Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thưa quý vị và các bạn! Lễ hội Mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Vân Kiều thường được tổ chức vào những tháng cuối năm. Đó là thời gian đã xong mùa vụ, người Vân Kiều sẽ làm lễ mừng lúa mới, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt. Lễ hội là dịp để dân làng quây quần, chia sẻ niềm vui được mùa, hưởng thành quả lao động, và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho vụ mùa tiếp theo mưa thuận, gió hòa.

Chuyên mục Đất và Người

Phát sóng thứ 2, ngày 14.11.2022

Tên: LỄ HỘI MỪNG LÚA MỚI CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU

T/h: Lê Tú

MC dẫn Studio:

Thưa quý vị và các bạn! Lễ hội Mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Vân Kiều thường được tổ chức vào những tháng cuối năm. Đó là thời gian đã xong mùa vụ, người Vân Kiều sẽ làm lễ mừng lúa mới, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt. Lễ hội là dịp để dân làng quây quần, chia sẻ niềm vui được mùa, hưởng thành quả lao động, và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho vụ mùa tiếp theo mưa thuận, gió hòa.

Với ý nghĩa muốn giới thiệu cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng đã tổ chức tái hiện lại Lễ hội mừng lúa mới theo nghi lễ truyền thống.  Đây cũng là điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị.

 

Phim: LỄ HỘI MỪNG LÚA MỚI CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU

 

Từ xưa đến nay, cây lúa rẫy luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Cuộc sống gần gủi với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh, cho họ những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng được đủ đầy.

Nghi lễ được bắt đầu từ việc tuốt lúa trên nương của các chàng trai cô gái Vân Kiều. Từ nương rẫy những hạt lúa đem về nhà ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, lúa sẽ được bà con đem phơi khô, sảy, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc mẩy nhất. Sau khi lúa đã được phơi khô, làm sạch, sẽ được cho vào cối lớn bằng gỗ để giã. Với đôi bàn tay khéo léo, nhưng cũng không kém phần mạnh khỏe, rắn chắc, những người phụ nữ Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những hạt gạo thơm nồng. 

 

Đến với lễ hội từ rất sớm, già làng Hồ Ta Ơn không thể dấu hết niềm vui của mình vì được chứng kiến lại nghi lễ truyền thống của đồng bào mình. 80 mùa nưỡng rẫy đi qua, với già đây là lần đầu tiên thấy một mùa lúa mới no đủ như thế này.

 

Phỏng vấn: Già làng HỒ TA ƠN – Thôn Chênh Vênh – Hướng Phùng – Hướng Hóa – Quảng Trị

MC lòng tiếng:  “Mấy năm nay do mưa lũ, do đại dịch nên bà con không tổ chức được, hôm nay thấy vui mừng vì văn hóa truyền thống của bà con không bị mất đi. Trong đời sống tinh thần của bà con, mừng lúa mới là lễ quan trọng nhất trong năm. Thần Lúa chính là linh hồn của vạn vật, vì thế nên đây cũng chính là vị thần được tôn thờ nhất. Vì thế nên cứ tới khoảng cuối tháng 10 hoặc sau Tết âm lịch, bà con lại tổ chức để họ tôn vinh hạt lúa của thần đã ban cho.  Đồng thời là dịp bày tỏ lòng biết ơn với các thần khác gồm nhiều các hoạt động, bao gồm lễ cúng trời đất, cúng thần sông, suối, mưa, sấm và mùa màng.”


Theo các bậc cao niên ở bản, lễ mừng lúa mới bắt nguồn từ câu chuyện của một gia đình nghèo khó, quanh năm thiếu cái ăn, cái mặc. Cuộc sống của họ cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi cha mẹ hai anh em qua đời vì đói. Những người dân trong bản cũng chung cảnh đói nghèo, quanh năm phải vào rừng sâu đào cây củ về sống qua ngày.

Không cam chịu sống trong cảnh đói nghèo, người con cả quyết tâm đi xa tìm kiếm lương thực để cuộc sống no đủ hơn. Hơn một năm sau, người anh trở về với bản làng và mang theo một thứ lương thực ngon hơn ngô khoai sắn đó là những hạt lúa rẫy.

Từ đó dân làng được ấm no, không còn phải vào rừng đào củ mài, rễ cây như trước nữa. Sau này, người dân trong bản lại tổ chức lễ mừng lúa mới để tưởng nhớ công lao của tiền nhân và các vị thần linh.

 

Phỏng vấn: Ông HỒ THANH XUÂN – Thôn Chênh Vênh – Hướng Phùng – Hướng Hóa

MC lòng tiếng: “Từ đời cha, đời anh đã có lễ hội lúa mới. Tất cả lương thực khi mà thu hoạch rồi nếu chưa cúng lúa mới thì chưa được đem ra dung. Tức là làm gì cũng phải biết ơn cha ông. Hồi trước, cúng lúa mới ít nhất cũng phải tổ chức 1 ngày 1 đêm. Có rượu cần, sáp ong đốt nến, mời tất cả bà con trong bản cùng đến ăn uống vui vẻ.”

Người Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, họ tin vào các thần linh huyền bí, trong đó có thần lúa Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất, không chỉ cứu vớt loài người trong các trận lũ lớn mà còn mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho các dòng tộc. Ngày nay, lễ mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Già làng là người điều hành phần lễ và khấn nguyện để cảm ơn thần linh, trời đất đã cho vụ mùa bội thu. 

Trong lễ cúng không thể thiếu món bánh được làm từ nếp, mè đen và muối, loại bánh dẻo dai thể hiện sự gắn kết bền chặt. Chính vì vậy, lễ mừng lúa mới còn là dịp để gắn kết mọi người, các thành viên trong gia đình, bản làng với thế giới tâm linh. Đây còn là dịp để người Vân Kiều bày tỏ sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên theo quan niệm vạn vật hữu linh vốn tồn tại từ bao đời nay.

 

Phỏng vấn: Ông HỒ VĂN QUÝ, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: “Bà con báo cáo năm nay lúa được mùa. Và đây là dịp để bà con ngồi ôn lại truyền thống. Đồng thời từng dòng họ, từng gia đình phát huy truyền thống để gìn giữ nét đẹp văn hóa người Vân Kiều - Pa Kô.”

 

 

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều và Pa Ko ở miền núi Quảng Trị là một trong những lễ hội văn hóa, tín ngưỡng độc đáo ít nơi nào có được. Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới, là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc anh em dọc theo dãy Trường Sơn. Lễ mừng lúa mới đối với đồng bào Vân Kiều cũng quan trọng giống như dịp Tết của miền xuôi.

 

Phỏng vấn: Bà NGUYỄN THỊ HUYỀN, Trưởng Phòng VHTT huyện Hướng Hóa – Quảng Trị

“Lễ hội lần này được dàn dựng và thực hiện bởi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa với sự tham gia của 30 nghệ nhân xã Hướng Phùng. Lễ hội đã tái hiện lại tất cả phong tục mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều trên miền Tây Quảng Trị. Thông qua lễ phục dựng muốn giới thiệu cho du khách gần xa biết về nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều, đây cũng là điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Hướng Hóa, Quảng Trị. ..”

 

Có thể hình thức tổ chức khác nhau tùy theo từng nơi nhưng chung lại vẫn là tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã đem hạt thóc về cho dân bản, là ngày hội để gắn kết toàn thể mọi người. Cũng như trong cuộc sống thường ngày, đồng bào Vân Kiều Pa Ko luôn có một tinh thần đùm bọc, nhường cơm xẻ áo cho nhau. Đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn từ bao đời nay. Chính vì vậy, việc phục dựng gìn giữ lễ hội này nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào nơi đây.

Năm nay được xem là thành công trong sản xuất nông nghiệp của người dân huyện miền núi Hướng Hóa. Sản lượng lúa tăng cả năng suất và chất lượng, nhiều diện tích lúa phải bỏ hoang do mưa lũ trước đây được bà con cải tạo và chăm sóc trở lại bình thường. Sau những tàn phá của thiên tai, cây lúa của đồng bào tốt tươi trở lại đem về những mùa vàng.

Giữa núi rừng Chênh Vênh, giai điệu Tà Oải cùng ngân nga với sáo Ong như cầu mong với đất trời sẽ có thêm những vụ mùa no ấm. Những chàng trai cô gái Vân Kiều tiếp tục lên nương rẫy gìn giữ hạt thóc mà tiền nhân để lại.

 

MC: Chào cuối!

 

GTPS: Từ xưa đến nay, cây lúa rẫy luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Cuộc sống gần gủi với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh, cho họ những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng được đủ đầy.

Chuyên mục Đất và Người Quảng Trị được phát song vào lúc18h30 thứ 2 ngày 14.11, phát lại vào 8h40 và 11h15 ngày hôm sau. Mời quý vị và các bạn đón xem!     

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Ngọc Tú 08/11/2022 14:53 Lê Vĩnh Nhiên 08/11/2022 15:01
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà