Phụ nữ và cuộc sống ( phát thanh)
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình phụ nữ và cuộc sống 11/2

Phụ nữ Quảng Trị với vai trò gìn giữ các nghề truyền thống

MC1: Kính chào QV & các bạn! Bây giờ là chương trình phát thanh phụ nữ và cuộc sống của Đài PTTH Quảng Trị.

 Thưa QV và các bạn! Việt Nam có nền văn hóa truyền thống lâu đời với văn minh lúa nước và các nghề truyền thống trải khắp chiều dài đất nước. Các làng nghề được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thay nhau gìn giữ các giá trị văn hóa thông qua các ngành nghề. Tuy nhiên để các làng nghề được tồn tại cho tới ngày nay không thể không nhắc đến vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình các làng nghề đó.

MC2: Làng nghề truyền thống ở Việt Nam chủ yếu dựa trên đơn vị gia đình. Trong gia đình, đối tượng làm nghề chủ yếu là phụ nữ, do đó việc xác định đóng góp công sức và kinh tế của phụ nữ là điều cần thiết. Ở làng nghề, cho dù được coi là nghề phụ hay nghề chính, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Phụ nữ tham gia vào các nghề truyền thống không chỉ để phát triển kinh tế mà họ còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét đẹp của các nghề truyền thống của quê hương. Đây cũng chính là nội dung của chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này, mời QV & CB cùng nghe.

Nhạc cắt

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Hướng Hóa, Đakrông

MC1: Thưa chị em và các bạn! Dệt thổ cẩm không chỉ thể hiện nét đẹp truyền thống mà còn là sự tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Những nét hoa văn đặc sắc trên trang phục nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ  như trở nên sống động, gần gũi với đời sống thường nhật mà họ vốn có. Nó thể hiện tính cần cù, chăm chỉ và nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ đồng bào. Vì thế, nghề dệt thổ cẩm cần được khôi phục, duy trì và phát triển. Bỡi đây là một cách để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào.

MC2: Để tạo nên một sản phẩm thổ cẩm đẹp phải mất vài tháng từ khâu se sợi, dệt vải đến khi dệt nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Trước đây. một bộ phận người dân Đakrông vẫn giữ phong tục sử dụng sản phẩm dệt áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên bây giở, đồng bào đã dệt theo nhu cầu của thị trường, được các dự án đầu tư, hướng dẫn thợ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm. Các dự án duy trì nghề thổ cẩm, phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế hộ gia đình. Ðây cũng là một trong những cách đáp ứng được nguyện vọng của nhiều phụ nữ muốn thoát nghèo bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình. Ông Hồ Văn Pườm, xã A Bung huyện Đakrông cho biết thêm:

                                                ( Ghi âm)

          MC1: Tổ dệt thổ cẩm xã A Túc thành lập năm 2011, do UBND xã và Hội LHPN huyện Hướng Hóa quản lý. Sự ra đời của tổ góp phần tạo công ăn, việc làm cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống thông qua việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống. Chị em đã được học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương trong nước; được tư vấn, thiết kế sản phẩm, hỗ trợ kết nối thị trường; tham gia tập huấn nâng cao năng lực quản lý, sử dụng sổ sách, hạch toán chi phí, tiếp thị sản phẩm. Hội LHPN cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho những người làm nghề dệt thổ cẩm ở đây. Chị Hồ Thị Dun, xã A Túc cho biết:

                                                ( Ghi âm)

( PTV đọc dịch: Trước đây chị em chúng tôi dệt chỉ để mang thôi, bán ra họ không thích, họ chê xấu. Nhưng nay chúng tôi được tập huấn, được dệt theo mẫu, dệt nhiều hơn nên khăn và váy hung tôi dệt ra đẹp hơn, bán cũng được rồi)

          MC2: Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo đặc biệt. Chỉ một đường chỉ sai, tấm thổ cẩm xem như hỏng. Vì vậy, mỗi sản phẩm ra đời thực sự là một đứa con tinh thần đối với chị em. Không dừng lại ở các phục trang quen thuộc là khăn, sấn, áo..., chị em trong tổ dệt đồng bào ở huyện miền núi Hướng Hóa còn sáng tạo nhiều đồ dùng độc đáo như vòng tay, túi xách, bọc điện thoại, móc chìa khóa... Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện Hướng Hóa là một cách để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Nhạc cắt

Nước mắm Mỹ Thủy

MC2: Thưa QV & các bạn! Nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng từ lâu đã nổi tiếng bởi chất lượng và hương vị đặc trưng, ai đã thưởng thức một lần thì không thể nào quên. Thứ nước mắm “hồn cốt” của làng Mỹ Thủy bao đời nay cứ thế được làm nên từ đôi bàn tay chai sần của những người đàn ông và đức tính tảo tần của những người phụ nữ vùng biển.

MC1: Làng Mỹ Thủy, xã hải An, huyện Hải Lăng cùng với nghề biển, nghề làm nước mắm ở đây hình thành đã 500 năm. Làng có gần 1/3 số hộ dân gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống của tổ tiên. Trải qua thời gian, nghề làm nước mắm Mỹ Thủy có lúc thăng trầm nhưng chưa bao giờ thất truyền. Và đa phần trong đó, từ bàn tay của những người phụ nữ nơi miền biển này đã làm nên nguồn nước mắm thơm ngon, đặc trưng bỡi chất lượng và hương vị.

MC2: Những sớm mai đẹp trời, cánh đàn ông, trai tráng trong làng lại giong thuyền ra khơi đánh cá. Chiều chiều, cánh phụ nữ ngồi trên bãi biển đợi chồng trở về, chọn những mớ cá tươi đưa vào nhà ướp muối và cho vào lu sành làm mắm. Khi mắm thành chợp, họ lọc lấy nước mắm và đưa ra chợ huyện bán. Cứ quay vòng ướp cá, lọc mắm quanh năm, nước mắm trở thành sản phẩm chính mang lại cuộc sống ổn định cho hàng trăm hộ gia đình vùng biển bãi ngang Mỹ Thuỷ. Với những thăng trầm của lịch sử, nhiều lần cứ tưởng làng nghề đã mai một theo thời gian, vậy mà đến nay, vùng quê bãi ngang nơi miền chân sóng vẫn vươn lên làm giàu bằng chính sản vật của quê hương.

Đối với người dân Mỹ Thuỷ, nghề chế biến nước mắm không chỉ là nghề mưu sinh cơm áo mà còn là một nét đẹp truyền thống của quê hương. Mỗi đứa trẻ lên mười đều bắt đầu được bà, mẹ truyền dạy các công đoạn làm nước mắm. Đó là bài học vở lòng đầu đời làm hành trang cho cuộc sống.

MC1: Nước mắm Mỹ Thủy từ lâu đã nổi tiếng bởi chất lượng và hương vị đặc trưng của nước màu vàng cam, và có lẽ ai đã thưởng thức một lần thì không thể quên được. Đây cũng là lý do mà làng nghề này từng được công nhận là làng nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi. Chúng tôi đã được gặp chị Phan Thị Thiện, một người có truyền thống làm nước mắm hơn 20 năm, và được chị kể khá nhiều về việc làm nước mắm của chị em ở các hộ gia đình nơi này. Theo chị,  muối cá là khâu rất quan trọng nhất. Không có được kỹ thuật này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nước mắm. Tỷ lệ cá- muối trộn với nhau phải đều, không mặn quá hay nhạt quá. Quá mặn thì cá sẽ chậm thủy phân, làm ra nước mắm sẽ kém vị ngọt, ngược lại nếu quá nhạt thì dễ bị hỏng. Sau khi muối cá hoàn thành sẽ được cho vào thùng chứa như lu, bể. Trên mặt rắc một lớp muối dày, thường gọi là muối mặt, sau đó bắt đầu gài nén vừa giữ cá mau chín vừa đảm bảo vệ sinh. Dùng các thanh gỗ, đá chèn lên mặt lu làm cho khối cá chìm dưới nước muối, kích thích sự lên men mau chín cá. Điều quan trong là chọn được cá tươi ngon và quy trình làm mắm. chị Thiện nói:

                             ( ghi âm)

MC2:Nước mắm Mỹ Thủy được làm từ nguồn nguyên liệu cá me, cá duội, cá nục tươi kết hợp với nguồn nước, bí quyết chế biến, quy trình ủ chợp, nấu lọc mắm được lưu truyền qua nhiều thế hệ…Điều đáng quý của chị em làm nước mắm ở Mỹ Thủy là họ đã biết hỗ trợ tích cực cho nhau trong việc cung ứng sản phẩm, vay mượn nguyên vật liệu khi gặp khó khăn; chia sẻ thông tin về giá cả thị trường, kinh nghiệm sản xuất, tập huấn nâng cao tay nghề… nhờ vậy nghề ngày càng phát triển bền vững và tạo được uy tín. Quan trọng hơn là chị em làng quê này thực sự yêu nghề truyền thống này. Và cũng là nghề duy nhất được chị em gắn bó. Chị Thiện tâm sự thêm:

                             ( Ghi âm)

MC1: Có thể nói, mỗi giọt nước mắm thành hình đều mang cả tấm lòng người làm ra nó, cũng chính vì thế mà thương hiệu nước mắm Mỹ Thuỷ đã tồn tại và vang tiếng suốt hàng trăm năm qua. Bây giờ, nhiều công nghệ làm nước mắm hiện đại xuất hiện, người ta chỉ mất vài tháng thay vì cả năm ròng. Tuy nhiên, người dân Mỹ Thủy vẫn một lòng thủy chung với nghề làm nước mắm truyền thống của mình.  Năm 2014, người dân làng Mỹ Thủy, chính quyền địa phương đã vui mừng đón nhận “Bằng công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy” của UBND tỉnh Quảng Trị. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để làng nghề chế biến nước mắm Mỹ Thủy có điều kiện phát triển hơn nữa về quy mô theo hướng hàng hóa, thị trường và hoàn thành quá trình xây dựng thương hiệu bền vững. 

 

Nhạc cắt

          MC2: Qv và các bạn thân mến!  Có thể nói, nghề truyền thống của là nét văn hóa rất độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của mỗi vùng quê. Ngày nay, nghề truyền thống có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương. Và có thể khẳng định những người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ các nghề truyền thống của quê hương.

MC1: Hy vọng rằng trong thời gian đến chính quyền và các ngành chức năng sẽ có sự quan tâm, khuyến khích hơn nữa để những người phụ nữ tại các làng nghề có điều kiện để phát huy hết vai trò của mình. Chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này cũng xin được khép lại tại đây, chương trình này do…. Thực hiện. Cảm ơn QV đã luôn đồng hành cùng chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Đón nghe:

Làng nghề truyền thống ở Việt Nam chủ yếu dựa trên đơn vị gia đình. Ở làng nghề, cho dù được coi là nghề phụ hay nghề chính, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Phụ nữ tham gia vào các nghề truyền thống không chỉ để phát triển kinh tế mà họ còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét đẹp của các nghề truyền thống của quê hương. Đây cũng chính là nội dung của chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này, mời QV & CB đón nghe vào 11h thứ 7 ngày 11/2  trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 06/02/2023 15:27 Lê Vĩnh Nhiên 09/02/2023 16:08
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà