Khoa học và đời sống ( phát thanh): trạm nghiên cứu nấm thành công với mô hình nấm linh chi
Danh mục
Khoa học và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục khoa học và đời sống.

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Thực hiện việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm linh chi, trong những năm qua trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm thuộc Sở khoa học và công nghệ tỉnh đã triển khai trồng nấm linh chi. Đến nay, mô hình này đã thực sự cho kết quả, sản phẩm làm ra đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

MC2: Vậy việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào quy trình trồng và sản xuất nấm linh chi đã được trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm thực hiện như thế nào? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập rõ hơn trong chương trình trang thanh niên hôm nay.

MC1: Ngọc Diệp, Như Hòa.....sẽ cùng đồng hành với quý vị và các bạn trong 15 phút của chương trình. Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe.

Nhạc cắt

MC2: Thưa quý vị và các bạn! Các nghiên cứu dược học hiện đại đã chứng minh nấm linh chi là một loài thảo dược quý chứa tới 120 chất, bao gồm các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố vi lượng và các vitamin, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, giảm cholesteron, hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, ngăn ngừa các khối u... tốt cho sức khỏe lại cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây trồng khác. Hiện nay, do đời sống tăng cao, người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe nên nhu cầu nấm linh chi cho thị trường cũng lớn hơn.

MC1: Trước thực tế đó, trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi. Trồng nấm linh chi để đạt hiệu quả phải tuân thủ theo một quy trình, có như vậy nấm mới đạt chất lượng. Với trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm trong những năm qua đã đẩy mạnh trồng nấm sò, nấm hương còn nấm linh chi mới triển khai trồng trong thời gian gần đây.

MC1: Qua một quá trình thử nghiệm đã cho thấy bước đầu mô hình trồng nấm linh chi ở trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đã mang lại hiệu quả.

MC2: Nấm linh chi được nuôi trồng từ rất lâu, không những là nấm ăn mà nó còn là một loại dược liệu quý hiếm, tốt cho sức khỏe con người. Những khảo sát dược lý và lâm sàng hiện nay cho thấy, nấm linh chi không có độc tính, không có tác dụng phụ dù dùng dài ngày, không tương kỵ với những dược liệu khác hoặc tân dược.

MC2: Theo chân những nhân viên của trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đến từng khu nhà trồng nấm chúng tôi mới hiểu hơn về những quy trình trong trồng và chăm sóc đối với loại nấm linh chi.

MC1: Từ khâu chọn giống cho đến ươm giống phải đảm bảo chất lượng. Đối với giống nấm linh chi gồm giống: cấp I, cấp II và cấp III. Để đạt chất lượng, trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đã nhân giống trong phòng nuôi cấy với nhiều công đoạn và đòi hỏi kỹ thuật, thiết bị tương đối phức tạp. Do giống nấm linh chi được nuôi cấy bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, nên nó có những ưu điểm vượt trội về khả năng sinh trưởng, phát triển và kháng sâu bệnh, vì thế giá trị dược liệu của sản phẩm được bảo tồn.

MC2: Khi nấm đã lên cao phải tưới và chăm sóc theo đúng kỹ thuật. Tưới cho nấm phải tưới 2 lần sáng và chiều để nấm phát triển tốt nhằm cung cấp độ ẩm cho nấm. Những ngày nắng nóng, lượng nước và số lần tưới có thể tăng lên 3 lần. Trong quá trình chăm sóc phải hoàn toàn được bảo đảm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu cung cấp giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Việc chăm sóc như trên kéo dài liên tục cho tới khi viền màu trắng trên mũ nấm không còn nữa, lúc đó nấm đến tuổi thu hái. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy nhân viên trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm cho biết:

Băng: Nói về quy trình chăm sóc cho nấm linh chi để nấm phát triển tổt

MC1: Mỗi lứa nấm trồng khoảng từ tháng 8 năm trước đến 4 tháng năm sau là cho thu hoạch, sau đó khoảng 15-20 ngày là thu hoạch tiếp 1 lứa nữa. Mỗi đợt trồng có thể cho thu hoạch 3 lần. Khó tính là thế nhưng cũng rất dễ trồng nếu  thực hiện đúng hướng dẫn về quy trình và kỹ thuật trồng một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt.

MC1: Sau khi thu hoạch, nấm linh chi được đưa vào lò sấy và hút chân không trong khoảng 24 tiếng đồng hồ và đem đi đóng bịch. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy nhân viên trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm cho biết thêm:

Băng: Những lưu ý quan trọng trong quá trình chăm sóc

MC1: Nấm linh chi có thể trồng trên mùn của tất cả các loại cây thân gỗ như trám, keo, sau sau và mùn cưa… Do vậy, việc sản xuất nấm Linh Chi ở tỉnh Quảng Trị hiện nay còn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng cũng như thế mạnh của địa phương.

MC2: Nấm linh chi làm ra và được sản xuất thành bột linh chi để hòa tan. Sản phẩm này vừa rất dễ sử dụng vừa tiện dụng cho người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt ở ngoài thị trường và đã đáp ứng được nhu cầu cho mọi người trong quá trình sử dụng các thảo dược quý để bảo vệ sức khỏe.

MC2: Qua thời gian triển khai nấm linh chi thành công, hiện nay trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm được đầu tư khá quy mô tại huyện Cam Lộ với hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị để nuôi cấy các loại giống nấm như nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi, cùng các quy trình phù hợp. Theo đánh giá các loại giống nấm do trạm sản xuất đạt chất lượng khá tốt, đáp ứng chất lượng đối với người tiêu dùng.

Nhạc cắt

MC1: Qúy vị và các bạn thân mến! So với những loại nấm khác thì nấm linh chi tương đối khó trồng. Tuy nhiên với việc áp dụng nghiêm ngặt những quy trình trong quá trình trồng nên trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đã thành công.

MC2: Đặc biệt, qua nhiều vụ trồng khảo nghiệm nấm linh chi tại trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm cho thấy, đây là loại nấm thu được hiệu quả kinh tế cao do vậy người dân hoàn toàn có thể áp dụng nuôi trồng tại mô hình kinh tế hộ gia đình, thông qua việc cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc của trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm.

MC1: Hiện nay, trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm cũng đang tiến hành chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân ở trong tỉnh để giúp các hộ dân triển khai trồng nấm linh chi tại nhà.

MC1: Từ trước đến nay gia đình ông Võ Văn Lân ở thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã triển khai trồng nấm sò và nấm hương. Bởi theo ông hai loại nấm này được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện nay ông nhận thấy nấm linh chi đã trồng được trên đất Quảng Trị, phù hợp với khí hậu của Quảng Trị. Đặc biệt rất tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, ông cũng muốn thử sức để trồng thêm nấm linh chi. Bản thân ông cũng đã nghiên cứu học hỏi thêm kinh nghiệm trồng ở trên sách báo.

MC2: Đặc biệt, bản thân ông cũng đến trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm để được nhân viên của trạm hướng dẫn khá cụ thể về quy trình và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc nấm như thế nào để đạt chất lượng. Ông Võ Văn Lân ở thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết:

Băng: Tôi trồng nấm sò cũng nhiều năm rồi, kinh nghiệm trong trồng nấm sò rất nhiều, tuy nhiên nấm linh chi thì phải học hỏi thêm và đầu tư chăm sóc cũng kỹ hơn

MC1: Tiếp cận với mô hình mới lạ này ban đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại. Song sau một thời gian nghiên cứu và được sự động viên, chuyển giao quy trình sản xuất công nghệ mới từ trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm ông Võ Văn Lân đã mạnh dạn bắt tay vào thực hiện.

MC1: Hiện nay, hệ thống nhà trồng nấm đã được ông đầu tư, các quy trình cơ bản cũng được chuyển giao. Và ông đang lấy giống nấm linh chi để tiến hành trồng vào vụ tới.

MC2: Có thể nói, việc trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm thuộc Sở khoa học và công nghệ tỉnh làm chủ được quy trình sản xuât nấm linh chi, đã mở ra cơ hội cho người dân trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương, đồng thời, góp phần bảo tồn được loại dược liệu quý này.

MC1: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, ngoài trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm trồng nấm linh chi thì chỉ có thêm một mô hình trồng nấm linh chi ở huyện Gio Linh. Chính vì thế, việc nhân rộng mô hình nấm linh chi ra toàn tỉnh để người dân biết cách tiếp cận với những công nghệ mới trong trồng nấm là một vấn đề hết sức cần thiết.

MC2: Trong năm 2018 này, Sở khoa học và công nghệ tỉnh sẽ hỗ trợ cho các hộ dân ở 16 xã của các huyện ven biển trong tỉnh trồng nấm linh chi. Hiện nay, trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm cũng đã triển khai việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ dân. Và trong thời gian tới, trạm sẽ hỗ trợ giống để các hộ dân triển khai trồng.  

MC2: Việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc trồng nấm linh chi và nâng cao giá trị sản phẩm từ nấm là việc làm cần thiết, đặc biệt là áp dụng các kỹ thuật cao bao gồm các lĩnh vực: Kỹ thuật ươm tơ, quy trình chăm sóc bịch phôi từ lúc ươm tơ đến lúc cho ra nấm sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, phục vụ nhu cầu xã hội.

MC1: Nắm được những quy trình trên các hộ dân sẽ thực hiện trồng nấm linh chi một cách có hiệu quả, để tạo việc làm và tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Đây cũng là một hướng phát triển kinh tế, cải tạo cuộc sống cho các hộ dân ở những xã vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Trồng nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật và quá trình trồng phải được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Đối với trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đã trồng thành công nấm linh chi và đưa sản phẩm ra được thị trường.

MC2: Vậy việc trồng và chế biến nấm linh chi đã được trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm được triển khai như thế nào? Xung quanh vấn đề này, phóng viên chuyên mục đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Huỳnh-Phó phụ trách trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm thuộc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị. Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe.

1.     Thưa ông, việc trồng nấm linh chi đã được trạm triển khai như thế nào?

2.     Qúa trình triển khai gặp khó khăn gì?

3.     Ông đánh giá những hiệu quả mang lại trong quá trình trồng nấm linh chi mang lại?

4.     Để trồng nấm đạt hiệu quả, ông rút ra những kinh nghiệm gì và có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả trong trồng nấm?

Vâng, xin cám ơn ông

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Trồng nấm linh chi tại trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm là một cách để trồng nấm công nghệ cao. Mục tiêu hướng tới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống nấm dược liệu có công suất 50 tấn giống/năm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo năng suất nấm phù hợp với điều kiện khí hậu ở Quảng Trị để phát triển nghề trồng nấm bền vững.

MC2: Chính vì vậy để nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi, ngoài các yếu tố về kỹ thuật, chất lượng phôi giống, vấn đề đầu ra cho sản phẩm là hết sức quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, ngoài ý thức của người trồng nấm trong việc bảo đảm sản phẩm chất lượng, rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm ổn định.

MC1: Và từ những giải pháp mà trạm nghiên cứu thực nghiệm và phát triển nấm đang hướng đến thì hy vọng sau khi trồng thành công tại trạm, nấm linh chi cũng sẽ được trồng thành công tại các hộ gia đình và mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

MC2: Có thể nói, việc nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi về các xã ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để sản xuất các loại sản phẩm mang giá trị kinh tế cao hơn như linh chi hòa tan, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

MC1: Đây cũng là chủ trương của tỉnh Quảng Trị nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Và cũng không lâu nữa, sản phẩm linh chi do chính tay người dân làm ra sẽ đáp ứng được nhu cầu cho người tiêu dùng, trở thành một thảo dược quý cho mọi người trong sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.

Chào cuối: Chuyên mục khoa học và đời sống tuần này xin được nói lời tạm biệt. Cám ơn quý thính giả nghe đài đã quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 13/04/2018 15:27 Lê Vĩnh Nhiên 14/04/2018 09:30
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà