Đưa cán bộ tăng cường vùng biển
Danh mục
Trang nông nghiệp
NỘI DUNG

TRANG NÔNG NGHIỆP NGÀY 05 - 12 – 2017

PTV: Kính chào bà con và các bạn!

Đến thời điểm này, công việc của bà con nông dân vẫn gắn liền với lịch thời vụ. Trước diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của vật nuôi cây trồng. Chúc cho bà con nông dân sẽ chủ động các biện pháp nhằm bảo vệ mùa màng thắng lợi.

I. THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP

1. TẬP HUẤN VỀ CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN XUẤT ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG VÀ LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh và Tổ chức Plan vùng Quảng Trị, Trung tâm KN tỉnh vừa triển khai 2 lớp tập huấn về Chuỗi giá trị sản xuất định hướng thị trường, nâng cao năng lực quản lý nhóm và Lập kế hoạch kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 75 học viên là các nhóm trưởng và đại diện thành viên của các nhóm chăn nuôi Dê, Gà, trồng Nghệ thuộc dự án “Phát triển kinh tế giảm nghèo” đến từ các Húc, Thanh, Xy và Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa).

Trong thời gian 5 ngày, các lớp tập huấn đã giúp các học viên hiểu được tầm quan trọng trong sản xuất theo nhóm như tại sao phải thành lập nhóm, sản xuất theo nhóm có những lợi ích gì so với sản xuất cá nhân riêng lẻ; Trang bị những kiến thức và kỹ năng thực tế trong tổ chức và điều hành các nhóm nông dân, đặc biệt khả năng hướng dẫn họp và thảo luận nhóm; Cung cấp những kiến thức và hiểu biết cơ bản về đặc điểm của thị trường nông sản; qua đó giúp các thành viên trong nhóm có được kế hoạch sản xuất tốt hơn.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào chuỗi giá trị, các đối tượng trong chuỗi sẽ có điều kiện đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản. Doanh nghiệp cũng sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn, góp phần vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…được thị trường ưu chuộng, tin cậy và sẽ phát triển bền vững.

2. VĨNH LINH: KIỂM TRA DỰ ÁN TRỒNG DỪA XIÊM LÙN TRÊN CÁT

Vừa qua, huyện Vĩnh Linh đã tổ chức kiếm tra tình hình thực hiện dự án “Trồng dừa xiêm lùn trên cát” tại  xã Vĩnh Thái. Đây là mô hình dự án được huyện Vĩnh Linh quan tâm nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân sau sự cố môi trường biển.

 Dự án “Trồng dừa xiêm lùn trên cát” thực hiện trên diện tích 1,5 héc ta do ông Nguyễn Hữu Thành, hội viên Hội Nông dân xã Vĩnh Thái làm chủ nhiệm. Với đặc điểm là giống cây dễ trồng, thích nghi tốt với những vùng đất mà điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng không được thuận lợi, nhất là ở vùng cát trắng bạc màu. Dừa xiêm lùn ra hoa sớm từ 2,5 - 3 năm, với năng suất bình từ 140 - 150 trái/cây/năm. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy sau hơn 2 tháng đưa vào trồng, cây dừa xiêm lùn trồng tại xã Vĩnh Thái phát triển tốt trên đất cát. Dự án trồng dừa xiêm lùn không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng biển Quảng Trị.

TRUNG THÀNH

II. KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ

 HIỆU QUẢ VIỆC ĐƯA CÁN BỘ NÔNG NGHIỆP TĂNG CƯỜNG VỀ CÁC XÃ VÙNG BIỂN

PTV: Thưa bà con và các bạn! Sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đối với 4 tỉnh miền Trung. Tại tỉnh ta, sự cố này đã gây thiệt hại hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của trên 8.000 hộ với gần 16.000 người tại 16 xã, thị trấn ven biển; trên 3.000 tàu thuyền của tỉnh bị ảnh hưởng; giá trị thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã khẩn trương cử 32 cán bộ tăng cường bám trụ tại 16 xã thị trấn để cùng với chính quyền địa phương tiến hành điều tra, tìm hiểu lợi thế của từng địa bàn cụ thể nhằm xây dựng các phương án, giải pháp chuyển đổi sản xuất, phát triển sinh kế phù hợp cho nhân dân. Hơn 1 năm qua, nhiều mô hình kinh tế đã được xây dựng, góp phần chuyển đổi ngành nghề cũng như tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình.

Ngày 01/9/2016, kỹ sư Phạm Hữu Cường – Cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Đông Hà nhận quyết định phân công của Sở Nông nghiệp & PTNT về phụ trách tăng cường hỗ trợ chính quyền, người dân xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) chuyển đổi sinh kế, ổn định cuộc sống. Nhận thấy nghề truyền thống của người dân xã Triệu Vân là khai thác, đánh bắt thủy sản, trong khi các mô hình chuyển đổi sinh kế đều thiên về chăn nuôi, trồng trọt nên ít nhiều người dân lúng túng và gặp khó khăn về kỹ thuật. Để người dân yên tâm sản xuất, anh Cường đã trực tiếp về tận cơ sở để vận động, hướng dẫn họ thực hiện các mô hình đúng kỹ thuật, hạn chế rủi ro. Nhờ sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, đến thời điểm này các mô hình chuyển đổi sinh kế ở xã Triệu Vân đều đã đi vào hoạt động và thu được hiệu quả ban đầu hết sức khả quan.

P/v ông Hoàng Văn Hiệu – Thôn Sinh Thái, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong

P/v kỹ sư Phạm Hữu Cường – Cán bộ tăng cường xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong

Theo thống kê, tính đến thời điểm này các cán bộ tăng cường đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng hàng chục mô hình chăn nuôi như mô hình nuôi lợn nái, lợn thịt với trên 2.948 con; mô hình nuôi gà thả vườn trên cát với trên 7.080 con; mô hình trồng cỏ nuôi bò với trên 134 con; nuôi thử nghiệm một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi vịt biển, nuôi chim yến, nuôi chim cút… Bước đầu các loại vật nuôi này đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ là những mô hình được nhân rộng trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực thủy sản đã phối hợp hướng dẫn ngư dân các thủ tục vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá. Hướng dẫn các ngư dân các chính sách nâng cấp như như : thay máy chính, gia cố vỏ tàu để vươn khơi xa hơn, bảo đảm an toàn trong khai thác thủy sản; giúp ngư dân tiếp cận vốn vay nhằm trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại để dò tìm cá, thông tin liên lạc và bảo đảm sản phẩm. Xây dựng các mô hình nuôi trong ao và lồng bè với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá dìa, cá mú, cá đối mục, tôm sú, cua… đã mang lại hiệu quả khá cao trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt mô hình nước mắm cao đạm theo công nghệ phơi chảy ở xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) đã bước đầu mang lại hiệu quả cho hộ gia đình; Thông qua mô hình này đã  giúp người dân tiếp thu được kỹ thuật chế biến theo phương pháp mới để nước mắm có chất lượng, độ đạm cao hơn, thời gian sản xuất ngắn hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

P/v chị Nguyễn Thị Thảo – xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh

Trong lĩnh vực trồng trọt, các cán bộ tăng cường đã đề xuất và phối hợp triển khai các mô hình như trồng sả, trồng ném trên cát, mô hình trồng lạc cải tiền sử dụng giống L14, trồng nghệ, trồng khoai lang tím, trồng nấm sò… bước đầu mang lại kết quả rõ rệt.

Chị Nguyễn Thị Thiếc ở tại thôn Xuân Lộc (xã Gio Việt – huyện Gio Linh) trước đây vốn có nghề chế biến sứa biển. Sau khi sự cố môi trường biển xảy ra gia đình chị bị tồn lại trên 20 tấn sứa không thể bán được. Không cam chịu thất bại, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển sinh kế của UBND tỉnh và sự hướng dẫn tận tình của nhóm cán bộ tăng cường, chị đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng nấm sò. Đến thời điểm này chị đã thu hoạch xong 2 đợt nấm, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

P/v chị Nguyễn Thị Thiếc – Thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh

Đặc biệt, được sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp & PTNT và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai trồng thử nghiệm giống dứa Queen trên đất cát tại xã Trung Giang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh). Mặc dù đây là cây trồng mới ở vùng cát, bước đầu người dân còn băn khoăn, lo lắng nhưng qua tuyên truyền, vận động, từ cuối tháng 3 năm 2017, 10 hộ gia đình đã tự nguyện thành lập nhóm hộ và tiến hành trồng 3 ha dứa trên vùng đất được xã quy hoạch.

P/v ông Nguyễn Văn Thọ - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh

          Nhờ vậy, hiện tại cuộc sống của người dân ở 16 xã, thị trấn vùng biển đã cơ bản vượt qua khó khăn nhưng để có sinh kế bền vững lâu dài, trong thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ sản xuất, nhân rộng các mô hình đã có hiệu quả và tiến tới cùng với chính quyền địa phương xây dựng các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi tập trung, phát triển sản xuất nông, lâm kết hợp với nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản và dịch vụ.

P/v ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Hơn 1 năm kể từ ngày xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, những ngày này dọc theo vùng chân sóng tỉnh Quảng Trị, màu xanh của cây trái đã phủ xanh triền cát trắng, những mô hình chăn nuôi mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những khoang thuyền đầy ắp tôm cá trên những con tàu công suất lớn đang cập bến. Ngắm nhìn nhịp sống rất đỗi thanh bình ấy, có thể thấy cuộc sống đang dần dần hồi sinh từ gian khó.

III. MÔ HÌNH KINH NGHIỆM

HIỆU QUẢ LỚP ĐÀO TẠO NGHỀ NUÔI GIUN QUẾ KẾT HỢP VỚI CHĂN NUÔI GÀ

PTV: Thưa bà con và các bạn! Nhằm khuyến khích người nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, ổn định và bền vững. Năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh đã tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi gà cho 30 học viên tại xã Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh) và đã thu được những kết quả bước đầu hết sức khả quan.

Ông Nguyễn Văn Hạnh ở tại thôn Tiên Mỹ (xã Vĩnh Lâm) đã nuôi gà được hơn 10 năm. Tuy nhiên trước đây ông chỉ nuôi theo quy mô nhỏ, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, chưa nắm vững kỹ thuật nên gà thường xuyên bị hao hụt do dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi tham gia lớp đào tạo nghề do Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh triển khai ông được hướng dẫn cụ thể các kỹ thuật chăn nuôi gà, nuôi giun quế, cách phối trộn các loại thức ăn, cách sử dụng giun quế để bổ sung thêm dinh dưỡng cho gà… nhờ vậy đàn gà của ông sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 2 tháng nuôi gà đạt trọng lượng bình quân từ 1,2 kg/con trở lên, tỷ lệ sống đạt hơn 96%.

P/v ông Nguyễn Văn Hạnh – thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh

Tham gia lớp đào tạo nghề các học viên được chuyển giao các kỹ thuật về chăn nuôi gà như cách úm gà con từ 1 ngày tuổi, áp dụng quy trình vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh bằng vacxin đầy đủ. Sau 1 tháng tuổi gà được thả ra vườn có hàng rào, lưới, tường bao quanh. Sử dụng thức ăn bằng giun quế kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bột ngô… để nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn và hạ giá thành sản xuất.

P/v kỹ sư Nguyễn Thế Nghiệm – giảng viên lớp đào tạo nghề

Do giun quế có hàm lượng đạm cao nên gà lớn nhanh và có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Kết quả qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, tại mô hình của lớp tỷ lệ gà hao hụt ít, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt từ 1,5 kg/con trở lên, tiêu tốn và chi phí thức ăn thấp… Đặc biệt cách nuôi này đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

P/v thạc sỹ Lê Chí Công – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh

Với những ưu điểm của việc nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà như nâng cao tỷ lệ sống, ít bị dịch bệnh, lớn nhanh, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trên cơ sở này, trong thời gian rất cần có sự hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ra diện rộng nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 02/12/2017 10:01 Võ Nguyên Thủy 04/12/2017 13:34

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà