Mùa Vu Lannghĩ về báo hiếu
Danh mục
Khuyến học
NỘI DUNG
Lời dẫn : MC: Kính chào quý vị và các bạn, cảm ơn quý vị và các bạn đang nghe chương trình Lắng nghe cuộc sống, phát trên sóng phát thanh tần số 92,5 mkh của Đài PTTH Quảng Trị. MC: Thưa quý vị và các bạn, Hôm nay là ngày Rằm tháng bảy âm lịch - ngày chính lễ của Mùa Vu Lan báo hiếu. Từ một nghi lễ tôn giáo, Vu Lan dần trở thành một nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam. Dù cuộc sống thời công nghiệp có gấp gáp, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp thì chữ "Hiếu" vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa trong mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn của đấng sinh thành dưỡng dục. MC: Chương trình Lắng nghe cuộc sống hôm nay chia sẽ về nội dung này, mời quý vị và các bạn chú ý theo dõi. Nhạc cắt

 

MC: Thưa quý vị và các bạn, Các cụ xưa có câu,“nước mắt chảy xuôi” để nói về sự hy sinh và yêu thương vô bờ bến của cha mẹ đối với con cái. Mỗi đứa con được nâng niu, chăm sóc, lớn lên trong vòng tay cha mẹ là cả một cuộc hành trình rất dài, một công trình kiến thiết vĩ đại của bậc sinh thành. Thế nhưng, cha mẹ vẫn là con người và không thể nào nằm ngoài quy luật thời gian nghiệt ngã của tạo hóa. Mỗi ngày ta lớn lên là một ngày cha mẹ ta già đi. Và điều đó đồng nghĩa với việc, cha mẹ ngày càng yếu đi, mắt sẽ mờ, chân sẽ chậm và cần hơn bao giờ hết sự yêu thương chăm sóc của chúng ta. Câu chuyện mà chúng tôi muốn chuyển đến quý vị và các bạn ngay sau đây là một câu chuyện đẹp về tình mẫu tử của bà Nguyễn Thị Hồng 40 năm chăm mẹ già. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

MC: Đọc trên nền nhạc:

Theo lời giới thiệu của Hội Phụ nữ thành phố chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hới, ở phường 2, điều khiến chúng tôi khá bất ngờ so với những thông tin về người phụ nữ nghèo chăm mẹ 40 năm bệnh tật là ngôi nhà ngôi nhà tươm tất, giản dị những rất sạch sẽ của Bà Hồng. Tràn ngập không gian căn nhà là mùi hương sả thơm nhẹ nhàng xóa tan cảm giác nóng nức của tiết giao mùa. Chia sẽ về điều này Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, mẹ của bà lâm bệnh lâu ngày, nhưng bà nhớ lúc còn trẻ bà rất thích mùi sa sả nên giờ đây hàng ngày bà vẫn đun một nồi nước để ở gốc phòng, một phần để giúp xua côn trùng, mặt khác để mẹ của bà cảm thấy dễ chịu trong lòng, và thói quen này bà đã làm hơn 40 năm qua. Chia sẽ về cách chăm sóc mẹ hàng ngày, bà Nguyễn Thị Hồng nói :

Băng :

Nhẫn nại, tận tâm với tất cả tình yêu thương bà Nguyễn Thị Hồng đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để chăm mẹ hơn 40 năm qua. Khi mẹ bà đổ bệnh, bà Hồng vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, nhưng gia cảnh neo người, các anh trai đi lấy vợ xa, bố mẹ lại già yếu nên bà tình nguyện ở nhà thay các anh chăm sóc họ. Cứ như thế ngày qua ngày, bệnh thấp khớp của người mẹ ngày càng nặng hơn, rồi đến ngày mẹ của bà Hồng không còn đi lại được, đây cũng là lúc bà quyết định Gác lại hạnh phúc riêng ở nhà chăm sóc bà.

Chăm sóc người cao tuổi khi đau yếu không phải là một việc đơn giản, bởi ngoài những khó khăn khi chăm lo về mặt thể chất, việc chăm sóc về tâm lý cũng không dễ dàng do người lớn tuổi thường thấy mặc cảm khi nay trở nên lệ thuộc vào sự chăm lo của người khác từ những việc nhỏ nhất. Do đó, ngoài việc chăm sóc về miếng ăn, giấc ngủ, Bà Hồng còn nhờ từng thói quen, sở thích của mẹ, nói chuyện với mẹ hàng ngày để bà vơi đi bệnh tật. Sự tận tâm và nhẫn nại của bà Hồng đã giúp mẹ của bà dần dần hồi phục. Giờ đây bước vào tuổi 70 với gần 40 năm mang bệnh thấp khớp và di chứng của tai biến mạch máu não nhẹ nhưng mẹ của Bà Nguyễn Thị Hồng vẫn đủ minh mẫn, trò chuyện với con cháu. Với riêng bà Hồng, cảm phục và trân trọng tình cảm của bà với người mẹ già đau ốm, khi gần 40 tuổi một người đàn ông ở cùng khu phố đã tình nguyện về sống với bà, cùng bà gánh vác việc gia đình và chăm sóc người mẹ. Bà Nguyễn Thị Hồng chia sẽ thêm :

Băng :

Cuộc sống cứ hối hả trôi đi. Đâu đó trong cuộc sống chúng ta bắt gặp những câu chuyện Bố mẹ bận công việc mưu sinh, con cái bận học hành. Có biết bao người ông, người bà, người cha, người mẹ dẫu vẫn sống bên cạnh con cái nhưng không ít lần lặng lẽ khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn. Vì vậy, Câu chuyện 40 năm chăm mẹ già bệnh tật của bà Nguyễn Thị Hồng ở Phường 2 là câu chuyện cảm động với nhiều người và để tin rằng giữa cuộc đời này luôn có những niềm tin được lan tảo bằng tình yêu thương chân thành nhất.

Nhạc cắt

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Lắng nghe cuộc sống – Mùa Vu Lan nghĩ về đạo hiếu gia đình.

MC: Thưa quý vị và các bạn,  Báo hiếu với đấng sinh thành, mỗi người, có một cách riêng nhưng cần nhất vẫn là sự chân thành. Báo Hiếu không chỉ là sự bù đắp cho cha mẹ đủ đầy vật chất mà quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, chia sẻ bằng những gì bình dị nhất, chân thành nhất. Bởi “miếng trầu không đẹp ở người têm, mà đẹp ở người đem dâng”.

MC: Và thực ra, chuyện báo hiếu của con cái thường bắt đầu từ những điều giản dị nhất. Con cái biết giữ gìn nề nếp gia phong, sống kính trên nhường dưới, không đánh mất mình trước những cám dỗ của cái xấu, cũng là cách để thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ. thế mà báo đáp công ơn cha mẹ thông qua việc phụng dưỡng hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật... luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Ai không làm được điều này, tệ hơn nữa là ngược đãi, hắt hủi cha mẹ sẽ bị xã hội lên án. Đâu đó, trên các phương tiện thông tin truyền thông, chúng ta vẫn thấy  những câu chuyện con bất hiếu đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thậm chí còn đánh đập người đã mang nặng đẻ đau mình vì coi họ là gánh nặng. Người già không nơi nương tựa phải vào trung tâm dưỡng lão, lang thang kiếm sống đã tạo ra áp lực lớn cho xã hội.

Chia sẽ suy nghĩ về báo hiếu với đấng sinh thành , Chị Hoàng thị Thu Hương ở Cam An, Cam Lộ cho biết :

Băng ( Báo hiếu cha mẹ )

Trong những ngày lễ Vu Lan, những ngôi chùa dường như đông đúc hơn bởi những dòng người đổ về hành lễ. Tìm tới cửa Phật trong ngày lễ Vu Lan, không chỉ có những người già mà cả những bạn trẻ. Ở đây, mọi người không chỉ cầu siêu cho bậc sinh thành đã mất, với những ai may mắn còn cha, còn mẹ, sẽ khấn nguyện những điều hạnh phúc, tốt lành nhất cho cha mẹ mình. Đó chính là bài học vô giá mà họ sẽ tiếp tục truyền đạt cho thế hệ sau.

Và thật đáng trân trọng khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ tham gia lễ hội Bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan với tất cả sự thành kính thiêng liêng, để khi cài lên ngực một bông hồng, cùng lời nhắc nhở  

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha. 

Để mỗi người trong chúng ta có dịp nhìn lại những gì mình đã làm cho đấng sinh thành. Thật vui khi ngày càng có nhiều tấm gương hiếu thảo với ông bà cha mẹ, những gia đình văn hóa, những lễ mừng thọ trân trọng, thành kính, giúp người già thêm vui để sống khỏe trong tình thương yêu, sự hiếu thuận của cháu con.

Chia sẽ về Báo hiếu ngày lễ vu Lan, Thầy Thích Từ Phương, ở  Chùa Đông Hà, cho biết :

Băng :

Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị và các bạn, Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam từng chia sẽ với PV VOV: trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Mùa Vu Lan báo hiếu, những người con nên dành tất cả tâm huyết và những hành động cao quý nhất của mình để làm cho cha mẹ hãnh diện và tự hào vì có được những người con hiếu thảo. Lắng nghe những lời khuyên chân thành của cha mẹ, nỗ lực làm những điều đạo đức, hợp pháp để cha mẹ cảm thấy hạnh phúc. Bày tỏ những lời thương yêu chân thành, truyền tải sự thương kính cha mẹ qua lời nói dịu dàng, chăm sóc những công việc trong gia đình để cha mẹ có thời gian an hưởng đúng nghĩa.

Chia sẽ suy nghĩ của mình về tấm lòng hiếu kính cha mẹ, chương trình lắng nghe cuộc sống đã ghi được một số ý kiến sau, mời quý vị và các bạn cùng nghe:

Băng 3 ý kiến

MC: Thưa quý vị và các bạn, một số ý kiến của thính giả chia sẽ với với chương trình cũng là điều mà chúng tôi muốn gửi gắm đến quý vị và các bạn trong chương trình hôm nay. Một mùa Vu Lan, mùa báo hiếu mẹ cha nữa lại về, nhắc nhớ cho tất cả những người từng có mẹ, có cha về ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục. Mỗi người lại có cách báo hiếu cha mẹ khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là mỗi người hãy sống thật tốt, đối xử thật tốt với bố mẹ trong những ngày bình thường, ngay khi bố mẹ còn bênh cạnh chúng ta. Đến đây chương trình lắng nghe cuộc sống xin tạm dừng. Chương trình do Việt Thanh, ….. cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Vĩnh Nhiên 24/08/2018 14:24
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà