Chương trình phát thanh văn nghệ tết dương lịch 1/1/2020 PXD
Danh mục
Chương trình phát thanh tổng hợp
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct văn nghệ tổng hợp tết dương lịch 1/1/2020 (Pv Xuân Dũng thực hiện) -Thưa quý vị và các bạn! Xin gởi đến quý thính giả đài PTTH Quảng Trị lời chào năm mới 2020 sức khỏe và hạnh phúc. Trong ct văn nghệ tổng hợp đặc biệt mừng năm mới có các nội dung sau: mở đầu là tùy bút " Miền hy vọng", tiếp đó là bài viết về nhà thơ lớn Tố Hữu với một địa danh đặc biệt của Quảng Trị, bài viết về một tiểu thuyết tình báo từng gây xôn xao dư luận của nhà văn Quảng Trị với nhiều thông tin mới và thú vị. Cuối cùng mục tiếng thơ với một sáng tác nổi tiếng của một nhà thơ lớn. Bây giờ là nội dung chi tiết. -Qúy thính giả thân mến! Hải Lăng-Quảng Trị là miền quê gian khó nổi tiếng nhưng cũng là mảnh đất yêu thương với nhiều cảm xúc sâu xa. Đó cũng là nội dung tùy bút "Miền hy vọng" của An Thái như một lời chào và dự cảm về một năm mới tốt lành. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Thưa quý thính giả! Năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ lớn cách mạng Tố Hữu, một thi sĩ mà hầu như ai cũng biết. Nhưng có một địa danh Quảng Trị đã trở thành cảm hứng khá đặc biệt trong thơ Tố Hữu còn ít người biết đến, đó là Lao Bảo. Bài viết sau của Hiếu Giang "Tố Hữu với nhà tù Lao Bảo" sẽ chuyển tải nhiều nội dung mang ý nghĩa cách mạng và nhân văn . Mời quý vị cùng theo dõi. -Tiếp nối ct là tái hiện một câu chuyện điệp báo lừng lẫy của tình báo Việt Minh qua tiểu thuyết hai tập" Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, một người con của quê hương Quảng Trị. Câu chuyện này đã được chuyển thể thành phim "Chiến hạm nổ tung". Chúng ta cùng theo dõi bài viết sau với nhiều tình tiết hấp dẫn, thú vị của Tam Nguyên. -Phần cuối ct là tiết mục tiếng thơ. Thưa quý thính giả! Nhân năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ lớn Chế Lan Viên, người đã được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, một người con của quê hương Quảng Trị và cũng nhân dịp mừng Đảng, mừng xuân, chúng ta cùng thưởng thức bài thơ nổi tiếng "Người đi tìm hình của nước" qua sự thể hiện của nghệ sĩ Thúy Ái và tiếng sáo của nghệ sĩ Minh Dự . -Quý thính giả thân mến! Chúng ta vừa theo dõi ct văn nghệ tổng hợp chào đón năm mới 2020. Ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của ...MộtlLần nữa xin kính chúc quý vị và các bạn năm mới vạn hạnh và thành công. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý thính giả trong những ct sau của Đài PTTH Quảng Trị

Tùy bút:

             MIỀN HY VỌNG.

                                                                  ( Xuân Dũng)

   Theo thần thoại Hy Lạp vì không nghe lời thần Dớt (Zeus), vị thần chúa tể của muôn loài  nên nàng Pandora xinh đẹp đã mở chiếc hộp kỳ bí, khiến nhiều thứ tai ương bay ra như dịch bệnh, mất mùa...làm khổ nhân gian. May mà trong chiếc hộp còn lại một niềm hy vọng mang tên nàng.

   Liên tưởng xa xôi một chút mới hay ở ngay Quảng Trị có vùng đất Hải Lăng có thể mệnh danh là "Miền hy vọng". Đất này xưa nay nổi tiếng với "Bài ca con gà Kẻ Diên" sau bao mất mát tận cùng vẫn kết bằng hai câu bất hủ: "Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".

   Thảm sát trong chiến tranh là một đại họa với làng quê và nhiều nơi phải gánh chịu nhưng như làng biển Mỹ Thủy của xã Hải An thì cũng quá sức tưởng tượng của con người. 526 thường dân đã phải bỏ mình khi giặc Pháp điên cuồng giết hại dân lành. Đến nỗi nhà thơ Quảng Trị là Dương Tường đã xúc động tâm can, viết nên bài thơ "Tiếng cây dương Mỹ Thủy". Lời thơ bi thiết, oán hờn : " Ta, cây dương Mỹ Thủy/Kể lể thù năm xưa/Lời thấm vào xương tủy/ Vang ngân dài muôn thu...Muôn đời sau dằng dặc/Có khuây hận thù xưa/Ta gửi trời vi vút/ Thương xót đến bao giờ"...Nhưng chính mảnh đất này bằng niềm hy vọng vẫn hồi sinh từ trong tang tóc và chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do. Cho nên sau này mới sinh hạ những người con rất đỗi bình thường mà anh dũng vô song như nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, tấm gương vẫn sáng trong sử sách.

   Thời kháng chiến chống Mỹ, giữa muôn trùng gian nguy, nước Việt vẫn cử sứ giả thông minh, mẫn tiệp như nhà thơ Chế Lan Viên ra nước ngoài dự hội nghị các nhà văn quốc tế. Khi đăng đàn đọc tham luận, nhà thơ lớn của chúng ta đã dõng dạc nói với bạn bè năm châu rằng, Việt Nam nhất định sẽ vượt qua chiến tranh, thử thách để có được chiến thắng cuối cùng, bởi vì một dân tộc có được những câu ca về con gà Kẻ Diên (Hải Lăng-Quảng Trị) thì không bao giờ đánh mất niềm tin và hy vọng, nên nhất định sẽ thành công. Ông còn ví con gà Kẻ Diên với con phượng hoàng lửa nổi tiếng và phổ biến vì sự bất tử trong truyền thuyết nhiều nước phương Tây.

   Khi chiến tranh đi qua,  Hải Lăng cũng như nhiều vùng quê khác chịu hậu quả nặng nề của bom mìn còn sót lại dù binh lửa đã lùi xa. Nhiều cái chết thương tâm, nhiều nỗi đau tàn phế tưởng chừng không gượng dậy nổi. Nhưng rồi nhiều người đã vượt lên số phận, trong đó có ông Phạm Qúy Thí ở xã Hải Thọ cũng thuộc đất Kẻ Diên ngày trước. Bị mất một tay sau tai nạn bom mìn chết đi sống lại nhưng ông đã đứng lên bằng niềm hy vọng và ý chí kiên cường của một nông dân vùng lúa Hải Lăng đích thực. Không chỉ sống đàng hoàng bằng nghề làm ruộng dù thân thể không còn nguyên vẹn, ông còn động viên những người cùng cảnh ngộ vượt qua khổ đau, mặc cảm để quyết đứng dậy làm người. Và hơn thế, ông được chọn tham gia vào một tổ chức thiện nguyện quốc tế, tuyên truyền về phòng chống bom mìn và hậu quả chiến tranh. "Đại sứ một tay" Phạm Qúy Thí đã được cử đi đến hơn ba mươi nước để thực thi sứ mệnh hòa bình, gặp và làm việc với nhiều quan chức, kể cả nguyên thủ quốc gia. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nạn nhân bom mìn, truyền những thông điệp nhân văn và thiết thực cho cả những người giàu sang và lành lặn. Ông cũng là sứ giả chân đất của niềm tin và hy vọng.

   Và bây giờ vùng kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đã mở ra nhiều cơ hội vàng cho quê hương Hải Lăng, mở ra những viễn cảnh đổi đời cho rất nhiều số phận, dự phóng một vị lai thêm no ấm, yên bình.  Những người dân ở đây xứng đáng được như thế, bởi họ đã sống và tận hiến hết mình để có thể tạo nên danh xưng : Hải Lăng-miền hy vọng.

  

 

 

        NHÀ THƠ TỐ HỮU VỚI ĐỊA DANH LAO BẢO.

                                                                            ( Xuân Dũng)

   Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

   Nhưng tại sao lại là Lao Bảo mà không phải là địa danh khác gợi lên phong cảnh xinh đẹp hay trữ tình  trên đất Quảng Trị ?

   Có lẽ trong tâm tưởng của một người yêu nước, sớm bước chân vào con đường cách mạng thì những tên gọi như Lao Bảo có một ấn tượng lớn. Không chỉ vì thời ấy, đây là một địa chỉ khét tiếng rừng thiêng nước độc mà còn giam giữ nhiều "quốc sự phạm" cả người Việt lẫn người Lào. Mà Tố Hữu bằng linh cảm và thực tế đã viết nên một khẳng định bằng thơ trong bài "Trăng trối" : " Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa". Nên vào tháng 6 năm 1938, khi mới tròn 18 tuổi, trong một chuyến đi qua Lào trên QL.9, nhà thơ đã cảm tác mà viết nên bài thơ mang tên chính là địa danh "Lao Bảo". Nhân đây cũng xin đính chính lại thông tin mà một số bài báo đã nêu không chính xác, rằng Tố Hữu vì đi tù Lao Bảo nên mới sáng tác nên bài thơ cùng tên, vì nói vậy là không đúng thực tế.

   Bài thơ là sự mô tả một Đường 9, một Lao Bảo thật heo hút và dữ dội:

Đèo cao vút vươn mình trong lau xám
Đá uy nghiêm trầm mặc dưới trời tro
Gió nói gì với rừng sâu u ám
Đường sao run, tê tái cả hồn thơ!

Xe dừng lại! Tường ai xây tháp núi ?
Một thành trì đổ nát những ngày xưa
Của một giống dân vùi trong máu bụi
Nay điêu tàn, khối đá đứng chơ vơ ?

  Có chút gì rùng rợn, hoang liêu, thậm chí kinh dị như Chế Lan Viên khi viết "Điêu tàn". Một khung cảnh cô đơn, ai oán như muốn vây bủa con người:

 Là Lao Bảo, chốn này đây, Lao Bảo
Tên đun sôi sùng sục tuỷ xương tàn
Là nơi đây, nấm mồ bao khối não
Là nơi đây, huyết ứ dưới lời than!

Là nơi đây, pháp trường thân chiến sĩ
Nát bầm da quằn quại là nơi đây
Roi đế quốc, báng súng trường quất xé
Thịt hy sinh của những kiếp đi đầy!

   Những câu thơ xé lòng như là lời ai điếu bi hùng những con người quả cảm đã vị nghĩa vong thân, quên mình nơi ngục thất dù lúc ấy Tố Hữu chưa một ngày lâm vòng lao lý. Nhưng kết thúc bài thơ vẫn hào sảng, lạc quan như là sợ dây xuyên suốt nghiệp thơ Tố Hữu.

  Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu
Cho da tôi dày dạn với ngày mai
Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu
Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai!

   Khi dấn thân trên con đường đấu tranh cách mạng, việc chịu tù đày là điều khó tránh khỏi và Tố Hữu cũng không là ngoại lệ. Và Tố Hữu gặp lại Lao Bảo. Chỉ điều Lao Bảo không còn hiện lên trong mắt của một người khách qua đường của hai năm trước, cho dù là nhà thơ, mà qua trải nghiệm của người tù mang tên Nguyễn Kim Thành. Lao Bảo cũng như nhiều nhà tù khét tiếng của đến quốc, đều là địa ngục trần gian. Sau này chính Tố Hữu đã nhận xét về chế độ nhà tù :  "Cùng với Sơn La, Buôn Mê Thuật, Côn Đảo, nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng núi heo hút, đầy muỗi sốt rét ác tính, ở miền Tây Quảng Trị, thực tế đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất. Song với tinh thần "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng" nhà tù Lao Bảo đã trở thành nơi nung nấu lòng yêu nước thiết tha, rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ cộng sản".

 Chính vì vậy mà Tố Hữu cùng các đồng chí của mình phải đấu tranh bằng cách tuyệt thực để phản đối chế độ tù đày hà khắc, man rợ. Bọn chúa ngục bày trò nấu cơm nóng với thức ăn bình dân nhưng là rất ngon với những người tù để dụ dỗ họ ăn mà bỏ quên tranh đấu. Cũng là một thử thách không dễ vượt qua giữa thời tiết lạnh lẽo và những người tù đã nhịn đói dài ngày. Bài thơ "Con cá và chột nưa" ra đời trong hoàn cảnh đó, cuối bài thơ tác giả ghi rõ: "Lao Bảo-trong những ngày tuyệt thực tháng 11/1940".

   Năm sáu ngày mệt xỉu
Thuốc làm khuây mấy điếu
Vài ba hớp nước trong
Suy nghĩ chuyện bao đồng
Vẫn không ngoài chuyện đói.

  Đang lúc như vậy mà cảnh tượng hấp dẫn lại bày ngay trước mắt:

   Đầu sân, canh bốc khói
Chén cá nức mùi thơm
Lên hoạ với mùi cơm
Sao mà như cám dỗ!
Muốn ngủ mà không ngủ
Cái bụng cứ nằn nì:
“Ăn đi thôi, ăn đi”
Chết làm chi cho khổ!”

  Tôi và "Cái Bụng" đối đáp nhau chính là cuộc đấu tranh nội tâm trước cám dỗ của một bữa ăn, cũng là mồi nhử của kẻ thù. Nếu cầm lòng không đậu, chỉ một cái tặc lưỡi là xong, cuộc đấu tranh không thể nào thắng lợi và mọi chuyện của chế độ nhà tù vẫn như cũ. Phải kiên quyết vượt qua cám dỗ. Nhưng để theo đuổi chuyện này phải đâu đơn giản...

   Nghe hắn thầm quyến rũ
Tôi đỏ mặt bừng tai:
“Im đi cái giọng mày
Tao thà cam chịu chết!”
Hắn nằm im đỡ mệt
Rồi tha thiết van lơn:
“Đời mới hai mươi xuân
Chết làm chi cho khổ!”
Hắn nói to nói nhỏ
Kể lể chuyện đê hèn
Tôi vẫn cứ nằm yên

   Cuộc chiến nội tâm âm thầm nhưng khốc liệt, vì đó là cuộc chiến tự vượt lên chính mình. Mà người xưa chẳng đã tổng kết: "Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng", nghĩa là: tự biết mình là thông minh, tự thắng được mình là anh hùng. Một định nghĩa anh hùng độc đáo.

   Cuộc chiến tiếp tục với những ve vãn bất ngờ, hay chính là nội tâm người tù vào những phút giây dao động.

   Hắn liền thay chiến thuật:
“Thôi thì thôi: cứ vật
Nhưng phải ráng cầm hơi
Theo với bạn với đời
Cho đến ngày kết qủa.
Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết ai ngờ?
Thế vẫn tròn danh dự
Không can chi mà sợ
Có hôi miệng hôi mồm
Còn có nước khi hôm
Uống vô là sạch hết!”
Lần này tôi thú thiệt:
Lời hắn cũng hay hay
Lý sự cũng đủ đầy
Nghe ra chừng phải quá!
Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết, ai ngờ
Thế vẫn tròn danh dự

   Vào giờ phút gay cấn nhất, chỉ sơ ý, mềm lòng là tuột dốc. Nhưng không...

   Nhưng mà tôi lưỡng lự
Suy nghĩ rồi lắc đầu
Đành không ai biết đâu
Vẫn không làm thế được!
Từ khi chân dấn bước
Trên con đường đấu tranh
Tôi sẵn có trong mình
Đôi mắt thần: chủ nghĩa.
Đã đứng trong đoàn thể
Bềnh vực lợi quyền chung
Sống chết có nhau cùng
Không được xa hàng ngũ
Không thể gì quyến rũ
Mua bán được lương tâm
Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí
Phải giữ gìn tỉ mỉ
Như tròng mắt con ngươi
Đến cạn máu tàn hơi
Không xa rời kỉ luật
Phải trải lòng chân thật
Không một nét quanh co
Không một bóng lờ mờ
Không một nhăn ám muội!
Bụng nghe chừng biết tội
Từ đó hết nằn nì
Không dám thở than chi
Và tôi cười đắc thắng.

   Người tù yêu nước, người chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng. Một cuộc đấu tranh nội tâm bên trong thật ác liệt, không hề có tiếng súng nhưng rất dễ thương vong.

   Nói kỹ về bài thơ này cũng bởi lẽ ngày nay căn bệnh tự diễn biến, tự chuyển hóa có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân cơ bản nhất chính là lòng tham. Vì quá ham muốn vật chất, tiền bạc, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu  lòng tự trọng và xem thường danh dự nên nhiều cán bộ, ngay cả những người giữ chức vụ cao cấp đã tha hóa tệ hại. Đó cũng những bài học mà "Con cá và chột nưa" đã cảnh báo một cách cụ thể, chi tiết và mộc mạc ngay từ buổi đầu của cách mạng. Bởi vậy cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã từng nhắc nhở: một tấm gương sống giá trị hơn nhiều bài diễn văn tuyên truyền. Chừng nào mà cán bộ cách mạng biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, biết sống nêu gương thì mọi người hoan hỉ tin tưởng nghe theo, ý Đảng chắc chắn sẽ gặp lòng dân, nhất hô bá ứng, việc dù khó mấy cũng sẽ thành.

   Lao Bảo ngày xưa với Tố Hữu chỉ là hình ảnh ngục tù, nhưng đó cũng là trường học cách mạng thật sự quan trọng để hun đúc phẩm giá làm người, đặng sau này thật lòng phụng sự  nhân dân và Tổ quốc.

  

 

 

       ĐIỆP VỤ NGOẠN MỤC ĐI VÀO TIỂU THUYẾT VÀ PHIM TRUYỆN.

                                                                          ( Xuân Dũng)

  

  NHỬ CÁ CẮN CÂU.

  Từ sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947 cho đến năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vào hồi ác liệt thì chính quyền thực dân mong muốn tìm kiếm và lôi kéo những người được cho là có khuynh hướng quốc gia không cộng sản trong hàng ngũ Việt Minh. Hy vọng sẽ chiêu hàng những kẻ kiểu như Bảy Viễn ở Nam Bộ, Phòng Nhì-cơ quan tình báo Pháp săn tìm một đối tác như thế để có thể nội công ngoại kích Việt Minh, nhằm chiếm thế thượng phong hòng sớm kết thúc một cuộc chiến hao người tốn của. Địch đặc biệt chú ý đến vùng tự do khu 4, trong đó có Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh-một hậu phương quan trọng của cuộc kháng chiến. Biết được ý đồ của đối phương, tương kế tựu kế, tình báo Việt Minh dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tạo (lúc này mang tên Trần Châu Phong), trưởng ty điệp báo-Nha Công an Trung ương đã có một kế hoạch ngoạn mục nhử cá cắn câu. Điểm táo bạo và cao tay nhất chính là đưa một người đang làm trưởng ty Công an Thanh Hóa lúc bấy giờ đưa vào lòng địch, ấy là nhân vật Hoàng Đạo. Tất cả các tình tiết đều công khai,  chỉ giấu đi một chi tiết duy nhất rất hệ trọng: người này là một đảng viên cộng sản.

   Tổ điệp báo A.13 ra đời với sự tham gia của Hoàng Đạo-bí số A.13, Kim Sơn- bí số A.14, Chu Văn Kính-bí số A.15 và về sau có thêm một nữ điệp viên tên là Nguyễn Thị Lợi-bí số A.16. Một cuộc đấu trí gay cấn bắt đầu giữa cơ quan tình báo non trẻ của Việt Minh với những viên quan  thực dân cai trị  cáo già, dày dạn kinh nghiệm như Cutxo-cố vấn quốc trưởng Bảo Đại, chỉ huy mật vụ sừng sỏ như Duypra của Phòng Nhì Pháp hay tướng lĩnh như Alexandri-tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ. Lúc này Pháp đã đưa ra "giải pháp Bảo Đại " nhằm có một quân bài tập hợp lực lượng thân Pháp chống Việt Minh.

    Kim Sơn với tài diễn kịch xuất sắc từng được ông Nguyễn Tạo ngợi khen lại vào vai một quân nhân kháng chiến có vẻ bất mãn vì thích sống ngang tàng, tài tử, hiện đang tìm đường móc nối cho một đại đội trưởng Việt Minh đang muốn  "về thành". Chính ông Nguyễn Tạo về sau đã đưa Kim Sơn vào tổ điệp báo A13 thực hiện một nhiệm vụ tình báo táo bạo. Nhưng chuyện đời không ai học được chữ ngờ. Khi công việc khởi sự có vẻ hanh thông thì đùng một cái, Kim Sơn khi vào lại chiến khu trong vai trò của một con thoi lại bị bắt vì tội buôn lậu. Anh mang mấy thứ hàng Pháp tặng vào vùng kháng chiến vậy là xảy ra sự cố bất ngờ. Biết tin tình báo Pháp đã tìm đủ mọi cách để cứu liên lạc viên quan trọng trong kế hoạch được cho là ngoạn mục của lực lượng viễn chinh. Kể cả việc dùng một số tiền lớn để "hối lộ" giải thoát cho Kim Sơn. Sau vụ việc này Kim Sơn vẫn được địch tin dùng. Đến lúc này nhân vật số một của vở kịch mới chính thức xuất hiện, đó là Hoàng Đạo trong danh nghĩa đảng trưởng đảng "ma" Phục Việt tại địa bàn rừng núi Thanh Hóa. Đối phương như con bạc khát nước càng muốn nhanh chóng lôi kéo được lực lượng ly khai để giáng cho Việt Minh một đòn bất ngờ thất điên bát đảo.

  Với khả năng tình báo gần như bẩm sinh  của Kim Sơn và  tài hùng biện của Hoàng Đạo đã làm cho một viên tướng kiêu ngạo như Alexandri phải nể vì lắng nghe "hiến kế" và quốc trưởng Bảo Đại cũng mong muốn họ dốc lòng  phò tá. Để tỏ rõ sự trọng vọng, Bảo Đại phong cho Hoàng Đạo làm quốc vụ khanh (kiểu như bộ trưởng không bộ) và Kim Sơn làm đại úy ngự lâm quân tháp tùng Hoàng Đạo. Hai điệp viên Việt Minh Bằng tài năng, mưu trí và lòng quả cảm đã "song kiếm hợp bích" qua mặt được những nhân vật chính trị, quân sự và tình báo sừng sỏ của Pháp.

   Đúng lúc này tình báo Việt Minh nhận được lệnh vở kịch đến lúc hạ màn.

TIẾNG NỔ NGOÀI KHƠI.

   Alexandri và Duypra muốn cột chặt Hoàng Đạo nên hẹn tổ chức đón tiếp ông và "vợ" trên chiến hạm, sau đó đưa "vợ" Hoàng Đạo về Hà Nội, cũng một cách giữ con tin để quốc vụ khanh phải một lòng nghe theo người Pháp. Đây cũng lại là một âm mưu của cơ quan tình báo Phòng Nhì Pháp.

   Muốn hoàn thành nhiệm vụ cần phải có một người quyết tử. Điệp viên này phải là người tuyệt đối trung thành với kháng chiến, mưu trí và gan góc cho đến giây phút cuối cùng. Sau nhiều lần đắn đo, chọn lựa Hoàng Đạo đã tìm thấy một người thích hợp.

   Y hẹn, ngày 27/9/1950 Pháp cho thông báo hạm Amiot D'Invlle,chiến hạm lớn nhất của quân đội viễn chinh ở Đông Dương đón vợ chồng quốc vụ khanh.Chị Nguyễn Thị Lợi, tức A16-một phụ nữ Nam Bộ yêu nước đóng vai phu nhân quốc vụ khanh đàng hoàng ra mắt thuyền trưởng với va li khá nặng do A.15 là Chu Duy Kính trong vai người giúp việc đưa lên tàu. Hoàng Đạo giải thích với viên thuyền trưởng đây là va li thuốc phiện sẽ bán để lấy kinh phí hoạt động cho đảng Phục Việt. Địch không mảy may nghi ngờ. Sau khi trò chuyện, Hoàng Đạo,Kim Sơn và Chu Duy Kính rời tàu, để lại chị Nguyễn Thị Lợi một mình trong phòng riêng. Trước đó A16 lấy lý do đi đường mệt nên về phòng nghỉ trước với chiếc va li.

  Cả tổ điệp báo dừng ở núi Độc Cước hồi hộp nhìn ra biển Sầm Sơn,Thanh Hóa. Một lúc sau một tiếng nổ vang trời vang lên ngoài khơi phá hư chiến hạm tiếng tăm của Pháp. Chị Nguyễn Thị Lợi đã hy sinh vô cùng anh dũng với chiếc va li chất đầy thuốc nổ đã được kích hoạt khi tổ điệp báo rời tàu. Không ai bảo ai, cả ba người cúi đầu đứng lặng tưởng nhớ người nữ đồng đội đã dũng cảm tuyệt vời xả thân vì nghĩa cả.

Chú thích duyệt

 Trong CT đề nghị anh Xuân Dũng bổ sung phỏng vấn Ô Xuân Đức, Bổ sung tiết mục ngâm thơ ( có nhạc cụ) theo KB ban đầu

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 28/12/2019 14:22 Lê Vĩnh Nhiên 07/01/2020 16:03
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà