DÂN CA NHẠC CỔ 3-5
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẾN VỚI DÂN CA NHẠC CỔ VIỆT NAM

Phát sóng: thứ 6 ngày 3-5

Kính chào QV&CB! Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong 15 phút chương trình phát thanh Đến với dân ca nhạc cổ tuần này. Thưa quý vị! Âm nhạc là nghệ thuật hoàn hảo và cuộc sống của chúng ta sẽ không đầy đủ nếu không có nó. Có rất nhiều phong cách âm nhạc khác nhau cho chúng ta lựa chọn thưởng thức, có thể loại rất nhẹ nhàng, thư giãn có thể làm cho những ngày mệt mỏi trở nên tốt hơn, cũng có thể là giai điệu sôi động làm bạn có thêm tinh thần và động lực…Hi vọng những giai điệu từ chương trình của chúng tôi cũng sẽ là những lựa chọn của quý vị trong rất nhiều sự lựa chọn âm nhạc phong phú hiện nay.

Trích một đoạn sáo trúc

Bài 1: Quý vị và cá bạn thân mến! Từ xưa đến nay, sáo trúc luôn gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. Vật liệu để làm loại nhạc cụ này là trúc hoặc tre có đường kính khoảng 1.5cm và chiều dài 30cm. Thân ống được khoét một lỗ thổi có lưỡi gà, và có 6 hoặc 10 lỗ bấm. Sáo trúc có thể diễn đạt nhiều sắc thái cung bậc cảm xúc với âm vực rộng trên hai quãng tám. Âm sắc tươi tắn, trong sáng gợi nhớ đến khung cảnh đồng quê Việt Nam yên bình. Sáo trúc có thể độc tấu biểu diễn nhiều bài bản, phức tạp, cũng có thể hòa tấu cùng dàn nhạc cổ truyền, giao hưởng, nhạc nhẹ, thính phòng.

Âm nhạc là một thành tố hết sức quan trọng, là phần hồn không thể thiếu của nghệ thuật ca hát. Và đặc biệt, trong dàn nhạc Chèo, sáo trúc giữ vai trò khá đặc biệt. Sáo trúc cùng với một số nhạc cụ khác đã gánh trách nhiệm truyền tải thông điệp nội tâm sâu lắng và phong phú. Với âm sắc gần giống với tiếng người, Sáo trúc thường giữ vị trí bè giai điệu, khi thì gợi hơi, khi thì điểm xuyết, lúc lại dẫn dắt len lỏi cùng giọng hát của diễn viên bằng thủ pháp bè tòng làm tăng thêm phần hấp dẫn, truyền cảm giữa người diễn và người thưởng thức. Từ dàn nhạc Chèo thưở sơ khai chỉ với vài ba nhạc cụ Trống, Sáo, Nhị đến nay, dàn nhạc đã phát triển đông hơn rất nhiều với các cây như Tam thập lục, Thập lục, Bầu, Sáo, Nhị, Nguyệt, Tam con, Trống… dù dàn nhạc nhỏ hay lớn thì đều có sự góp mặt của Sáo trúc. Với âm sắc đa dạng, phong phú Sáo trúc có thể thể hiện rất tốt các cung bậc cảm xúc trong Chèo.

Trích đoạn chèo có sáo

Thưa quý vị! Nói đến Sáo trúc, người ta thường liên tưởng đến cảnh làng quê yên bình với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Bức tranh em bé chăn trâu thổi Sáo với cây đa, bến nước, sân đình đã lột tả được những nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Miền Bắc Việt Nam nói riêng. Nghệ sĩ Minh Dự ở TP Đông Hà – một người đam mê sáo trúc chia sẻ thêm:

PV: Minh Dự

Quý vị và các bạn thân mến!  Cây Sáo trúc có từ bao giờ? Ai là người chế tạo ra nó là một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Chỉ biết rằng, theo truyền thuyết từ thời xưa, xưa lắm rồi, trong vườn của anh nông dân nghèo nọ có trồng một khóm trúc. Một đêm mùa hè, anh nông dân nghe thấy những âm thanh vi vu, réo rắt phát ra từ bụi trúc sau nhà, lúc thì cao vút, lúc lại trầm trầm dìu dặt. Ngỡ có nàng tiên nào giáng trần đang hát trong vườn nhà mình, anh nông dân tò mò vạch từng khóm trúc để tìm. Tiên đâu không thấy mà chỉ thấy những âm thanh kỳ diệu đó được phát ra từ một ống trúc khô đã bị mối xông một lỗ tròn. Mỗi khi có gió thổi mạnh thì từ các lỗ tròn nhỏ đó phát ra âm thanh cao vút, khi gió nhẹ thì chính từ những lỗ thủng đó lại tạo ra những âm thanh trầm trầm, dìu dặt. Thấy hay, anh nông dân bèn chặt ngay đoạn trúc đó đem về và tập thổi hơi của mình vào đó. Anh liền khoét thêm từng lỗ cho các ngón tay để mở ra, đóng vào tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Cây sáo trúc ra đời từ đó.

Trích đoạn sáo trúc

Bài 2: Thưa quý vị! Một loại nhạc cụ độc đáo thứ 2 của Việt Nam mà chúng tôi muốn giới thiệu với quý vị đó chính là đàn nhị. Đàn nhị hay đàn cò là một loại đàn thuộc bộ dây, nhóm kéo bằng cung vĩ. Cấu tạo gồm năm phần: cần đàn, thùng đàn, thủ đàn, ngựa đàn và dây đàn. Đàn nhị có âm vực rộng hơn 2 quãng 8, âm thanh trong sáng, rõ ràng, mềm mại. Đàn nhị có kỹ thuật diễn tấu với những ngón vuốt, nhấn, rung khá đa dạng. Đây là nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc như: nhã nhạc, phường bát âm, ban nhạc chầu văn, chèo, tuồng, cải lương.

Trích đàn nhị

Đàn Nhị, mà người miền Nam quen gọi là đờn Cò. Đây là nhạc cụ thuộc bộ dây, vì cấu tạo đặc trưng có hai dây nên gọi là đàn Nhị. Người miền Nam gọi là đờn Cò, vì hình dáng giống như con Cò, trục dây có đầu quặp xuống như mỏ Cò. Cần đờn như cổ Cò, thân đờn như con Cò, tiếng đờn nghe lảnh lót như tiếng Cò. Hầu như không có loại hình âm nhạc dân tộc, âm nhạc cổ truyền nào của Việt Nam mà không có mặt của đờn Cò (đàn Nhị). Đờn Cò có vai trò quan trong giúp đệm chủ đạo trong Hát Xẩm, là nhạc cụ không thể thiếu trong nhạc phường Bát âm, đến Nhã Nhạc Cung Đình Huế, từ Tuồng, Chèo đến Cải Lương, Vọng cổ, ban nhạc Chầu Văn, đờn ca tài tử và dàn nhạc tổng hợp… đều góp vào dưới nhiều hình thực độc tấu, song tấu, hòa tấu. Nhờ sự mượt mà của đờn Cò đã tạo ra cho đờn Cò vị thế quan trọng như vậy. Các nhạc cụ khác tuy có âm sắc hay đặc trưng nhưng đa số đều cho ra âm thanh rất gãy gọn, không liền mạch. Chính sự uyển chuyển của đờn Cò như một chất keo giúp các nhạc cụ như hòa quyện, kết nối với nhau. Có thể nói gần như chỉ có đờn Bầu có thể làm được điều này tương tự đờn Cò nhưng tính kết nối vẫn không bằng đờn Cò. Nhờ tính năng độc đáo, đa dạng trong thể hiện cộng với âm sắc đặc thù, đàn Nhị đã phản ánh được tâm tư, tình cảm của người Việt. Đàn Nhị với các hình thức diễn tấu từ độc tấu, song tấu, tam tấu đến hòa tấu, từ thính phòng đến sân khấu, đều thể hiện rõ khả năng diễn tấu linh họat của mình. Tuy nhiên với các dòng nhạc hiện đại thì đàn Nhị không được tận dụng nhiều, môt phần do ít hợp với dòng nhạc hiện đại và lượng người trẻ biết sử dụng loại nhạc cụ này cũng khá ít. Em Văn Tú – một sinh viên khoa nhạc cụ truyền thống học viện TPHCM chia sẻ thêm:

PV: Tú

Bài 3: Thưa quý vị và các bạn! Hát Xẩm là một thể loại âm nhạc dân dã trước đây được lưu truyền chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… với những hình thức biểu diễn rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực. Sau này, do những quan niệm sai lầm mà hát Xẩm dần vắng bóng và có nguy cơ thất truyền. Theo các tài liệu nghiên cứu, hát Xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Sau chiến tranh, các làn điệu Xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trích hát xẩm

Trong các loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Là sản phẩm của người lao động nên tính chất âm nhạc, lời ca hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng..., mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời. Có thể nói, một thời gian dài, hát Xẩm đã là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

Và đến đây thì chúng tôi cũng xin khép lại 15 phút CT đến với dân ca nhạc cổ tuần này. Hẹn gặp lại quý vị vào khung giờ này tuần sau cùng những làn điệu dân ca đặc sắc trên mọi miền đất nước Việt Nam thân yêu. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 22/04/2019 15:52 Lê Vĩnh Nhiên 25/04/2019 13:22

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà