DÂN CA NHẠC CỔ 10-5
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

DÂN CA NHẠC CỔ

Phát sóng thứ 6 ngày 10-4

Gửi lời chào thân thương đến quý thính giả đang nghe chương trình dân ca nhạc cổ của Đài PTTH QT. Thưa QV&CB! Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy, với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi, làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân nơi đây. Với những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc đó, hò khoan Lệ Thủy đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Và đó cũng là chủ đề chính của chương trình dân ca nhạc cổ tuần này. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Trích hò khoan lệ thủy

Thưa quý vị! Hò khoan Lệ Thủy đã được dân gian chắt lọc, trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố nhưng chín mái hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc, luật nghiêm ngặt không hề thay đổi. Chín mái hò khoan Lệ Thủy bao gồm Lỉa trâu; Mái nhài (dài ); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm.

Với nhạc cụ đơn giản nên hò khoan diễn ra phong phú trong mọi lúc, mọi nơi, trong những ngày lễ hội của làng, trong bơi đua thuyền truyền thống trên sông. Hò ở sân đình, ở rạp thì có trống đại, trống chầu. Nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thi đôi tay vỗ vào nhau nhịp nhàng đúng nhịp tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn làm cho người hò, người nghe thú vị sảng khoái.

Đây là nét đẹp văn hóa đã thấm vào máu thịt bao đời của người dân Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Ra đời từ cuộc sống lao động sản xuất, những điệu hò có mặt khắp nơi, như chèo thuyền, giã gạo, cấy lúa, kéo gỗ... đến tình yêu đôi lứa. Trong chiến tranh, điệu hò còn được sử dụng như một cách ra hiệu lệnh của quân du kích. Với lời ca chứa đựng sự răn dạy, ý nghĩa nhân văn, tình cảm, lối hát dung dị, thân thương, hò khoan Lệ Thủy đã trở thành nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân nơi đây. Nghệ nhân hò khoan lệ thủy Nguyễn Thị Lý chia sẻ thêm:

Phỏng vấn: Lý

Hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình) là tiếng lòng tha thiết, mang hơi thở cuộc sống của người dân, là nỗi nhớ neo đậu trong tâm hồn những người con xa quê hương. Theo năm tháng, hò khoan Lệ Thủy ngày càng minh chứng được sức lan tỏa, trường tồn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân quê hương Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Nét độc đáo hò khoan Lệ Thủy là một mình hò cũng được, hai người càng hay, càng đông càng tốt, ai cũng làm diễn viên, ai cũng khán giả. Nếu chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái, nhiều người hò con thể hiện đủ mọi đề tài như: Hò thi nhau, hò trêu tức, hò đố. Hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí uyển chuyển linh hoạt. Không biết ra đời tự bao giờ, nhưng trong tâm hồn người dân Lệ Thủy luôn thấm đẫm điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Từng nhiều năm gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Tiến sĩ Dương Văn An (1514 - 1591), đời Mạc, người quê làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày nay đã để lại cho hậu thế tác phẩm địa lý - văn hóa nổi tiếng Ô Châu cận lục viết năm 1553. Ðây là tài liệu quý, mở đầu cho việc mô tả, khảo cứu vùng duyên hải miền trung từ Ðèo Ngang đến Quảng Nam, trong đó chủ yếu là Tân Bình (Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay). Chúng ta gặp trong tác phẩm của ông những hội hè bơi thuyền lúc xuân sang, tục hát đưa linh, chèo cạn… Như vậy là trước cả quá trình nam bắc phân tranh diễn ra, nơi đây đã rất dày dặn về văn hóa và mang bản sắc vùng rõ rệt.

Trích hò khoan

Vùng đất “địa linh nhân kiệt” tạo cho hò khoan Lệ Thủy cả bề sâu và chiều rộng, đa dạng về nhạc điệu, phong phú về ngôn từ. Hò khoan Lệ Thủy trải rộng từ ngàn xanh đến sông sâu, từ đồng bằng ra biển lớn. Trên núi, có sự vang vọng, vút cao đầy uy lực mà tình cảm của điệu hò “lỉa trâu”. Dưới biển, có sự dẻo dai, kiên trì nhưng vững chãi của mái “hò khơi”; sự rộn ràng, phấn chấn của mái “hò nậu xăm”. Vùng đồng bằng chiêm trũng thì có sự sinh động, ân tình nghĩa nặng của sáu mái hò với thể biến hóa linh hoạt, phóng khoáng của người hát. Hò khoan Lệ Thủy ra đời trong môi trường lao động sản xuất nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, môi trường diễn xướng có sự thay đổi phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, hò khoan diễn xướng trong môi trường “lỉa gỗ” của thợ sơn tràng, chèo đò, đi cấy, giã gạo, quết vôi, nện đất, cất nhà, hò tiễn đưa người quá cố... và “hò khơi”, “hò nậu xăm” của cư dân miền biển. Ðến những năm kháng chiến, hò khoan hiện hữu trong môi trường mới là tuyên truyền địch vận, lúc tiếp lương cho kháng chiến, nói chung là hò cách mạng. Trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, môi trường diễn xướng của hò khoan Lệ Thủy được sân khấu hóa phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền việc xây dựng nông thôn mới, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phê phán thói hư tật xấu và được đưa vào giảng dạy trong trường học. Hò khoan Lệ Thủy biến hóa linh hoạt trong mọi môi trường, phù hợp với vai trò chuyển tải tâm tư nguyện vọng của người dân. Ðiều đáng nói, dù ở môi trường nào nó vẫn giữ được gốc của mình, đó là các mái hò (tức điệu hò) vẫn nguyên bản và ngày càng được bảo tồn, gìn giữ. Nghệ nhân hò khoan lệ thủy Trần Văn Duyệt cho biết thêm:

Phỏng vấn: Duyệt

Với những nét đặc sắc riêng có, ngày 8-5-2017, niềm vui và vinh dự lớn đến với nhân dân Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản của chính quyền và ngành văn hóa địa phương; trong đó, có sự dày công, tâm huyết của các nghệ nhân luôn cháy hết mình để dòng dân ca dung dị này chảy mãi với đời.Việc công nhận Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thêm một lần nữa khẳng định giá trị truyền thống của điệu hò sông nước. Góp phần lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông, đưa nét đẹp của điệu hò khoan lan tỏa, trở món ăn tinh thần của người dân.

Nhạc cắt

Thưa quý vị! Dân ca là một thể loại hát truyền thống của nhiều đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía Bắc, mỗi dân tộc lại có những thể loại hát dân ca khác nhau, mang đậm nét văn hoá của tộc người đó. Dân ca Thái cũng vậy, được bắt nguồn từ môi trường sống lao động, sản xuất và sinh hoạt văn hóa người Thái nên mang những nét đặc trưng của văn hoá rất riêng của tộc người Thái. |Phần tiếp theo của chương trình dân ca nhạc cổ tuần này, xin giới thiệu đến quý vị đôi nét về làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc Thái.

Trích dân ca Thái

Các làn điệu dân ca Thái được bắt nguồn từ môi trường  lao động, sản xuất và sinh hoạt. Phần lời ca vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa thành những câu thơ giàu nhạc điệu, người nghe tìm được ở đó những kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế… Khi lời hát cất lên thường làm cho người cảm thụ suy nghĩ, da diết và sâu lắng. Hát dân ca thường được tổ chức trong các  sinh hoạt cộng đồng, hội hè, đám hiếu hỷ. Trong lao động sản xuất, bà con cũng hát cho vơi bớt mệt nhọc, cho thỏa tâm tư nỗi niềm. Điều nổi bật của hát dân ca với các làn điệu khác trong hát Thái chính là phần thanh nhạc khi người hát sử dụng, cách ngắt âm, ngắt nhịp, tiết tấu của bài hát. Do đó, từ xa xưa người Thái đã biết chế tạo các loại nhạc cụ và lưu truyền đến ngày nay,  đó là trống, chiêng, tính tẩu, nhị, sáo, kèn nứa. Những nhạc cụ này phần lớn có thể làm nhanh để sử dụng với nguyên vật liệu ở rừng rất nhiều và dễ kiếm, chọn lựa. Đối với đồng bào Thái, đám cưới là một dịp đại hỷ của gia đình, mừng vì con trai, con gái mình đã tìm được người yêu, người tâm đầu ý hợp. Gia đình tổ chức đám cưới mời cả bản đến dự, hát mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Hát trong đám cưới dân tộc Thái có rất nhiều bài hay, dài. Nội dung các bài hát đám cưới thường là hát khuyên con gái khi về nhà chồng, hoặc khi đón con rể lên nhà gái như: hát đưa dâu, hát xin dâu, hát đón con rể, hát bảo con gái khi ở nhà chồng…

Trích dân ca Thái

Người Thái nổi tiếng với thể loại hát Then, sử dụng phổ biến trong các nghi lễ thờ cúng, thường được tổ chức trong những dịp lễ, tết có ý nghĩa cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Đến nay, Đàn tính hát then với những làn điệu dân ca và những động tác múa uyển chuyển không chỉ đi vào tâm thức của nhiều người sinh ra và lớn lên bên dòng suối Nậm So mà còn lan tỏa tới 25 đội văn nghệ ở các xã, thị trấn trong huyện. Nhờ đó, cộng đồng người Thái nơi đây hàng năm vẫn duy trì được việc tổ chức Lễ hội Then Kin Pang. Đặc biệt là, nhiều bài hát Then tham gia và đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi Đàn tính hát then do các cấp tổ chức.

Trích hát then

Để những nét đặc sắc của dân ca Thái tiếp tục được phát huy, trường tồn cùng thời gian, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa, rất cần sự chung tay của cộng đồng người Thái tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc lưu giữ, truyền lại các làn điệu dân ca, dân vũ Thái cho thế hệ sau.

 

PTV: Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 04/05/2019 07:44 Lê Vĩnh Nhiên 09/05/2019 15:24

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà