Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 12
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

Chị Hằng:QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 16/05/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 17/05/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Hướng Việt – đất lại hồi sinh.

Điểm tựa vững chắc cho nông dân vùng cao

Ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách.

Kính mời đồng bào và các bạn quan tâm đón nghe.

 

 Hương: Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Mở đầu chương trình là phóng sự Hướng Việt – đất lại hồi sinh

Tiếp đến là phóng sự điểm tựa vững chắc cho nông dân vùng cao

Và phần cuối chương trình là phóng sự về ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách.

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

Hướng Việt- Đất lại hồi sinh

Chị Hằng: Thưa quý vị và các bạn! Xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là địa phương từng phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề trong trận mưa lũ xảy ra vào khoảng thời gian gần cuối tháng 10 năm 2020. Bên cạnh sự mất mát về người, khu vực trung tâm xã Hướng Việt còn phải hứng chụi dòng chảy của hàng ngàn mét khối bùn đất từ núi cao, vùi lấp và cuốn trôi nhiều hệ thống đường giao thông, trường học, nhà cửa… Có thể nói những khó kkhăn  mà Hướng Việt phải đối mặt lúc bấy giờ quá lớn, và tưởng chừng sẽ khó vượt qua. Nhưng cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức xã hội và sự nỗ lực của người dân, sau hơn 2 năm  Hướng Viêt giờ đây đã thực sự hồi sinh.  

 

Hương: Xã Hướng Việt nằm giữa thung lũng Tà Rùng, bốn phía là rừng và những dãy núi với độ cao từ khoảng 700 đến hơn 1000 mét so với mặt nước biển.

Nhìn lại những hình ảnh ở vùng trung tâm xã Hướng Việt trước năm 2020 gắn với cánh đồng Tà Rùng, vựa lúa chính chính đã nuôi sống hàng trăm hộ gia đình Vân Kiều của Hướng Việt.  Vào mùa thu hoạch, nhìn từ trên cao cánh đồng Tà Rùng như một bức tranh với gam màu vàng chủ đạo giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thế nhưng trận mưa lũ xảy ra vào gần cuối tháng 10/2020 đã biến trung tâm xã Hướng Việt cùng thung lũng Tà Rùng thành một túi bùn đất khổng lồ và bị chia cắt trong nhiều ngày. Cuộc sống con người lúc ấy vô cùng nan giải, phải cần đến sự hỗ trợ tiếp tế từ bên ngoài. Nhưng những trận mưa vẫn cứ kéo dài khiến đã cho mọi con đường dẫn vào Hướng Việt  đều tiềm ẩn nguy hiểm do sạt lở núi và chìm ngập sâu trong bùn đất, việc đi lại vô cùng gian nan.

Trong hoàn cảnh ấy, Hướng Việt đã may mắn sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong cả nước để tạm thời vượt lên gian khó, sớm ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời đưa bộ máy chính quyền địa phương, trường học, trạm y tế có điều kiện hoạt động trở lại.

1.    Hồ Văn Sinh- Chủ tịch UBND xã Hướng Việt- Hướng Hóa- Quảng Trị

Xã Hướng Việt có gần 350 hộ dân với 1.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, sống dựa và sản xuất nông nghiệp. Trước thiên tai, theo thống kê số hộ nghèo ở Hướng Việt có khoảng 40%.  Vì vậy một trong những nỗi lo lớn nhất của chính quyền và người dân Hướng Việt là trên 100 ha đất trồng lúa và hoa màu đã bị hàng trăm nghìn mét khối bùn đất, đá từ dãy núi Ka Lóc vùi lấp, có nhiều nơi bị vùi sâu từ 1-3 m nên vụ Đông - Xuân gần như bỏ trắng.

Nếu không thể sớm tổ chức sản xuất thì cuộc sống lâu dài của người dân sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.  Và thực tế đã cho thấy, sau đợt thiên tai cuối năm 2020, số hộ nghèo của Hướng Việt đã đội lên gần gấp đôi.

Nhưng người Vân Kiều ở xã Hướng Việt nói chung đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ở bản Tà Rùng, mọi người đã cùng nhau góp công, góp sức để khôi phục diện tích đất ruộng bị vùi lấp, nạo vét lại hệ thống kênh thủy lợi. Giải  pháp là với những nơi có nước thì bà con gieo cấy lúa, còn những nơi chưa có nước thì trồng sắn, trồng hoa màu chứ nhất định không để bỏ hoang…Để rồi cùng với thời gian hàng chục ha đất, ruộng của người dân đã được phủ kín bởi màu xanh của lúa, của sắn…

2.    Hồ Thị Đu- Hướng Việt - Hướng Hóa- Quảng Trị

 (Đọc phỏng vấn)“Gia đình tôi làm 4 ô ruộng, từ 4 ô ruộng này một năm tôi thu hoạch được khoảng 1 tấn. Mọi người đều biết rõ là trong năm 2020 lũ lụt rất lớn đã xảy ra ở xã Hướng Việt, toàn bộ ruộng nương đều bị bùn, đất đã lấp cả. Nhưng đến năm 2023, bà con nhân dân ở xã Hướng việt nói chung và bản thân gia đình tôi nói riêng cố gắng làm ruộng để có lương thực, bên cạnh đó tôi cũng làm thêm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập, dần ổn định lại cuộc sống.”

          3. Anh Hồ Văn Huỳnh – Hướng Việt – Hướng Hóa

 (Đọc phỏng vấn) “ Trận lũ lụt năm 2020 toàn bộ ruộng nương ở đầy bị lấp cả, bà con vô cùng khó khăn. Chúng tôi huy động bà con, huy động thôn khôi phục lại để bà con có đất sản xuất. Hiện tại chúng tôi cố gắng khôi phục lại diện tích 45ha. Sang năm 2022 bà con đã có lại đất canh tác, nên vô cùng vui mừng, vì đã có thể trồng lại lúa. Bây giờ bà con mong chính quyền có thể hỗ trợ một phần nào đó cho bà con để bà con tiếp tục khôi phục lại những diện tích đất còn lại.”

Không chỉ ở Tà Rùng, người dân ở các thôn còn lại của xã Hướng Việt như Trăng - Tà Puồng, Ka Tiêng, Xa Đưng…cũng đã đoàn kết, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai. Tùy theo điều kiện canh tác, người dân chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp, cố gắng không để hoang đồng ruộng. Nhờ vậy  đến nay phần lớn diện tích đất ruộng bị vùi lấp từ trận lũ năm 2020 đã được khôi phục, người dân đã đưa vào sản xuất.

Đến Hướng Việt vào những ngày tháng 5 này, người dân khắp các thôn bản đang bắt đầu bước vào vụ gặt.  Cũng như cách mà họ đã giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai để cứu lấy những thửa ruộng, bà con lại cùng hỗ trợ nhau gặt lúa để kịp tránh mưa bảo. Niềm vui như càng được nhân đôi khi vụ lúa năm nay khắp các thôn bản đều được mùa. 

Cùng với việc thu hoạch lúa, nhiều gia đình cũng giúp nhau khẩn trương thu hoạch sắn ở những vùng đất thấp để tránh tình trạng có thể bị ngập úng vào mùa mưa…

 Nhưng Hướng Việt vẫn còn đối mặt với khó khăn do cuộc sống người dân hầu như phụ thuộc vào 2 loại cây trồng chính là lúa và sắn. Thế nhưng trên địa bàn vẫn còn khoảng 10 ha ruộng chưa thể khôi phục vì lượng đất đá vùi lấp quá lớn. Trong khi nguồn nước sinh hoạt và phục vụ mở rộng sản xuất  ở khu vực trung tâm xã đang rất hạn chế vào mùa khô.  

4. Hồ Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hướng Việt- Hướng Hóa- Quảng Trị

Tháng 5, theo tuyến đường Hồ Chí Minh vắt qua đỉnh Sa Mù đến với Hướng Việt, thung lũng Tà Rùng từng loang lỗ bùn đất từ trận lũ năm 2020 giờ đây màu xanh đã trở lại. Tuy vậy ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Hướng Việt còn cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước với những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đạ phương mới có thể  giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên bền vững./.

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

Điểm tựa vững chắc cho nông dân

 

     Thưa đồng bào và các bạn! Nhiệm kỳ 2018-2023, cán bộ, hội viên nông dân huyện Đakrông đã đoàn kết, nỗ lực “ Đổi mới mạnh mẽ hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, nâng cao vai trò trách nhiệm của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới” Hội Nông dân huyện đã và đang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động. Qua đó, nâng cao vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, thông qua nhiều hoạt động, chương trình cụ thể, thiết thực với hội viên,  Hội Nông dân  huyện Đakrông đã trở thành điểm tựa vững chắc của  nông dân trên địa bàn huyện.

      Chị Hằng:  Hội Nông dân huyện Đakrông  gồm có 13 cơ sở hội với 78 chi hội , gần 6.800 hội viên. Xác định công tác xây dựng hội và phát triển hội viên là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 05 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đồng thời chỉ đạo nâng cao chất lượng hội viên gắn với phát triển hội viên mới; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phối hợp lồng ghép nhiều mặt hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân với phương châm “Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”, lấy lợi ích của hội viên nông dân làm động lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thông qua các chương trình, đề án, xây dựng các mô hình, các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ để tập hợp nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lượng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông, Quảng Trị

      Với quan điểm để người nông dân trong thời đại mới không chỉ mạnh về làm kinh tế mà còn mạnh về ý thức chính trị, kiến thức về văn hóa, xã hội, các cấp HND trong huyện đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khích lệ, động viên hội viên nông dân phát triển tư duy, trí tuệ, thể chất. Hội Nông dân  huyện Đakrông đã tổ chức Hội thi  “ Vui cùng nhà nông” qua các năm, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho hội viên, nông dân. Việc phát triển và nâng cao chất lượng hội viên ngày càng được chú trọng ngay từ khâu kết nạp đến theo dõi quá trình sinh hoạt và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho hội viên. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân các cấp kết nạp được thêm 858 hội viên mới đạt 90,31% kế hoạch, 100% hội viên được cấp phát thẻ. Các phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn minh đã và đang được triển khai rộng khắp nhằm đưa đời sống tinh thần của người dân nông thôn ngày một nâng lên.

Một trong những hoạt động nổi bật trong phong trào hội đó là việc thành lập và đưa các chi tổ, hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, nề nếp đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên cùng giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Điển hình như hộ anh Hồ Ước - hội viên Tổ hội phát triển chăn nuôi, trồng trọt của thị trấn Krông Klang có diện tích vườn, đồi khá rộng  nhưng trước đây chỉ là vườn tạp. Năm 2021, được sự vận động của Hội Nông dân thị trấn, anh Ước đăng ký tham gia Tổ hội nghề nghiệp phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả của địa phương. Từ khi tham gia tổ, anh và nhiều hội viên đã được các cấp hội hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để phát triển trồng rừng, nuôi dê và gà và được vay vốn để mua giống, vật tư, phân bón. Từ đó đến nay, sản phẩm có đầu ra ổn định, mỗi năm thu nhập từ vườn đạt khá cao. Sau gần 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, Tổ hội phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả đã cho thấy  hiệu quả rõ rệt. Các hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập bình quân từ  100 đến 200 triệu đồng/năm.

Anh Hồ Ước

Thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

Với mong muốn hỗ trợ người trên địa bàn nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm mình làm ra, Hội Nông dân huyện Đakrông vừa khai trương gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản an toàn. Đây là mô hình mới, cách làm hay, góp phần mở lối cho những sản phẩm được làm ra từ bàn tay yêu lao động của người dân vùng cao đến với thị trường và người tiêu dùng. Tại các gian hàng, Hội nông dân mỗi xã bày bán những sản phẩm được làm ra từ bàn tay yêu lao động của những người nông dân vùng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm được xem là đặc sản vùng cao như: nếp than, gà bản, lợn rừng, cá mát, tôm suối, rau rừng… Để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, các quầy hàng có chế biến sẵn nhiều sản phẩm thành món ăn, thức uống thơm ngon, lạ miệng như: rượu nếp cẩm, cheo cá mát, cá mát nướng, gà nướng, cơm lam… Các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, giá thành phải chăng. Những nông sản của vùng cao đã được kết nối, quảng bá để tìm kiếm thị trường xa hơn, nhiều hơn. Từ đây, bên cạnh làm nương, làm rẫy, cán bộ, hội viên nông dân có thêm cơ hội kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế.

Anh Hồ Văn Hêm

Chủ tịch Hội Nông dân xã A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế,nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, Hội nông dân huyện Đakrông tích cực vận động nông dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Đặc biệt chú trọng đến việc định hình, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế của từng địa phương; đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và giá trị sản phẩm.

Chị Hồ Thị Vân ở xã Tà Rụt là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế vườn nhà, Chị Vân đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư chăn nuôi lợn, gà, phát triển trồng rừng. Vượt qua những khó khăn ban đầu, nhờ chăm chỉ làm ăn và được sự quan tâm,  đồng hành của cán bộ, hội viên Hội nông dân trong huyện, mô hình của gia đình chị đến nay đã cho thu nhập khá, làm giàu cho gia đình cũng như sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Chị Hồ Thị Vân

Xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

Song song với công tác phát triển và xây dựng tổ chức hội, Hội Nông dân huyện cũng chú trọng phát động và động viên nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới. Các phong trào này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Nổi bật là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" như: " Mô hình trồng đậu xanh và mô hình trồng lạc, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, mô hình chuối lùn bản địa, mô hình trồng lúa nếp than, mô hình trồng dứa...  hàng năm có hàng chục  hội viên đạt danh hiệu sản xuất giỏi . Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, ngày càng có nhiều triệu phú  nông dân xuất hiện, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.  Phong trào thi đua sản xuất giỏi, giúp đỡ nhau thoát nghèo không những mang lại kinh tế ngày càng cao, ổn định cuộc sống của gia đình mà còn giúp nông dân thay đổi suy nghĩ, cách làm, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm; giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn vươn lên làm giàu; biết sử dụng lao động một cách hợp lý; sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, quen dần việc hạch toán sản xuất kinh doanh; sáng tạo vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giàu cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội.

Ông Trần Văn Bến

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị

Qua các phong trào đã ngày càng khẳng định sự lớn mạnh và vai trò quan trọng của HND trong tham gia phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; đồng thời, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân. Thời gian tới, HND huyện Đakrông sẽ tập trung nhiều hơn cho việc củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tích cực đổi mới phương thức hoạt động cũng như nội dung tuyên truyền, vận động, đặc biệt là cùng với việc tổ chức thực hiện tốt 3 phong trào thi đua của Trung ương. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên phát triển về kinh tế và nâng cao vị thế của người nông dân trong tình hình mới.

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

Ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách

Thưa đồng bào và các bạn! Trong vài năm trở lại đây, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn lực phát triển hoàn thiện hệ thống các nền tảng công nghệ số hiện đại, tiện ích, hướng đến tối ưu trải nghiệm khách hàng, giao dịch tiền mặt do đó đã giảm hẳn. Đặc biệt đối với tín dụng chính sách dành cho người nghèo, các đối tượng yếu thế, việc ứng dụng các phần mềm quản lý đã hỗ trợ để họ nắm được các thông tin một cách minh bạch, rõ ràng và thuận tiện hơn.

Hương: Nếu như trước đây, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tại huyện Đakrông nhận uỷ thác vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội phải mất nhiều thời gian đi đến từng nhà ở các vùng xa trung tâm để thu vốn tiết kiệm, các khoản tiền lãi vay, thì từ tháng 11/2022, các cán bộ hội đã được cài đặt phần mềm quản lý tín dụng chính sách để bao quát thông tin cũng như giao dịch nhận tiền thông qua điện thoại di động.

Chị Hồ Thị Ngư

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm Khe Xong, TT.Krông Klang,  Đakông, Quảng Trị

Thực tế cho thấy, mô hình ứng dụng phần mềm qua điện thoại di động sử dụng thuận tiện, không chỉ giúp người dân rất ngắn thời gian trong công việc mà còn giúp cán bộ ngân hàng chính sách xã hội có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác trong tổ chức họp giao ban diễn ra thuận lợi hơn ngay tại phiên giao dịch xã; số liệu hoạt động của các tổ chức hội và xã đều được cập nhật kịp thời trên ứng dụng, giúp các Tổ trưởng, Hội đoàn thể nhận ủy thác nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng tại đơn vị.

Chị Trần Thị Lý

Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

Tại tỉnh Quảng Trị, mặc dù việc triển khai ứng dụng Mobile – banking và quản lý tín dụng chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội đi sau trong hệ thống các ngân hàng, song đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4000 khách hàng thuộc các đối tượng hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ này, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng cũng như hỗ trợ các khách hàng.

Ông Phan Văn Pháp

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị

Để tín dụng chính sách đồng hành cùng người nghèo đạt hiệu quả, việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ thông tin, cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế là hết sức cần thiết, qua đó góp phần thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và phát triển tài chính của địa phương đạt được những mục tiêu đã đề ra.

 

Chị Hằng: Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình BTV Hồ Thới cùng các PTV Đỗ Hằng, PTV Nguyên Hương, KTV Khắc Nam xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 15/05/2023 16:29 Lê Vĩnh Nhiên 18/05/2023 13:47
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà