Đất và người Quảng Trị
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG

Chuyên mục đất và người Quảng Trị

Thanh âm của rừng núi

Thưa quý vị và các bạn! Thanh la, py, sáo khuy, khèn, cồng chiêng là những nhạc cụ độc đáo của người Vân Kiều, Pa Cô. Vào các dịp lễ hội trong năm, khắp các bản làng, đâu đâu cũng âm vang tiếng khèn, tiếng đàn, sáo,.. âm thanh réo rắt của khèn, sáo, cồng chiêng hòa cùng những làn điệu dân ca của những con người nơi rẻo cao đã tạo nên nét văn hóa đặc biệt riêng. Thế nhưng, hiện nay những người biết chế tác các nhạc cụ truyền thồng và am hiểu các làn điệu dân ca của người Vân Kiều, Pa Cô đang dần mai một. Và ở một vùng đất trên dải Trường Sơn có những con người đang giữ lửa cho những thanh âm này vang mãi cùng núi rừng nơi miền tây Quảng Trị.

Đây là bản Kỳ Rỹ của xã Lìa huyện Hướng Hóa.

Nằm bên dãy Trường Sơn, dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng người Vân Kiều, Pa Cô ở đây có đời sống tinh thần khá phong phú.

Đặc biệt, người Pa Cô có những nhạc cụ khá độc đáo như sáo Py, sáo Khuy, Thanh La, Cồng Chiêng.

Và đây là gia đình ông Hồ Văn Chồn, một trong ít nghệ nhân của bản Kỳ Rỹ còn giữ được niềm đam mê với các loại nhạc cụ truyền thống. 

Trong câu chuyện của mình, già làng Hồ Văn Chồn vẫn luôn tự hào về những nhạc cụ dân tộc mình.

Ông HỒ VĂN CHỒN

          Bản Kỳ Rỹ, xã Lìa,  Hướng Hóa,  Quảng Trị

          PTV đọc dịch ( Nhạc cụ truyền thống của chúng tôi có thanh la, chiêng, khèn, nhạc nhị, ta lư... Từ ngày xưa, mỗi lần có hội hè thì chúng tôi dùng tiếng chiêng, tiếng khèn để tập hợp mọi người lại với nhau. Bây giờ đã trở thành truyền thống của người dân, cứ đến dịp cúng, mừng lúa mới, đám cưới... đều có âm thanh của tiếng nhạc thì mới vui...)

          Già làng Hồ Văn Chồn là người duy nhất của bản Kỳ Rỹ có thể chế tạo được nhạc cụ khèn bè, một nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô. Già làng Hồ Văn Chồn đã được người cha truyền dạy cách thổi và chế tác khèn bè. Trong trí nhớ của ông, từng câu chuyện kể, từng động tác của cha gắn với chiếc khèn bè vẫn in sâu và niềm đam mê thì chưa bao giờ vơi cạn. Giờ đây khi tuổi đã cao, đôi bàn tay đã không còn nhanh nhẹn, đôi tai không còn thính nhạy, đôi mắt không còn tinh tường để có thể làm được một cây khèn bè đẹp và hay nữa, nhưng những suy tư, trăn trở về tương lai của loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này luôn đau đáu trong ông.

Ông HỒ VĂN CHỒN

          Bản Kỳ Rỹ, xã Lìa,  Hướng Hóa,  Quảng Trị

          PTV đọc dịch ( Để làm được khèn bè phải tìm được loại chọn được loại nứa ở trong rừng sâu, thân nhỏ. Sau khi phơi khô nứa phải dùng lửa để uốn cho thân nứa thẳng mới làm được khèn. Công đoạn khó nhất và đục lỗ và rèn lưỡi để tạo âm thanh cho khèn. Lưỡi tạo âm thanh được làm từ bạc hoặc bằng đồng và phải được cán thật mỏng mới tạo ra được âm thanh trầm, bổng, trong và vang… Thanh niên trong làng bây giờ không ai học được cách làm khèn nữa, thật sự là rất buồn.)

Dẫu cuộc sống với muôn vàn khó khăn và cuộc mưu sinh của họ cũng rất đổi gian nan, thế nhưng những người cha, người mẹ, người con Vân Kiều, Pa Cô nơi bản làng này vẫn không quên gìn giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong những ngôi nhà sàn nhỏ, vào những lúc nông nhàn vẫn luôn vang vọng thanh âm của tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng khèn bè, đàn môi, sáo tre, đàn ưâm… Với họ, nhạc cụ truyền thống và những âm thanh được cất lên trong mỗi nếp nhà là một phần hồn cốt của bản làng, thấm sâu với đời sống của mỗi người con nơi đây.

Trích 1 đoạn thổi khèn và hát làn điệu dân ca

Có thể nói ngày xưa, dọc các bản làng trên dãy Trường Sơn, tiếng đàn, tiếng hát dường như không bao giờ tắt. Đặc biệt là khèn bè đã gắn bó trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây.  

Đâu đó trong các bản làng tiếng khèn bè xao xuyến còn được thổi bởi các chàng trai Vân Kiều, Pa Cô đến tuổi cập kê. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Người chơi khèn bè phải nắm vững kỹ thuật lấy hơi, độ chính xác và điêu luyện của đôi tay khi bấm nốt. Tiếng khèn bè là công cụ để đàn ông Vân Kiều, Pa Cô thể hiện tài năng, là giai điệu hẹn hò, bắc cầu cho trai, gái Vân Kiều, Pa Cô tìm được cho mình một người bạn đời thích hợp.  Tiếng khèn còn theo chân họ lên nương rẫy, bầu bạn với họ khi buồn vui, tiếng khèn còn giúp họ xua đuổi muông thú.

Phỏng vấn

Ông Ăm Khăm

Bản Kỳ Rỹ, xã Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị

Ông Hồ Văn Ngãi

Bản Kỳ Rỹ, xã Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị

Có thể thấy  âm thanh cồng, chiêng, khèn bè đã gắn bó máu thịt với bao thế hệ đồng bào dân tộc Pa Kô. Âm thanh đó chứa đựng sự ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh và giữa con người với con người... được tấu lên từ sự khéo léo của các nghệ nhân. Mọi sinh hoạt trong đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô từ thuở lập bản, lập làng đã gắn bó mật thiết với âm thanh cồng, chiêng, Khèn bè. Trong những dịp lễ trọng của làng, thanh âm của cồng chiêng vang lên, bà con dân bản lại tập hợp, quần tụ cùng nhau tham gia vào các lễ hội của làng, mối quan hệ giữa bà con dân bản cũng được thắt chặt hơn.

Thế nhưng, đó là chuyện ngày xưa. Sự đổi thay của bản làng vô hình trung đã làm mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, âm nhạc cũng chịu chung số phận. Hiện nay, các già làng đam mê và biết chế tác, sử dụng các nhạc cụ này đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Những hạt nhân văn nghệ như già làng Hồ Văn Chồn, Ăm Ngãi, Ăm Khăm chính là những người “giữ lửa” để những thanh âm của py, khuy, thanh la, những thanh âm núi rừng Trường Sơn vang mãi./.

 

Đón xem:

Thanh la, py, sáo khuy, khèn, cồng chiêng là những nhạc cụ độc đáo của người Vân Kiều, Pa Cô. Vào các dịp lễ hội trong năm, khắp các bản làng, đâu đâu cũng âm vang tiếng khèn, tiếng đàn, sáo,.. âm thanh réo rắt của khèn, sáo, cồng chiêng hòa cùng những làn điệu dân ca của những con người nơi rẻo cao đã tạo nên nét văn hóa đặc biệt riêng. Và ở một vùng đất trên dải Trường Sơn có những con người đang giữ lửa cho những thanh âm này vang mãi cùng núi rừng nơi miền tây Quảng Trị. Chuyên mục đất và người Quảng Trị được phát sóng vào 18h thứ 2 ngày 11/5 trên sóng truyền hình của Đài PTTH Quảng Trị, mời QV & các bạn đón xem.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 07/05/2020 15:47 Phạm Như Quỳnh 07/05/2020 15:47

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà