Chương trình Đến với dân ca và nhạc cổ Việt Nam
Danh mục
Văn hóa và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : PTV: Kính chào QV&CB! Đến hẹn lại lên, chúng ta cùng gặp nhau trong chương trình phát thanh Đến với dân ca nhạc cổ tuần này. Hy vọng thông qua những bài viết mà chúng tôi có dịp chia sẽ trong mỗi số phát sóng của chương trình sẽ giúp cho QV hiểu rõ hơn về những làn điệu dân ca của nhiều vùng miền khác nhau của đất nước. Còn bây giờ chúng ta cùng đến với nội dung của chương trình tuần này.

PTV: Thưa QV&CB!

 Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Vùng trung châu và đồng bằng Bắc bộ là cái nôi của chèo, từ cái nôi ấy sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nghệ thuật chèo ngày càng phát triển và khẳng định được tầm quan trọng trong nền văn hóa dân gian dân tộc. Mở đầu chương trình hôm nay, chúng ta cùn tìm hiểu về: Nghệ thuật hát chèo Việt Nam.  

Trích một đoạn hát chèo Hát chèo là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam với việc sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự trữ tình. Ðặc biệt tính tổng hợp của sân khấu chèo từ bản trò, đến đề tài nhân vật với sự "pha âm cách điệu" giữa âm nhạc, hát và múa. Sân khấu chèo xưa ra đời từ các làng chèo với các múa hội hát. Cứ mỗi độ xuân sang người muôn nơi lại bồi hồi bởi sự thúc giục của trống chèo và những lời ca tiếng hát của nghệ nhân làng chèo. Người xưa có câu "nhất cử động giai điểm vũ" điều đó biểu hiện nét đặc trưng của nghệ thuật chèo là "tính múa", những diễn xuất tinh tế của nghệ nhân chèo đều ở điểm này mà ra. Với đôi bàn tay khéo léo từng cử chỉ, động tác đã toát lên cái "thần" của nhân vật, qua đó thấy được thành công của người diễn. Từ mùa xuân rồi tới mùa thu trong các hội hè đình đám ở khắp vùng đồng bằng Bắc bộ không khi nào thiếu vắng tiếng hát chèo. Cũng chính vì thế mà chèo mang tính quần chúng và được gọi là loại hình sân khấu của hội hè. Công chúng đam mê chèo bởi khi đến với sân khấu chèo có thể tận hưởng niềm vui từ những tiếng cười châm biếm đả kích sắc và tinh tế. 

 Trích hát chèo.

 Trong mỗi vở diễn, mỗi tình tiết, mỗi lớp nhân vật của chèo đều có cái hài xen kẽ với cái bi. Người xưa thường nói "có tích mới nên trò" điều đó khẳng định tích chuyện là linh hồn của vở diễn. Cũng chính vì vậy mà chèo được đánh giá là loại hình sân khấu kịch hát kể chuyện dân tộc. Ðiều này đã làm nên đặc điểm cơ bản của nghệ thuật chèo cổ. Không những thế chèo còn thuộc loại sân khấu ước lệ cách điệu, sự khoa trương- tô phóng có tính chọn lọc đã làm nổi bật hơn những góc cạnh đặc trưng của nghệ thuật chèo- những mảng chèo đặc sắc được ra đời từ nhân tố đó. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, nghệ thuật gắn liền với những nét tương đồng về lối sống của xã hội thời đó. Thời xưa chèo mang đậm dấu vết của những điệu múa dân gian, hàng loạt lễ tiết của phần cúng tế trong các hội làng ở miền bắc Việt Nam. Trong con đường phát triển của nghệ thuật chèo có hình thức tương hợp song song với sự phát triển và sáng tạo. Cá nhân các nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu... đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong bước đường hoàn thiện thể loại kịch hát dân tộc có tính bác học. Chèo hiện đại đã khẳng định được vị thế của mình với những vở diễn và hình tượng con người mới nhờ sự bảo tồn và phát huy truyền thống của nghệ thuật chèo cổ, xứng đáng tiêu biểu cho nghệ thuật sân khấu dân tộc.  Trải qua biết bao thế hệ, đến hôm nay những người con đất Việt - cả những người đang sống trên đất nước Việt Nam và những kiều bào ở xa tổ quốc, luôn coi nghệ thuật chèo là một "viên ngọc long lanh sắc màu" trong kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian dân tộc. 

Trích hát chèo

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! Dân ca là loại hình nghệ thuật có giá trị sâu sắc đối với tâm hồn, tình cảm, cuộc sống con người Việt Nam từ khi còn thơ ấu. Cùng với thời gian, dân ca Bình- Trị- Thiên và dân ca các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô Quảng Trị bao đời nay đã song hành trong đời sống của người dân lao động. Bên cạnh các làn điệu của người Vân Kiều như hát Xiêng, ca lơi cha chấp..thì Oát- xa nớt được xem là làn điệu dân ca có sức sống trường tồn cùng thời gian.

 Oát- xa nớt - làn điệu dân ca độc đáo của người Vân Kiều Quảng Trị. Oát-xa nớt là một lối hát ví von, được xem là làn điệu dân ca tiêu biểu của đồng bào Vân Kiều với giai điệu và cung bậc rõ ràng để bày tỏ tình cảm, tâm sự lỗi lầm, chia sẻ niềm vui, khát vọng chinh phục thiên nhiên giữa những người trong cộng đồng dân tộc với nhau. Oát-xa nớt thể hiện trong các ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, như: Tết cổ truyền, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cưới hỏi… Hòa cùng các làn điệu oát-sa nớt là âm thanh của các nhạc cụ, như: Sáo khui, cập a chung, kèn ca lui…biến đổi theo tâm trạng của người hát. Trước khi hát oát-xa nớt tại các lễ hội, người hát phải xin gia đình, trưởng tộc, trưởng bản, già làng nếu được những người đứng đầu cho phép mới hát. Nhiều bài hát oát-xa nớt được thể hiện không có lời và tùy thuộc vào lễ hội, điều kiện hoàn cảnh đặt ra mà những người hát với tài ứng khẩu thành lời đối đáp. Bởi vậy, không phải ai cũng hát hay được mà chỉ có những người am hiểu, có tài ứng xử, nhanh nhạy mới có thể hát oát-sa nớt hay, có ý nghĩa và có sức thuyết phục. Trong các lễ hội, sau phần cúng bái trang nghiêm, con cháu các dòng họ, bản làng được sum vầy, ăn uống thỏa thích và được múa hát oát-sa nớt. Trước hết, già làng nói về ý nghĩa của ngày hội để tạo thêm sinh khí, sức mạnh, sự cuốn hút với những người hát oát-sa nớt giỏi. Được cho phép, người hát trước sẽ xướng một câu thổ lộ niềm vui trong ngày lễ hội. Những người hát tiếp theo vừa lắng nghe lời, âm điệu câu hát vừa chuẩn bị hát đối đáp biểu hiện sự đồng tình, niềm vui để tạo không khí ngày hội thêm phần nhộn nhịp, sôi động hẳn lên. Những ngày lễ hội trong năm là dịp để người Vân Kiều hát oát-xa nớt với nhau, vui vẻ sau những tháng ngày nhọc nhằn lên nương, rẫy lo toan cái ăn, cái mặc và là dịp để tự hào về lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Với sự phong phú và đa dạng về nội dung nhưng nhìn chung làn điệu Oát-Xà Nớt thường dành cho đôi lứa tìm hiểu nhau cũng như làn điệu Tà Oải trong những đêm Sim. Nếu như làn điệu Tà Oải dễ hát, không đòi hỏi sự luyến láy giọng thì ngược lại hát Oát-Xà Nớt khi cất lên thường được đệm bằng khèn Khui và hát ở dạng đối đáp qua lại giữa người con trai với người con gái. Người con trai hát hỏi ướm lòng người con gái: Từ thuở núi rừng còn hoang vu chưa có bóng người/Tôi chưa gặp được em/Bây giờ gặp được em rồi/Tôi thấy yêu em là muốn cưới em về làm vợ/Sau này sướng khổ có nhau... Người con gái đáp lại: Tôi đã mười năm không gặp anh/Bây giờ tôi gặp anh đây/Tôi ưng cái bụng nên muốn cùng anh xây dựng gia đình”. Có thể nói, oát-Xa nớt là một làn điệu dân ca thể hiện sự thông minh, tài ứng xử nhanh nhạy của con người trong việc mượn cảnh vật, sự việc để nói lên tình cảm, khát vọng yêu thương, chinh phục thiên nhiên trong cuộc sống thường ngày. Nét đặc sắc có tính dân tộc của làn điệu hát oát-sa nớt là góp phần giải quyết những bất hòa trong cộng đồng dân tộc, ca ngợi tình đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng giàu đẹp…Cùng với thời gian, làn điệu dân ca này vẫn được những nghệ nhân Vân Kiều vẫn luôn gìn giữ và lưu truyền cho con cháu hôm nay. 

 Nhạc cắt PTV:

 Quý vị và các bạn đang nhe chương trình phát thanh: Đến với dân ca và nhạc cổ Việt Nam. Thưa QV&CB! Nam Bộ - một vùng đất có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên phong phú, con người Nam Bộ với tính tình cởi mở, nặng nghĩa nhiều tình. Đây là một vùng văn hóa còn giữ được nhiều giá trị truyền thống độc đáo như phong tục, tập quán, văn hóa làng nghề, ẩm thực… trong đó dân ca là một thành tố khá đặc biệt. Hát bội là loại hình sân khấu xuất hiện sớm nhất ở Nam Bộ. Và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi tiếp nhận và thích nghi khá sớm loại hình nghệ thuật này. Phần cuối chương trình mời QV nghe bài viết: Hát bội trong đời sống người dân Nam Bộ.  

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát bội có nguồn gốc từ cung đình, xuất hiện từ thời nhà Lý, do người Trung Hoa đời Tống truyền sang Đại Việt. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng, ví dụ như ngựa chỉ là một cây roi hay cây chổi có buộc nhiều sợi vải màu; tướng soái chỉ huy cả mươi vạn binh, mang sau lưng cờ trận, kỳ hiệu của những đội quân do vị tướng này thống lĩnh. Hát bội là một loại hình sân khấu mang tính “tượng trưng” về: cảnh trí - sân khấu, điệu bộ - ca diễn, và vẽ mặt - y trang. Màu sắc và lối vẽ mặt trong hát bội tượng trưng cho tính khí của nhân vật. Sở dĩ gọi là hát bội bởi “bội” nghĩa là nhiều, hát bội là lối hát có nhiều người đóng vai. Hát bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của những vị anh hùng; đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo lý làm người. Kết thúc của những tuồng hát bao giờ cũng là những kết quả tất yếu, có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, gieo nhân nào hưởng quả ấy…

 Trích hát bội nam Bộ 

   Hát bội ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa diễn khắp nơi, từ thành thị, chợ búa đến chốn nông thôn hẻo lánh. Phần nhiều vào các dịp Tết, lễ hội, vía bà, cúng đình. Đây cũng là dịp vui chơi của dân làng và nam thanh nữ tú. Các lễ hội cúng Thành hoàng, cúng vía bà thường luôn có các đoàn hát bội diễn miễn phí, liên tục nhiều suất trong ngày để phục vụ nhân dân, bá tánh hành hương. Ở những miệt đồng bưng xa, các ghe hát bội vẫn đi tới phục vụ diễn tuồng, đem niềm vui lại cho cư dân ở đó. Ở những nơi này, mỗi khi có hội cúng đình, hoặc lễ Tết, người ta cố mời bằng được một đoàn hát bội về để diễn cho nhân dân thưởng thức và vui xuân. Với sức sống lâu bền, hát bội trở thành nét văn hóa độc đáo của Nam Bộ nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Chú thích duyệt

Nhất trí. thu âm được tiếng hát của người Vân Kiều càng tốt

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 03/11/2016 08:48 Lê Vĩnh Nhiên 03/11/2016 10:09
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà