Khoa học công nghệ ( Truyền hình )
Danh mục
Khoa học và Công nghệ
NỘI DUNG

Kịch bản Chuyên mục Khoa học và Công nghệ

Phát sóng: Ngày 15/06/2023. Số 06/2023.

Thời lượng: 10 phút

PTV:  Xin kính chào QV&CB! Rất vui khi được đồng hành cùng QV&CB trong Chuyên mục Khoa học và Công nghệ kỳ này. Trong Chương trình hôm nay, sau phần Tin, mời QV&CB theo dõi phóng sự “Bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm Chè  vằng”. Sau đây là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

I.Tin tức:

Tin 1: Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức phiên họp Hội đồng KH&CN tỉnh để định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2023 và giai đoạn 2023 -2025, xét chọn danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện năm 2023.

Hội đồng đưa ra các định hướng trong năm 2023: Ưu tiên những nhiệm vụ liên quan nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất, đời sống có tính ứng dụng cao, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Tập trung các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực cụ thể: khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học y, dược. Đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu thử nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao và giá trị kinh tế; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông sản... Trên cơ sở các ý kiến của thành viên, cơ quan thường trực sẽ tiến hành rà soát lại để hoàn thiện danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiên năm 2023 để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tin 2: Ngày 29/5/2025, Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN đã phối hợp với Sở KH&CN Quảng Trị tổ chức kiểm tra định kỳ tình hình triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo” thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 tại Quảng Trị do Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo chủ trì, thực hiện từ 5/2021 đến tháng 4/2024.

Đến nay, dự án đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật phân lập giống gốc nấm đông trùng hạ thảo và đã thực hiện một số quy trình nhân giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo; hoàn thành đào tạo 4 cán bộ kỹ thuật; sau khi tiếp nhận công nghệ từ đơn vị chuyển giao Trung tâm thực hiện nhân giống cấp I, cấp II Đông trùng hạ thảo 8 đợt, với số lượng 200/200 ống giống cấp I trên môi trường thạch ; 40/20 lít giống cấp I dịch thể Đông trùng hạ thảo; 400/150 lít giống cấp II dịch thể (tương đương 4.000 bình giống) Đông trùng hạ thảo. Nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên môi trường tổng hợp 8 đợt, sản xuất 72.000 lọ đông trùng hạ thảo. Sản xuất tổng 8 đợt gồm 1200 lọ đông trùng hạ thảo trên ký chủ nhộng tằm. Đoàn kiểm tra đánh giá các nội dung đã được triển khai đảm bảo theo đúng các nội dung được phê duyệt. Đề nghị đơn vị chủ trì khẩn trương thực hiện các nội dung tiếp theo đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và hợp đồng đã ký kết.

Tin 3:  Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ, ngay từ đầu năm 2023, Sở KH&CN ban hành Kế hoạch số 05/KH-SKHCN về Kế hoạch Cải cách hành chínhKế hoạch số 07/KH-SKHCN về Duy trì và củng cố chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (chỉ số PAPI) năm 2023.

Qua đó, xác định nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác Cải cách hành chính; Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và cung cấp dịch vụ công của Sở Khoa học và Công nghệ năm 2023 trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đưa Sở Khoa học và Công nghệ   nâng cao việc xếp hạng về CCHC trong khối Sở, ngành cấp tỉnh năm 2023.

 

II. Phóng sự:

 

PTV:   Thưa QV&CB! Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng trong việc tăng cường bảo hộ cho các sản phẩm của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã đăng ký bảo hộ được 02 chỉ dẫn địa lý là Tiêu Quảng Trị  và Chè Vằng Quảng Trị, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 47 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ công bố, trao văn bằng Chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm Chè vằng. Đây là Chỉ dẫn địa lý thứ 2 của tỉnh Quảng Trị được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững cây chè vằng, sản phẩm đặc thù của địa phương. Ghi nhận điều này, mời QV&CB theo dõi phóng sự sau:

Bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm Chè  vằng

Từ xa xưa, La Vang là nơi có nhiều cây “lá vằng”, một loại cây đã được người dân tỉnh Quảng Trị sử dụng làm thuốc từ hàng trăm năm qua. Cũng chính vì vậy, Chè vằng “Quảng Trị” gắn liền với địa danh “La Vang”.

Với những đặc tính dược liệu đặc biệt,cây chè vằng Quảng Trị được đánh giá và minh chứng là loại dược liệu tốt qua các kiểm nghiệm lâm sàng mà tự nhiên đã ban tặng.

Từ những giá trị của cây chè vằng, năm 2016, Sở KH&CN Quảng Trị đã phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu sâu hơn hoạt tính sinh học của cây chè vằng tại Quảng Trị đối với sức khỏe con người. Qua quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và Sở KH&CN đã chiết và thử nghiệm hoạt tính sinh học của chè vằng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng thành phần hoạt chất có trong cao của cây chè vằng thu hái tại vùng La Vang và Cam Lộ cao hơn so với các mẫu cao chè vằng thương mại bán trên thị trường. Cao chè vằng trong nghiên cứu được chiết xuất trong điều kiện áp suất, nhiệt độ thấp và sử dụng dung môi thích hợp chứa nhiều hoạt chất có tính chống oxy hóa, trung hòa gốc tự do, kháng được 1-3 chủng vi sinh vật kiểm định, đặc biệt có nhiều hoạt tính sinh học phong phú kể cả hoạt tính kháng dòng tế bào gây ung thư gan Hep-G2 và ung thư phổi LU-1. Nghiên cứu này góp phần nâng tầm giá trị của cây chè vằng nói chung và các sản phẩm từ chè vằng Quảng Trị nói riêng.

      Để bảo tồn và phát triển cây chè vằng, Sở KH&CN đã đặt hàng thực hiện nhiệm vụ: “Sản xuất thử nghiệm cây chè vằng, tạo sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh” do Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hải Lăng chủ trì thực hiện tại vùng La Vang, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú.   Nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất giống, quy trình sản xuất thâm canh trồng tập trung, góp phần bảo tồn giống vằng sẻ bản địa, tạo mô hình sản xuất chè vằng, tạo nguồn dược liệu và nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Xây dựng được mô hình sản xuất giống chè vằng bằng phương pháp giâm hom. Hoàn thiện quy trình sản xuất giâm hom cây vằng sẻ tại Hải Lăng với việc xử lý ra rể bằng IBA có nồng độ thích hợp.

Từ kết quả nhiệm vụ KH&CN này, huyện Cam Lộ là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã đặt hàng sản xuất giống và nhân rộng trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Đến nay, huyện Cam Lộ triển khai trồng vùng nguyên liệu chè vằng nhiều nhất là tại các xã có nhiều diện tích đất gò đồi như Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Tuyền.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 60 ha chè vằng; Trong đó, có hơn 50 ha nuôi trồng, diện tích còn lại là chè vằng tự nhiên, cho tổng sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm.

Chè Vằng chỉ trồng một lần rồi chăm sóc và thu hoạch trong thời gian rất dài nên cây chè vằng vừa giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.      

Phỏng vấn:  Cơ sở sản xuất chế biến cao chè vằng Làng nghề

 nấu cao Định Sơn

 (Nội dung:  Đánh giá về việc chủ động vùng nguyên liệu chè vằng đem lại những thuận lợi (nâng cao chất lượng, giảm giá thành....) cho việc chế biến cao chè vằng của cơ sở)

 

Từ cuối năm 2016, Sở KH&CN Quảng Trị chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (nay là Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo) nghiên cứu quy trình chiết xuất tinh chất từ cây chè vằng với sự phối hợp của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đến nay, Trung tâm đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm tinh chất chè vằng hòa tan. Bước đầu, để sản xuất và thương mại sản phẩm, Trung tâm đã phối hợp với Công ty Đất La Vang xây dựng vùng nguyên liệu 5 ha tại vùng La Vang, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho hệ thống sản xuất của trung tâm. Vùng nguyên liệu được áp dụng phương thức canh tác sạch, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời sử dụng nước tưới và phân bón sạch nên kiểm soát hoàn toàn chất lượng nguyên liệu đầu vào. Quy trình chiết suất chè vằng được thực hiện theo từng phân đoạn với các thiết bị hiện đại.

Phỏng vấn: 1 cán bộ chuyên môn về

quy trình chiết suất chè vằng với các thiết bị hiện đại

Từ các kết quả nghiên cứu, Sở KH&CN đã chuyển giao kết quả nghiên cứu trên cho Trung tâm để ứng dụng tổ chức sản xuất, đồng thời tiếp tục hoàn thiện công nghệ và các điều kiện khác để thương mại hóa sản phẩm. Bằng công nghệ cao với hệ thống chiết tuần hoàn chân không hiện đại, sản phẩm giữ lại những hoạt chất quý có trong cây chè vằng. Chè vằng hòa tan TralaVang tan nhanh trong nước, màu xanh trong, không bị oxy hóa, mùi hương thơm tinh dầu, vị đắng đậm tự nhiên có tác dụng hỗ trợ chức năng gan, thải độc, chống lão hóa, kháng viêm, hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh…

 Đến tháng 1/2020, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm Chè vằng để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng, tạo dựng uy tín cho sản phẩm chè vằng của tỉnh Quảng Trị trên thị trường, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người sản xuất một số sản phẩm chè vằng tại tỉnh Quảng Trị, Sở KH&CN triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý đối với “Chè vằng Quảng Trị” cho các sản phẩm chè vằng của tỉnh Quảng Trị. Thời gian thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2021.

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) có mục tiêu chính là hỗ trợ việc thương mại hóa các sản phẩm chè vằng. Một CDĐL có thể đăng ký cho nhiều sản phẩm hoặc nhiều dòng sản phẩm khác nhau. CDĐL “Quảng Trị” cho chè vằng được đăng ký bảo hộ đối với cả 3 dòng sản phẩm Chè vằng khô, Chè vằng hòa tan và Cao chè vằng. Việc được đăng bạ CDĐL theo Quyết định số 39/QĐ-SHTT ngày 19/01/2023 của Cục SHTT đã khẳng định thương hiệu của Chè vằng Quảng Trị, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

 

Phỏng vấn: Ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN

(Nội dung: Giá trị của Chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” sản phẩm chè vằng mang lại đối với tỉnh Quảng Trị và người dân, doanh nghiệp đang trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh chè vằng tại địa phương)

 Để góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm trên thị trường, phục vụ tích cực cho việc xuất khẩu, Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định vị thế của sản phẩm. Sau khi xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý, vấn đề đặt ra là phải quản lý, phát triển hiệu quả để thực sự nâng cao giá trị của chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ. Đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Phỏng vấn: Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN

(Nội dung:  Các giải pháp để khai thác có hiệu quả chỉ dẫn địa lý sau khi bảo hộ thành công)

 

PTV: QV&CB thân mến! Chuyên mục Khoa học và Công nghệ đến đây là kết thúc. Cảm ơn QV&CB đã quan tâm theo dõi! Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau./.

Chuyên mục Khoa học và Công nghệ

Do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp

với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Trị thực hiện

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 12/06/2023 09:27 Phạm Như Quỳnh 12/06/2023 09:27
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà