Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 18
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI SỐ 18 NGÀY 27/6

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 27/6/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 28/6/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Chăm sóc trẻ em miền núi trong mùa hè

Phát huy vai trò của người uy tín trong cộng động ở Hướng Hoá

Ghi nhận từ chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Kính mời đồng bào và các bạn cùng quan tâm đón nghe.

2MC xen kẽ:

MC: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Chăm sóc trẻ em miền núi trong mùa hè

Phát huy vai trò của người uy tín trong cộng động ở Hướng Hoá

Ghi nhận từ chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng đón nghe.

Nhạc cắt

(Chăm sóc trẻ em miền núi trong mùa hè)

 

MC: Thưa đồng bào và các bạn, đối với trẻ em miền xuôi, ngày hè có quá nhiều hoạt động và nhiều sự lựa chọn vui chơi, giải trí, thì ở một số điểm vùng cao, miền núi và nông thôn, ngày hè của trẻ em vẫn còn nhiều thiệt thòi. Để phần nào giúp các bạn nhỏ miền núi có một mùa tươi vui, bổ ích và an toàn, trong những ngày này, đơn vị Đoàn các cấp huyện Hướng Hóa đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để đồng hành cùng trẻ vùng cao. Sau đây là một số ghi nhận của phóng viên Quách Long, mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

 

     Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em trong dịp hè năm 2023, Ban thường vụ huyện đoàn Hướng Hóa đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè. Đặc biệt là tập trung phát huy vai trò của tổ chức Hội đồng Đội các cấp, chỉ đạo Hội đồng Đội cơ sở phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè có danh sách và địa chỉ cụ thể. Chỉ đạo các cơ sở Đoàn xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và ngày Quốc tế trẻ em, tăng cường triển khai nhiều hoạt động, nhiều mô hình mới, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia, trong đó tập trung vào việc phòng tránh các tai nạn thương tích cho trẻ như tổ chức thăm, tặng quà cho thiếu nhi khó khăn, tổ chức diễn đàn trẻ em, các hoạt động vui chơi giải trí, trang bị các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích…

Anh Kô Sô Phi - Bí thư Đoàn cơ sở, Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa chia sẻ

(Băng pv)

     Huyện đoàn, Hội đồng đội huyện Hướng Hóa đã tổ chức khai giảng 23 Lớp học yêu thương dành cho 1.100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn, với nhiều nội dung như bổ trợ văn hóa Tiếng Việt, tiếng Anh, dạy kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, võ thuật, các môn thể thao cơ bản, đặc biệt là trang bị kỹ bơi lội, phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em,… lớp học hoàn toàn miễn phí được mở về tận các khối, thôn, bản trong thời gian trẻ em tham gia nghỉ hè, tình nguyện viên tham gia hướng dẫn và đứng lớp là cán bộ đoàn, giáo viên, sinh viên các trường sư phạm tham gia đứng lớp, và sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, nếu phụ huynh và trẻ em có nhu cầu, một số lớp học như lớp dạy bơi, bổ trợ kiến thức văn hóa… vẫn tiếp tục duy trì vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần để tránh ảnh hưởng đến thời khóa biểu tham gia học văn hóa tại trường của các em.

Đặc biệt, xác định công tác phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đặc biệt là trong thời gian các em thiếu nhi về nghỉ hè, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở Đoàn thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thiếu nhi cũng như bà con nhân dân, đã tổ chức cắm các biển cảnh báo nguy hiểm đuối nước tại các khu vực có nguy cơ đuối nước, tổ chức các đợt truyền thông về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, bên cạnh đó Huyện đoàn cũng xác định việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em là yếu tố hết sức quan trọng, dó đó trong thời gian vừa quan Huyện đoàn đã tổ chức 05 lớp bơi miễn phí thu hút đông thiếu nhi tham gia.

Anh Hồ Văn Nhêng - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hướng Lộc, Hướng Hóa cho biết.

(Băng pv)

     Đối với trẻ em miền núi, vào mùa hè các em không có quá nhiều sự lựa chọn các hoạt động vui chơi giải trí. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, mùa hè của các em chỉ tự chăm sóc nhau ở nhà khi bố mẹ còn bận lên nương, lên rẫy. Do vậy những sự hỗ trợ, đồng hành và chăm sóc như thế này thực sự có ý nghĩa, giúp các em có một mùa hè lành mạnh, bổ ích và thực sự an toàn.

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Phát huy vai trò của người uy tín trong cộng động ở Hướng Hoá)

MC: Thưa đồng bào và các bạn! Hướng Hoá có 21 xã thị trấn, trong đó 14 xã vùng dân tộc thiểu số. Trong điều kiện của một huyện miền núi, công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua, đội ngũ người uy tín ở các thôn bản trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò, thực sự là cầu nối để tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Với uy tín và vốn am hiểu của mình, thì họ luôn là người đáng tin cậy trong cộng đồng, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của toàn huyện. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe một vài ghi nhận của phóng viên Quách Long.

     Huyện Hướng Hoá có 99 thôn bản có đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 100% thôn bản đều có người uy tín. Người uy tín có đầy đủ các thành phần như: Già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi... Đây là đội ngũ có sự am hiểu cặn kẽ về phong tục tập quán địa phương, có kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, có khả năng vận động trong nhân dân, luôn nêu gương trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hoá, tiến bộ và tinh thần vì cộng đồng, được cộng đồng bầu chọn làm người uy tín ở địa phương. Vì thế tiếng nói của họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân vì thế mà thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là tuyên truyền vận động bà con nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp công sức xây dựng quê hương.

     Ông Hồ Văn Lai và ông Hồ Văn Ba năm nay đều đã ngoài 60 tuổi, và có gần chục năm liên tục đảm nhận vai trò là người uy tín của bản 1 và bản 4, xã Thuận. Với suy nghĩ rằng: để nói cho dân hiểu, dân tin và làm theo chính là điều mấu chốt, ngoài việc sống gương mẫu, ông Lai và ông Ba luôn gần gũi với bà con trong thôn bản. Tranh thủ thời gian sau giờ lao động để đến từng hộ gia đình thăm hỏi, chuyện trò,vừa động viên bà con lao động sản xuất, vừa khéo léo vận động bà con biết chú trọng việc giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ; làng bản phải biết đùm bọc, thương yêu nhau, xây dựng khối đoàn kết bền chặt trong cộng đồng, đặc biệt là đóng góp công sức vì sự phát triển của cộng đồng, xây dựng khu dân cư văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Nhờ thế địa phương này luôn là điểm sáng về xây dựng khối đại đoàn kết, tích cực hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, nhất là nhà sinh hoạt cộng đồng và trường học.

Ông Hồ Văn Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận, Hướng Hóa chia sẻ.

(Băng pv)

     Để thúc đẩy phát triền kinh tế vùng miền núi mà nhất là vùng dân tộc thiểu số, thì việc tuyên truyền vận động trong nhân dân lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và người uy tín lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết, họ phải là người tiên phong đi đầu trong đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ dám làm, chịu khó tìm tòi học hỏi để từng bước áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xoá bỏ phương thức sản xuất lạc hậu phát cốt đốt trỉa, thay vào đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp đem lại hiệu quả cao hơn. Người uy tín có làm gương thì mới dễ bề tuyên truyền vận động bà con làm theo

     Bằng cách này, những người uy tín trong cộng đồng ở  huyện Hướng Hoá đã vận động hiệu quả phong trào thi đua lao động sản xuất, đặc biệt là thi đua xây dựng mô hình có thu nhập 50 triệu đồng mỗi năm trở lên. Nhờ thế ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, cho thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mỗi năm.

     Ông Ăm Neng là một ví dụ điển hình về người uy tín tích cực tuyên truyền vận động bà con ở Thôn Vầng xã Ba Tầng thay đổi cách thức sản xuất. Trước đây ông cũng như bao hộ gia đình khác, phụ thuộc nương rẫy sắn khoai là chính, cuộc sống bấp bênh không ổn định. Năm 2018, gia đình ông mạnh dạn xây dựng mô hình vườn ao chuồng, tận dụng được lợi thế về nguồn nước, quỹ đất và các điều kiện khác. Sau 5 năm gây dựng, đến nay, mô hình kinh tế gia đình ông Ăm Neng phát triển thuận lợi, với hơn hai trăm gốc cây ăn quả; tổng đàn gia súc trên 40 con; hơn 1 hecta sắn, 2 ao cá... đem lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình ông nuôi con ăn học đầy đủ, xây dựng nhà ở khang trang trị giá trên 400 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế của ông Ăm Neng, nhiều hộ trong thôn đã học tập làm theo, từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Ông Ăm Neng - Thôn Vầng, Ba Tầng, Hướng Hóa, chia sẻ.

(Băng pv)

     Là một huyện biên giới, việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một nhiệm vụ có vai trò quan trọng hàng đầu. Phát huy vài trò của mình, đội ngũ người uy tín trong cộng đồng ở Hướng Hoá đã luôn đổi mới cách thức tuyên truyền vận động, vừa chú trọng việc nêu gương, vừa tích cực tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

     Ông Hồ Văn Yên là người uy tín của thôn Ra Man, xã Xy. Sống trên tuyến biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, ông luôn nêu cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, ông chủ động phối hợp với bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương tuần tra biên giới. Tích cực giáo dục con cháu và tuyên truyền vận động bà con nhân dân phải biết giữ gìn an ninh biên giới, chấp hành nghiêm pháp luật, cảnh giác trước các hành vi vi phạm an ninh biên giới, hành vi vượt biên trái phép, buôn bán hàng cấm qua biên giới… Những nỗ lực của ông đã góp phần quan trọng vào quá trình đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương. Với những đóng góp đó, ông Hồ Văn Yên đã được Bộ chỉ huy biên phòng Tỉnh Quảng Trị tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong bảo vệ biên giới quốc gia.

Chị Hồ Thị Thứ - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xy, Hướng Hóa cho biết.

(Băng pv)

Ông Hồ Văn Yên - Thôn Ra Man, xã Xy, Hướng Hóa chia sẻ thêm.

(Băng pv)

     Với uy tín của mình, đội ngũ người uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hoá đã thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đoàn kết dân tộc ở địa phương; đồng thời chú trọng xây dựng khối đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực xã hội, phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương, giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, dòng họ, thôn bản, tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tôn giáo trái với quy định của pháp luật, di cư tự do, kết hôn không giá thú, tảo hôn,... Tích cực tham gia các phong trào bảo vệ đường biên cột mốc, phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra biên giới... qua đó đã góp phần làm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng thôn bản, khu dân cư.

Anh Hồ Văn Tất - Thôn 4, xã Thuận, Hướng Hóa chia sẻ.

(Băng pv)

     Trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, người uy tín trong cộng đồng ở Hướng Hoá lại càng khẳng định rõ vai trò của mình. Họ tiên phong đi đầu trong việc gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng cũng như tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện xây dựng đời sống văn hoá.

Ông Hồ Noi, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là một trong những người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc người Vân Kiều. Trước thực tế văn hoá dân tộc đang có chiều hướng bị mai một dần, ông Noi đã chủ động sưu tầm các loại nhạc cụ, tìm học cách chế tác và thực hành, đồng thời rèn luyện và lưu giữ các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Ông Noi còn chủ động tuyên truyền vận động bà con trong thôn biết giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống. Nhờ sự vận động và tích cực hỗ trợ của ông, thôn Chênh Vênh đã thành lập được câu lạc bộ dân ca truyền thống, bước đầu đi vào hoạt động có nề nếp, và phục vụ khách du lịch tại địa phương.

Ông Hồ Noi - Thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa chia sẻ rằng.

(Băng pv)

     Bên cạnh thực hiện bảo tồn văn hoá truyền thống, những người uy tín trong cộng đồng ở Hướng Hoá còn tham gia tích cực vào việc tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; chăm lo cho con cái học hành đầy đủ, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là  trong việc cưới, việc tang; dần đẩy lùi hủ tục và các tệ nạn xã hội; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy ước, hương ước theo quy định và sát với thực tế của cộng đồng; cùng đoàn kết xây dựng khu dân cư văn minh, tiến bộ và đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Bà Hoàng Thị Lan - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hướng Hoá cho biết.

(Băng pv)

     Có thể khẳng định rằng, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Hướng Hoá có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số, họ thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Với uy tín và vốn am hiểu của mình, thì họ luôn là người đáng tin cậy trong cộng đồng, không những tuyên truyền vận động tốt, họ còn có khả năng “dân vận khéo”, hoá giải được những mâu thuẫn trong cộng đồng, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội,quốc phòng an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát sóng vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Ghi nhận từ chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP về việc thực hiện chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2021- 2025, trong hơn hai năm qua, hai đơn vị đã có nhiều hoạt động nổi bật trong việc tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức, phối hợp, vận động phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đặc biệt chương trình đã đồng hành cùng phụ nữ vùng biên giới xây dựng mô hình, tạo dựng sinh kế, giúp chị em giảm nghèo bền vững. Phần cuối chương trình hôm nay chúng tôi xin mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe một vài ghi nhận của phóng viên Quách Long.

     Kết hôn năm 2020, anh Hồ La Hai và chị Hồ Thị Gái, thôn Thanh 1, xã Thanh dọn ra xây dựng tổ ấm riêng khi trong tay không có tài sản gì đáng giá. Đất sản xuất ít, chưa tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi, gia đình anh chị là một trong những hộ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Chia sẻ cùng hoàn cảnh của anh chị, chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã trao cho gia đình anh Hai, chị Gái một cặp dê giống với mong muốn gia đình sẽ có thêm nguồn lực để đưa kinh tế gia đình ngày một đi lên.

Chị Hồ Thị Gái - Thôn Thanh 1, xã Thanh, Hướng Hóa chia sẻ.

(Băng pv)

     Đây là đợt trao con giống thứ hai tại địa bàn xã Thanh, trong đợt trao lần trước 10 hộ gia đình phụ nữ đã được trao bò giống. Hình thức hỗ trợ là trao con giống sinh sản, lứa con sinh ra đầu tiên phải giao lại cho Hội để Hội hỗ trợ cho các Hội viên khác. Với cách trao đổi như thế này, nếu duy trì tốt mô hình thì sẽ có hàng trăm lượt chị em phụ nữ nghèo có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ con giống từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Chị Hồ Thị Tê - Chủ tịch HLHPN xã Thanh, Hướng Hóa cho biết.

(Băng pv)

     Chỉ tính riêng trong nội dung vận động phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chương trình”Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã phối hợp với các tổ chức, các đơn vị hảo tâm triển khai các dự án như “Hỗ trợ phục hồi sinh kế cho cộng đồng dễ bị tổn thương do dịch bệnh Covid- 19 tại Quảng Trị”; Dự án “ Bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số”; Phối hợp với các đơn vị đượng Trung ương Phân công đồng hành, các tổ chức cá nhân hỗ trợ 17 mái ấm tình thương, 63 mô hình sinh kế bò sinh sản, dê sinh sản, cùng hàng nghìn con giống cho hàng trăm hộ dân vùng biên với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Chị Trần Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch HLHPN tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

(Băng pv)

     Sau hơn hai năm thực hiện, chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, cán bộ chiến sỹ trong toàn lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh và cán bộ hội viên phụ nữ các cấp đã nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa của chương trình. Các mô hình, các phong trào được triển khai rộng khắp khu vực biên giới đã giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Đồng thời chương trình cũng góp phần cùng lực lương Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

 

          Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình Hồ Thới, Khắc Nam, Đỗ Hằng, Nguyên Hương xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại đồng bào và các bạn vào lúc 17h, ngày thứ 3 và phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

                                                                                 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 23/06/2023 13:08 Lê Vĩnh Nhiên 26/06/2023 09:14
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà