Phát thanh tạp chí Dân tộc và Miền núi số 13
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI SỐ 13

Chị Hằng: QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 23/05/2023 và được phát lại vào lúc 10h30  sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Hồ Thương – người đuổi gió trên đỉnh Cu Vơ

Những mô hình hay, sáng tạo trên biên giới A Vao

Cần thêm những dự án lâm nghiệp hỗ trợ miền núi phát triển bền vững

Kính mời đồng bào và các bạn quan tâm đón nghe.

 

 Hương: Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Mở đầu chương trình là phóng sự Hồ Thương – người đuổi gió trên đỉnh Cu Vơ

Tiếp đến là phóng sự những mô hình hay, sáng tạo trên biên giới A Vao

Và phần cuối chương trình là phóng sự Cần thêm những dự án lâm nghiệp hỗ trợ miền núi phát triển bền vững

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

HỒ Thương- Người đuổi gió trên đỉnh Cu Vơ

Chị Hằng: Xã Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa là vùng đất có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt.Tình trạng gió mùa quanh năm khiến cho điều kiện sản xuất gặp nhiều bất lợi, nên gây ra không ít khó khăn đối với cuộc sống con người. Thế nhưng vẫn có một người đàn ông Vân Kiều đã hiểu được ý nghĩa to lớn của việc trồng và bảo vệ rừng nên đã chinh phục được gió chướng. Ông không chỉ trở nên giàu có mà còn giúp cho nhiều gia đình xây dựng cuộc sống ấm no ngay trên những vùng đất cằn cỗi.

Hương: Ông Hồ Thương người dân tộc Vân Kiều, quê gốc ở bản Miệt, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa.

Năm 2003, khi tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng công trình thủy lợi - thủy điện trên sông Rào Quán, người dân ở bản Miệt phải di dời đến nơi ở mới là khu tái định cư Hoong Cóc, Xa Bai gần trung tâm xã Hướng Linh, còn ông Thương lại quyết định ngược lên đỉnh Cu Vơ để định cư.

Cu Vơ là vùng đất có độ cao gần 900 mét so với mực nước biển, sát với tuyến biên giới Việt - Lào.  Thời tiết ở Cu Vơ không kém phần khắc nghiệt. Mùa hè khô hạn, đất đai hầu như không có màu xanh. Về mùa Đông thì mưa rét, gió mùa thổi suốt mấy tháng liền.

Đường lên Cu Vơ ngày ấy chỉ là lối mòn vắt qua đỉnh núi, quanh co hiểm trở bởi một bên vách núi cao, một bên là vực thẳm. Gắn bó với vùng đất Cu Vơ, buổi đầu  ông Thương thực sự không lường hết những khó khăn, thách thức.

1.     Ông Hồ Thương- xã Hướng Linh- Hướng Hóa- Quảng Trị

Thế rồi một ngày kia nhìn thấy cây trẩu nở hoa, ông Thương như tìm thấy phép màu, ông không chỉ tự nguyên bảo vệ rừng cho lâm trường, mà còn tích cực trồng cây trẩu. Vì ông nghĩ rằng chỉ có loài cây trẩu mới có đủ sức chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, mới lớn kịp nhanh thành rừng để giữ đất, giữ nước, tỏa bóng mát vào mùa hè và đặc biệt là có đủ sức để ngăn chặn, xua đuổi gió chướng vào mùa đông. Kể từ đó ngoài việc giữ rừng, năm nào ông Thương cũng tranh thủ trồng thêm cây trẩu.

2.     Ông Hồ Thương- xã Hướng Linh- Hướng Hóa- Quảng Trị

Đến Cu Vơ, tháng 3 cây trẩu lại nở hoa, tháng 9 cả bản đi nhặt quả trẩu trong 3 tháng liền. Ông Thương bảo với mọi người, giá mỗi kg trẩu từ 9 đến 15 nghìn đồng, như vậy bản thân người trồng trẩu và góp phần giữ rừng trẩu của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa, Đakrông lâm trường đã tạo việc làm, nguồn thu nhập 3 tháng trong mỗi năm để mua thêm lương thực, mua sách vở, áo quần mới cho trẻ con đi học. Vừa trồng trẩu, ông Hồ Thương còn tích cực vận động người dân cùng nhau khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên để hạn chế gió bão. Những cánh rừng như thế này thực ra mấy chục năm trước chỉ là cây bụi, lau lách và cỏ dại, mùa Hè thường bị người dân đốt cháy để tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Nhưng nhờ sự chăm sóc của con người, những mầm cây nhỏ nhoi, yếu ớt ngày nào giờ đã trở thành những cây gỗ lớn hiên ngang cùng gió bão. 

3.     Ông Nguyễn Văn Xuân- Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông

Suy nghĩ của ông Thương về làm kinh tế cũng thay đổi kể khi xác định kẻ gây khó khăn cho ông chính là gió chướng. Không quá phụ thuộc vào chăn nuôi, ông Thương bắt tay khai hoang hơn 0,5 ha ven rừng để trồng lúa. Rừng Cu Vơ đã trả ơn người tận tâm chăm sóc, gìn giữ bằng dòng nước. Cách làm lúa nước của ông Thương cũng có sự tính toán khác với bà con Vân Kiều trong vùng, ông chỉ gieo cấy lúa một vụ, thu về khoảng hơn 3 tấn thóc để đủ lương thực, thời gian còn lại ông dẫn nước từ khe suối vào ruộng để nuôi cá và đây cũng là cách ông không khai thác quá mức để đất bị bạc màu.

 

4.     Ông Hồ Thương- xã Hướng Linh- Hướng Hóa- Quảng Trị

Nói về khu tái định cư dành cho người dân bản Miệt năm xưa ở “ ống gió Xa Bai”, sau khi thấy ông Thương có cuộc sống ngày càng ổn định trên đỉnh Cu Vơ, hàng chục gia đình đã rời khu tái định cư Hong Cốc chật hẹp ngược lên Cu Vơ như một miền đất hứa. Họ ra đi bỏ lại sau lưng những mùa gió chướng khắc nghiệt để sống với cây rừng Cu Vơ.

Cu Vơ, ngọn đồi hoang khắc nghiệt năm xưa giờ đã là làng của 88 hộ dân. Những ngôi nhà ẩn mình dưới tán cây trẩu xanh tốt bên cánh rừng đã hồi sinh. Cùng với thời gian, cây trẩu cùng những cánh rừng với các loài cây bản địa đã sản sinh nguồn nước tự nhiên ngày càng nhiều, không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho đời sống hàng ngày trên vùng đất có độ cao gần 900 mét, mà còn giúp cho nhiều gia đình có nguồn nước mở mang sản xuất như phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, gieo trồng trồng cây lúa nước và nuôi cá. Tiêu biểu như gia đình anh Kun cũng nhờ ông Hồ Thương giúp đỡ nên đã có 2 ha trẩu đã cho thu hoạch và đàn trâu lên tới 34 con, cứ đều đặn hai năm gia đình anh Kun lại bán 4 con  trâu với số tiền thu được trên 100 triệu đồng.

5.     Ông Hồ Pả Kun- Hướng Linh-Hướng Hóa- Quảng Trị

Ngôi nhà của ông Thương bây giờ một phía là rừng, còn lại ba phía là cây trẩu. Ông Thương thường nhắc nhở mọi người, Cu Vơ mùa Hè và mùa Đông vẫn khắc nghiệt, vẫn mang theo gió chướng, nhưng bằng công việc trồng cây, giữ rừng kiên trì từ năm này sang năm khác, cả cộng đồng đã đuổi gió chướng lên cao để sinh sống. Nhưng mọi người phải thường xuyên tự giác phat triển và bảo vệ cây rung, phải biết ơn từng gốc cây đã góp phần xua đuổi những mùa gió chướng càn quét qua bản làng. Ngược lại nếu một ngày mọi người không còn biết giữ rừng, phá rừng vì cái lợi trước mặt, không chịu khó trồng cây thì có ngày gió chướng sẽ quay lại và lúc ấy mọi người sẽ không còn có được cuộc sống bình yên.

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Những mô hình hay, sáng tạo trên biên giới A Vao

 

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như các mô hình: “Trồng cây chuối lùn bản địa”, “Con nuôi đồn Biên phòng với tiết học biên giới”, “Trạm quân dân y phối hợp với y tế địa phương tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn”... Qua đó đã xây dựng được một mối quan hệ quân dân bền chặt, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng biên giới vững mạnh.

Chị Hằng: Những chuyến đi về với bà con dân bản như thế này từ lâu đã trở thành một công việc thường xuyên của đồn biên phòng A Vao. Đây là địa bàn Thôn Pa Lin thuộc xã A Vao, huyện Đakarông. Thôn Pa Lin có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy với những phương thức sản xuất lạc hậu, chủ yếu là phát cốt đốt trỉa, chăn nuôi thả rông. Cái nghèo đói cứ bám riết thường xuyên, nhất là vào mỗi mùa giáp hạt. Từ ngày có bộ đội biên phòng về với bản tuyên truyền, vận động thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng, cuộc sống của bà con nơi đây đã từng bước được đổi thay. Bà con đã biết khai hoang phục hóa đất đai, xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết như mô hình “trồng cây chuối lùn” “Đàn dê giống”…đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung đem lại hiệu quả kinh tế. Nhờ thế cuộc sống của bà con dân bản ngày càng ổn định, và khấm khá hơn.

Anh Hồ Văn Mão

Bí thư Chi đoàn thôn Pa Lin, A Vao, Đakarông, Quảng Trị

 

Để tăng cường mối quan hệ mật thiết quân dân, kịp thời nắm bắt tình hình địa bàn, Đồn biên phòng A Vao đã cử cán bộ chiến sỹ phụ trách theo từng địa bàn thôn bản. Qua nắm bắt tình hình thực tế đời sống của bà con từ cơ sở, cán bộ chiến sỹ biên phòng đã kịp thời bố trí, hỗ trợ ngày công, cây con giống, kiến thức khoa học kỹ thuật. Đồng thời thường xuyên về tận thôn bản để hướng dẫn và động viên bà con lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồn Biên phòng A Vao đóng quân trên địa bàn biên giới Thôn Pa Lin, xã A vao, huyện Đakarông, cách trung tâm huyện khoảng 67 km, quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài  22,807 km đường biên giới, với 10 mốc quốc giới chung với nước Cộng hòa DCND Lào. Nơi đơn vị đóng quânvùng đất biên giới xa xôi, khó khăn nhất của huyện, đường xá đi lại khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho đồng bào còn nhiều thiếu thốn. Quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, tháng 4/2014, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị khánh thành và đưa vào sử dụng Trạm Quân dân y kết hợp A Vao. Trạm được biên chế 2 y sĩ, dược sĩ và cơ sở hạ tầng đầy đủ: có phòng khám, điều trị nội, ngoại trú. Trạm có quy mô không lớn, nhưng theo người dân ở vùng đất xa xôi như A Vao thì đây không khác gì một bệnh viện thu nhỏ, còn hơn cả sự mong đợi, nhất là khi các y sĩ luôn sẵn sàng tiếp đón với thái độ thân thiện, chuẩn mực như “mẹ hiền”.

Ông Hồ Văn Sun

Thôn Pa Lin, A Vao, Đakarông, Quảng Trị

Đọc: (Những lúc đau ốm, bệnh tật, những khi mưa gió bão lũ không đi viện được chúng tôi được các anh về thăm khám cho bà con, chúng tôi thực sự rất biết ơn sự quan tâm của các anh trên Đồn Biên phòng A Vao.)

 

Điều đặc biệt của Trạm Quân dân y kết hợp A Vao, đó là các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đây không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và bà con địa phương, mà còn tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại nước bạn Lào phía đối diện. Bản Ro Ró, nằm cách xa trung tâm huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, giao thông không thuận tiện, đời sống của người dân bản Ro Ró chủ yếu dựa vào chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ, dựa vào làm nương rẫy tự nhiên, bởi vậy mà người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bà con dân bản luôn nhận được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng A Vao, khi thì lương thực, khi thì cây, con giống để phát triển kinh tế. Đặc biệt, những lúc ốm đau, nếu về trung tâm huyện Sa Muồi gần như là không thể vì đường rừng xa xôi, nên bà con thường sang nhờ các thầy thuốc Đồn Biên phòng A Vao.

Đại úy Nguyễn Văn Chinh

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị

 

Trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, đơn vị xác định luôn bám cơ sở, qua đó lồng ghép tuyên truyền vận động mới đem lại hiệu quả cao. Điển hình nhất là cách phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn xã để tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa, như: tổ chức “Con nuôi đồn Biên phòng với tiết học biên giới” để lồng ghép tuyên truyền luật biên phòng, giáo dục về chủ quyền quốc gia. Điểm nhấn của "Tiết học biên giới" lần này là một trong 6 con nuôi được đồn Biên phòng A Vao nuôi dạy là cháu Hồ Thị Nứt, học sinh lớp 6, trường PTDTBT TH&THCS A Vao trực tiếp "lên lớp" truyền tải các nội dung tiết học. Được sự kèm cặp, giúp đỡ, hướng dẫn của tổ giáo dục chính trị đơn vị vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ và sự cố gắng phấn đấu của bản thân. Em Hồ Thị Nứt đã truyền tải các nội dung mạch lạc, kết hợp cử chỉ truyền đạt và ngôn ngữ địa phương đồng bào dân tộc Pa Cô nên đã tạo sự hấp dẫn, "đặc biệt" cho người nghe. 

Em Hồ Văn Nứt

Con nuôi Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị

Qua hơn 4 năm từ khi các cháu được đón về đơn vị nuôi dạy, từ những đứa trẻ nhút nhát, rụt rè, ngại va chạm và hạn chế trong sinh hoạt nay bước đầu đã cho "quả ngọt". Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục biên soạn nội dung, phương pháp hoạt động, tiếp tục bồi dưỡng, động viên Con nuôi đồn trong tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa cho các em học sinh trên địa bàn. Nhờ đó đã duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường thường xuyên, tránh bỏ bọc và tránh nguy cơ vi phạm pháp luật  ở tuổi thành niên. Góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia tình hình mới.

Ông  Hồ Văn Hùng

Chủ tịch UBND xã A Vao, Đakrông, Quảng Trị

Đối với bà con dân bản xã A Vao, huyện Đakarông, hình ảnh người lính biên phòng ngày càng trở nên thân thiết như người thân quen. Có thể khẳng định, hiệu quả từ công tác dân vận đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng mối đoàn kết quân dân bền chặt. Có được sự đồng thuận của bà con dân bản, hiệu quả công tác phối hợp giữa đơn vị với chính quyền và nhân dân ngày càng đạt kết quả cao hơn. Góp phần tích cực vào việc xây dựng xã vùng biên này ngày càng đổi thay.

 

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

 

Cần thêm những dự án lâm nghiệp hỗ trợ miền núi phát triển bền vững

 Thưa QV&CB! Khu vực miền núi Quảng Trị nói chung là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, cuộc sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng và sản xuất nương rẫy nên dẫn đến tình trạng những cánh rừng tự nhiên bị xâm hại ngày càng gia tăng. Mỗi khi diện tích rừng bị thu hẹp thì hậu quả cả khu vực miền núi và đồng bằng sẽ bị thiếu nguồn nước vào mùa hè và lũ lụt vào mùa mưa. Đây cũng chính là lý do một số tổ chức đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng. 

Hương:   Trong thời gian qua, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị, các chi hội và các nhóm cộng đồng khác nhau ở khu vực trung du và miền núi đã tham gia tích cực vào tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Với khoảng 2.880 héc-ta rừng trồng gỗ keo đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC®, các chi hội của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị đóng góp vào lượng giảm phát thải hàng năm khoảng 8.200 tấn CO2 so với rừng không tham gia FSC.

Cùng với đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, 2.145 héc-ta rừng tự nhiên của 5 cộng đồng miền núi bao gồm thêm Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, thôn Hò và thôn Cát, xã Hướng Sơn, thôn Xa Bai, xã Hướng Linh và thôn Trăng- tà puồng thuộc xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đã được cấp chứng nhận chứng chỉ FSC dịch vụ hệ sinh thái, đóng góp hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2.

Đây là những kết quả nổi bật của Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” do Liên minh Châu Âu và MCNV đồng tài trợ với sự tham gia của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị trong giai đoạn 2020 – 2022, với kết quả đạt hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo thêm nguồn thu cho cộng đồng được Nhà nước giao quản lý và bảo vệ rừng theo xu hướng chung của thế giới.

   Ông Nguyễn Đình Đại- Trưởng văn phòng MCNV tại Quảng Trị

Với sự hỗ trợ của dự án PROSPER, trong 3 năm qua, hơn 5.000 héc-ta rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC. Hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng, các nhóm hộ và HTX đã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC, gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.

Ông Matt Lucero - Công ty L.Co

Đọc: ( Xin chào! Tên tôi là Matt Lucero. Tôi là Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập của Công ty Lucero chuyên sản xuất các sản phẩm phủ gỗ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Mục đích chuyến thăm Quảng Trị hôm nay là để đưa theo một khách hàng tiềm năng đến từ Ấn Độ, một khách hàng lớn đối với ngành hàng dầu trẩu và sản xuất mực in có tính an ninh cao như hộ chiếu hay tiền giấy. Dầu trẩu được sử dụng trong nhiều quy trình sản xuất khác nhau. Một trong những ứng dụng chính của dầu trẩu là phục vụ ngành công nghiệp sơn phủ, sản xuất bột màu và mực in. Dầu trẩu cũng được sử dụng trong công nghiệp điện tử như một chất chống thấm. Vì vậy, đây là một loại dầu thực sự có giá trị cao và là một trong những loại dầu khô tốt nhất trên thế giới. Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi sử dụng loại dầu này.)

Ở khu vực miền núi, ngoài việc hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế từ các lâm sản ngoài gỗ như tre hay hạt trẩu, dự án PROSPER cũng tạo cơ hội phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm tạo thêm thu nhập cho những cộng đồng sống gần rừng

Anh Hồ Văn Thâm- Thôn Trăng- Tà Puồng- hướng Việt- Hướng Hóa- QT

 

Ông Hoàng Đăng Doanh- Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị

Cùng hướng đến mục tiêu phát triển sinh kế tạo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân gắn với quản lý và bảo vệ rừng bền vững, các cộng đồng được hưởng lợi từ dự án còn được trang bị nhiều kiến thức bổ ích để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Ví như các cộng đồng mỗi khi tuần tra rừng đều thực hiện quy định ghi nhật ký và lưu giữ hình ảnh qua từng chuyến đi. Đặc biệt tuần tra bảo vệ rừng còn có sự tham gia của phụ nữ, và áp dụng phần mềm để cập nhật sự biến động về rừng một cách khoa học và thường xuyên. Những việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự mang lại hiệu quả tích cực, làm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của từng địa phương.

Sau 3 năm thực hiện, dự án PROSPER tuy đã kết thúc, nhưng những mô hình hay của dự án này vẫn rất đáng để chính quyền địa phương và các bên liên quan duy trì và nhân rộng, qua đó không chỉ thúc đẩy việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách thiết thực, hiệu quả và bền vững, mà còn cho thấy khu vực miền núi đang rất cần những dự án lâm nghiệp như vậy ./.

 

Chị Hằng: Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình BTV Hồ Thới cùng các PTV Đỗ Hằng, PTV Nguyên Hương, KTV Khắc Nam xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 19/05/2023 12:46 Lê Vĩnh Nhiên 25/05/2023 13:27
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà