Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 17
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI 20/6

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 20/6/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 21/6/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Cùng chung tay khôi phục rừng tự nhiên

Bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Bộ đội biên phòng Quảng Trị dạy bơi cho trẻ em Vân Kiều, Pa Kô

Kính mời đồng bào và các bạn cùng quan tâm đón nghe.

2MC xen kẽ:

MC: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Cùng chung tay khôi phục rừng tự nhiên

Bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Bộ đội biên phòng Quảng Trị dạy bơi cho trẻ em Vân Kiều, Pa Kô

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng đón nghe.

Nhạc cắt

(Cùng chung tay khôi phục rừng tự nhiên)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Do hậu quả chiến tranh và sự thiếu ý thức của con người nên diện tích rừng tự nhiên của Quảng Trị có nguy cơn bị thu hẹp dần, từ đó dẫn đến hậu quả mưa lũ, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng và diễn biến thực sự khó lường. Trước thực trạng trên việc cùng nhau khôi lại vốn rừng đã mất và làm giàu thêm những cánh rừng tự nhiên là việc làm có ý nghĩa rất để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Sau đây là một số ghi nhận của phóng viên Tân Lâm về vấn đề này, mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

 

MC: Tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 474.577 ha với gần 80% diện tích là đồi núi, trong đó rừng tự nhiên có khoảng hơn 126.732 hecta, phân bố chủ yếu thuộc các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông…

Miền núi Quảng Trị với những cánh rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn vừa là không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, vừa giữ vai trò cung cấp nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho khu vực đồng bằng và các đô thị.

Tuy nhiên do điều kiện kinh tế, xã hội ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn, một thời gian dài sau chiến tranh, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, đốt rừng làm nương rẫy đã dẫn đến hậu quả diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp.

 Trước thực trạng trên, đi đôi với công tác quản lý, bảo vệ thì yêu cầu phục hồi rừng tự nhiên đối với địa bàn miền núi Quảng Trị là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.  Đó cũng chính là lý do mà Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (viết tắt là CCD), một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học và các vấn đề phát triển bền vững, đã chọn Quảng Trị để kết nối, hỗ trợ một số cộng đồng và chủ rừng làm giàu rừng và phục hồi hệ sinh thái rừng với các loài cây bản địa, góp phần mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, đồng thời cũng là việc làm thiết thực để hưởng ứng đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển chia sẻ:

(Băng PV)

Kết quả cụ thể, trong năm 2022 Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển đã kết nối hỗ trợ cung cấp 100.000 cây giống bản địa cho Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và người dân vùng đệm của Khu Bảo tồn bao gồm các xã Ba Nang, Đakrông, với các loại giống cây bản địa được gieo ươm ngay tại vùng đất Quảng Trị như Trắc, Lim xanh, Giổi, Bời lời, Huỵnh, Nhội, Lát hoa…do được ươm ở địa phương nên cây giống có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết khí hậu, và thổ nhưỡng của địa bàn miền núi Quảng Trị.

Ông Hồ Văn Sơn - PCT UBND xã Đakrông, huyện Đakrông cho biết:

(Băng PV)

Ngoài việc hỗ trợ cây giống, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển còn hướng dẫn kỹ thuật, vận chuyển cây giống đến tận nơi để cấp phát cho người dân và chủ rừng.

Sau khi tiếp nhận nguồn cây giống, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã tổ chức trồng làm giàu 20ha rừng tại phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn, còn về phía các xã Ba Nang, Đakrông người dân đã nhanh chóng triển khai trồng tại khu vực rừng do các cộng đồng quản lý và bảo vệ với diện tích khoảng hơn 60ha trong đó có một số thôn bản còn ưu tiên trồng rừng tại các điểm sạt lở do trận lũ năm 2020 gây ra.

Anh Hồ Văn Rang – xã Ba Nang - Đakrông cho biết:

(Băng PV)

( Theo kinh nghiệm người dân ở đây, bà con thích trồng nhất là Huỵnh, Dổi, Lát hóa vì phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây nên sẽ phát triển tốt)

Ông Lê Sỹ Cường - Kiểm Lâm địa bàn xã Ba Nang – Đakrông chia sẻ thêm:

(Băng PV)

Ông Nguyễn Mạnh Hà - G/đ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển chia sẻ thêm rằng:

(Băng PV)

Từ những kết quả đã đạt được, đặc biệt là sự tham gia tích cực và nhu cầu thực sự của người dân, chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm 2023, dự kiến Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân ở một số xã miền núi Quảng Trị trồng mới thêm 100 nghìn cây giống bản địa các loại.

Còn đây là lễ khởi động dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn năm 2023 của công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam ( viết tắt là VAR) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hướng Hóa diễn ra vào cuối tháng 3/2023 tại thôn Chênh Vênh, xã hướng Phùng, huyện Hướng Hoá. 

Tiến sỹ Ngô Văn Hồng, Phó giám đốc công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam chia sẻ:

(Băng PV)

Trước đó trong năm 2022 và đầu năm 2023, công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam đã trồng hoàn thành 113,8 hecta tại huyện Hướng Hóa và hơn 4 hecta tại Đakrông. Trong năm 2023, công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam sẽ phối hợp cùng huyện Hướng Hóa để thực hiện  mục tiêu trồng mới ít nhất 100 hecta rừng cây bản địa…

Chương trình trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn được công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam hỗ trợ. Chương trình vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp 50.000 đồng/cây xanh, chi phí mua cây giống do công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam đầu tư. Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn hướng đến đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.

   Thông qua việc trồng rừng bằng các giống cây bản địa để phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên, làm giàu rừng nhằm chống sạt lở đất, hạn chế lũ lụt, phục hồi và kết nối sinh cảnh sống cho nhiều loại động vật… sự hỗ trợ của các đơn vị như Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển và công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam cùng nhiều chương trình dự án trên địa bàn Quảng Trị còn góp phần tạo thêm việc làm, nguồn thu nhập và nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho mỗi người dân và cả cộng đồng, đồng thời sự hỗ trợ này còn giúp cho các chủ rừng ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị nói chung sớm chuẩn bị các điều kiện để hướng đến quá trình tham gia vào thị trường carbon và quản lý rừng bền vững trong tương lai.

 

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Bảo tồn nhạc cụ thống của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Miền Tây Quảng Trị với cánh rừng tự nhiên là không gian sinh tồn từ bao đời của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, vốn có cuộc sống gắn liền với tập quán sản xuất nương rẫy, tự cung tự cấp. Trải qua biết bao biến thiên của thời gian, từng phải đối mặt với sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai hàng năm…Nhưng dưới những nếp nhà sàn chênh vênh bên vách núi, từ thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người con của núi rừng miền Tây Quảng Trị, nổi niềm nhớ thương nguồn cội, ý thức trân trọng giữ gìn các loại nhạc cụ truyền thống của tổ tiên để lưu lại cho thế hệ mai sau, vẫn như những dòng sông luôn biết cách vượt qua bao ghềnh thác để chảy mãi cùng dòng thời gian.

Phóng viên  Tân Lâm có một số ghi nhận cụ thể trong phóng sự sau. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

(Băng lễ nối dây ân linh)

    MC: Đây là những thanh âm từ buổi lễ Nối ân thần núi của một số gia đình thuộc dòng họ KRAY ở làng Aliêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Theo các vị già làng, Kỗh Plăng-Kâr Tăng Xỗi là tên của vị thần núi đã có công hộ mệnh cho họ Kray cũng như người dân sinh sống ở làng Aliêng cách đây khoảng hơn 100 năm về trước.

Zang Kỗh Plăng là đỉnh núi nhọn (plô xỗi) thuộc địa bàn của 2 xã Tà Rụt và Húc Nghì,xem như sánh ngang với ngọn núi K-Lưi thuộc địa bàn A Ngo-A Bung-A Vao.  Đứng trên đỉnh núi PLăng về mùa Hè thì có thể nhìn thấy biển Đông.

Là nghi lễ nhằm bày tỏ sự tôn kính, lòng biết ơn thần núi, cầu mong sự yên bình cho con người và đề cao tinh thần đoàn kết, đồng thời thể hiện văn hóa ứng xử của người Pa Kô với núi non của quê hương xứ sở.

Với những vùng đất bên dòng Đakrông vốn nổi tiếng với bề dày văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều Pa Kô, trong đó xã tà Rụt với những  nghệ nhân như Kôn Hưm, Mai Sen, Kray Sức là những người luôn nặng lòng với âm nhạc và nhạc cụ  truyền thống của tổ tiên, đồng thời có sự hiểu biết tường tận về nguồn gốc và quá trình chế tác một số nhạc cụ của người xưa.

Nghệ nhân dân gian Kray Sức - xãTà Rụt – huyện Đakrông chia sẻ:

(Băng PV)

(MC đọc PV: Nguồn gốc của đàn Toong,  cách đây lâu lắm rồi, ngày ấy thú rừng nhiều, người còn ít, núi rừng hoang vu. Mỗi mùa rẫy người ta phát theo từng vùng có từ 10 đến 15 gia đình, đến mùa cây lúa trổ bông, cây bắp ra trái thì già làng sẽ cử con gái đi giữ rẫy. Ngày ấy có 3 chị em lấy cây rừng tạo ra âm thanh để xua đuổi thú, quá trình gõ thì thấy nếu nhịp điệu gõ càng đều thì âm thanh càng hay, sau đó mỗi người dùng 3 cây để gõ …câu chuyện về cây đàn Toong cũng bắt đầu từ đó.) 

Nếu như Tà Rụt, A Bung, A Ngo… với thế mạnh vẫn còn lưu giữ nhiều loại nhạc cụ và thường tổ chức các hình thứ lễ hội truyền thống, thì vùng đất bên dòng Sê Pôn được biết đến là nơi có những nghệ nhân có kỹ năng chế tác nhạc cụ nổi tiếng, như trống, khèn các loại.

Ông Hồ Ngải ở xã Lìa cùng với vợ sinh sống chủ yếu bằng ngề đan lát thủ công, không chỉ phục vụ cho nhu cầu đời sống của đồng bào, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Thụy Điển và một số nước Bắc Âu…Mặc dù luôn bận rộn với công việc nương rẫy và đan lát, nhưng ông Hồ Ngãi vẫn dành thời gian để chế tác trống, cung cấp cho những ai có nhu cầu, vì đây là loại nhạc cụ không thể thiếu vào các dịp lễ hội.

Để tìm hiểu về ý nghĩa của loại nhạc cụ này chúng ta hãy cùng đến với lễ Ra pưp của một dòng họ người Vân kiều ở thôn Ra Ly- Rào thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.  Lễ Ra pưp của người Vân kiều là dịp để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, người thân đã mất…Khi buổi lễ chính thức bắt đầu, tiếng trống vang vọng đến các bản làng, người dân từng đôi sẽ mang trống đến dự lễ, chủ trống sẽ được gia chủ tiếp đón nồng nhiều và không quên tặng lễ vật. Buổi lễ nếu có càng nhiều người tự nguyên mang trống đến tham gia và tiếng trống càng vang xa thì cũng đồng nghĩa gia chủ và dòng họ tổ chức Ra pưp càng có uy tín với cộng đồng…Đó cũng là lý do mà ông Hồ Ngãi vẫn giữ cho mình sự đam mê làm trống.

 Ông Hồ Ngãi - Xã Lìa- Hướng Hóa - Quảng Trị chia sẻ:

(Băng PV)

(MC đọc PV: Quá trình để có có một cái trống được làm từ cây thì đầu tiên chúng tôi phải lên rừng tìm cây, cây này phải là cây đẹp, phải thẳng và không bị hỏng, phải to nữa, có như vậy thì mới làm được. Muốn chặt được cây thì chúng tôi dùng rìu, vì ngày xưa không có máy cưa, muốn chặt cây gì cũng phải dùng rìu hết, từ cây gỗ đến cây tre. Sau khi hạ được cây xuống thì tiến hành đục, đẽo, gọt, phá. Phải làm đúng kĩ thuật thì âm thanh của trống mới vang xa. Trống này được dùng từ cha ông cho đến tận bây giờ.)

Còn đây là nghệ nhân Hồ Chôn, người Pa Kô cũng sống ở xã Lìa. Năm nay gần 90 tuổi, nhưng hàng ngày ông Hồ Chôn vẫn gắn bó với công việc chế tác khèn bè. Theo ông Chôn cho biết, khèn bè thường có cấu tạo ống theo số chẵn, từ 6, 8, 10, 12 thậm chí là 14 ống nứa tép. Những ống này xếp thành 2 hàng xếp cạnh nhanh. Bầu khèn được làm bằng loại gỗ nhẹ nhưng và khó bị nứt. Ở đầu bầu khèn có 1 lỗ gọi là lỗ thổi. Những ống nứa xuyên qua bầu và được trét sáp ong đen để làm kín các khe hở. Người ta thường xếp 2 ống trong 1 hàng có chiều dài bằng nhau để tạo dáng cân đối.  Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh và rè. Mỗi ống phát ra 1 âm nhất định, bên trong ống có lưỡi gà bằng đồng hay bạc giát mỏng. Trên mỗi ống có lỗ bấm gần lưỡi gà, nhưng nằm phía ngoài bầu. Cũng theo lời ông Chôn bà con ở nhiều xã miền núi của Hướng Hóa, Đakrông, của A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế và cả các bản bên kia sông Sê Pôn của nước bạn Lào cũng hay  tìm mua khèn do ông chế tác.

Ông Hồ Chôn - Xã Lìa - Hướng Hóa tâm sự:

(Băng PV)

(MC đọc PV:  Nghe bạn bè thổi khèn thì thấy hay, thấy vui lắm làm tôi nhớ lại truyền thống của mình và sau đó tôi là biết đánh được cồng, chiêng rồi trống, làm khèn… Mọi người hay cùng ngồi với nhau uống rượu, thổi kèn rồi nhảy múa.  Bây giờ một tháng tôi chỉ có thể làm được 4 cái. Ngày xưa một tháng có khi tôi làm được 20 cái. Ngày xưa còn trẻ nên làm cái gì cũng nhanh, bây giờ già yếu, mắt mờ nên nhìn không rõ nữa, tai cũng không còn thính, bây giờ mọi người thổi mấy cái kèn nhỏ tôi cũng nghe không rõ nữa.)

 

Với đồng bào Vân kiều, Pa Kô, mỗi loại nhạc cụ không chỉ để người nhạc công có thể tạo những cung bậc âm thanh trầm bổng, du dương, mời gọi, thể hiện lòng biết ơn núi non quê nhà, biết ơn tổ tiên nòi giống các những mùa lễ hội…, mà còn là câu chuyện kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người giữa mênh mông đại ngàn, là nhịp cầu tình yêu từ thế này qua thế hệ khác để cho cuộc sống không ngừng sinh sôi nảy nở. Đó cũng là lý do một số bạn trẻ rất quan tâm tìm hiểu và mong muốn bảo tồn, vì âm nhạc nói chung, trong đó có các loại nhạc cụ cũng chính là hồn cốt của người Vân Kiều, Pa Kô qua thời gian.

 

Anh Hồ Ngởi - Xã Lìa - Hướng Hóa chia sẻ:

(Băng PV)  

(MC đọc PV: Mình là người trẻ, là người đi sau. Mà lớp trẻ sau này có rất nhiều người không còn nhớ những văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Từ việc chế tác đến sử dụng các nhạc cụ truyền thống, múa hát dân ca. Bản thân tôi biết quay phim chụp ảnh, nên tôi quyết định ghi lại để các bạn trẻ khác có thể nhìn thấy, có thể biết đến và học. Để làm được thì tôi phải học hỏi rất nhiều, học thổi kèn, học đánh cồng chiêng để nó không mất đi. Văn hóa chính là linh hồn của người Pako, văn hóa đó còn thì người Pako mãi còn.)

Giữ gìn và bồi đắp cho vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân kiều thông qua công việc chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ vào những dịp lễ hội truyền thống…Những nghệ nhân như Mai Sen, Kray Sức, Hồ Chôn… nơi miền Tây Quảng Trị đang cùng với thế hệ trẻ không chỉ góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, âm nhạc của dân tộc mình, mà còn là sự ơn biết nguồn cội từ bao đời đã không ngừng nổ lực để xây dựng cuộc sống mang đậm đà bản sắc của mỗi tộc người trên dãy Trường Sơn. (Lồng nhạc tiếng đàn ta lư của đồng bào Pa Kô)

(Băng nhạc)

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát sóng vào lúc 17h, ngày thứ 3 và  phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Bộ đội Biên phòng Quảng Trị dạy bơi cho trẻ em Vân kiều, Pa Kô)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Đóng quân ở địa bàn miền núi trên tuyến biên giới Việt- Lào, lực lượng bộ đội Biên phòng Quảng Trị không chỉ vững vàng tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia,  mà còn là “bà đỡ”giúp cho đồng bào Vân kiều, Pa Kô phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no. Đặc biệt lực lượng bộ đội Biên phòng còn giành sự quan tâm đến các cháu thiếu nhi, lớp dạy học bơi trên song Sê Pôn cho trẻ em của Đồn Biên phòng Thanh, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị là một trong số những câu chuyện như vậy.

Phần cuối chương trình tạp chí dân tộc và miền núi ngày hôm nay mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe một số ghi nhận của phóng viên Tân Lâm.

 

    MC:  Sông Sê Pôn vừa là tuyến giao thông đường thủy để người dân đôi bờ trên tuyến biên giới  Việt- Lào vận chuyển hàng hóa, giao thương qua lại giữa hai bên khu vực biên giới, đồng thời cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân đôi bờ, bồi đắp phù sa vào mỗi mùa mưa lũ hàng năm cho đất đai thêm màu mỡ để người dân có những vụ mùa bội thu. Tuy nhiên việc chung sống với dòng Sê Pôn cũng đòi hỏi con người phải có sự hiểu biết và những kỹ năng nhất định về phòng tránh đuối nước, hạn chế những tai nạn bất ngờ do mưa lũ, nhất là với trẻ em. Đó chính là lý do tập thể cán cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh đã tổ chức dạy học bơi cho đông đảo con em đồng bào Vân kiều, Pa Kô sinh sống ở các xã như Xy, Lìa dọc theo dòng Sê Pôn thuộc huyện Hướng Hóa.

 

Trung tá Ngô Trường Khôi- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh- Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết:

(Băng PV)

Lớp học bơi miễn phí diễn ra ngay trên dòng sông gần với khu vực các em cùng gia đình đang sinh sống.  Địa điểm dạy bơi được đánh dấu bằng dây và phao với tổng diện tích mặt nước khoảng 500m2.  Mỗi lớp thường thu hút thu hút khoảng 70 em được chia thành nhiều nhóm một cách phù hợp tùy vào độ tuổi và thể trạng của các em.

Những cán bộ, chiến sĩ có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bơi lội được lựa chọn để phối hợp với giáo viên, lực lượng đoàn viên, thanh niên để trực tiếp dạy bơi cho các em. Ngoài ra, lãnh đạo đồn Biên phòng còn huy động, phân công người làm công tác giám sát, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu mỗi khi tham gia lớp học. Tham gia lớp học, các em đã được các chú bộ đội, thầy cô giáo và các anh đoàn viên dạy những kỹ thuật cơ bản như cách thở dưới nước; các động tác tay, chân khi bơi; kỹ năng bơi thoát hiểm; cứu đuối…

Bên cạnh việc dạy kỹ năng bơi lội, lực lượng bộ đội Biên phòng, thầy cô giáo và đoàn viên thanh niên còn tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước, hướng dẫn sơ cứu người bị đuối nước cho cả học sinh và phụ huynh.

Em Hồ Thị Tăng- Trường THCS xã Xy - Hướng Hoá bày tỏ:

(Băng PV)

(MC đọc PV: Em tên là Hồ Thị Tang, học lớp bảy, em họp bơi được 3 buổi rồi, được anh chị và các chú Biên phòng tập bơi em thấy rất vui và bổ ích và tự tin mỗi khi ra sông, khi thấy bạn bè bị đuối nước thì em sẽ báo ngay cho người lớn đến cứu.)

Các xã vùng kh vực phía Nam dọc theo song Sê Pôn của huyện Hướng Hóa chiệu ảnh hưởng bởi điều khiện thời tiết khi hậu của Lào, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Vào mùa mưa nước song Sê Pôn thường lên nhanh và chảy xiết, nên việc qua lại trên sông rất nguy hiểm. Ngoài ra tyến tỉnh lộ Lìa cũng thường ngập sâu, nước chảy xiết và bị chia cắt nhiều đoạn. Vào mùa Hè, trong lúc người lớn phải đi làm nương rẫy xa, các em nhỏ thường ra sông, suối để chơi đùa trong khi không có người bảo vệ nên rất dễ dẫn đến bị đuối nước.

Hồ Văn Hiên - Bí thư chi đoàn thôn Ra Man - Xã Xy - Hướng Hoá chia sẻ:

(Băng PV)

(MC đọc PV:  Bà con ở thôn Ra Man sống gần sông Sê Pôn, từ tháng 7 tháng 8, tháng 9 là mùa mưa lũ và thường xảy ra mưa lũ, trẻ em đi tắm sông suối rất nguy hiểm,đã có nhiều trường hợp bị chết đuối thương tâm. Là người làm cha, làm mẹ thì rất lo lắng cho con cái vì bố mẹ luôn còn phải đi làm xa. Hôm nay được bộ đội Biên phòng dạy bơi và dạy kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em thì tôi rất cảm ơn.)

 Trên thực tế, việc tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng cao của lực lượng bộ đội Biên phòng kết hợp với các thầy cô giáo vào mùa hè đã diễn ra nhiều năm tại địa bàn vùng biên Quảng Trị, tuy nhiên đây là lần đầu tiên lớp dạy bơi được thực hiện với quy mô khá lớn và bài bản, vừa để giảm thiểu tai nạn do đuối nước xảy ra , vừa hướng đến việc duy trì việc dạy và học bơi miễn phí cho trẻ em Vân kiều, Pa Kô trong những năm tiếp theo.

Trung tá Ngô Trường Khôi - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh - Bộ đội Biên phòng Quảng Trị chia sẻ thêm:

(Băng PV)

Sinh sống ở địa bàn miền núi, điều kiện cuộc sống của trẻ em thực tế vẫn còn thiệt thòi, hạn chế cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy sự quan tâm của nhà trường cùng lực lượng bộ đội Biên phòng, đoàn viên thanh niên qua lớp học bơi miễn phí như thế này,  không chỉ giúp cho các em có thể phòng tránh được đuối nước, mà còn có thêm kỹ năng, sự tự tin trong cuộc sống để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. 

 

          Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình Hồ Thới, Khắc Nam, Thúy Hằng, Đỗ Hằng xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại vào khung giờ này tuần sau.

                                                                                 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 18/06/2023 23:14 Hồ Thới 18/06/2023 23:14
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà