DÂN CA NHẠC CỔ 14-6
Danh mục
Đến với dân ca nhạc cổ Việt Nam
NỘI DUNG

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẾN VỚI DÂN CA NHẠC CỔ VIỆT NAM

Phát sóng: thứ 6 ngày 14-6

Kính chào QV&CB! Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong 15 phút chương trình phát thanh Đến với dân ca nhạc cổ tuần này. Thưa quý vị! Dân ca của mỗi nước, mỗi dân tộc hay của mỗi vùng, mỗi miền đều có âm điệu, phong cách riêng biệt. Sự khác nhau này tùy thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh địa lý và đặc biệt là ngôn ngữ. Nhiều bài dân ca đã đạt tới trình độ nghệ thuật cao và có sức hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ, được phổ biến sâu rộng.Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa lâu đời, do đó dân ca Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca Việt Nam bao gồm nhiều vùng miền, nhiều thể loại và mỗi thể loại đều có bản sắc riêng. Trong CT hôm nay mời quý vị cùng tìm hiểu về các điệu lý của xứ Huế.

Nhạc cắt

Quý vị và các bạn thân mến! Lý có nghĩa là hát. Đây là những ca khúc dân gian. Những ca khúc này khác với các làn điệu dân ca như hò, vè, hát văn... ở chỗ không dùng một số làn điệu nhất định cho rất nhiều lời thay đổi. Trong những bài lý, ca từ và nhạc điệu cùng nằm trong một cấu trúc hoàn chỉnh. Về mặt diễn xướng, lý không gắn với những hình thức lao động hay sinh hoạt của dân gian, mà đã đạt đến tầm mức nghệ thuật thuần tuý. Không phải ai cũng biết những bài lý, mà thường chỉ những người tương đối có thể hiểu biết và yêu thích ca nhạc mới hát được những bài này. Nói cách khác, mức độ nào đó có thể xếp những bài lý vào loại đàn ca tài tử. Mặc dù vậy, xưa nay ở trong các sưu tập  của mọi miền, lý vẫn được xếp vào kho tàng dân ca.

Vậy, có thể xem lý là một loại nhạc tài tử dân gian. Các điệu lý ở Huế rất phong phú, mỗi điệu một sắc thái khác nhau. Lý tử vi biểu hiện tình yêu đằm thắm, phảng phất nổi buồn lưu luyến đầy thơ mộng. Lý mười thương mộc mạc mà duyên dáng, ngọt ngào. Lý tình tang vui tươi, nhí nhảnh. Lý ngựa ô sôi nổi, nồng nàn. Lý hoài nam bâng khuâng xao xuyến...Hầu  như các điệu lý được phổ nhạc theo lời thơ lục bát hoặc song thất lục bát phá thể. Lý xứ Huế gồm có rất nhiều điệu:

Đầu tiên là Lý Con Sáo: Lý Con Sáo là điệu lý thịnh hành nhất của xứ Huế. Nhiều tác giả nhắc đến lý Con Sáo tại Nam Trung Phần và Nam Phần, nhưng lại xemlà những điệu lý vay mượn từ lý Con Sáo ở Huế, với ít nhiều biến thể cho thích hợp với làn điệu của địa phương. Bài lý Con Sáo là một trong những trường hợp điển hình của sự biến thể của từng vùng khác nhau. Biến thể đây được hiểu theo hai nghĩa: – Cách ngắt câu – Cách thêm những tiếng đệm. Nguyên thủy đây là bài ca dao thượng lục hạ bát:

Ai đem con sáo sang sông, Cho nên con sáo sổ lồng bay xa.

Trích Lý con sáo

Thưa quý vị! Lý Con sáo có nhiều thể hiệu riêng: lý Hoài Xuân, lý Tình tang, lý Giang Nam, lý Thầy Tu… Một trong những thể điệu của lý Con sáo là lý Hoài Xuân: Trong nguyên nghĩa lý Hoài Xuân là thơ tưởng nhớ tuổi xuân xanh của những người đã luống tuổi; nhưng trong thể lý của đất Huế, thì bài lý nầy dùng để khuyên học trò:Ơi trò đi học nhà trường, Phải chăm (phải chăm) mà bước, (Ơi trò ơi), Kẻo đường (Ơi trò ơi) Còn xa…Dần dà về sau thì những bài thơ lục bát được dùng trong loại lý đã gia tăng nhiều, nhưng vẫn giữ được mức độ cân bằng của Lục bát đơn thuần.

Trích Lý hoài xuân

Một trong những bài lý được phổ biến rộng rãi, nhiều người biết và yêu thích đó là lý mười thương. Bài lý Mười Thương (còn gọi tên là lý Tình Tang). Một thương tóc bỏ đuôi gà, Hai thương, hai thương, ăn nói, Ô tang, ố tang, tình tang, Mặn mà, duyên, có duyên, Ô tang, ố tang, tình tang, Mặn mà, duyên có duyên… Ba thương…Cứ như thế trình bày cho hết mười thương. Chị Thúy Ái – một nghệ sỹ hát dân ca thuộc trung tâm văn hóa điển ảnh tỉnh QT cho biết thêm về điệu lý này:

PV: Thúy Ái

Trích: Lý mười thương

Thể điệu thứ ba của lý Con sáo là lý Giang Nam. Đây là một trong những điệu lý ở Huế có cả một hệ thống tiếng đệm lót, đệm nghĩa tiếng đưa hơi láy luyến phong phú.Nhịp điệu của thể nầy thường khoan thai, chậm rãi, dập dìu. Giai điệu cũng khá uyển chuyển, êm nhẹ, lên bổng, xuống trầm, khá uyển chuyển. Khi đến phần cuối cùng của lý Giang Nam thì thường có những âm giai vang vọng, lời nhạc nói đến niềm chia ly luyến tiếc. Nhìn chung, lý Giang Nam chứa chan nhiều tình cảm, đam mê, say đắm. Trong phân tách, loại lý nầy gần với những bản ca nhạc Huế cổ điển thuộc điệu nam, hơi ai. Về cấu trúc âm thanh rất uyển chuyển, làm đảo lộn ngữ âm bình thường, biến những từ không dấu thành có dấu sắc hay dấu huyền

Trích Lý Giang Nam

Một thể lý nữa của xứ Huế đó là Lý Giao Duyên: Thịnh hành nhất là loại lý Giao Duyên hay lý Vọng Phu. Lý giao duyên thường được sáng tác rất sâu sắc và do những nho sĩ hay những tài tử nổi tiếng đặt lời hát. Lý Giao duyên có nhiều nội dung khác nhau, về tình cảm, về thời tiết,về mây nước. Lý Giao duyên thường hát trong những điệu Ca Thư Phòng.

Trích Lý giao duyên

Thưa qý vị! Lý Huế, không những cũng đã trải qua quá trình trau chuốt trong dân gian, mà quan trọng hơn là đã được trau chuốt bởi bàn tay của giới nho sĩ đam mê nghiệp cầm ca. Điều đó thể hiện rõ ở lời ca không nôm na, ví von theo kiểu dân gian như các điệu lý Nam bộ không có gốc Huế. So với thể Lý trong dân ca Nam bộ, lý Huế không có số lượng hàng trăm bài, nhưng nó mang đầy đủ sắc thái Huế và sự hoàn chỉnh về nghệ thuật trong cấu trúc, giai điệu, lời ca. Nó trở thành một mẫu mực mang tính “lan toả” cao. Đặc tính cạn và hẹp trong giọng nói của người Huế cũng là một yếu tố chi phối mạnh mẽ vào âm điệu dân ca Huế tạo nên những âm điệu đặc trưng không thể lẫn với các vùng khác. 

Trích Lý ngựa ô

Lý Huế thường có nội dung là hát giao duyên hoặc hát sinh hoạt gia đình và sinh hoạt khác. Hát giao duyên ở đây có điều đặc biệt đó là “giao duyên tự tình” khác hẳn với giao duyên đối đáp. Không gian trong lý Huế là không gian của tình yêu, tự sự thâm trầm. Tất cả đều chất chứa những nỗi niềm riêng tư thầm kín, những thương nhớ hoài mong, những hẹn thề, duyên nợ… tồn tại trong trái tim biết sống vì tình yêu và dám hy sinh vì tình yêu. Lý Huế không những là lối hát tự tình mà còn là phương thức để bộc lộ thái độ của con người đối với hoàn cảnh xã hội. Nội dung các điệu lý có lời khuyên răn đạo lý và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Lý Huế được ngân lên như liệu pháp để “giải toả tâm tư” đồng thời cũng trở thành khát vọng vươn đến hạnh phúc vẹn tròn, là cốt cách để thể hiện cái Chân - Thiện - Mỹ của con người.

Chào cuối

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 10/06/2019 09:13 Lê Vĩnh Nhiên 24/06/2019 14:02

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà