văn hóa Quảng Trị
Danh mục
Văn hóa và đời sống
NỘI DUNG

Tạp chí văn hóa Quảng Trị tháng 4 năm 2023

MC1: Kính chào Qv & các bạn thính giả đang nghe tạp chí văn hóa Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay mời Qv & các bạn cùng chúng tôi nhìn lại những hoạt động văn hóa nổi bật trong thời gian qua tiểu mục toàn cảnh văn hóa, mục câu chuyện văn hóa mời Qv & các bạn cùng tìm hiểu về nghệ thuật hò giã gạo Quảng Trị vừa được Bộ VH, TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt toàn cảnh văn hóa

Tin 1: Triển lãm lưu động bản đồ và trưng bày tư liệu chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

MC2: Vừa qua, tại thị xã Quảng Trị, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thị xã Quảng Trị tổ chức Triển lãm lưu động bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” năm 2023. 

Tại chương trình, các đại biểu cùng đông đảo người dân và học sinh đã có cơ hội tham quan, tìm hiểu nhiều tư liệu, tài liệu gồm: Thư tịch cổ; Châu bản triều Nguyễn; Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ phương Tây; Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ của Việt Nam; Bản đồ Trung Quốc (do Trung Quốc và phương Tây vẽ) không có Hoàng Sa, Trường Sa; ảnh tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa từ trước đến nay (gồm 150 bản)... Ngoài ra còn có Thư tịch cổ Việt Nam, tư liệu liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, Atlas (gồm 96 bản) được trưng bày trong tủ kính theo từng nội dung. Triển lãm còn kết hợp trưng bày những hình ảnh chọn lọc về thành tựu KT - XH của thị xã trong những năm qua. Thông qua triển lãm nhằm giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và học sinh trên địa bàn trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc phổ biến sâu rộng những tri thức, hiểu biết về chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam. Qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biển đảo.

Tin 2: “Ru tình” – Đêm nhạc 22 năm nhớ Trịnh Công Sơn

MC1: Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, với tinh thần tương thân, tương ái, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, Công ty TNHH Kim Sơn, TP. Đông Hà và Nhóm nhạc Kết nối yêu thương Đông Hà phối hợp tổ chức đêm nhạc 22 năm nhớ Trịnh Công Sơn “Ru tình” vào đêm 26/3/2023, tại Công viên Cọ Dầu, số 258 Hùng Vương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ đang được mến mộ và đang hoạt động trên cả nước; trong đó có Hoàng Trang - Nguyễn Đông, đôi du ca quen biết mải mê với nhạc Trịnh. Đây là đêm nhạc thiện nguyện nhằm chung tay góp sức để hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của học sinh miền núi và làm vơi bớt nỗi đau của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Tin 3:

MC2: Vừa qua, Nhà văn Trần Trà My đã có nhiều cuộc trò chuyện để truyền cảm hứng về nghị lực sống tới khoảng 500 học sinh tại Trường Liên cấp hội nhập quốc tế iSchool Quảng Trị, Trường Phổ thông Liên cấp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị (TP.Đông Hà) và Trung tâm Văn hóa - Giáo dục Thiện Nhân Văn (huyện Vĩnh Linh). Tại các buổi trò chuyện, nhà văn Trần Trà My đã chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình; những khó khăn, thử thách trên hành trình thực hiện ước mơ trở thành nhà văn; tinh thần kiên cường, không chịu đầu hàng số phận, sự cầu tiến, ham học hỏi và nỗ lực không ngừng để đạt được kết quả như mong muốn. Đồng thời cũng dành nhiều lời động viên, khuyến khích các bạn trẻ hôm nay khi có cơ hội tốt, thuận lợi thì hãy kiên trì thực hiện giấc mơ, hoài bão tuổi trẻ, không dừng bước khi gặp những trở ngại…

Đến thời điểm hiện tại, Trà My đã xuất bản 4 cuốn sách: “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, “Chúng ta chính là mùa xuân”, “Yêu trên từng ngón tay”, “Tin vào điều tử tế” phát hành rộng rãi trên toàn quốc, được người đọc yêu thích và đánh giá cao.

Nhạc cắt Câu chuyện văn hóa

MC1: Thưa QV & các bạn! Hò giã gạo Quảng Trị có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, trải qua thời gian hình thành, phát triển, hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian sinh hoạt. Với những giá trị riêng có, nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo vừa được Bộ VH, TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(Trích 1 đoạn hò giã gạo được biểu diễn tại chương trình về nguồn ở TP Hồ Chí Minh)

MC2: Từ thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, thanh âm và những làn điệu dân dã của Hò giã gạo quê nhà lại vang lên đầy thiết tha trong chương trình “Về nguồn” kỷ niệm 40 năm thành lập HĐH Quảng Trị tại TP Hồ Chí Minh. Những điệu hò đối đáp, khi ân cần vồn vã, khi trữ tình tha thiết, có lúc lại hài hước, tinh nghịch đan xen đầy sống động đã gợi lên bao thương nhớ trong tâm thức của những người con Quảng Trị xa quê…

Hò giã gạo là một loại hình dân ca rất được ưa chuộng ở Quảng Trị, phổ biến nhất là ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Sở dĩ có tên gọi “Hò giã gạo” vì điệu hò này được bắt nguồn từ môi trường lao động tập thể trong xay lúa, giã gạo thường ngày của người dân nhằm giải khuây, tạo không khí vui vẻ để quên đi mệt nhọc. Đặc biệt, với đặc thù là vùng đất giới tuyến trong những năm từ 1954 – 1975, hò giã gạo còn là vũ khí tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ quê hương của người dân Quảng Trị. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thanh Hồng, chủ nhiệm CLB dân ca Sông Hiền chia sẻ:

Băng ghi âm

MC1: Cũng như những điệu họ lao động khác như hò mái nhì, hò máu đẩy…  hò giã gạo thường có tiết tấu sôi nổi, nhịp hai/nhịp tư và thường là điệu thức Bắc, Xuân, Nam (không thấy có điệu thức Ai hoặc Oán). Nó là sản phẩm được tạo ra bởi sự hứng khởi mạnh mẽ trong khâu sáng tác, nó chính là sự thăng hoa mang tính tập thể trong sáng tạo các điệu hò.  Trải qua thời gian hình thành, phát triển, hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian sinh hoạt, kết nối các thành viên trong một làng hoặc nhiều làng.

Hiện nay, tại nhiều làng quê ở Quảng Trị vẫn rất ưa chuộng điệu hò giã gạo của quê hương, nhiều nơi đã thành lập các câu lạc bộ, các nhóm sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian để lưu truyền những làn điệu dân ca của quê hương. Và cũng vì thế, giữa cuộc sống hiện đại, điệu hò giã gạo vẫn vang lên đầy tha thiết.

Bà Lê Thị Phương Mai thành viên CLB Dân ca Sông Hiền chia sẻ thêm:

Băng ghi âm

Với bề dày phát triển cùng những giá trị quan trọng, hò giã gạo ở Quảng Trị đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc phục hồi, cải biên, đưa hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí là hướng đi đúng đắn. Vấn đề còn lại là ở khâu nội dung kịch bản và cách thức phát triển từ cái gốc các điệu hò Quảng Trị có giai điệu hay, phù hợp với khán giả đương đại mới là mấu chốt của việc thành công.

Chào cuối

Đón nghe: Hò giã gạo Quảng Trị có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, trải qua thời gian hình thành, phát triển, hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian sinh hoạt. Với những giá trị riêng có, nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo vừa được Bộ VH, TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nội dung chính của tạp chí văn hóa Quảng Trị được phát sóng vào 11h10 thứ 3 ngày 4/4 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị, mời QV & các bạn đón nghe.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 29/03/2023 15:45 Lê Vĩnh Nhiên 03/04/2023 07:16
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà