biên giới. Hôm nay, chúng tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đến với 2 xã A Bung, A Ngo, hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với 100 xuất quà. Đây là nguồn để tổ chức chương trình tết yêu thương cho bà con trên địa bàn biên giới rất ý nghĩa, nhằm giúp cho bà con có một các tết sum vầy, ấm cúng, mọi nhà đều có tế, không có ai bị bỏ lại phía sau)

Nhằm hỗ trợ cho hội viên phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức rất nhiều hoạt động  như tuyên truyền nâng cao kiến thức cho bà con, hỗ trợ bà con phát triển sinh kế cải thiện đời sống hộ gia đình. Trong hoạt động hỗ trợ sinh kế cho bà con, chú trọng hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ những mô hình cây, con phù hợp với nguyện vọng của bà con. Những năm qua, trên cơ sở nhu cầu thực tế của bà con, hội đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ các mô hình như bò sinh sản, dê quay vòng, các mô hình cây trồng như mô hình chuối bản địa, trồng tiêu, vườn rau dinh dưỡng. Ngoài hoạt động hỗ trợ sinh kế cho bà con thì chúng tôi cũng xây dựng hỗ trợ mái ấm tình thương, giếng nước để giúp bà con cải thiện điều kiện sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bà Trần Thị Thanh Hà

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

( Qua 3 năm thực hiện, chúng tôi đã tập trung vào việc tuyên truyền cho bà con nói chung và phụ nữ ở các xã biên giới thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các tập tục có hại để góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Phối hợp để giúp phụ nữ biên giới phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo thông qua các mô hình sinh kế, các tổ hợp tác. Một nội dung nữa là phối hợp tuyên truyền phụ nữ tuyến biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Hằng năm, của mỗi dịp tết đến, xuân về, 2 ngành cùng phối hợp các chương trình để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con như chương trình xuân biên cương, tết biên cương, xuân biên phòng ấm lòng dân bản. Phải nói rằng qua 3 năm thực hiện đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã giúp cho phụ nữ nói riêng và đồng bào vùng biên giới nâng cao đời sống, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia)

 

Một mùa xuân mới đã về, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng hành và sẻ chia của nhiều tổ chức, đơn vị và cộng đồng xã hội hướng về đồng bào, nhân dân khi Tết đến Xuân về, lan tỏa được những giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc. Chương trình không chỉ góp phần hỗ trợ, giúp đỡ bà con nhân dân trên hai tuyến biên giới quê hương đón Tết cổ truyền yên vui, đủ đầy hơn mà còn tô thắm thêm tình đoàn kết quân dân, tiếp động lực giúp cán bộ, chiến sỹ Biên phòng và người dân ở khu vực biên giới vững vàng, đoàn kết, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

 

Đakrông tạo việc làm gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương

Thưa đồng bào và các bạn! Đakrông là một huyện miền núi nơi có  đồng bào dân tộc thiểu số  Pa Cô, Vân Kiều cùng sinh sống. Những năm qua, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa riêng có, người dân tại huyện miền núi này đã phát triển du lịch, và các ngành nghề truyền thống gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó đã giúp tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.

Cách cầu treo huyện Đakrông (Quảng Trị) khoảng 30km là thôn Tà Lao, xã Tà Long (Đakrông) có hệ thống ghềnh thác, khe suối chảy quanh co giữa những khu rừng nguyên sinh, cùng thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng và quý hiếm đã tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá.

Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long là người sáng lập kiêm hướng dẫn viên của tour trải nghiệm Tà Long. Năm 2019 Chị Thương cùng với một số chị em bắt tay vào việc xây dựng tour du lịch này và đến mùa hè năm 2020 thì bắt đầu đón khách. Cho đến nay đã được 3 năm và tour du lịch này ngày càng thu hút khách đến tham quan và thưởng thức các đặc sản địa phương. Đây cũng là cách mà chị tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ đồng thời quảng bá văn hóa của địa phương.

Chị HỒ THỊ THƯƠNG

Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

( Chúng tôi cũng đã nỗ lực trong việc giúp chị em thực hiện những mô hình kinh tế tập thể thông qua việc tổ chức các tổ hợp tác và hiện tại chúng tôi có 3 tổ hợp tác, như tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa có 10 thành viên tham gia, tổ hợp tác trồng lúa nếp than có quy mô hơn 15 hecta, hiện có 30 chị em được tạo việc làm và có thu nhập trong hoạt động này. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay cũng đã hỗ trợ cho chị em thành lập 1 tổ hợp tác cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, hiện tại thông qua tổ hợp tác này đã tạo việc làm thời vụ cho 16 thành viên tham gia vào tổ hợp tác)

Xã A Bung của huyện Đakrông từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Nếu như trước đây, sản phẩm dệt của đồng bào chủ yếu quanh quẩn trong các bản làng thì nay, sản phẩm của họ được kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, từng bước gắn kết du lịch với quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Sau những ngày mùa màng bận rộn, chị em lại quây quần bên nhau, cần mẫn với xa quay sợi, khung dệt tạo ra những sản phẩm hết sức độc đáo. Vừa đam mê vừa mong muốn giữ nghề dệt truyền thống của cha ông từ bao đời nay, các chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc vào những ngày lễ hội truyền thống của đồng bào mình. Chị em cũng phấn khởi hơn bởi giờ đây nó không chỉ là khôi phục lại nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống.

Chị LÊ THỊ TÂY NGUYÊN

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông, Quảng Trị

( Cái nghề gắn với bản sắc văn hóa thì Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã phối hợp với UBND xã A Bung tổ chức ra mắt và phục hồi lại một tổ dệt thổ cẩm tại thôn Cu tài 2, xã A Bung với 14 chị em tham gia. Cho đến nay đã tập huấn cho các chị em về các bước đan, dệt, may... Bên cạnh đó còn phối hợp với tổ chức Plan để xin hỗ trợ một nguồn trang thiết bị cho chị em để làm công tác dệt thổ cẩm, ngoài ra còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đua các sản phẩm đến với thị trường)

 Nuôi ong lấy mật không phải là một nghề mới, nó đã được người dân từ đồng bằng đến vùng núi nuôi từ lâu. Nhưng trước đây, việc nuôi ong hoàn toàn mang tính tự phát và người dân chỉ nuôi lẻ tẻ chưa phát triển thành phong trào kinh tế để khai thác tốt lợi thế tự nhiên, đặc biệt là ở vùng núi, nơi có nhiều thế mạnh để phát triển nghề nuôi ong. Những năm gần đây, cùng với việc phát triển đa dạng hóa nông nghiệp, người dân vùng núi tận dụng lợi thế về địa hình và điều kiện thời tiết, cộng với sự ưu đãi về diện tích đất rừng đã phát triển phong trào nuôi ong lấy mật ở một số xã miền núi của huyện Đakrông (Quảng Trị). Đáng chú ý là việc mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong có sự liên kết, xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất đã giúp nhiều hộ nuôi ong trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi ong lấy mật, nhiều hộ nông dân tại xã Mò Ó, huyện Đakrông đã nhân rộng mô hình này. Với chi phí đầu tư thấp, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phong trào nuôi ong lấy mật tại xã miền núi này đã trở thành hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.Đến nay, toàn xã Mò Ó phát triển được 10 hộ nuôi ong có tổng đàn khá với bình quân phổ biến mỗi hộ nuôi từ 20-25 đàn, có vài hộ đạt 35-40 đàn.

Ông HỒ VĂN DO

Chủ tịch UBND xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

( Đối với xã Mò Ó thì điều chúng tôi quan tâm nhất là tổ chức sản xuất theo tiêu chí số 13 về việc xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm việc hình thành các tổ hợp tác như tổ hợp tác trồng dưa hấu, tổ hợp tác nuôi ong lấy mật, tổ hợp tác chăn nuôi dê nhốt và một số hợp tác xã khác. Đảng ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, vận động bà con hình thành các tổ hợp tác để làm ăn có hiệu quả. Đặc biệt là lợi dụng lợi thế của địa phương sẵn có như đất đai, tài nguyên và sự hỗ trợ của cấp trên trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và trong công tác xây dựng nông thôn mới)

Có thể nói dệt thổ cẩm; đan lát, nghề làm chổi đót, nghề nuôi ong lấy mật... hiện đang được đẩy mạnh và nhân rộng trên địa bàn huyện Đakrông. Đây là các nghề mang đậm nét văn hóa của các dân tộc và đã chứng tỏ vai trò trong việc phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, thu hút lao động dư thừa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị sản lượng không nhỏ trong kinh tế nông thôn. Do đó, công tác hỗ trợ để ngành nghề nông thôn phát triển, phát huy vai trò của nó trong đời sống xã hội là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ông HỒ VĂN CHIẾN

Phó chủ tịch UBND xã Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

( Học xong 10 ngày thì kết quả các sản phẩm làm được của chị em rất đẹp, rất thuận lợi đối với địa phương. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ thành lập một nhóm làm tập trung, nếu sản phẩm ổn định, chúng tôi sr tìm kiếm thị trường để đầu ra sản phẩm tốt hơn. Lợi nhuận sẽ được chia đều và trích một phần để đầu tư lại. Nếu một đơn hàng bán được khoảng 10 triệu đồng thì chúng tôi trích lại 3 triệu đồng để mua vật liệu tiếp tục làm trong thời gian tới)

Có thể nói việc phát triển du lịch và các nghề truyền thống  không chỉ lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chính vì vậy huyện Đakrông cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và làm việc cho người lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, tập trung khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo; rà soát, đánh giá phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện về nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức đào tạo nghề cho lao động đúng với nhu cầu của thị trường lao động và tình hình thực tế của địa phương.

 

Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản ở Tà Rụt

 

     Thưa đồng bào và các bạn! Gần 15 năm nay, nhờ vào mô hình nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản mà nhiều phụ nữ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Đakrông đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Từ đó, đã giúp cho chị em phụ nữ vùng cao phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn để phát triển sản xuất, cùng nhau xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Một buổi sinh hoạt của nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản thuộc thôn Vực Leng xã Tà Rụt huyện Đakrông. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, các chị tham gia sinh hoạt và đóng tiền tiết kiệm. Từ nguồn vốn tiết kiệm này được xem là ngân hàng tại chỗ giúp hàng nghìn chị em vùng cao xóa đói giảm nghèo

   Đã thành thói quen, cứ vào ngày 5 và 20 hàng tháng, chị em phụ nữ nhóm tiết kiệm thôn bản thôn Vực Leng xã Tà Rụt huyện Đakrông lại họp mặt đông đủ để sinh hoạt, đóng tiền tiết kiệm và bình xét thành viên vay vốn. Mỗi người đi họp đều mang theo một cuốn sổ tiết kiệm và ngồi theo thứ tự.  Tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, mỗi hội viên có thể tiết kiệm 50.000 đồng, 100.000 đồng tối đa là 250.000 đồng. Cứ 50.000 đồng tương đương với một con dấu. Số tiền của quỹ được dùng quay vòng, cho vay không lấy lãi để thành viên đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, còn đóng góp thêm nguồn quỹ xã hội để thăm hỏi thành viên lúc ốm đau, hoạn nạn.

  Chị HỒ THỊ CHIA

Thôn Vực Leng, Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

(Trước đây khi chưa tham gia vào tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản, tôi không biết cách để tiết kiệm dành dụm tiền. Mỗi ngày làm ra được mấy đồng thì tiêu hết, nên không có điều kiện để sắm sửa trong nhà. Từ ngày tham gia vào nhóm tiết kiệm này tôi biết cách để dành dụm, mỗi ngày đi gùi sắn được 50 nghìn thì ăn 40 nghìn còn 10 nghìn để tiết kiệm).

Từ nguồn vốn tại chỗ này đã giúp nhiều chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn vốn vay tại chỗ để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Lập gia đình năm 2019, vợ chồng chị Hồ Thị Nghe thôn Vực Leng xã Tà Rụt huyện Đakrông lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, không có đất để phát triển sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đến năm 2021 vợ chồng đã được chị em trong nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản cho vay 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn đó chị mua 1 con bò và 3 con dê. Sau 3 năm chăm sóc, đến nay đàn bò của gia đình chị đã lên đến 7 con, dê 9 con. Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều.

Chị HỒ THỊ NGHE

Thôn Vực Leng, Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

( Trong nhóm em lúc trước em rất khó khăn nên mấy chị em giúp đỡ cho em vay vốn để phát triển sản xuất, em đã mua 1 con bò để chăm sóc, đến nay phát triển được 4 con, em bán 2 con bò để trang trải cuộc sống nên bây giờ gia đình em cũng đỡ khó khăn, em rất biết ơn mọi người)

Việc thành lập nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản  ở xã Tà Rụt bước đầu cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi kết quả của quá trình vận động tích cực là sự ra đời của 3 tổ đầu tiên với gần 70 hội viên.  Mô hình vay vốn thôn bản được hoạt động dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên. Tổ chức Plan hỗ trợ mỗi tổ tiết kiệm một két sắt nhỏ với ba ổ khóa và do ba người giữ chìa khóa. Đến nay, gần 100% hội viên Hội phụ nữ xã Tà Rụt đã tham gia vào các nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản.

 Chị HỒ THỊ HẰNG

 Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

( Hoạt động tiết kiệm vốn vay thôn bản là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với chị em vùng cao, vì trước đây chị em không biết tiết kiệm như thế nào, bán buồng chuối, con gà đều tiêu xài hết. Sau khi có dự án Plan tài trợ và được chị em Hội phụ nữ về triển khai, chị em rất phấn khởi và 100% tham gia, qua đó nhiều chị em, nhiều hộ gia đình có nhà cửa khang trang, con cái đi học đại học. Nhiều mô hình sinh kế, cây trồng, vật nuôi được chú trọng phát triển. Thời gian tới, Hội phụ nữ xã tiếp tục duy trì và nâng mức tiết kiệm vốn vay để giúp đỡ được nhiều chị em hơn)

 Từ mô hình của 7 xã đầu tiên đến nay, toàn huyện Đakrông đã có 278 tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản, thu hút sự tham gia của gần 5.300 thành viên với tổng số vốn huy động được trong gần 15 năm lên đến gần 75 tỷ đồng. Qua gần 15 năm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình, đến nay mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản đã trở nên gắn bó và hữu ích đối với các hội viên phụ nữ, cái được lớn nhất là đã hình thành cho hội viên thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho gia đình và địa phương.

 

Giới thiệu phát sóng Tạp chí Dân tộc miền núi, phát sóng ngày 4/2/2024

 

- Chung tay hỗ trợ phụ nữ biên cương

- Đakrông tạo việc làm gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương

- Hiệu quả từ mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản ở Tà Rụt

Là những nội dung của Tạp chí DTMN  được  phát sóng vào lúc 18 giờ, ngày 4/02/2024, trân trọng  kính mời đồng bào và các bạn cùng đón xem./.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 01/02/2024 14:13 Đỗ Hoài Đức 01/02/2024 14:13
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà