Đất pt 12/12
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 13/12 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, với mong muốn ghi nhận những đổi thay của một miền sơn cước, An Thái có bút ký sau, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, trong việc nhận diện vùng đất Quảng Trị dưới góc nhìn văn hóa, văn chương của Nguyễn Tuân qua bài viết dưới đây của Hiếu Giang. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct, nhìn nhận về một phần quê hương Quảng Trị, Tam Nguyên có tùy bút sau, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy vị vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                           BÂY GIỜ SƠN CƯỚC...

                                                                                     (Xuân Dũng)

   Bản Ruộng hay còn gọi là thôn Ruộng, Làng Ruộng gần như nằm trọn phía bắc xã Hướng Hiệp. Theo người dân bản địa thì tên gọi Bản Ruộng có từ lâu đời, trước gọi là xã Ruộng. Có điều thú vị ít ai biết địa danh vùng cao này là do cách gọi của người Kinh. Điều này chứng thực một sự thật khách quan là từ xưa nơi đây đã có mối quan hệ mật thiết giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào miền ngược, kể cả với chuyện đặt tên đất, tên làng.

   Mặc dù địa hình đặc trưng vùng cao với núi non vây bọc xung quanh nhưng bản Ruộng đã vượt khó đi lên nên đời sống đã khác trước rất nhiều, điều này đã chứng thực khi nhìn vào đời sống của bà con hơn 180 hộ dân trên vùng cao Hướng Hiệp. Nhưng đổi thay không có nghĩa là xóa nhòa bản sắc núi rừng đã được tạo dựng từ hàng nghìn đời nay.

    Đến thăm nhà già làng Hồ Văn Rui, một ngôi nhà khang trang, vững chải và bề thế nơi miền sơn cước. Vườn nhà ông thuộc loại vườn đẹp, quy hoạch khá bài bản với nhiều loại cây trồng, kể cả cây cảnh đan xen nhau. Mặc dù tuổi cao sức khỏe không còn như xưa nhưng ông vẫn chăm bón mảnh vườn của mình bằng một tình yêu đất đai như là máu thịt. Cuộc đời một người như ông như một cây nhiều tuổi giữa đại ngàn Trường Sơn đã chứng kiến các cuộc chiến tranh gian khổ đầy hy sinh, mất mát cũng như rất nhiều đói khổ và vô vàn buồn vui của một đời người. Nay dù tuổi tác xế chiều vẫn vui thú với bản làng vườn ruộng. Khi rảnh rỗi ông kể chuyện đời, vẫn không quên nhắc nhở cháu con điều hay lẽ phải, không quên nguồn cội của dân tộc

  Đến thăm nhà chị Hồ Thị Lý cũng là một nông dân thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc, đặc biệt là dê, một con vật vốn thích hợp với địa hình vùng cao, cũng là một nhân tố chăn nuôi giúp bà con nhiều nơi xóa đói giảm nghèo. Bà con đã hầu như không còn phá rừng làm rẫy theo kiều du canh du cư, tạm bợ qua ngày mà đã chú tâm vào chăn nuôi và trồng trọt, trước hết là ngay trong vườn nhà mình thay  sinh kế  và tập quán canh tác lạc hậu để tiếp thu những tiến bộ của nông nghiệp văn minh, nhằm cải thiện đời sống của chính bản thân mình. Nói thì dễ nhưng đó quả thực là một quá trình gian khổ khéo dài để thay đổi nhận thức, từ đó mà thay đổi hành động. Lên với bản Ruộng chứng kiến những cảnh chăn nuôi dê hay gà, ngan để tăng dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình, đồng thời đó là thương phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu sinh nhai hàng ngày của bà con, những chi tiêu sinh hoạt thường nhật của mỗi mái nhà trong mỗi sáng đến chiều về. Đến đây nhìn những cảnh tượng này sẽ cảm nhận phần nào những chuyển biến của mảnh đất này.

   Ở phía gần đường nhựa, bà con không chỉ chăn nuôi đại gia súc như bò theo lối có chuồng trại với nguồn cỏ tự trồng để tránh việc vật nuôi phá hại cây trồng,  rồi ngươì dân trồng trọt trong vườn như những gia đình dưới miền xuôi, có nhà còn buôn bán tạo nên một sự đa dạng trong làm ăn và đương nhiên từ đó tăng thu nhập rõ rệt vì bà con năng động, biết tận dụng triệt để lợi thế cụ thể của mỗi nhà để không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

   Người bản Ruộng còn tận dụng thế mạnh vùng cao trồng rừng. Đây là biện pháp tối ưu phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo môi trường một cách bền vững và làm cho cuộc sống ngày càng ấm no, khá giả. Khi người dân biết cách gắn bó với rừng, biết nhận thức thay đổi đời sống bằng cách trồng rừng thì đó cũng là bước tiến của những bản làng vùng cao như bản Ruộng. Những đổi mới trong cách nghĩ, nghĩ cách làm là một minh chứng khá rõ nét khi những ai đên với vùng đất này để mắt thấy tai nghe.

   Đi trên đường thôn hôm nay sẽ thấy những thay đổi về nhà cửa của bà con khi cuộc sống nhiều người đã đủ ăn đủ mặc, có tích lũy phần nào, những thay đổi cơ bản về hạ tầng cơ sở, trong đó đáng ghi nhận những gia đình đã hiến đất làm giao thông nông thôn, hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cái chung, phục vụ cộng đồng. Những công trình như thế sẽ làm nền tảng cho những đổi thay về kinh tế, xã hội, giáo dục và văn hóa ở những địa bàn còn không ít khó khăn. Từ đó mở ra những chân trời mới.

Anh Hồ Văn Hải, trưởng thôn bản Ruộng, xã Hướng Hiệp tâm sự rằng muốn bản làng phát triển, bà con làm theo thì cán bộ cơ sở nhất thiết phải làm gương. Anh Hồ Văn Hải nói (băng)

 

   Cần nhắc lại rằng xã Hướng Hiệp là một trong hai xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Đakrông đang từng bước chuyển mình để biến cải những hình ảnh nghèo nàn, lạc hậu vốn đeo đẳng người dân miền núi bao đời, nhường bước cho những hình ảnh sáng sủa, ấm no,  văn minh và tiến bộ. Tất cả những bước tiến này bên cạnh sự đầu tư có hiệu quả của nhà nước là tinh thần tự giác, vượt khó đi lên của bà con, là sự vận động tích cực của hệ thống chính trị cơ sở. Và cũng từ đây tương lai mở rộng với bản làng.

   Hình ảnh sau cùng mà chúng tôi đã ghi nhận và muốn gởi gắm là mái trường vùng cao nơi đang nuôi dạy những mầm non miền tây Quảng Trị. Bởi tương lai chỉ có thể ngày càng tốt đẹp nếu như con người được mở mang, khai sáng. Hơn thế đây là những chủ nhân tương lai của dọc dài sơn cước. Các em được nuôi dạy tốt sẽ trở thành những công dân tốt, những con người thực sự có ích cho chính bản thân, cộng đồng và nói rộng ra là với quê hương đất nước. Chúng ta cùng hy vọng và mong mỏi vào một ngày mai tốt đẹp hơn nữa khi nhìn vào cuộc sống hôm nay. Và đó là những gì mà bản Ruộng xa xôi đã gần gụi lại với sự trong trẻo, tinh khôi từ những lớp học dưới những mái trường đã miệt mài gieo trồng sự tin yêu vào một ngày nắng ấm.

   

 

                      QUẢNG TRỊ QUA TRANG VIẾT NGUYỄN TUÂN.

                                                                                     (Xuân Dũng)

  Sau Hà Nội và Tây Bắc thì Quảng Trị là vùng đất thu hút nhiều tâm can và bút lực của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông có đến mười bài ký về Quảng Trị, trong đó có nhiều trang đau đáu về cầu Hiền Lương và sông Bến Hải trong thời gian nước non chia cắt.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn thèm đi như thèm sống này đã xê dịch trong Nam ngoài Bắc và mặc dù chỉ đi qua nhưng cầu Hiền Lương, Quảng Trị vẫn gieo vào lòng ông những ấn tượng khó quên: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng bào tôi, tôi có cái vinh dự được qua cầu Hiền Lương... Tôi đi bằng tàu hỏa, tôi đi bằng tàu biển, tôi đi bằng ôtô hàng...”.

Nhưng khi hòa bình lập lại thì bước chân nhà văn đã khựng lại trước chiếc cầu giới tuyến. Ông quặn thắt ruột gan khi không vào được miền Nam, được thăm lại non sông liền một dải.

Ông uất nghẹn nỗi đau chia cắt nên thốt lên rằng cầu Hiền Lương là “cầu ma”. Vì sao thế? Bởi vì cầu sinh ra là để giao thương, để mọi người qua lại nhưng lúc ấy cầu Hiền Lương lại phải đặt trên vai mình gánh nặng lịch sử, lại bị xô đẩy làm giới tuyến phân đôi không thể qua về.

Và một chiếc cầu mà không thể đi lại, qua về một cách bình thường như ngàn vạn chiếc cầu khác thì chỉ thể gọi là “cầu ma“ mà thôi. Trong bài ký này, ông đã gọi lên không chỉ một lần về “cầu ma”, “cầu giả vờ”, “tuyệt không có bóng bộ hành qua lại”.

Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị chia làm hai màu ngăn cách khiến nhà văn cảm thán “trông cũng đã khỉ lắm rồi!”.

Cũng thật thú vị và hi hữu khi các tài liệu lịch sử viết về cầu Hiền Lương đều có tham khảo ký Nguyễn Tuân, nhất là đoạn nói về những tấm ván trên cầu. Nhà văn kỹ tính và kỳ khu đã tỉ mẩn đếm từng tấm ván lót cầu Hiền Lương để rồi mô tả: “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm...” (Cầu ma).

Trong bài ký Cắm cột mốc giới tuyến, Nguyễn Tuân đã xót xa trước số phận oan ức, đau buồn của dòng sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương.

Ông gọi đó là “dòng sông không có đủ hai bờ”, là “sông tuyến” khi oằn mình gánh những oan khiên lịch sử.

Để rồi khi có hiệp định Paris năm 1973, ông mới vào phía nam sông Bến Hải chứng kiến cảnh hoang tàn của một chiến địa trên quê hương “Bà mẹ Gio Linh”. Trước mặt ông hiện ra cảnh “Quán Ngang chiến sự và vụn gãy chiến cụ nóng bỏng, thấy cả một vùng đất ruộng Gio Linh nhất đẳng điền này đã trở nên những trảng cỏ tranh cỏ lác điểm điểm đều đều những giếng ao bom”.

Và đó là quang cảnh hòa bình khi chiến tranh mới vừa ngưng tiếng súng mở ra một chân trời mới trên quê hương Quảng Trị.

 

 

 

 

Tùy bút:

                    CHUYỆN MỘT NGÔI LÀNG GỒM 3 KHU PHỐ.

                                                                                (Xuân Dũng)    

  Làng Đại Độ bây giờ bao gồm 3 khu phố 7, 8 và 10 thuộc phường Đông Giang là một vùng quê nằm dọc theo đoạn cuối cùng của dòng sông Hiếu, nơi ngã ba Gia Độ. Một làng quê hiền hòa,dân cư thuần phác, phong thủy hữu tình, dòng nước uốn lượn bao quanh làng làm nên một dáng vẻ thi vị, độc đáo mà ít nơi có được. Đó là ngôi làng đi xa thì nhớ, ở gần thì thương, nơi có khoảng 200 hộ dân gắn bó với cội nguồn Quảng Trị. Tiếng là đô thị hóa nhưng làng quê này vẫn giữ được nhiều bản sắc chân quê từ phong cảnh cho đến nết ăn nết ở.


Một buổi sáng yên bình , các bậc hào lão thường ra đình làng Đại Độ để cùng bàn chuyện xóm làng, cùng chia sẻ tình cảm của lứa tuổi đứng bóng xế chiều. Những câu chuyện về truyền thống của làng lại được gợi nhắc và được mọi người chăm chú lắng nghe. Ai cũng như thấy bóng dáng tổ tiên hiện về trong sớm mai này qua lời kể của những người đang sống hôm nay. Qúa khứ dường như vẫn đồng hành với hiện tại. Ông Dương Tú Anh, làng Đại Độ, phường Đông Giang, Đông Hà, QT cho biết, làng có từ trước thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam trấn nhậm năm 1558, cư dân chủ yếu từ Thanh Hóa, Nghệ An. Trải qua biết mấy thăng trầm, làng Đại Độ có diện mạo như hôm nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, làng có nhiều đóng góp vào chiến công vang dội “Trận Bạch Đằng trên sông Hiếu” tháng 2/1968.

Rồi khói hương được thành kính thắp lên, được những con dân cao niên của làng Đại Độ chiêm bái trước tiền nhân. Những vị tiền khai khẩn, những vị hậu khai canh, vị thành hoàng có công với làng với nước được hậu thế hôm nay tri ân và ngưỡng vọng. Qua nhiều thế sự đổi thay, qua nhiều chiến chinh loạn lạc, làng quê này vẫn trường tồn bền vững như chính tấm lòng của người dân Đại Độ. Những làng quê như thế sẽ trường cửu dài lâu như chính đất đai, sông nước đã tạo dựng nên gương mặt của một vùng quê nằm cuối hạ lưu sông Hiếu.

Làng Đại Độ trước hết là một làng nông nghiệp, dù nay đã thành phố, thành phường có nhiều đổi thay thì gương mặt làng quê gắn bó với người nhà nông vẫn còn nguyên nếp cũ. Hình ảnh con trâu hiền lành trên con đường làng đã quen thuộc bao đời nay với nông dân khiến mọi người, nhất là những ai xa quê không khỏi nhớ về nơi đồng quê mái rạ. Khi chúng tôi về đây thì những chân ruộng của làng đã gặt xong một mùa vàng no ấm, để lại một không gian cho những đàn vịt bơi lội, đàn cò tung cánh trên những cánh đồng vừa qua một vụ mùa thu hoạch. Người Đại Độ ngoài trồng lúa còn làm tôm với những hồ tôm ở ngã ba Gia Độ. Nhìn cảnh trời nước với chăn nuôi thủy sản xen lẫn bầy trâu béo tròn trong nắng sớm lại càng yên lòng với với những thành quả của người quê một nắng hai sương. Trong buổi nông nhàn, người Đại Độ không đi làm thêm ngành nghề, địch vụ thì cũng chẳng ngơi tay, lại bỏ công chăm bón vườn tược để tăng gia thêm rau màu,vừa góp phần cho bữa ăn gia đình vừa tăng thêm thu nhập cho kinh tế hộ gia đình. Những tấm lòng thiết tha với đất, những bàn tay chăm chỉ với ruộng đồng chắc chắn sẽ giúp cho bà con ngày thêm no ấm, giúp cho làng xóm ngày một rạng rỡ, thành bình. Ông Hoàng Trung Thi, Trưởng khu phố 7, phường Đông Giang vui mừng cho biết, năm nay làng Đại Độ được mùa lớn, ngoài ra bà con làm thợ nề, ngành nghề dịch vụ nên đời sống của nhân dân ngày càng ổn định.

Cũng chính làng quê ngày mỗi đổi thay nên mới có thêm điều kiện và quyết tâm đầu tư cho tương lai dài lâu, tạo thành một nét đẹp làng quê hôm nay.
Các thiết chế văn hóa của  khu phố thuộc làng đã được xây dựng khang trang, phục vụ cho mục đích của nhân dân địa phương, tạo nên những kết quả trong quá trình hoạt động của bà con. Làng quê Đại Độ khoe mình trong nắng sớm bên con đường ven sông, những lối đi ngang dọc của làng quê ven đô. Quang cảnh Đại Độ bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, những ngôi nhà bên hàng cau, hàng dừa đã tô điểm cho một vùng quê có truyền thống hàng trăm năm tuổi. Những câu chuyện tâm tình bên chén nước sẽ hiểu rõ hơn những thay đổi đáng mừng trong cuộc sống hôm nay. Và đi dạo một vòng  quanh làng quê sông nước trong ánh nắng ban mai sẽ cảm nhận đầy đủ hơn những sắc màu cổ truyền và mới mẻ của một ngôi làng ở ngã ba sông.
 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 10/12/2019 11:29 Nguyễn Việt Hà 13/01/2020 08:37

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà