Kịch bản PTTT 5 9 2023 – Người cao tuổi Quảng Trị Sống xanh – Sống khỏe
Danh mục
Chương trình phát thanh trực tiếp
NỘI DUNG
Lời dẫn : Nguyên Hương: Kính thưa các cụ! Tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh lý càng lớn, đó có thể gọi là những chứng bệnh tuổi già. Rối loạn tiền đình ở người già cũng là một trong nhiều căn bệnh như vậy. Hội chứng này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp ở người cao tuổi nhiều nhất. Hội chứng tiền đình bao gồm các triệu chứng như: chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, ù tai,… Người cao tuổi dễ bị hội chứng tiền đình do thiếu máu đến nuôi cơ quan tiền đình – ốc tai, thiếu máu đến não, hậu quả của các bệnh lý về tai (viêm tai giữa, chấn thương tai, viêm tai xương chũm,…) Như Hòa: Người mắc hội chứng tiền đình nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị các biến chứng như tổn thương tai ảnh hưởng đến khả năng nghe, tổn thương thần kinh (trong trường hợp bị hội chứng tiền đình trung ương), chấn thương do té ngã,… Để có thể chia sẻ và tư vấn cho người cao tuổi về hội chứng rối loạn tiền đình, khách mời của chương trình hôm nay là bác sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh, Trung tâm y tế huyện Triệu Phong. Quý vị và các cụ hãy Kết nối trực tiếp qua số điện thoại 02333 595 399, chúng tôi sẽ gọi lại và khách mời sẽ trả lời trực tiếp về vấn đề mà quý vị quan tâm. Trước hết xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh đã giành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi hôm nay...

Kịch bản PTTT 5 9 2023 – Người cao tuổi Quảng Trị Sống xanh – Sống khỏe

Hội chứng rối loạn tiền đình ở người cao tuổi

Thời lượng : 30 phút

Nhạc hiệu chương trình

( 2 MC đọc xen kẻ trên nền âm nhạc rộn ràng)

MC1 : Kính chào quý vị và các cụ, Thưa quý vị và các cụ, Nhiều người gọi tuổi già là tuổi "về chiều”, cái tuổi cần nghỉ ngơi, an dưỡng. Nhưng trên thực tế người cao tuổi luôn có vị trí quan trọng trong gia đình cũng như cộng đồng. Họ chính là tấm gương mẫu mực, có vai trò dẫn dắt, định hướng hành vi cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ nền nếp, gia phong, truyền thống quê hương... 

MC: Nhận thức rõ ý nghĩa sâu sắc về vai trò của người cao tuổi, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách chăm lo, những chủ trương để phát huy vai trò của "cây cao bóng cả". Tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là trong xây dựng nông thôn mới..., qua đó, kinh nghiệm sống, giá trị nhân văn, văn hóa, tiến bộ và văn minh qua sự chắt lọc của thời gian luôn được kế thừa và phát huy.

MC: Với mong muốn góp phần tạo nên diễn đàn thông tin ý nghĩa giúp người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giao lưu, nâng cao chất lượng đời sống sức khỏe và tinh thần.  Đài PTTH Quảng Trị thực hiện chương trình phát thanh tương tác: Người cao tuổi Sống xanh – Sống khỏe được phát sóng định kỳ vào lúc 10h30 ngày thứ 3 hàng tuần trên sóng Phát thanh tần số 92,5 mhz của Đài PTTH Quảng Trị.

MC: Quý vị và các cụ quan tâm theo dõi chương trình xin mời tương tác:

-                     Kết nối trực tiếp qua số điện thoại 02333 595 399, chúng tôi sẽ gọi lại và khách mời sẽ trả lời trực tiếp về vấn đề mà bạn quan tâm

-                     Gửi nội dung câu hỏi qua số điện thoại zalo 0918898246; email Nguoicaotuoisongxanh-songkhoe@gmail.com hoặc Gửi thư về địa chỉ Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng trị số 105/2 Đường Nguyễn Trãi – TP Đông Hà Quảng Trị. Chương trình sẽ tổng hợp vào chuyển đến khách mời giao lưu trực tiếp cùng quý vị và các cụ.

NGƯỜI CAO TUỔI QUẢNG TRỊ Sống xanh – Sống khỏe – hy vọng trở thành điểm hẹn ý nghĩa của Người cao tuổi và Thính giá QRTV vào mỗi buổi trưa Thứ 3 hàng tuần. Chủ đề của chương trình hôm nay là “Hội chứng rối loạn tiền đình ở người cao tuổi” với sự tham gia của Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh, Trung tâm y tế huyện Triệu Phong. Quý vị và các cụ quan tâm đến nội dung chương trình hãy gọi đến số điện thoại 02333 595 399, Bác sĩ Trinh sẽ trực tiếp tương tác cùng quý vị và các cụ. Trước hết mời quý vị và các cụ đến với những tin tức về hoạt động và đời sống người cao tuổi

Nhạc cắt - Kết nối người cao tuổi cùng QRTV

Tin tức: (đọc xen kẽ trên nền âm nhạc)

Tin 1: Quảng Trị: Đã có trung tâm chăm sóc người cao tuổi

Sau một thời gian triển khai thi công, đến nay Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Lạc Hồng tại Quảng Trị đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là trung tâm chăm sóc người cao tuổi đầu tiên của Quảng Trị nói riêng và khu vực Bình Trị Thiên nói chung.

Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Lạc Hồng, thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và dược phẩm Lạc Hồng, tọa lạc tại phường 5 (thành phố Đông Hà. tỉnh Quảng Trị). Tổng diện tích mặt bằng là 1.600m2, trong đó diện tích xây dựng chiếm hơn 50%, gồm có 9 phòng ở, mỗi phòng rộng từ 18-32m2, với các loại hình phòng đơn, phòng đôi, phòng 3, phòng 4 người ở… Ngoài ra còn có các phòng làm việc, phòng sinh hoạt chung, phòng vật lý trị liệu, nhà bếp, nhà ăn… Tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng.

Tin 2: Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Quảng Trị năm 2023

QTO - Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Quảng Trị năm 2023. Tham gia liên hoan có 7 đội đến từ Hội NCT các huyện: Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Đakrông; TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Các tiết mục múa, hát biểu diễn tại liên hoan có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình đoàn kết dân tộc… Qua đó thể hiện tinh thần sống vui, sống khỏe, sống có ích của NCT trên địa bàn. Liên hoan là dịp NCT trên địa bàn tỉnh giao lưu, gặp gỡ, trình diễn niềm đam mê ca hát giữa các hội viên, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ NCT ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của NCT; trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần đối với NCT. Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải cho các tiết mục xuất sắc, gồm: 4 giải A cho các tiết mục của Hội NCT TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh, Đakrông; 4 giải B cho các tiết mục của Hội NCT huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và TP. Đông Hà.

Tin 3: Pháp luật quy định 7 hành vi bị cấm đối với NCT

Theo Luật NCT, Tại Điều 9 của Luật quy định các hành vi đối xử với NCT bị cấm như sau:

1. Lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với NCT.

2. Xâm phạm, cản trở NCT thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác.

3. Không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng NCT.

4. Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT để vụ lợi.

5. Ép buộc NCT lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật.

6. Ép buộc, kích động, xúi giục, giúp người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT.

7. Trả thù, đe dọa người giúp đỡ NCT, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT.

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo chế tài của Pháp luật quy định tùy mức độ từng hành vi.

Tin 4: Năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người CT không có lương hưu

Hiện cả nước có trên 12 triệu NCT, mới chỉ có hơn 3 triệu NCT đang được hưởng lương hưu (từ BHXH và bảo trợ xã hội), trên 1,7 triệu NCT được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước, số còn lại chưa được hưởng bất kì chính sách trợ cấp nào… Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu NCT không có lương hưu. Hiện cả nước có 6,5 triệu NCT vẫn đang phải lao động kiếm sống, không có lương hưu và TCXH, nên đời sống rất vất vả và gặp nhiều khó khăn. Hiện tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong NCT đã đạt khoảng 95%, tuy nhiên, có chưa đến 30% NCT được hưởng BHXH. Ở một số nước khi đến tuổi theo quy định thì mặc nhiên được hưởng trợ TCXH. Nhưng hiện nay ở nước ta, chỉ những NCT 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp xã hội hoặc NCT từ 75 tuổi thuộc hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số mới được hưởng và đang ở mức thấp.

Tin 5: Người cao tuổi đang trở thành "mục tiêu" tấn công của tội phạm mạng

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa qua, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang tăng khoảng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu mà tội phạm mạng đang hướng tới chính là đối tượng người cao tuổi. Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết: Từ kết quả khảo sát và những tình huống diễn ra trong thực tế, các chuyên gia Cục An toàn thông tin đã "đúc kết", có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau. “Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp… Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo cũng đang hình thành tổ chức mạng lưới lừa đảo quốc tế tại các quốc gia lân cận Việt Nam như Lào, Campuchia với các hình thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi”.

Nhạc cắt: Sologan:  Sống xanh, sống khỏe – Hội chứng tiền đình ở người cao tuổi

Nguyên Hương: Kính thưa các cụ! Tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh lý càng lớn, đó có thể gọi là những chứng bệnh tuổi già. Rối loạn tiền đình ở người già cũng là một trong nhiều căn bệnh như vậy. Hội chứng này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp ở người cao tuổi nhiều nhất. Hội chứng tiền đình bao gồm các triệu chứng như: chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, ù tai,… Người cao tuổi dễ bị hội chứng tiền đình do thiếu máu đến nuôi cơ quan tiền đình – ốc tai, thiếu máu đến não, hậu quả của các bệnh lý về tai (viêm tai giữa, chấn thương tai, viêm tai xương chũm,…)

Như Hòa: Người mắc hội chứng tiền đình nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị các biến chứng như tổn thương tai ảnh hưởng đến khả năng nghe, tổn thương thần kinh (trong trường hợp bị hội chứng tiền đình trung ương), chấn thương do té ngã,… Để có thể chia sẻ và tư vấn cho người cao tuổi về hội chứng rối loạn tiền đình, khách mời của chương trình hôm nay là bác sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh, Trung tâm y tế huyện Triệu Phong. Quý vị và các cụ hãy Kết nối trực tiếp qua số điện thoại 02333 595 399, chúng tôi sẽ gọi lại và khách mời sẽ trả lời trực tiếp về vấn đề mà quý vị quan tâm. Trước hết xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh đã giành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi hôm nay...

Thưa bác sĩ, những triệu chứng thường gặp nhất khi người già bị hội chứng rối loạn tiền đình là gì ạ?

Một số triệu chứng mà người bị rối loạn tiền đình có thể gặp phải.

  • Bị chóng mặt, quay cuồng.
  • Cảm giác chao đảo, choáng váng, mất thăng bằng, gặp khó khăn khi đứng lên ngồi xuống, hoặc khi đi lại, đi không vững và dễ bị ngã.
  • Mất ngủ, ngất xỉu hay mất ý thức.
  • Thị giác bị ảnh hưởng, dễ bị hoa mắt, nhìn không rõ, mỏi mắt, khó khăn khi đi lại trong bóng tối.
  • Thính giác bị rối loạn, bị đau tai, ù tai, khả năng nghe kém, nhạy cảm với âm thanh lớn.
  • Lo lắng quá mức, dễ bị phân tâm và khó tập trung vào các việc như học tập hay công việc.

Nguyên nhân do đâu, thưa bác sĩ?

Rối loạn tiền đình xuất phát từ các nguyên nhân như sau:

- Rối loạn tiền đình ngoại biên:

Do các bệnh lý như tiểu đường, suy giáp, tăng ure huyết, viêm gây thần kinh tiền đình, chấn thương vùng tai trong, dị dạng tai trong, viêm tai giữa cấp và mạn tính, hay say tàu xe,...

- Rối loạn tiền đình trung ương:

Có nguyên do từ các bệnh lý, ví dụ như hạ huyết áp tư thế, nhồi máu tiểu não, u tiểu não, giang mai thần kinh,...

Đi kèm với đó, các yếu tố khác cũng làm nguy cơ mắc phải bệnh rối loạn tiền đình tăng lên, chẳng hạn như: tuổi tác hoặc tiền sử bị chóng mặt. Cụ thể, người cao tuổi, độ tuổi trên 40 có nguy cơ cao đối diện với căn bệnh này hơn người trẻ. Bên cạnh đó, ở những đối tượng từng bị chóng mặt thì cũng có nhiều khả năng trong tương lai sẽ bị đối diện với tình trạng hoa mắt, choáng váng, mất thăng bằng, nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình tăng lên.

Vâng, mức độ nguy hiểm của hội chứng rối loạn tiền đình là gì ạ?

Đa số các trường hợp là không nguy hiểm. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng rối loạn tiền đình lại làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, nhất là khi những cơn chóng mặt, đau đầu, hoa mắt xuất hiện bất ngờ. Những triệu chứng của bệnh lý tiền đình cũng gây ra không ít chấn thương cho người lớn tuổi, nhẹ thì trầy xước, chảy máu, nặng thì té ngã, chấn thương…

Một số nguyên nhân gây rối loạn tiền đình có thể nguy hiểm đến tính mạng như u não, tai biến mạch máu não…và các trường hợp này cần được chẩn đoán và điều trị ngay.

Vâng liên quan đến nội dung mà chúng ta đang đề cập, một thính giả có nick name facebook Nhật Hoàng gửi câu hỏi tới chương trình với nội dung như sau:

Câu hỏi: Bà ngoại em năm nay 75 tuổi, bà hay chóng mặt, đau đầu. Khi ngủ thì cũng rất khó chịu khi dùng gối. Nhờ bác sĩ tư vấn loại gối và tư thế nằm như thế nào để bà em đỡ khó chịu khi ngủ?

Mời bác sĩ tư vấn cho thính giả được rõ ạ.

TL -...

Lúc này chúng tôi cũng đã nhận được tín hiệu điện thoại từ thính giả, mời KTV thu âm nối máy ạ.

Điện thoại kết nối: Chào bác sĩ, chào chương trình, cho tôi hỏi, chị gái tôi hay chóng mặt, đau đầu, đi tàu xe thường xuyên bị say. Đi khám bác sĩ bệnh viện bảo chị bị rối loạn tiền đình và cho thuốc uống. Tôi muốn hỏi bác sĩ, bệnh của chị có hết được không và ngoài dùng thuốc tây ra có bài thuốc nào chị tôi có thể làm để mau lành bệnh không?

Mời bác sĩ tư vấn cho thính giả được rõ ạ?

Cảm ơn thính giả đã gọi tới chương trình. Tôi xin trả lời cho thính giả như sau. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loại bệnh, mức độ bệnh, thời gian phát hiện, phương pháp điều trị… Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, không tái phát nếu người bệnh điều trị đúng và đủ liệu trình theo chỉ định. Do đó, để điều trị triệt để, trước tiên bệnh nhân cần đến đúng chuyên khoa, xác định đúng nguyên nhân để có phương án điều trị phù hợp.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Kính thưa quý vị và các cụ! Có thể nói, người cao tuổi khi mắc hội chứng tiền đình không được phát hiện và chữa trị sớm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh cảm thấy chán nản, chất lượng cuộc sống suy giảm. Triệu chứng của rối loạn tiền đình có thể xuất hiện trong một vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài và thường xuyên tái phát nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống do mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, run rẩy, tê bì tay chân.

Thưa bác sĩ... hội chứng rối loạn tiền đình ở người cao tuổi sẽ gây ra những biến chứng như thế nào?

Rối loạn tiền đình có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

1. Dễ trầm cảm

Căn bệnh trầm cảm đang ngày càng phổ biến, một trong những nguyên nhân chính là do khi mắc phải, đa số người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không thể đứng vững và sinh hoạt khó khăn, điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, lạc lõng.

2. Dễ bị té ngã

Khi cơn đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng khi bệnh tái phát đột ngột ở nhất là lúc thức dậy vào buổi đêm, đang điều khiển phương tiện giao thông hoặc làm việc trên cao, có thể khiến họ gây ra tai nạn nguy hiểm cho chính bản thân và cả những người xung quanh.

3. Nguy cơ đột quỵ, tai biến

Bệnh nhân có thể phải nằm liệt giường thậm chí tử vong

Nếu nguyên nhân rối loạn tiền đình là do hệ mạch máu não thì nguy cơ đột quỵ thật sự hay tái phát cao, do đó cần được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Vâng, việc tập thể dục có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao sức khỏe con người. Vậy thì việc tập thể dục có ý nghĩa đối như thế nào đối với người cao tuổi bị tiền đình?

Thể dục thể thao là một trong những bộ môn rất tốt cho sức khỏe con người. Luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nhanh các triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình. Với bất cứ bệnh nào, việc luyện tập thể dục cũng hổ trợ điều trị bệnh rất tốt, nhất là bệnh rối loạn tiền đình. Do đó bệnh nhân nên luyện tập thể dục hàng ngày để cải thiện sức khỏe cho bản thân mình.

Vâng, bác sĩ có thể chia sẻ một số bài tập thể dục với thính giả ạ?

          Sau đây là một số động tác giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiền đình, phòng và điều trị các chứng đau đầu chóng mặt khá hiệu quả:

1.     Xoa vùng cổ gáy

2.     Thực hiện gập cổ

3.     Quay cổ

4.     Tư thế nằm ngữa

5.     Đứng thẳng

Bác sĩ có điều gì tư vấn đối với người cao tuổi để phòng và ngừa hội chứng rối loạn tiền đình?

Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:

- Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý

- Giảm căng thẳng lo lắng

- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt

- Uống đủ nước mỗi ngày

- Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…

- Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ.

- Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh

- Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phương pháp điều trị hội chứng rối loạn tiền đình ở người cao tuổi như thế nào, thưa bác sĩ?

Điều trị không đúng cách hay dùng thuốc trị không đúng bệnh sẽ gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian trong khi tình trạng bệnh có thể trở nên nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.

- Điều trị bao gồm: điều trị nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, điều trị triệu chứng chóng mặt và nôn, điều trị phục hồi chức năng tiền đình.

- Phục hồi chức năng: Các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình có hiệu quả rất lớn trong phục hồi chức năng cho bộ phần đầu, cơ thể, thị giác.

- Tập luyện thể thao: Tập luyện ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, và hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình một cách nhanh chóng.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Đây được coi là “chìa khóa vàng” trong việc cải thiện sức khỏe đáng kể cho người bệnh và hạn chế các triệu chứng.

- Sử dụng thuốc kê toa: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp về thời gian, liều lượng dùng thuốc.

- Thời gian điều trị bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào phân loại, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với các biện pháp điều trị, có thể phục hồi chỉ trong một hai ngày hoặc kéo dài vài tháng. Do đó khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Qua đây bác sĩ có mong muốn, đề xuất gì?

Khi có những biểu hiện như chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp, càng sớm càng tốt.

Vâng, xin được cảm ơn bác sĩ với những chia sẻ vừa rồi.

Nhạc cắt: Sologan:  Sống xanh, sống khỏe – Chuyện tuổi già

MC: Quý vị và các cụ đang theo dõi chương trình PTTT : Người cao tuổi Quảng Trị  Sống xanh – Sống khỏe của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị và các cụ!

Trong miền kí ức của cuộc đời mỗi người đều có hình ảnh của ít nhất một người già nào đó, một người để lại rất nhiều cảm xúc ấm áp lẫn tươi vui. Đặc biệt đối với văn hóa gia đình nhiều thế hệ như Á Đông thì việc ông bà, bố mẹ, con cháu sống chung với nhau dưới một mái nhà là rất phổ biến. Ai cũng đã từng một lần tự hỏi tại sao những người già lại không bao giờ chịu ngồi yên, cứ làm hết chuyện này đến chuyện kia dù ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong nhịp sống hối hả hiện đại thì những người trẻ ngày càng ít có thời gian để mà thấu hiểu và cảm thông cho tâm sự của người già. Phần cuối chương trình hôm nay chúng tôi mời quý vị và các cụ cùng nghe bài viết “Câu chuyện người già” ngay sau đây.

Câu chuyện người già

Đôi khi những gì người già cần không phải là của cải, vật chất, không phải là những món quà tặng đắt tiền, những loại thuốc men ngoại nhập, những phong bì mừng tuổi đầy tiền. Những gì họ cần chỉ là sự thấu hiểu, sẻ chia, sự ấm áp quây quần bên con cái, đôi khi chỉ là vài ba câu thăm hỏi, đôi ba cuộc điện thoại của những đứa con, đứa cháu ở xa nhà. Với tất cả tình cảm và sự cảm thông mà mãi đến khi trưởng thành tôi mới thấm hết được, hôm nay tôi sẽ viết về một người già, người gắn bó với tôi cả thuở ấu thơ lẫn thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành. Đó là bà nội. Mặc dù rất thích đọc truyện cổ tích, nhưng những câu chuyện kể về thời thanh xuân oanh liệt của nội còn sống động và ấn tượng hơn bất cứ câu chuyện nào mà tôi từng đọc.

Nội chính là người phụ nữ ngày đêm gánh gạo mưu sinh nuôi dạy thành tài 8 người con ăn học Đại học, người đã dũng cảm nhổ hết 2 hàm răng từ hồi đôi mươi (hỏi ra mới hay hồi chiến tranh lại có màn nhổ răng sĩ cho đỡ tốn tiền, khiếp!), người thức khuya dậy sớm nấu cơm sáng cho cả nhà cho đến tận những năm 70 khi sức khỏe đã yếu đi nhiều (và cũng tạo ra truyền thống ăn sáng ở nhà mà hiếm có gia đình hiện đại nào duy trì được).

Nội tôi cũng không phải là ngoại lệ của người già với đặc tính không-bao-giờ-chịu-ngồi-yên. Đúng là nội tuổi càng già, sức càng yếu (điều này hết sức logic), nhưng nói về mức độ sung thì đến tuổi trẻ như tôi còn phải chào thua! Nội làm đủ chuyện trong nhà, từ chuyện vặt vãnh, nhẹ nhàng như lặt rau, rửa chén, tới chuyện “tháo vát” như rửa quạt, tỉa cây, tới chuyện “hạng nặng” như chặt mía, đóng tủ, và khủng khiếp nhất là mấy chuyện đòi hỏi khả năng leo trèo, đu đu lắc lắc.

Một lần nội té là do leo lên coi số điện, mà phải chi nội leo cái ghế cố định bình thường cũng không có chuyện để nói. Không! Nội leo lên cái ghế mát xa, mà cái này thì bạn cũng biết rồi đấy, dù lúc không khởi động thì nó cũng nhân đà quay quay, lắc lắc, thế là nội cũng có dịp tận hưởng vài giây quay về thời còn lắc lư nhảy nhót theo nhạc.

Lần thứ 2 là nội leo lên thanh chắn của xe phơi đồ để… giăng mùng. Chẳng may bánh xe chạy, nội tuy sung mà lực bất tòng tâm nên chạy theo không kịp, thế là ngã sóng soài khiến cả nhà lại một phen thót tim. 3 lần còn lại là một lần nội đang đi tự dưng trật chân té, chấn thương cột sống, nằm liệt giường ngót nghét 2 tháng trời; một lần lật đật ra mở cổng cho tôi đi làm mà vấp phải cái gì đó rồi sụm chân té; gần đây nhất là nội té trong khi đang tắm (lần đầu tiên thấy mấy bà cô dùng vũ lực tông cửa giống hệt một cảnh kịch tính trong phim hành động, kết quả là sau khi mở được cửa… BẰNG CHÌA KHÓA thì nhà tôi tốn tiền sửa lại cửa).

Mà điều kỳ lạ tôi quan sát được là sau mỗi lần nội té, có vẻ như nội lại càng bình tĩnh hơn, biết cách ứng phó hơn, và quan trọng là… sung hơn. Hôm qua tôi mới phải chặt dừa lần đầu tiên trong đời, vì sáng sớm thức dậy đã thấy nội “tươi không cần tưới” ngồi chặt dừa rồi đòi dạy tôi chặt dừa nữa!

Hồi nãy mới dắt nội băng ngang qua khu rừng tối om về nhà, tối trời nội bảo muốn đi ngắm trăng! Tôi đang vừa đi với tốc độ “rùa bò” vừa hồi hộp vì đường về không một bóng người, xung quanh tiếng côn trùng hợp xướng thành một bản nhạc rùng rợn thì nội đột nhiên quay sang bảo: “Sao nội mệt quá con ơi?”. Lúc bấy giờ trong lòng tôi chỉ gào thét rằng sao không có nhà khoa học nào nghiên cứu có cái bệnh gì mà tuổi già sức yếu đâm ra mệt, đặc biệt đối tượng lại là một người sung như bà nội của tôi? Tự dưng tôi chợt nghĩ, hay là sau này thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Ai sung hơn bà nội của tôi?” nhỉ?

Thật ra những mẩu chuyện về nội tôi nghe có vẻ “phiền toái”, nhưng tôi xác định là trong nhà có người già thì không khí gia đình sinh động hơn hẳn, và như nhiều người nói, thứ quý nhất của người già chính là sự trải nghiệm.

Vì vậy, bất cứ khi nào bạn khó chịu vì những phiền toái mà người già đem đến cho bạn (theo kinh nghiệm của một người đã gắn bó nhiều năm với một người già qua bao giai đoạn thăng trầm của cuộc đời như tôi), hãy nghĩ cách khai thác khía cạnh trải nghiệm của họ, hãy trò chuyện với họ nhiều hơn về bất cứ thứ gì trên đời, và đặc biệt là hãy yêu quý họ để không bao giờ hối tiếc về sau. Tin tôi đi, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì bạn nhận được đấy!

Nhạc cắt

MC: Quý vị và các cụ vừa theo dõi chương trình Người cao tuổi Quảng Trị  Sống xanh – Sống khỏe được phát sóng Phát thanh tần số 92,5 mkh của Đài PTTH Quảng Trị. Hy vọng chương trình sẽ trở thành điểm hẹn ý nghĩa của Người cao tuổi và Thính giá QRTV vào mỗi buổi trưa Thứ 3 hàng tuần. Quý vị và các cụ quan tâm hãy tương tác với chương trình : Kết nối trực tiếp qua số điện thoại 02333 595 399, chúng tôi sẽ gọi lại và khách mời sẽ trả lời trực tiếp về vấn đề mà bạn quan tâm

-                     Gửi nội dung câu hỏi qua số điện thoại zalo 0918898246; email Nguoicaotuoisongxanh-songkhoe@gmail.com hoặc Gửi thư về địa chỉ Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng trị số 105/2 Đường Nguyễn Trải – tp Đông Hà Quảng Trị. Chương trình sẽ tổng hợp vào chuyển đến khách mời giao lưu trực tiếp cùng quý vị và các cụ. 

-                     MC: Chương trình hôm nay đến đây xin tạm dừng cảm ơn quý vị và các cụ đã quan tâm theo dõi.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 03/09/2023 16:39 Lê Vĩnh Nhiên 05/09/2023 06:51
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà