Phát thanh tạp chí dân tộc và miền núi số 22
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI 25/7

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 25/07/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 26/07/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Gương người Pa Ko làm kinh tế giỏi.

Những người giữ rừng trên đỉnh Ba Lê.

Cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông từ các điểm cấp nươc tự phát trên quốc lộ 9 và nhánh Tây đường HCM .

Kính mời đồng bào và các bạn cùng quan tâm đón nghe.

2MC xen kẽ:

MC: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Gương người Pa Ko làm kinh tế giỏi.

Những người giữ rừng trên đỉnh Ba Lê.

Cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông từ các điểm cấp nươc tự phát trên quốc lộ 9 và nhánh Tây đường HCM .

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng đón

Nhạc cắt

(Gương người Pa Kô làm kinh tế giỏi)

MC: Thưa đồng bào và các bạn! Với những địa bàn vùng sâu vùng xa như các xã thuộc hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, do điều kiện địa hình bị chia cắt, giao thông còn nhiều khó khăn vào mùa mưa lũ, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bị hạn chế, trong khi nhiều hủ tục lạc hậu và tư tưởng trông chờ vào Nhà nước của một bộ phận người dân vẫn còn tồn tại thì việc xuất hiện những tấm gương giàu nghị lực vượt khó, không ngừng học hỏi để không chỉ thoát khỏi nghèo mà còn mở ra cơ hội làm giàu ngay trên quê hương mình chính là những nhân tố đang góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Vân kiều, Pa Kô trong quá trình phát huy tinh thần đoàn kết và nổ lực xây dựng cuộc sống ở khu vực nông thôn miền núi ngày mỗi ấm no.  Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe phóng sự sau đây của phóng viên Tân Lâm.

          Là người lính đi qua chiến tranh, mong muốn lớn nhất của ông Ăm Moan người dân tộc Pa Kô là được sống trong hòa bình để góp phần xây dựng lại quê. Và mong ước ấy của ông Ăm Moan giờ đây đã thực sự trở thành hiện thực.

Vùng Lìa bên dòng Sê Pôn nói chung từng là những cánh rừng xanh tốt, nhưng do chiến tranh và quá trình khai phá của con người nên cách đây hơn 20 năm hầu như không con rừng, dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu nguồn nước vào mùa khô, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây sắn.  Đứng trước không ít khó khăn do yếu tố thời tiết khí hậu, cách đây hơn 10 năm ông Ăm Moan đã mạnh dạnh thay đổi hướng phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu. Ban đầu ông Ăm Moan quyết định bán hết đàn trâu của mình được gần 40 triệu đồng để đầu tư thue máy móc san ủi, đào ao nuôi cá kết hợp với gieo trồng cây lúa nước. Với cách làm này, kết quả mỗi năm thu nhập từ hồ cá đã mang lại cho gia đình ông khoảng 50 triệu đồng. Sau khi đã đảm bảo được nguồn lương thực cho cuộc sống của gia đình từ khoảng 5 sào ruộng nước, thời gian gần đây ông Ăm Moan còn quay trở lại phát triển chăn nuôi bò để tăng thêm thu nhập.  Đặc biệt ông ông còn là một trong số rất ít người đã mạnh dạn trồng cây gỗ trắc để vừa có môi trường sống tốt hơn và hướng đến có nguồn thu nhập lớn hơn. Với khoảng trên 100 cây trắc hơn 10 năm tuổi, những cây gỗ quý này  hứa hẹn sẽ mang lại cho gia đình ông Ăm Moan hàng tỷ đồng trong tương lai.

Ông Ăm Moan - ở xã Lìa – huyện Hướng Hóa chia sẻ:

(Băng PV)

MC đọc phỏng vấn: ( Số cây này được trồng từ năm 2000, chính tôi đã đi lấy cây con mang về để trồng. Đặc tính của loài cây này là không thích hợp để trồng trên đất mùn mà sinh trưởng tốt trên đất pha cát. Tôi bây giờ thì đã già rồi, nhưng tôi vẫn trồng cây là để cho con cho cháu sau này. Thứ hai nữa là tôi muốn con cháu của mình nhìn thấy việc tôi đã làm và lối suy nghĩ của tôi để trồng thật nhiều cây xanh để tỏa bóng mát).

Cũng như nhiều địa phương trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, do địa hình đất dốc nên xã A Bung chỉ phù hợp với việc sản xuất cây ngô, cây sắn và trồng rừng. Mặc dù vậy ông Hồ Vai vẫn duy trì gieo cấy khoảng 3 sào ruộng nước, sản lượng lúa hàng năm tuy không nhiều nhưng về cơ bản cũng đáp ứng gần ½ nhu cầu lương thực cho cả gia đình. Để ổn định cuộc sống, ông Hồ Vai và gia đình thường còn xuyên canh tác 3 ha sắn và chăm sóc khoảng 3 ha rừng trồng, đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc trong vườn cây trầm gió đã hơn 10 năm tuổi.  Thời gian gần đây, sau khi tìm hiểu về mô hình cây chuối lùn bản địa ở xã Tà Rụt, ông Hồ Vai đã mạnh dạn đầu tư trồng chuối lùn với hy vọng sẽ tăng thêm thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, tích cực chia sẻ cùng thế hệ trẻ về khát vọng vươn lên làm giàu, ông Hồ Vai còn quan tâm vận động người dân phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương, nhất là từ việc sát nhập 2 thôn Pi Re 1 và 2 vào xã A Bung từ xã Hồng Thủy của huyện A Lưới.

Ông Hồ Vai - ở xã A Bung – huyện Đakrông - Quảng Trị  cho biết:

(Băng PV)

(Không đọc) (Xã Hồng Thủy của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế và xã A Bung của huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị vẫn tình cảm như xưa, không có gì thay đổi, vì ở đây đều là dân tộc Pa Kô, đều là tình đồng chí đồng đội. Về tâm tư nguyện vọng của dân thì ở đâu cũng vẫn là Đảng và Nhà nước cả, ở đâu cũng là bà con và ở đâu cũng thấy sự quan tâm rất chu đáo, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng, như đường, trường trạm, nhà ở cho hộ chính sách đều được đầu tư )

Cùng với những cựu chiến binh giàu bản lĩnh như ông Hồ Vai, trong cộng đồng bào Pa Kô nơi vùng đất đầu nguồn dòng Đakrông còn có không ít thanh niên dám nghĩ dám làm, quyết tâm vươn lên từ nghèo khó.

Trong khi nhiều gia đình ở thôn Kỳ Nơi nói chung hầu như chỉ biết an phận với một ít diện tích lúa nước, chăn nuôi nhỏ lẻ và sản xuất nương rẫy, thì vợ chồng anh Hùng lại khá thành công với cửa hàng tạp hóa phục vụ người dân trong vùng. Tuy vậy anh Hùng vẫn quyết tâm chọn cho mình một hướng đi mới để làm giàu, đó là mô hình nuôi cá sạch và trồng rừng. Sau khi tìm hiểu, anh Hùng đã tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH với lãi suất ưu đãi để lắp đặt đường ống dẫn nước từ khe suối và xây hồ để nuôi cá trắm và cá chép.  Kết quả ngay vụ cá trong năm đầu tiên đã có lãi trên 60 triệu đồng nên vợ chồng anh Hùng quyết định mở rộng thêm diện tích mặt nước từ 500 mét vuông lên trên 1000met vuông.  Bên cạnh đó anh Hùng còn đầu tư trồng 15ha rừng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ việc khai khoảng 3 ha rừng keo.  Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hùng còn mong muốn và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm để bà con ở địa phương cùng phát triển kinh tế.

Anh LA LAY HÙNG - ở Thôn Kỳ Nơi – Xã A Ngo - Đakrông- Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

MC đọc PV: (Vừa qua tôi đã vay vốn từ ngân hàng nhà nước. Sau khi có vốn tôi đầu tư đào ao nuôi cá, nuôi gà, nuôi vịt, trồng cây, chăm sóc cho cây phát triển tốt để kinh tế gia đình cải thiện, sau đó anh em trong bản có thể học hỏi làm theo để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đủ ăn đủ mặc như gia đình tôi. Tôi hi vọng bà con trong thôn có thể học hỏi được mô hình này để nhân rộng ra toàn thôn, từ đó bà con có thể phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bất cứ ai muốn học hỏi mô hình này đều có thể đến nhà tôi để quan sát, tìm hiểu, tôi sẽ hướng dẫn cách nuôi gà, nuôi cá, nuôi vịt, trồng cây như thế nào để có hiểu quả).

Sử dụng điện thoại thông minh để anh tìm kiếm, học hỏi từ những địa chỉ tin cậy trên mạng xã hội là cách đã giúp anh Hùng làm kinh tế có hiệu quả, ví như cách nuôi cá sạch từ thức ăn là các loại lá cây nên cá vừa chóng lớn, chi phí thấp nhưng giá thành lại cao, và quan trọng hơn là cá của anh luôn được khách hàng tin tưởng. Từ quá trình nổ lực của bản thân và gia đình, vừa qua anh Hùng đã vinh dự được chọn là 1 trong những  gương mặt mới trong phong trào thi đua sản xuất giỏi ở khu vực miền núi và được UBND Quảng Trị tỉnh khen thưởng.

Anh HỒ VĂN BÚT- PCT Hội Nông dân xã A Ngo – huyện Đakrông - Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

MC đọc PV: ( Qua thời gian theo dõi, hội viên La Lay Hùng đã làm thành công mô hình nuôi gà, nuôi cá, nuôi vịt, bên cạnh đó còn trồng cây để phát triển kinh tế. Để đạt được kết quả tốt hơn tôi cũng rất mong cấp trên tạo điều kiện cho hội viên La Lay Hùng và các hội viên khác để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mở các lớp tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt)

Khu vực miền núi Quảng Trị là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, cuộc sống của bà con vẫn còn không ít khó khăn do những hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng, do thiếu kiến thức và thiếu nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, nhưng bù lại điều kiện đất đai ở nhiều địa phương khá thuận lợi để có thể phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.  Tuy nhiên để có thể khắc phục khó khăn, đồng thời biến tiềm năng, lợi thế trở thành hiện thực thì rất cần những con người dám nghĩ dám làm như ông Ăm Moan ở xã Lìa của huyện Hướng Hóa, ông Hồ Vai ở A Bung và anh La Lay Hùng ở A Ngo của huyện Đakrông, họ chính là những nhân tố để tạo động lực và niềm tin cho cả cộng đồng học hỏi, cùng nhau đẩy lùi nghèo khó và vươn lên làm giàu trên trên chính đất đai rừng núi của quê hương của mình./.

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Những người giữ rừng trên đỉnh Ba Lê)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Rừng tự nhiên giữa vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, đảm bảo về an ninh quốc phòng và tạo sự cân bằng về môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt, cung cấp nguồn nước cho cuộc sống muôn loài. Có thể nói rừng là yếu tố không thể thiếu để góp phần vào quá trình phát triển kinh tế bền vững.  Vì vậy bảo vệ rừng tự nhiên là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và hết sức cần thiết. Qua phóng sự sau chúng ta cùng tìm hiểu và chia sẽ về công việc giữ rừng của lực lượng kiểm lâm, các bộ và nhân viên khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cùng với người dân trên đỉnh Ba Lê thuộc vùng lõi của Khu BTTN Đakrông. Sau đây là một vài ghi nhận của phóng viên Tân Lâm. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

         Quản lý, tuần tra, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên có thể nói chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với những người hầu như quanh năm gắn bó với rừng. Song sẽ càng khó khăn hơn ở những khu vực rừng giáp ranh, có địa hình hiểm trở với có nhiều loài gỗ quý, nhiều thú rừng. Dãy núi Ba Lê kéo dài từ địa phận xã Tà Long, qua Húc Nghì, Tà Rụt đến xã A Bung và giáp với xã Hồng Thủy của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là khu vực rừng như vậy.  

Đây là một trong số hơn một trăm chuyến tuần tra bảo vệ rừng hàng năm của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Thực hiện nhiệm vụ luôn có sự phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của khu bảo tồn cùng một số thành viên trong các tổ bảo vệ rừng cộng đồng trên địa bàn thuộc các xã vùng đệm.

Với mỗi chuyến tuần tra như thế này thường diễn ra trong khoảng  thời gian từ 5 đến 7 ngày, nhưng mỗi thành viên thường phải chuẩn bị dự phòng thêm cho chuyến đi ít nhất là 3 ngày vì họ thường phải đối mặt với nguy cơ mưa rừng kéo dài. 

Khó nói hết những vất vã nhọc nhằn của công việc giữ rừng, chỉ biết rằng chính sự nổ lực bền bỉ của các anh mới có thể giữ được rừng, giữ màu xanh cho quê hương khỏi bị tàn phá do sự thiếu ý thức và lòng tham của con người.

Cụ thể đây là khu vực rừng tự nhiên tiếp giáp giữa xã A Bung của huyện Đakrông với xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, thuộc sự quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, là nơi trước đây từng nhức nhối về nạn chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Nhưng hiện tại hầu như đã được chấm dứt.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đa krông chia sẻ:

(Băng PV)

 Một chuyến tuần tra bảo vệ rừng thuộc dãy núi Ba Lê nằm ở vùng lõi của Khu BTTN Đakrông, nơi đây nhờ có thảm rừng tự nhiên xanh tốt nên có nhiều khe suối với lượng nước dồi dào quanh năm. Mỗi chuyến tuần tra như thế này lực lượng giữ rừng thường đi bộ và kết hợp sử dụng thêm xe máy để chở lương thực, thực phẩm và phải vượt qua cung hơn 30 cây số cả đi và về.  Vượt lên gian khó, kết quả là khu vực rừng nơi đây đã được bảo vệ nên không còn trạng khai thác gỗ như đã từng xảy ra khoảng gần 10 năm về trước.

Ông Đinh Thiên Hoàng - Hạt phó Hạt KL Khu BTTN Đakrông cho biết:

(Băng PV)

Với mỗi chuyến tuần tra, ngoài việc dựng lán trại, kết hợp giữa công tuần tra bảo vệ rừng, tích cực tìm kiếm và tháo gỡ bẫy động vật, thì đội cán bộ và nhiên viên Khu BTTN Đakrông còn tổ chức các hoạt động nghiệp vụ như đặt bẫy ảnh điều tra động vật, điều tra phân loại và định danh một số loài thực vật nhằm tìm kiếm và phát hiện một số loài mới để có phương án nghiên cứu và bảo tồn.

Anh Lê Văn Phan Tuấn - Phòng KHKT- Khu BTTN Đakrông chia sẻ thêm:

(Băng PV)

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông có tổng diện tích tự nhiên là 40.526 ha, nằm trên địa giới hành chính của 7 xã: Triệu Nguyên, Ba Lòng, Đakrông, Tà Long, Húc Nghì, Ba Nang và A Bung thuộc huyện Đakrông. Với đặc điểm địa hình đồi núi thấp và trung bình, thuộc phần phía Nam của dãy Trường Sơn Bắc. Các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dọc theo ranh giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong đó có các đỉnh cao như: Động CocMuen 1.410m, Động Cacut 1.405m, Động Kovaladut 1.409m, Động A Doa 1.245m, Coc Tôn Blai 1.157m, Động Ba Le 1.102m… Nói đến công việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên và kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông là nói đến những đỉnh núi hiểm trở, đầy thử thách… Vì vậy để có thể bảo vệ nguồn tài nguyên rừng hiệu quả thì vai trò của người dân tham gia các tổ bảo vệ rừng là hết sức quan trọng.

Hồ Văn Cường - Thôn Húc Nghì - Xã Húc Nghì – Đakrông - Quảng Trị cho biết:

(Băng PV)

MC đọc PV: (Chúng tôi đi tuần tra 5 - 6 lần trong một tháng, trong quá trình đi tuần tra nếu chúng tôi bắt gặp các đối tượng đặt bẫy để săn bắt động vật thì chúng tôi tịch thu rồi giao nộp cho ban quản lý khu bảo tồn, còn những người vi phạm thì chúng tôi đuổi ra khỏi rừng. Bây giờ người dân ở đây không còn phá rừng, đốt rừng làm rẫy như trước nữa, bà con tham gia bảo vệ rừng tốt hơn)

Ông Đinh Thiên Hoàng - Hạt phó Hạt KL Khu BTTN Đakrông chia sẻ thêm:

(Băng PV)

Trong một số trường hợp phải tuần tra dài ngày, những người giữ rừng sẽ phải tìm cách  thích nghi với điều kiện sống giữa núi rừng như nhờ rau rừng, cá suối và kỹ năng sinh tồn của chính người dân bản địa. 

 Dãy núi Ba Lê- Dốc Miếu là một phần trái tim của Khu BTTN Đakrông. Nơi đây  một nhánh của tuyến đường Hồ Chí Minh được khai mở từ khoảng thời gian trước năm 1972 và hầu như vẫn còn khá nguyên trạng.  Chia sẻ ước mơ của những người giữ rừng, hy vọng trong một tương lai không xa, thác Đỗ Quyên, suối A Cho, đỉnh Dốc Miếu và đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh vắt qua dãy Ba Lê sẽ trở thành tuyến đường du lịch sinh thái, từ đó sẽ góp phần vào công cuộc giữ rừng nơi đây ngày càng được thuận lợi và bền vững hơn./.  

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát sóng vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông từ các điểm cấp nươc tự phát trên quốc lộ 9 và nhánh Tây đường HCM)

MC: Thưa đồng bào và các bạn! Tuyến quốc lộ 9 và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn huyện Đakrông là huyết mạch giao thông quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay trên cả 2 tuyến đường này mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện ô tô qua lại, vì vậy việc đảm bảo an toàn giao thông cho cả người và phương tiện là hết sức cần thiết. Thế nhưng thời gian gần đây, việc xuất hiện ngày càng nhiều các điểm cung cấp nước tự phát cho hàng trăm phương tiện có trọng tải lớn đang là nguy cơ không đảm bảo về an toàn giao thông. Trong phần cuối chương trình ngày hôm nay mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe một số ghi nhận của phóng viên Tân Lâm về vấn đề này.

 

Tình trạng các điểm tiếp nước mui, rửa xe tự phát mọc lên dọc quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua huyện Đakrông đã diễn ra trong khoảng thời gian hơn một tháng trở lại đây. Theo thống kê của Văn phòng quản lý đường bộ II.5, có 29 điểm cấp nước tự phát trên quốc lộ 9 đi qua xã Đakrông, và trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đi qua các Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt, A Ngo, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, vừa làm hư hỏng đường bộ.

Hình ảnh những chiếc xe có trọng tải lớn đang dừng tiếp nước, rửa xe trên cầu Khe Đo 2, tại Km 262 của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua địa bàn xã Tà Long. Đoạn đường này là khúc vào cua, tầm nhìn hạn chế nên khiến các phương tiện khác gặp khó khăn khi lưu thông. Tại điểm cấp nước phía bắc cầu Khe Đo 2, sau khi vay mượn hơn 10 triệu đồng, gia đình bà Hồ Thị Minh đã lắp đường ống dẫn nước tự chảy trên núi, cách xã tuyến đường khoảng 300 để làm dịch vụ.

Khoảng 16h chiều đến nửa đêm là thời điểm bà Minh cùng chồng con đón nhiều xe tải dừng lại để tiếp nước. Theo bà Minh cho hay mỗi xe thường dừng lại từ 30 đến 1 giờ đồng hồ, để tiếp nhận khoảng 500 đến 700 lít nước vào nhiều thùng chứa. Ngoài việc tiếp nước vào thùng chứa, một số thành viên trong gia đình gia đình bà Minh còn làm dịch vụ rửa xe. Tranh thủ thời gian, một số lái xe tắm rửa luôn tại đây. Bà Minh cho biết, bơm nước cho một xe thì được trả công 30 nghìn đồng, mỗi ngày gia đình bà thường kiếm được khoảng hơn 200 nghìn đồng.

Bà Hồ Thị Minh - ở xã Tà Long – huyện Đakrông chia sẻ:

MC đọc PV: (Chúng tôi sống ở khu vực miền núi còn cực khổ, muốn làm rẫy cũng không có đất, hai bên song đều là rừng do khu bảo tồn quản lý nên không được chặt phá. Đất phù sa ven sông cũng không thể sản xuất vì thuộc khu vực lòng hồ của công trình thủy điện. Bây giờ chúng tôi khó khăn về việc làm nên phải kiếm sống dọc đường như thế này thôi. Buổi tối thì chúng tôi thức cả đêm đến tận 2, 3 giờ sáng và đến sáng hôm sau mới về nhà ăn cơm. Tiền kiếm được chúng tôi trang trải cho cuộc sống. Ngủ ở đây nguy hiểm lắm, chúng tôi rất sợ, vì xe đi nhiều và đi nhanh, xe cứ phóng ào ào chúng tôi chỉ biết tránh sau lan can. Khi nào xe đến thì chúng tôi bơm nước, bơm xong là chúng tôi chạy vào ngay vì rất nguy hiểm).

Về phía Nam cầu Khe Đo 2,  ông Hồ Văn Tài cũng ở xã tà Lòng đã dựng lán tạm để làm dịch vụ cấp nước cách dây hơn 1 tháng.  Phần lớn xe dừng lại để lấy nước vào  buổi tối nên ông Tài thường phải thức khuya và ăn ở ngay tại lán. Khi có nhiều xe thì ông Tài huy động thêm vợ con phụ việc.

Tương tự, dọc quốc lộ 9, hàng chục điểm tiếp nước cũng đã mọc lên. Ở đây không có nước nguồn tự chảy nên người dân phải kéo đường dây điện, và dùng máy bơm nước từ sông Đakrông để phục vụ các xe đầu kéo.

 Phần lớn các xe dừng tiếp nhận nước là xe tải chở than từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về các cảng biển. Các xe siêu trường siêu trọng dừng đỗ chiếm hết một làn đường nên gây khó khăn cho những phương tiện còn lại. Thực tế cũng cho thấy, các điểm tiếp nước thường làm một lượng nước khá lớn chảy tràn ra mặt đường, nên có nguy cơ hư hỏng hạ tầng đường bộ, đồng thời ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông.

Việc người dân tham gia làm dịch vụ cấp nước cho phương tiện ô tô góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình, song chính quyền và cơ quan chức năng cần giám sát và hướng dẫn, nhắc nhở người dân về ý thức phải thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra ./.

        

         Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình Hồ Thới, Khắc Nam, Đỗ Hằng, Nguyên Hương xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại đồng bào và các bạn vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 21/07/2023 12:08 Lê Vĩnh Nhiên 24/07/2023 10:00
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà