TẠP CHÍ CUỘC ĐỜI MÃI XANH 25/6/2017
Danh mục
Cuộc đời mãi xanh
NỘI DUNG
Lời dẫn : Xin kính chào quý vị và các cụ! Bây giờ là thời lượng giành cho tạp chí Cuộc đời mãi xanh của Đài PTTH Quảng Trị, chương trình được phát vào lúc 11 giờ 45 trên tần số 92,5MHz. Chương trình hôm nay do Nguyên Bảo thực hiện với những nội dung chính sau: Bài viết Ghi chép thời chiến - Họ là những người lính Quảng Trị sẽ tóm lược ghi chép của CCB Nguyễn Văn Hợi, Nguyên trợ lý Quân lực Tiểu đoàn K3 Tam Đảo Quảng Trị. Tiếp đó là băng phỏng vấn ông Ngô Quang Trinh, Phó Chủ tịch Hội NCT phường 5 thành phố Đông Hà về những hoạt động nổi bật của Hội trong phát huy vai trò và chăm sóc SK NCT. Cuối chương trình như thường lệ là mục Tư vấn chăm sóc SKNCT với bài viết Những điều cần biết về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bây giờ mời quý vị và các cụ cùng nghe.

 

Nhạc cắt

Thưa quý vị và các cụ! Chiến tranh lùi xa 45 năm, những ký ức về từng trận đánh tại Quảng Trị vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí CCB Nguyễn Văn Hợi, nguyên Trợ lý quân lực Tiểu đoàn K3, Tam Đảo Quảng Trị. Mỗi con người, câu chuyện đã được tác giả kể lại trong cuốn sách “Họ là những người lính Quảng Trị” với một lòng tự hào và niềm kiêu hãnh về tình đồng đội, tình quân dân, sự hy sinh can đảm của biết bao cán bộ, chiến sĩ và chính người dân Quảng Trị. Tất cả đã góp công sức làm nên huyền thoại 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị và giải phóng tỉnh Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các cụ ký ức của ông Nguyễn Văn Hợi trong ghi chép – Họ là những người lính Quảng Trị. Mời quý vị và các cụ cùng nghe.

Những ngày mùa hè năm 2017, trời nắng như đổ lửa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, nguyên Trợ lý quân lực Tiểu đoàn K3, Tam Đảo Quảng Trị có dịp trở lại chiến trường xưa. Sau giải phóng Quảng Trị, đây là lần thứ 2 ông quay lại thăm ân nhân đã từng cưu mang, giúp đỡ mình cùng đồng đội trong những ngày kháng chiến. Những viên thuốc, những nồi cháo mà bà Nguyễn Thị Lương hay còn gọi là bà Lụt cung cấp cho bộ đội trở thành những kỷ niệm khó phai khi ông Hợi nghĩ về cuộc chiến tại mảnh đất này.

12 giờ ngày 21/4/1972, Tiểu đoàn 3 đang quần nhau ác liệt với lính sư đoàn 2 ngụy ở cao điểm 30 thì bị B 52 đánh trúng đội hình, 21 đồng chí bị thương, 5 đồng chí hy sinh. Trong khói lửa ngút trời ngày ấy, bà Lụt cùng con gái đã đến để cùng chữa trị vết thương cho các đồng chí bị thương. Từ đó, bà Lụt đã trở thành điểm tựa, chăm sóc sửa khỏe, gia đình bà trở thành cơ sở cách mạng cho biết bao cán bộ, chiến sỹ. Thời gian ấy, ngôi nhà của bà Lụt trở thành điếm đến của bao cán bộ, chiến sĩ tiến về giải phóng Đông Hà và vào Thành Cổ Quảng Trị. Bà Lụt chia sẻ:

Trích băng: Bộ đội về đây nương tôi 480m, để họ ngủ và đào hầm làm bếp nấu ăn, khi đi là họ lấp và họ lại là đào lại. Nhà như nhà tập thể…

Bà Lụt là một trong những nhân vật được cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi viết nên ghi chép – Họ là những người lính Quảng Trị. Cuốn sách dài 114 trang với 16 câu chuyện về những người như bà Lụt, những đồng đội từ miền Bắc nhập ngũ vào Quảng Trị, những trận đánh lịch sử.v.v. Tất cả đều được tái hiện khá sinh động trong cuốn sách nhỏ. Đó là ký ức về những trận đánh giành giật từng tấc đất với địch, vô số kỉ niệm về những người lính khi rời bỏ quê hương lên đường xông pha trận mạc: những công nhân, cầu thủ bóng đá đi bộ đội, những chàng trai miền Bắc lên đường nhập ngũ.v.v. Tất cả họ đã góp phần làm nên chiến công vang dội tại cao điểm 689 giải phóng Khe Sanh và 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ.

CCB Nguyễn Văn Hợi, nguyên Trợ lý quân lực Tiểu đoàn K3, Tam Đảo Quảng Trị chia sẻ, ông luôn đau đáu với mảnh đất Quảng Trị. Nơi ông cùng đồng đội đã vào sinh ra tử, có biết bao người đã hy sinh vì mảnh đất này, vì giải phóng dân tộc, họ ra đi mãi mãi dưới lòng sông Thạch Hãn, có những cán bộ chiến sỹ vì giành giật từng tấc đất với kẻ thù mà phải hy sinh trong trụ sở chỉ huy tại Thành Cổ.v.v. và v.v. Chính vì vậy, ông luôn muốn làm một cái gì đó để tưởng nhớ những người đã khuất, ghi ơn những người đã từng cưu mang mình cùng đồng đội. Đó cũng là lý do thôi thúc ông viết nên ghi chép – Họ là những người lính Quảng Trị. Ông Hợi chia sẻ:

Trích băng: (Những con người ấy đáng được lưu giữ muôn đời, cả gương người cộng sản như chị Lụt ngay chỗ tôi đứng là tôi muốn trở thành địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ Quảng Trị biết được thế hệ ông cha đánh Mỹ, thấy được con đường đi đến chiến thắng không đầy bánh mì và hoa hồng… nối… Cảm ơn đồng đội run rủi thế nào đây, Quân đội chọn quyển sách của tôi để xây dựng phim truyện muốn lưu giữ đời đời cho thế hệ sau)

Mỗi con người, mỗi câu chuyện và từng trận đánh được CCB Nguyễn Văn Hợi ghi chép cẩn thận, xuất bản thành cuốn sách Họ là những người lính Quảng Trị. Cuốn sách thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của những người đã cống hiến công sức mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước./.

Bao/Ho la nhung nguoi linh Quang Tri – kèm mail ngày 23 6 2017

Nguyên Bảo – Thúc Ái

Hội NCT phường 5, Đông Hà nổi bật với hoạt động chăm sóc người cao tuổi

Thưa quý vị và các cụ!

Với những cách làm riêng, hội người cao tuổi phường 5, thành phố Đông Hà đã có nhiều hoạt động tiêu biểu trong phát huy vai trò người cao tuổi và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện toàn thành phố có gần 1.700 hội viên, số quỹ chăm sóc người cao tuổi bằng 50% quỹ hội của thành phố. Đời sống hội viên ngày một cải thiện và nâng cao. Đây là một trong những điểm sáng được Hội Người cao tuổi thành phố Đông Hà đánh giá cao, trở thành mô hình mẫu để nhân rộng trong các cấp hội. Xung quannh vấn đề này, PV chuyên mục có cuộc trao đổi với ông Ngô Quang Trinh, Phó Chủ tịch Hội NCT phường 5, thành phố Đông Hà, mời quý vị và các cụ cùng nghe.

1.                    Thưa ông, xin ông cho biết một số điểm nổi bật của hội người cao tuổi phường 5 trong phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi?

2.                    Như ông đã trao đổi, việc vận động quỹ chăm sóc người cao tuổi đưa lại hiệu quả tốt, kinh nghiểm của Hội là gì ạ?

3.                    Thời gian tới, chúng ta tiếp tục phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe NCT như thế nào?

Vâng, xin cảm ơn ông!

Bao/Cham soc NCT – kèm mail ngày 23 6 2017

Nguyên Bảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những điều cần biết về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

 

Thưa quý vị và các cụ! Do đời sống được nâng lên, tuổi thọ ngày càng cao, nước ta ngày càng phải quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì sức khỏe bao hàm cả về thể chất, tinh thần lẫn xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng tôi mời quý vị và các cụ cùng nghe bài viết Những điều cần biết về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bài viết được đăng trên trang web www. dantri.com.vn.

Trước hết việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phải do chính mình thực hiện dựa trên sự hiêu biết và tinh thần tự giác của bản thân. Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa cho biết: tuổi già là kết quả tất yếu của một quá trình lão hóa bắt đầu diễn ra từ tuổi trung niên. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc môi trường sống, làm việc và sự rèn luyện thân thể cũng như chế độ ăn uống và nếp sống của mỗi người.

Bí quyết bảo vệ sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ chính là nếp sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên và ăn uống hợp lý, đủ đưỡng chất

* Đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng:

Muốn chăm sóc tốt sức khỏe, trước hết cần hiểu rõ đặc điểm và nhu cầu của mỗi lứa tuổi. Đối với người cao tuổi cũng vậy. Nói về nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi, các nhà nghiên cứu về lão khoa đã nêu rõ: Người cao tuổi thường gặp vấn đề về răng miệng, sức nhai kém nên khó nghiền nát thức ăn, đồng thời các men tiêu hóa giảm nên người cao tuổi thường hay bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy nếu không có chế độ ăn uống tốt, hợp lý, làm cho cơ thể bị suy yếu, dễ mắc phải nhiều bệnh.

Trong bữa ăn của người cao tuổi cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bao gồm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ vitamin và khoáng chất.

Người cao tuổi nên ăn giảm các loại tinh bột như gạo, ngô, khoai, ngũ cốc để tránh thừa calo, tích mỡ và tăng cân Trung bình nên ăn dưới 300g/người/ngày; Ăn vừa phải thịt, cá, trứng, hải sản; nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt: Mỗi tuần tối thiểu 3 bữa cá; ăn không quá 1,5kg thịt/tháng. Chỉ nên ăn 2-3 quả trứng một tuần. Ngoài thức ăn đa dạng, người cao tuổi nên uống 1-2 ly sữa mỗi ngày vì sữa bổ dưỡng, cung cấp nguồn axit amin cân đối và không chưa nhiều cholesterol như trứng gà.

Ăn đầy đủ các chất nhưng nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau, đậu, vừng, lạc; các loại hoa quả như chuối, cam…

Ăn nhiều rau không chỉ cung cấp các vitamin, chất khoáng mà còn cung cấp chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón; chúng còn có tác dụng như “cái chổi”quét hết cholesterol thừa đẩy ra theo đường tiêu hóa, tránh những tai biến do xo vữa động mạch. Điều này cố GS Từ Giấy, Viện trưởng đầu tiên của Viện Dinh dưỡng đã từng nhân mạnh nhiều lần từ thế kỷ trước.

 

Với người cao ruổi, nên hạn chế đồ chiên xào, tăng cường thức ăn tươi hoặc luộc. Ăn chậm, nhai kỹ làm cho thức ăn dễ tiêu hóa, giờ ăn trong ngày nên ổn định. Nên coi trọng bữa ăn sáng; không nên ăn no vào bữa tối. Ngoài ra cần phải uống nước để tránh sỏi đường niệu và táo bón. Cần uống 1 – 1,5 lít nước/ngày là đủ nhu cầu của cơ thể.

*Rèn luyện thể lực:

Các nhà lão khoa cho biết: từ 30 đến 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Trong giai đoạn này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già. Nếu sức khỏe cho phép thì nên đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp, ngồi thiền, yoga (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi 30 – 40 phút).

Ở người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cùng với thời gian và tuổi tác nên rất dễ bị mắc các bệnh mạn tính, vậy nên đi đôi với việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, cần duy trì chế độ vận động hợp lý và đều đặn. Cách rèn luyện dễ thực hiện nhất là đi bộ đều dặn hằng ngày từ 30 đến 40 phút vào sáng sớm và chiều tối ( nên chọn thời gian thích hợp tùy theo mùa hè hay mùa đông). Nên đi với tốc độ vừa phải tùy theo sức khỏe từng người để sau khi đi không thấy mệt, ăn ngon hơn và ngủ tốt hơn....

*Chăm sóc giấc ngủ:

Hầu như ai cũng biết câu thành ngữ “Ăn dược ngủ được là tiên”, nhưng thật ra ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Một người ngủ trung bình 7 giờ/ngày là hợp lý, có tuổi thọ cao nhất, còn ngủ 9 giờ/ngày có nguy cơ cao về tim mạch và giảm tuổi thọ..

Ngoài giấc ngủ buổi tối, nên ngủ 15-30 phút vào buổi trưa, giúp cho trí óc tỉnh táo, minh mẫn hơn vào buổi chiều.

*Chăm sóc sức khỏe tinh thần:

Con người ta vốn là một thể thống nhất giữa thể lực, trí tuệ và tâm hồn. Nói đến sức khỏe là nói đến sự hài hòa của ba yếu tố này. Bên cạnh việc rèn luyện thể lực, chăm lo cho giấc ngủ, bữa ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, người cao tuổi còn cần quan tâm đến việc chống lão hóa trí tuệ và tâm hồn. Ngay khi bắt đầu nghỉ hưu, bên cạnh việc rèn luyện thể chất, nên duy trì việc hoạt động trí tuệ dưới nhiều hình thức. Đọc sách báo, giao lưu với bạn bè, sinh hoạt trong câu lạc bộ, làm thơ, ghi nhật ký…; thậm chí vẫn làm việc (vừa sức) trong nghề chuyên môn vốn thuộc sở trường của mình như nghề thầy thuốc, dạy học, làm báo, viết văn hoặc học tập, nghiên cứu một lĩnh vực mới.

Quý vị và các cụ thân mến, những thông tin trong bài viết Những điều cần biết về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vừa rồi đã khép lại tạp chí CĐMX tuần này của chúng tôi. Chương trình do Nguyên Bảo thực hiện với sự tham gia của các PTV… Kỹ thuật viên thu âm… Cảm ơn quý vị và các cụ đã quan tâm theo dõi. Quý vị và các cụ có thể nghe lại chương trình trên trang web www.quangtritv.vn. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị cùng các cụ trong các chương trình sau.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 23/06/2017 12:19 Lê Vĩnh Nhiên 23/06/2017 14:56
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà