CT QUẢNG TRỊ DU KÝ SỐ 67
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG

 

QUẢNG TRỊ DU KÝ SỐ 67

Phát sóng ngày thứ 5 18/4/2019

Thời lượng: 15’

Kịch bản: Thái Hiền

Thể hiện: Thái Hiền – Thế An

Nhạc hiệu: Quảng Trị du ký

Hiền: Thái Hiền và Thế An của QTDK xin kính chào quý vị và các bạn! Chúc quý vị có một buổi chiều nhiều niềm vui cùng với những khám phá thú vị mà QTDK sẽ chuyển đến quý vị ngay sau đây.

An: Thưa quý vị! Trong sự nghiệp trường chinh vĩ đại chống giặc ngoại xâm, sông Bến Hải – cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17, giữa lòng Quảng Trị thân thương của chúng ta là một dấu ấn điển hình cho lịch sử oai hùng, chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. Hơn bất cứ nơi nào trên đất nước này, tại con sông từng là nhát dao chia cắt đất nước ròng rã suốt 21 năm, đã trở thành khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Hiền: Với niềm tin và khát vọng cháy bỏng cùng quyết tâm sắt đá ấy, quân và dân Quảng Trị đã cùng với cả nước đồng lòng sát cánh, vượt qua mưa bom, bão đạn, muôn vàn thử thách khốc liệt, đã chiến đấu anh dũng, hy sinh để chiến thắng kẻ thù xâm lược, viết nên ca khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân 1975, vĩnh viễn xóa đi sự chia cắt đau thương, cho non sông nối liền một dải. Hoàn thành di nguyện thiêng liêng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam – Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

An: Và như một mốc son chói lọi, tháng 4 đến cả nước lại nhớ cầu Hiền Lương, nhớ sông Bến Hải, nhớ một thời chia cắt đau thương nhưng oai hùng không kể xiết. Và đây cũng là chủ đề chính của QTDK ngày hôm nay.

Bài hát: Câu hò bên bến Hiền Lương

Hiền: Thưa quý vị! Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã đi vào tiềm thức của người Việt với biết bao thăng trầm, biến cố trong lịch sử. Con sông đẹp hiền hòa chảy bên làng Hiền Lương thân thương nhưng lại mang trong mình nỗi đau chia cắt dằng dặc suốt hơn 20 năm trời chứng kiến cảnh chồng nam vợ bắc, cha mẹ, con cái cách trở, anh chị em chia xa…. trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Và dòng sông đó đã viết nên những bản hùng ca bất tử.

“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”

An: Theo như tìm hiểu thì An được biết, sông Bến Hải lúc đầu có tên là Minh Lương, trùng với tên làng.  Sau đó vua Minh Mạng lên ngôi và chữ Minh đã phạm húy nên cả tên sông và tên làng đều được đổi thành sông Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông Bến Hói, hói có nghĩa là dòng sông nhỏ bởi vì có những chỗ hẹp, nhỏ đến mức  như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói “nhảy qua không ướt mũi giày”, sau đó người ta đọc chệch Bến Hói thành Bến Hải. Sông có chiều dài 100km, là ranh giới giữa huyện Gio Linh và Vĩnh Linh ngày nay. Trong cuộc chiến cam go ác liệt với đế quốc Mỹ, cầu Hiền lương là ranh giới chia cắt giữa 2 miền Nam Bắc. Một cây cầu chỉ dài 178m với 894 tấm ván, bình thường chúng ta chỉ mất 5 phút để đi qua vậy mà cả dân tộc phải chịu cảnh chia ly suốt 21 năm ròng và đánh đổi biết bao xương máu, bao khổ đau đè trĩu lên 2 vai của những người con yêu nước, yêu hòa bình.

Cách nhau chỉ một mái chèo

Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây

Nhà văn Xuân Đức cho biết:

PV: Xuân Đức

Hiền: Nhiều năm sau thời khắc lịch sử đánh dấu sự đoàn tụ Bắc - Nam, cứ đến mỗi ngày lễ lớn, đông đảo người dân, cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc lại mừng mừng, tủi tủi hạnh ngộ bên dòng Bến Hải. Ai cũng ao ước có một lễ hội tổ chức ngay tại Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để không chỉ những người từng kinh qua chiến tranh mà cả thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế cũng được sống trong bầu không khí đặc biệt và thêm trân quý nền độc lập. CCB Nguyễn Văn Lành đến từ Nghệ An chia sẻ:

PV: Văn Lành

Năm 2010, lễ hội thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức với nhiều hoạt động như: Mít tinh, giao lưu âm nhạc, đua thuyền, hội trại...Trong chương trình, nước hứng từ mạch nguồn suối Lê-nin và nước sông Cửu Long lấy tại đoạn hợp lưu chín dòng đã được rước lên kỳ đài. Tối hôm đó,  thuyền chở đại biểu đến từ các miền Bắc, Trung, Nam cùng chụm kết giữa dòng Bến Hải để hòa trộn ba nguồn nước vào làm một. Hình ảnh ấy nói lên sự gắn bó, đoàn kết keo sơn giữa anh em ba miền, thể hiện rõ chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Trong vòng tay yêu thương, mọi người trao tặng nhau những kỷ vật quê hương như chiếc khăn rằn, tấm thổ cẩm...

An: Vâng! An vẫn còn nhớ rất rõ những hình ảnh đó vì An cũng nằm trong kíp thực hiện chương trình thống nhất non sông năm 2010. Và kể từ đó, hằng năm, lễ hội thống nhất non sông lại diễn ra bên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Mỗi năm, lễ hội lại có một điểm nhấn riêng nhằm tôn vinh khát vọng thống nhất. Như năm 2011, tỉnh Quảng Trị chúng ta tiếp nhận những phiến đá chủ quyền quốc gia từ Trường Sa và cây bàng vuông do Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng. Tại buổi lễ, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định, ngoài ý nghĩa làm giàu thêm bảo tàng kỳ tích bảo vệ chủ quyền đất nước của Việt Nam, đá chủ quyền quốc gia mang từ quần đảo Trường Sa vào đặt tại kỳ đài Hiền Lương còn là lời nhắc nhở, niềm mong đợi, sự kỳ vọng của biển đảo quốc gia đối với đồng bào trên đất liền.

Hiền: Đến năm 2012, đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội đã vào tham dự lễ hội và trân trọng tặng tỉnh Quảng Trị biểu tượng Khuê Văn Các. Cũng dịp này, các vị khách quý đến từ TP Hồ Chí Minh tặng tỉnh biểu tượng Bến Nhà Rồng. Hai biểu tượng ấy nhắc nhở thế hệ con cháu Việt Nam quý trọng độc lập chủ quyền và sự đoàn kết toàn dân tộc. Trong khuôn khổ lễ hội thống nhất non sông năm 2013, các kiến trúc sư trẻ trên toàn quốc đã tụ hội về Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, dành tất cả tâm huyết thiết kế nên nhiều biểu tượng hoà bình. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng tỉnh Quảng Trị mẫu biểu tượng hòa bình đạt giải cao nhất được sáng tạo từ bàn tay khéo léo của kiến trúc sư trẻ Trần Thị Thanh Nhàn...

An: Và năm nay, 2019 kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất non sông, tại cầu Hiền Lương, sông Bến Hải sẽ là một lễ hội vô cùng hoành tráng và đặc biệt. Lễ hội Thống nhất non sông năm 2019 sẽ có các chuỗi hoạt động chính bao gồm: Lễ Thượng cờ tại Kỳ đài phía Bắc cầu Hiền Lương; lễ khánh thành các hạng mục bờ Nam thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải do thành phố Hải Phòng tài trợ; các hoạt động trò chơi dân gian, giải đua thuyền; trưng bày gian hàng ẩm thực, thương mại và chương trình nghệ thuật đặc biệt.

Hiền: Thưa quý vị! Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải cũng là mạch nguồn cảm xúc cho các nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, nhà làm phim viết nên những ca khúc, những áng văn thơ bất hủ hay những ca khúc, những thước phim đi cùng năm tháng. Nhạc sỹ Hoàng Hiệp với ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” sáng tác năm 1956 lúc đất nước đang  ở trong hoàn cảnh đặc biệt, một bài hát ra đời trong nỗi đau xót của bản thân nhạc sĩ với tâm trạng buồn nhớ của bao người khác trong thời kỳ nước nhà còn bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Nhà thơ Tân Linh, quê ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng đã viết nên bản trường ca Hiền Lương 7 nhịp gồm 754 câu thơ. Đây làbản trường ca, có thể là đầu tiên của anh, viết dài hơi về cầu Hiền Lương, về nỗi đau 21 năm cắt chia đất nước.  Hay Đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ với bộ phim nổi tiếng về  cầu Hiền Lương mà hàng năm cứ vào dịp 30/4 VTV1 lại chiều đó là “Vĩ tuyến 17- ngày và đêm” và nhiều bộ phim khác như: Chung một dòng sông, Bến đò xưa lặng lẽ, Đời cát….

An: Và hôm nay địa danh này trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Về thăm dòng Bến Hải - cầu Hiền Lương, đi dưới bầu trời cao xanh đầy nắng, mới cảm nhận hết những năm tháng đau thương, mất mát mà dân tộc ta phải trải qua để quyết giữ màu xanh của hòa bình và tự do. Và nếu có dịp đặt chân đến Quảng Trị, tin rằng không một ai và không phút giây nào có quyền lãng quên đất nước mình đã có những năm tháng đầy đau thương nhưng rất đỗi oanh liệt và hào hùng đến thế. Trải qua biết bao "biến thiên" của thời gian thì sông Bến Hải - cầu Hiền Lương vẫn là "địa chỉ đỏ" được nhiều du khách thập phương tìm đến trong mỗi dịp hành hương về nguồn. Cùng với cụm di tích cầu Hiền Lương và đôi bờ sông Bến Hải, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh nổi tiếng của cả nước và thế giới đã và đang thu hút khách du lịch ngày càng nhiều; trong đó điển hình là các địa danh lịch sử: Địa đạo Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu... và các danh thắng đẹp như: Biển Cửa Tùng, Cửa Việt, rừng nguyên sinh Rú Lịnh... Quảng Trị cũng là nơi có nhiều lễ, hội truyền thống cách mạng như: Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh, Nhịp cầu xuyên Á, Thống nhất non sông, Huyền thoại Trường Sơn, Tri ân tháng 7... đã mở ra nhịp cầu giao lưu văn hóa, thu hút du lịch, đầu tư trên các lĩnh vực. CCB Nguyễn Đức Lãng ở TP Đông Hà cho biết:

PV: Lãng

Hiền: Và năm nay kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất tổ quốc. Dòng người trên khắp mọi miền tổ quốc lại đỗ về đây để được chứng kiến, tưởng nhớ lại một thời hào hùng trên dòng sông lịch sử. Và khi ấy sẽ vang lên khúc hát tự hào : “….Biển trời quê ta, bao năm chia rời, cuộc đời chia đôi, nơi phương trời. Biển trời quê ta, nay chung một nhà, thỏa lòng bao năm, ước mơ. Ôi, biển trời bao la, đã sạch bóng thù, từ Bắc vô Nam, cờ sao tưng bừng, Người Việt Nam, đón xuân về….”.

Bài hát: Bài ca thống nhất

An: Thưa quý vị! Nếu đã đến cầu Hiền Lương thì không lý do gì để quý vị không ghé biển Cửa Tùng chỉ cách đó mười mấy cây số thôi. Cửa Tùng thuộc xóm Cửa, thôn An Đức, xã Vĩnh Quang huyện Vĩnh Linh, Cửa Tùng là bãi biển đẹp nhất ở tỉnh Quảng Trị từ hàng bao đời nay và đã từng được ca ngợi là Nữ hoàng của các bãi tắm. Đây cũng là bãi biển với những bãi cát phẳng lì, thoai thoải kéo dài khoảng 75 cây số, có vẻ đẹp đủ sức hấp dẫn những người yêu thiên nhiên và  thích khám phá sự kỳ thú của vùng biển nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á. Vào mùa hè, khi những cơn gió Lào mang hơi nóng hầm hập, khô rang thổi qua vùng đất nắng gió miền Trung thì ở Cửa Tùng trở nên hấp dẫn với du khách. Vì như quý vị đã biết, có gì thích thú hơn là ngâm mình trong làn nước mát phải không ạ? Và ngắm vẻ hoang sơ của biển, hít thở không khí trong lành, nô đùa cùng bè bạn, làm vơi đi những vất vả đời thường. Uh chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy tuyệt vời rồi chị Thái Hiền à. 

Hiền: Hiền cũng như An thôi. Và Hiền chắc chắn là đại đa số mọi người đều yêu thích khi đi du lịch biển. Bởi vì biển hội tụ đầy đủ sản vật của thiên nhiên từ phong cảnh cho đến ẩm thực. Cửa Tùng cũng vậy quý vị ạ. Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát. Vẻ đẹp của bãi biển Cửa Tùng không thua gì Sầm Sơn, Nha Trang hay Vũng Tàu, thậm chí còn hơn. Hiền có đọc và được biết: Ngày xưa, thực dân xoàng mới nghỉ ở Sầm Sơn, hạng bự hạng to thì phải ở Cửa Tùng...- cụ Nguyễn Tuân đã từng viết như vậy trong những trang ký về Cửa Tùng. Vì thế đã một thời bãi tắm Cửa Tùng được vua Bảo Đại cho là bãi tắm riêng và  được mệnh danh là  Nữ hoàng của các bãi tắm. Em Linh Nhi – một du khách đến từ TP Đông Hà chia sẻ:

PV: Linh Nhi

An: Đúng là như chia sẻ vừa rồi của bạn Nhi, thời gian gần đây, bãi biển Cửa Tùng bị xói lở do một công trình xây dựng thiếu nghiên cứu kỹ . Hiện tỉnh ta cũng đang có phương án để xử lý, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho Hoàng Hậu biển. Ngoài ra thì Cửa Tùng còn hấp dẫn du khách bởi lẽ - đến với Cửa Tùng là  đến với vĩ tuyến 17, Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ anh hùng...Những cái tên lịch sử­ ghi dấu một chuỗi thời gian dài gian khổ và  hào hùng của dân tộc để xoá đi ranh giới ngăn cách đất nước, cho Bắc Nam sum họp một nhà .

Hiền: Và không ít du khách gần xa khi đến với Cửa Tùng đã cảm nhận được nét đẹp của bãi biển nữ hoàng này, những vồng cát trắng phau, phẳng mịn và sạch nối tiếp nhau chạy dài dưới ánh mặt trời, dịu dàng đón những đợt sóng trong xanh reo vui trong gió hết ngày hè này qua tháng hạ khác, Cửa Tùng là  một phần của vẻ đẹp duyên dáng kỳ lạ của quê nhà  Quảng Trị. Anh Hữu Tâm ở Vĩnh Linh và chị Ngọc Thảo ở Gio Linh chia sẻ cảm nhận của mình về biển của quê hương như thế này:

PV: Hữu Tâm – Ngọc Thảo

An: Quý vị thân mến! Từ Đông Hà, Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong… quý vị đều có thể đến Hiền Lương, Cửa Tùng chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ với đường giao thông thuận tiện. Vì thế mà quý vị hãy đi, đi để tận hưởng vị mặn mòi của biển, đi để cảm nhận không khí của ngày hội thống nhất non sông trong tháng 4 này quý vị nhé!  

Hiền: Và đến đây thì Thái Hiền và Thế An cũng xin nói lời chào tạm biệt quý vị! Hẹn gặp lại quý vị vào thứ 5 tuần sau cũng khung giờ này.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 16/04/2019 07:36 Lê Vĩnh Nhiên 20/11/2019 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà