Đất pt 26/12
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 26/12 -Đón nghe: ptv đọc: Qúy vị và các bạn thân mến! Làng cổ Đông Hà hiện diện ngay giữa lòng thành phố tỉnh lỵ là một điểm nhấn thú vị trong đời sống kinh tế, văn hóa hôm nay. Nội dung này sẽ được thể hiện trong bài viết được phát sóng vào 11g ngày 26/12, mời quý vị và các bạ đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn ! Trong ct tuần này chúng ta cùng tìm hiểu một ngôi làng cổ ở ngay thành phố Đông Hà, bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct pt: đất và người QT, ct này do Việt Hà bt. với sự tham gia của thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

                       TỪ CHUYỆN LÀNG XƯA...

                                                                                  (Xuân Dũng)

  Lịch sử của một vùng đất dưới góc nhìn địa danh trong rất nhiều trường hợp lại là những câu chuyện lý thú. Ví như thành phố Đông Hà ngày nay lại có nguồn gốc sâu xa từ một làng quê đã hàng trăm năm tồn tại nơi đây với tên gọi Đông Hà. Quá trình phát triển của một vùng quê từ một làng biến đổi thành một đô thị tỉnh lỵ mà vẫn giữ nguyên tên chứa đựng bao điều cần khám phá. Chi ít cũng là sức sống vững bền của chính tên gọi Đông Hà.

    Tìm lại dấu xưa của những người đi mở cõi ở một nơi chốn mang tên gọi Đông Hà, cảm giác trong mắt nhìn cảnh tượng của mấy trăm năm trước khi cha ông đã vào dựng nghiệp nơi này. Họ đã dựng nhà, mở đất. Mỗi tấc đất mà người xưa khai phá đều trĩu nặng ân tình của những tấm lòng đã quyết chí lập làng quê mới. Sự tạo dựng của người đi trước đã hình thành nên những làng quê, những thành quả mà bao đời nối tiếp nhau gây dựng để con cháu bây giờ thừa hưởng và phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ để xứng đáng với cha ông.

Nhân nói chuyện địa danh, cũng cần nhắc lại rằng cuối thế kỷ trước trên báo chí địa phương đã có ý kiến bàn luận về tên gọi của thị xã tỉnh lỵ là Đông Hà hay Đồng Hà. Dù có kiến giải thế nào, rốt cuộc thì tên gọi Đông Hà vẫn khẳng định danh xưng của mình và đã thành căn cước chính thức của một vùng quê. Xin nói thêm, tên gọi này đã đi vào hai câu đối khá nổi tiếng được lưu truyền từ xưa được nhiều người thán phục: “Trai Tân Trúc chặt tre, thở hoi hóp/ Gái Đông Hà xúc hến hát nghêu ngao”. Câu trên toàn cây họ tre sống trên cạn: trúc, tre, hóp, câu dưới toàn loài nhuyễn thể sống dưới nước: hà, hến, ngao.

Tên gọi Đông Hà ngụ ý là có con sông chảy ở phía Đông. Làng được hình thành dọc theo con sông Hiếu nên có nhiều duyên nợ với dòng chảy xuôi về biển cả. Ngày trước cả vùng đất Đông Hà hầu như chủ yếu là làng mạc, người dân quen sống với nghề nông bao đời do cha ông truyền lại. Họ luôn gắn bó với đất đai quanh năm suốt tháng, với những nhọc nhằn của một nắng hai sương. Rồi sau này, thế gian biến cải, nhiều góc làng xưa nay đã thành phố xá, nhiều nông dân đã biến thành thị dân như một lẽ thường tình. Cảnh vật quê hương cũng không còn thuần nông như trước mà đã có nhiều sắc thái chen nhau, làm nên một bức tranh quê ngay giữa lòng phố xá để gợi nhắc đến hai khái niệm hiện ra vừa cụ thể, hữu hình vừa bàng bạc, sâu xa. Đó là làng Đông Hà và phố Đông Hà.

Theo Lê Qúy Đôn thì làng Đông Hà xưa kia thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong. Đơn vị hành chính này tồn tại cho đến thời Pháp thuộc, nay thuộc phường 3, thành phố Đông Hà. Làng Đông Hà với vị trí địa lý thuận lợi như gần sông, gần chợ, về sau gần đường tàu Bắc-Nam nên bà con dễ sinh cơ lập nghiệp. Người dân nơi đây có thể trồng lúa, trồng rau, lại cũng có thể nuôi cá, tôm và buôn bán chạy chợ. Chính vì đất lành chim đậu nên theo thời gian, từ mấy hộ ban đầu nay đã quần cư 12 họ tộc cùng nhau cố kết trong tình nghĩa xóm làng xây đắp quê hương trải qua nhiều biến cố long trời lở đất, những đổi thay tận gốc rễ thôn trang. Bà con vẫn khắc ghi công ơn của những bậc tiền nhân lập làng như tiền khai khẩn Nguyễn Đăng Danh, hậu khai canh Hoàng Văn Bao. Dân làng Đông Hà vẫn nhắc nhau nhớ về tiên tổ theo một tâm thành rằng phàm đã làm người thì phải biết lý lẽ đầu tiên: cây phải có cội, nước phải có nguồn. Ông Nguyễn Văn Lộc, thủ từ làng Đông Hà, phường 3, T.P Đông Hà  nói về câu chuyện ông tiền khai khẩn Nguyễn Đăng Danh từ phía Bắc vào đây lập nghiệp từ đời chúa Nguyễn Hoàng trấn nhậm phương Nam. Những người di cư đã tạo lập nên làng cổ Đông Hà.

Làng Đông Hà từ xưa đến nay vốn thuần hậu, hiền hòa, sống chuộng làm lụng siêng năng, quý cái nết ở ăn trọn nghĩa vẹn tình. Trong đất đai của làng Đông Hà xưa kia và phường 3 hôm nay có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của bao thế hệ bồi đắp mà thành, tạo nên những gì thiêng liêng sâu nặng mà chúng ta quen gọi là quê hương máu thịt. Trong bước đường Nam tiến, những người dân Đông Hà đã quần tụ với nhau lập nên xóm nên làng và cả nên phường, nên phố. Nhưng dù tên gọi là khác nhau, dù địa danh có thay đổi nhưng có những điều mật thiết như tình nghĩa, tâm linh như lao động, hợp quần mãi là sợi dây bền chặt cố kết con người, làng nước với nhau để tạo dựng nên một góc Đông Hà. Để quá khứ luôn có mặt và đồng hành theo hiện tạị.

Sẽ là thiếu sót nếu tìm hiểu Đông Hà mà lại quên nhắc đến nghề rèn truyền thống nơi đây. Làng rèn Đông Hà đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Đây là làng nghề truyền thống khá nổi danh từ bao đời nay. Lúc trước người Đông Hà chủ yếu là cư dân nông nghiệp. Họ làm ruộng, cấy cày hoặc chặt củi, tất cả đều trông cậy vào những lò rèn sớm hôm đỏ lửa. Những dụng cụ sản xuất nông nghiệp ra đời từ bàn tay khỏe mạnh và khéo léo của những người thợ đã trở thành người bạn thiết thân, gần gũi mỗi ngày của nhà nông. Thời bình lò rèn cho ra nông cụ, thời chiến như trong kháng chiến chống Pháp, lò rèn làm nên vũ khí như kiếm, mã tấu chống giặc ngoại xâm, thời nào cũng hữu dụng. Chính thợ rèn và nghề rèn đã góp phần tôi luyện tâm hồn và tính cách người dân Đông Hà, tạo nên một nét khác biệt độc đáo của vùng quê nơi đây, ngay cả trong quá trình đô thị hóa, khi nghề rèn không còn đắc dụng như xưa. Nghề cũ dẫu cha truyền con nối thì hình ảnh lò rèn nay cũng đã khác những đời người đã khuất. Dù vậy nhiều bà con nơi đây vẫn gắn bó với nghề của cha ông. Họ vẫn giữ lửa ở những lò rèn như giữ lửa ngọn lửa ấm trong ngôi nhà của mình, vẫn tự hào về một nghề nghiệp mang tính chất gia truyền khi làng lên phố. Ông Nguyễn Đức Sắt, thợ rèn K.P 2, Phường 3, Đông Hà, Quảng Trị kể rằng tổ tiên của mình từ Lễ Môn (Gio Linh) vào đây lập nghiệp đã mấy đời. Họ đã gắn bó với mảnh đất Đông Hà suốt mấy thế hệ cùng vui buồn bên ngọn lửa lò rèn.

Dẫu nhiều điều đã đổi thay theo chiều phát triển chung của quy luật xã hội thì làng Đông Hà xưa và nay vẫn giữ được nhiều vẻ riêng của một vùng quê ở chốn thị thành. Chuyện làm ăn lo toan, chuyện tình làng nghĩa xóm, chuyện nhỏ chuyện lớn đều kết nối bà con lại với nhau, làm nên  cộng đồng của những cư dân sống trên mảnh đất này. Họ làm lụng, vui buồn, chia sẻ với nhau, sướng khổ bên nhau. Và khi có dịp lại cùng nhau hoan hỉ trong việc xóm việc làng. Ấy là tinh thần quý giá của tình quê mộc mạc mà sâu sắc như chính tâm hồn con người, như chính hồn vía của quê hương xứ sở.  Họ chính là những tế bào tạo nên sức sống của một Đông Hà từ hôm qua cho đến hôm nay và  cả mai sau.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 28/12/2022 10:39 Lê Vĩnh Nhiên 29/12/2022 09:48

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà