Tạp chí NCT
Danh mục
Tạp chí người cao tuổi
NỘI DUNG

Tạp chí Người cao tuổi 7-2

MC1: Kính chào QV & các cụ, rất vui khi được đồng hành cùng QV & các cụ trong tạp chí Người cao tuổi vào thứ 6 hàng tuần.

MC2: Quý vị và các cụ thân mến! Trước bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng NCT và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu thường dễ mắc bệnh, vì vậy QV & các cụ nên chú ý theo dõi sức khỏe, giữ vệ sinh để phòng ngừa dịch bệnh. Tiểu mục sống khỏe của tạp chí NTC tuần này cũng sẽ thông tin đến QV & các cụ 1 số biện pháp để chủ động ngăn ngừa dịch Corona.

MC2: Vâng và trước khi đến với nội dung này, mời QV & các cụ cùng nghe bài viết: Người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế.  

Nhạc cắt

Người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế 

MC1: Thưa QV & Các cụ! Phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực tham gia các phong trào do Hội NCT các cấp phát động. Một trong những phong trào thiết thực và được đông đảo hội viên NCT hưởng ứng nhiệt tình đó là phong trào: “Nêu gương sáng, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”. Thông qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của NCT trong mọi mặt đời sống xã hội.

MC2: Hiện toàn tỉnh có 141 tổ chức Hội NCT cơ sở cấp xã, phường, thị trấn với tổng số hơn 76.000 hội viên, trong đó có hơn 1.600 hội viên là chủ trang trại, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có hiệu quả. Để phong trào thi đua NCT sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, các cấp hội đã bám sát nghị quyết của cấp ủy, phong trào thi đua của địa phương, vận dụng linh hoạt liên kết phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong việc định hướng và hỗ trợ hội viên. Với phương châm hội viên còn sức khỏe, có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn cho con cháu về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và cải thiện cuộc sống, hội đã chủ động triển khai, hỗ trợ hội viên sản xuất, kinh doanh bằng cách phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho vay vốn từ các nguồn quỹ. Qua đó, đã tạo chuyển biến về nhận thức trong NCT, thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, mùa vụ, thị hiếu người tiêu dùng, mạnh dạn bỏ vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã giúp cho nhiều hội viên có nhu cầu vay vốn quay vòng với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động ở địa phương.

          MC1: Từ phong trào còn xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, sản xuất, kinh doanh giỏi trên nhiều lĩnh vực khác như ông Lê Bá Đính (70 tuổi), ở khu phố 5, phường 5, thành phố Đông Hà phát triển trồng rừng và chăn nuôi, thu nhập từ 5 - 6 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động; ông Trần Hùng Thạch (71 tuổi), ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa chuyên kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ cho thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Hữu Chỉnh (66 tuổi), ở khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa với nghề sửa chữa ô tô, thu nhập hằng năm trên 2 tỉ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương…

        MC2: Tại huyện Hải Lăng hiện nay hội người cao tuổi Hải Lăng có 1.300 cụ dưới 70 tuổi còn tham gia lao động, phát triển kinh tế, trong đó có 85 cụ tham gia xây dựng mô hình trang trại bằng chăn nuôi, trồng trọt. Các mô hình kinh tế mà người cao tuổi ở huyện Hải Lăng thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao là chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi bò, gà đàn, cá nước ngọt, trồng cam, trồng mướp đắng, ném kiệu cùng các loại cây hoa màu và cây ăn quả khác...Ngoài ra, nhiều hội viên cao tuổi cũng đã tham gia kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ...Mỗi cơ sở sản xuất, mô hình trang trại, mô hình kinh tế của hội viên người cao tuổi huyện Hải Lăng mỗi năm đem lại thu nhập từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, theo đó cũng giải quyết được nhiều lao động nông nhàn ở từng địa phương...Ông Hoàng Tế-Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Hải Lăng, nói thêm:

Băng ghi âm:  Nói vê hướng phát triển trong thời gian tới...

          MC1: Để động viên, khích lệ hội viên tham gia phát triển kinh tế, Ban đại diện Hội NCT các cấp thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình cho giá trị thu nhập cao; đồng thời tạo điều kiện để hội viên có thể tiếp cận nguồn vốn vay một cách có hiệu quả nhất, chuyển giao KHKT để NCT có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Cùng với đó, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, NCT đã giúp nhau hàng nghìn cây, con giống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... Phong trào làm kinh tế giỏi của NCT không chỉ phát huy được tinh thần, ý chí của NCT trong phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con, cháu tinh thần tự lập, đức tính cần cù, siêng năng trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhạc cắt

Cách phòng ngừa vi rút corona “tấn công” người già và trẻ nhỏ

MC2: Thưa QV & Các cụ! Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là dịch bệnh do vi rút Corona gây nên. Tại Việt Nam đã có 7 trường hợp dương tính với chủng vi rút mới (nCoV). Những thông tin trên khiến nhiều người lo lắng về sự lây lan của vi rút mới này, nhất là với những trường hợp có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người dân nên bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang và chủ động thực hiện những biện pháp phòng bệnh quan trọng. Sau đây là một số các phòng ngừa vi rút corona cho người già và trẻ nhỏ.

MC1: Đưa ra những khuyến cáo phòng bệnh, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, vi rút corona phát tán từ người bệnh ra môi trường khi ho, hắt hơi. Khi thời tiết lạnh thì các loại vi rút thường tồn tại lâu hơn ngoài môi trường, tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Các điều kiện tự nhiên như thời tiết, nhiệt độ không thể thay đổi được, vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm qua đường hô hấp, đó là tránh tụ họp nơi đông người, đeo khẩu trang và vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên để hạn chế sự lây lan của bệnh. Khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa vi rút Corona, thạc sỹ, bác sỹ Đặng Hân – Phó giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết:

Băng ghi âm:

MC2: Thời điểm này đang là giao mùa đông - xuân, cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút, trong đó có vi rút corona, lây lan và truyền bệnh. Hai đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất là người cao tuổi và trẻ em do có sức đề kháng kém hơn. Khi trời nắng ấm, nhiệt độ trên 20-25 độ C thì vi khuẩn và vi rút sẽ kém phát triển, ít lây lan. Do đó, chúng ta có thể dự phòng bằng cách tạo môi trường sống trong nhà và môi trường làm việc được thông thoáng, ấm áp, sạch sẽ, tránh ẩm thấp, lưu cữu không khí, tránh đồ đạc bị ẩm mốc dễ gây bệnh.

Cũng đưa ra khuyến cáo các cách phòng bệnh do vi rút corona, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, trong các vị thuốc dân gian, tỏi là là vị thuốc có khả năng tăng cường sức đề kháng. Do đó, việc ăn tỏi sống hoặc uống nước ép tỏi cũng là một trong những biện pháp có thể áp dụng để dự phòng, ngăn ngừa nhiễm các loại vi rút. 

MC1: Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, khi bệnh xâm nhập, người cao tuổi dễ bị nặng hơn. Nguyên nhân là họ thường có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, khớp, loãng xương.... Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm vi rút, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.

MC2: Một lưu ý nữa được PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh đưa ra, đó là người cao tuổi thường khó uống nước, nhất là khi thời tiết lạnh vì không có cảm giác khát và ngại đi vệ sinh. Vì vậy, trong mỗi gia đình nên chủ động đặt nước ấm hoặc trà ấm tại các vị trí thuận lợi và thường xuyên nhắc người cao tuổi uống nước định kỳ ngay cả khi không khát. Mỗi lần nên uống từ 50-100ml. Có thể uống nước lọc, nước trà, nước hoa quả để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng vừa giúp loại bỏ được các loại vi khuẩn, vi rút từ tay lây qua đường hô hấp, vừa dễ thực hiện, không gây tốn kém mà hiệu quả cao. 

Nhạc cắt

MC1: Quý vị và các cụ thân mến! chúng ta vừa tham khảo một số cách để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây nên. Sau đây mời QV & các cụ cùng lắng nghe những chia sẻ, tâm sự tuổi già cùng với nhà báo Võ Thế Hùng.

NGÀY TẾT MÀ BỎ QUÊN CHA MẸ

Vâng, kính thưa QV& các cụ! tết đã qua rồi bây giờ điều được nhiều người quan tâm nhất vẫn là dịch bệnh Corona, thế nhưng với người cao tuổi, tôi nghĩ rằng họ sẽ có nhiều tâm tư hơn nữa bởi NCT vẫn quen sống hoài niệm. Tết đã qua, nhưng dư âm và hoài niệm tết có lẽ vẫn còn đâu đây.

Bây giờ, người ta không chỉ ăn tết mà còn chơi tết.
Chơi tết là …đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái.
Nó không còn là một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui của sự đoàn tụ. Hay nói đúng hơn, nó vừa vui lại vừa buồn. Vui cho lũ trẻ mà buồn cho người già.

Vì thế, có không ít cụ già rất sợ Tết đến. Bởi cái Tết không còn vui nữa. Nó lạnh lẽo và hiu hắt lắm. Một năm chỉ có 365 ngày. Trong đó có đến 360 ngày bận mọn, tất tả. Con cháu đi làm ăn xa. Chỉ có 5 ngày Tết là chúng về. Chúng về, mới hy vọng được gặp cháu con. Gặp cháu con là đoàn tụ đại gia đình. Người già sống vì con, vì cháu.
Với người già, ngắm cháu con ríu rít sum vầy vui lắm. Vui vì thấy được chính mình. Thấy tuổi thơ mình trong cháu. Thấy thời trẻ mình qua con. Nhìn gương mặt con cháu, thấy thấp thoáng hình bóng của mình và đâu phải chỉ có hình bóng của mình, còn thấy thấp thoáng cả gương mặt của bố mẹ, của ông bà, tiên tổ xưa. Hóa ra ông bà, tổ tiên đâu có xa.

Ông bà, tổ tiên vẫn luôn hiện hữu ở trong mình, ở con cháu mình. Không cần phải thử ADN đâu, chỉ nhìn qua vóc dáng bên ngoài, ta cũng đã thấy.
Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải trong khói hương huyền ảo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt con cháu. Vì thế, con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Đấy mới là mùa xuân đẹp nhất.
Mùa xuân do con người làm ra. Nó rực rỡ, vui tươi và ấm áp hơn rất nhiều cái mùa xuân bàng bạc, dửng dưng đến theo quy luật tự nhiên của trời đất.
Vậy mà bây giờ, trong đời sống hiện đại, không ít người già đã bị con cháu lãng quên. Hoặc có nhớ, thì chúng nhớ cũng như quên. Bởi chúng chỉ ghé qua bố mẹ, ghé qua ông bà.
Chúng thăm chớp nhoáng như một cách thực thi nghĩa vụ. Rồi thay cho việc chung vui Tết với bố mẹ, ông bà, chúng dúi cho ông bà, bố mẹ một cục tiền. Rồi chúng còn sắm cho các cụ cả một cái “a lô”. “A lô” đủ chủng loại. Cái để bàn. Cái di động. Lúc nào nhớ con, muốn gặp cháu con thì cứ “A lô”.
Nhưng người già đâu có thích cái trò chơi trẻ ranh “A lố a lồ” ấy. Với người già, một đống tiền cũng chỉ là mớ giấy lộn. Có ăn tiêu gì được nữa đâu. Điện thoại thì chả khác gì cái ống nhổ. Trò chuyện với cháu con mà cứ phải dí mồm vào cái ống nhổ thì còn gì là lý thú.
Người già như ngọn đèn dầu trước gió. Chẳng biết tắt lúc nào. Tết này còn ông bà, bố mẹ. Tết sau có khi bố mẹ, ông bà chỉ còn là nỗi nhớ thương thôi. Lúc ấy, ta có muốn về với bố mẹ, về với ông bà cũng không còn cơ hội nữa.
Dù có đổi đến cả một núi vàng, hay vượt qua cả vạn dặm đường bay cũng không có được một phút giây đoàn tụ với ông bà, bố mẹ.

Hạnh phúc nhất là những ai Tết này vẫn còn bố mẹ, ông bà.
Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta có thể ôm mẹ mà reo lên rằng: “Mẹ ơi! Con đã về rồi đây nè! Con thương mẹ lắm! Mẹ có biết là con rất thương mẹ không?!”....
Tết là đoàn tụ, đoàn viên, là dịp để gắn kết tình thân trong họ hàng, làng nước. Với người già chúng ta đó là dịp để gặp gỡ con cháu làm ăn xa trở về sum họp. Tết như vậy mới có ý nghĩa thực sự, chứ bảo rằng: Tết là dịp để nghỉ ngơi, để đi du lịch, bỏ lại bố mẹ già ở nhà thui thủi thì chẳng khác nào là con bất hiều.

Vậy đấy. Ta đối xử với bố mẹ thế nào thì con cháu cũng lại đối xử với ta như vậy. Bạc ác, bất nhẫn với quá khứ, thì đừng bao giờ hy vọng có được sự tốt lành ở phía tương lai. Nhà thơ Đaghextan nổi tiếng thế giới bảo: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

                                                                                                 Thế Hùng

 

Chào cuối



File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 04/02/2020 11:13 Phạm Như Quỳnh 04/02/2020 11:13
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà