Đất và người QT ( Truyền hình)
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG

Kịch bản chuyên mục Đất và người Quảng Trị

Những nữ anh hùng trên đất lửa Quảng Trị

          Thưa Qv & các bạn! Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã gần 50 năm, thế nhưng ký ức về cuộc đấu tranh oai hùng của dân tộc vẫn còn in đậm trong trái tim những người lính. Trong số những địa danh phải gánh chịu những hy sinh, mất mát lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao người dân Quảng Trị đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương. Trong đó có những nữ du kích đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội. Chương trình đất và người QT hôm nay mời QV & các bạn cùng gặp gỡ những nữ anh hùng như thế.

Bia di tích lịch sử Phường Sắn một ngày tháng 3.

Hôm nay, Bà Văn Thị Xuân cùng với hội LHPN xã Hải Phú lại đến đây để thắp nén hương tưởng nhớ 8 dũng sĩ Phường Sắn, những người đã anh dũng hy sinh trong trấn đánh lịch sử vào tháng 7/1964.

Vào đầu năm 1964, chiến sự trên địa bàn huyện Hải diễn ra hết sức căng thẳng và ác liệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy Hải Lăng đã có chủ trương tổ chức một cuộc mít tinh ngay trong lòng địch nhằm kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo kế hoạch, cuộc mít tinh được tổ chức vào ngày 6-7-1964 tại xóm Phường Sắn, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú. Vì vậy, để cho cuộc mít tinh gây một tiếng vang lớn trong cả tỉnh, ta đã chủ động bố trí một tiểu đội bộ binh gồm những tay súng giỏi và dũng cảm nhằm đề phòng kẻ thù phá hoại và đàn áp. Bà Văn Thị Xuân lúc ấy chỉ độ 15,16 tuổi đã tham gia vào lực lượng du kích, nấu cơm vắt bí mật mang đến cho bộ đội.

Phỏng vấn

Anh hùng LLVT Văn Thị Xuân

Xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị

Chiến tranh đã đi qua, bình yên lại về trên quê hương Phường Sắn. Những con đường rộng thanh thang được mở ra, những cánh đồng lúa xanh rì đã tô vẽ nên bức tranh của sự bình yên, no ấm. Và, trong ngôi nhà của bà Văn Thì Xuân vẫn luôn rộn vang tiếng nói cười. Những thế hệ con cháu ở đây vẫn thường xuyên tìm đến bà để được nghe bà kể chuyện, để hiểu hơn về lịch sử và những hy sinh mất mát của ông cha. Và cũng để yêu hơn, trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.

Phỏng vấn

Chị Văn Thị Quyến

Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị

Sau ngày đất nước thống nhất, các nữ du kích của Quảng Trị lại trở về cuộc sống đời thường. Tiếng súng đã ngưng nhưng những ký ức về một thời oanh liệt nhưng cũng đầy gian khổ những phụ nữ anh hùng vẫn còn in hằn theo năm tháng. Bà Trần Thị Ngọc Diệp sinh năm 1954 được biết đến là nữ xã đội phó trẻ nhất huyện Triệu Phong lúc bấy giờ. Diệp gia nhập lực lượng du kích và trở thành xã đội phó xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) từ năm 1972 - 1975. Đây là một trong những địa phương quan trọng và diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong chiến dịch 81 ngày đêm giải phóng thành cổ. Khi ấy, sự nguy hiểm luôn rình rập bởi suốt dải Như Lệ, Tích Tường, Nhan Biều, Xuân An dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn luôn bị các máy bay trinh sát OV10, L19 của quân địch bay lượn quần thảo. Bà đã chứng kiến và tham gia vào rất nhiều trận đánh ác liệt, và cho đến bây giờ bà vẫn giữ lại những kỷ vật chiến tranh, đó là bi đông, là chiếc cà mèn, là vỏ đạn còn sót lại…

Phỏng vấn Bà Trần Thị Ngọc Diệp

Phường 2, TP Đông Hà, Quảng Trị

Hơn 50 năm trước, nhà báo Đoàn Công Tính - nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân - chụp bức ảnh cụ già chèo thuyền cùng cô con dâu sắp cưới cầm chắc tay súng với nụ cười hào sảng. Bức ảnh đó giờ đang được đặt bên góc Bảo tàng Thành cổ và nhanh chóng nổi tiếng trên khắp thế giới. Bởi lẽ, giữa mưa bom bão đạn trong 81 ngày đêm chiến đấu giữ gìn, bảo vệ thành cổ, nụ cười của hai bố con ông lái đò như tiếp thêm sức mạnh để quân dân ta giành chiến thắng trong trận đánh lịch sử này. Người con gái trong bức ảnh ấy chính là bà Nguyễn Thị Thu ở làng Giang Hến, thị trấn Ái Tử huyện Triệu Phong.

Mùa hè đỏ lửa ở chiến trường thành cổ năm 1972, nữ du kích Nguyễn Thị Thu được phân công vào đội vận chuyển cùng bố chồng tương lai (thuyền trưởng Nguyễn Con) phục vụ chiến đấu. Nhiệm vụ chủ yếu của bà Thu cùng ông Nguyễn Con là lái đò đưa quân lương, quân dụng từ hậu phương vào mặt trận thành cổ Quảng Trị, đồng thời chuyển thương bệnh binh về tuyến sau. Những chuyến thuyền vượt sông trong đêm tối, trong mưa bom bão đạn vẫn hằn in trong ký ức của bà.

Phỏng vấn

Không chỉ riêng bà Thu, mà với những người trong gia đình bà, bức ảnh mà nhà báo Đoàn Công Tính đã chụp trở thành kỷ vật vô giá và rất đỗi thiêng liêng.

Phỏng vấn Ông Nguyễn Câu – Chồng bà Thu

Mảnh đất và con người Quảng Trị vẫn luôn giữ truyền thống, tinh thần yêu quê hương nồng nàn, thấm đậm nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Trải qua gần 50 năm đất nước hòa bình thống nhất, những “cô gái” năm nào đều đã bước sang cái tuổi “cổ lai hy”, tóc bạc, da mồi, được gặp và nghe những nữ anh hùng kể về những năm tháng khói lửa, chúng ta hiểu hơn những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh. Những điều ấy đã trở thành bài học vô giá, giúp mỗi chúng ta nhìn lại mình để hiểu hơn, trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.

Đón xem: Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã gần 50 năm, thế nhưng ký ức về cuộc đấu tranh oai hùng của dân tộc vẫn còn in đậm trong trái tim những người lính. Trong số những địa danh phải gánh chịu những hy sinh, mất mát lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao người dân Quảng Trị đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương. Trong đó có những nữ du kích đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội. Chương trình đất và người QT được phát sóng vào 20h10’ thứ 2 ngày 6/3 trên sóng TH của Đài PTTH Quảng Trị, mời Qv & các bạn đón xem.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 03/03/2023 07:30 Lê Vĩnh Nhiên 03/03/2023 14:49
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà