Tạp chí văn nghệ chủ nhật
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 22/9

Mắt xanh Cồn Cỏ

MC1: Kính chào QV & CB đang đến với chương trình tạp chí văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến!  Trong những ngày chiến tranh chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ đã trở thành "đảo tiền tiêu" kiên cường và anh dũng, lập nên nhiều chiến tích anh hùng. "Ngôi sao lửa" Cồn Cỏ giờ đây đang trở thành "làng đảo xanh" với những vẻ đẹp tự nhiên của biển trời và dậy lên sức sống từ bàn tay, khối óc sáng tạo của con người.

MC1: Đảo nhỏ kiên cường "Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ . Đảo nhỏ kiên cường Cồn Cỏ ta ơi.  Chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió.  Những trái tim như ngọc sáng ngời ". Những câu thơ viết về hòn đảo anh hùng của nhà thơ Hồ Khải Đại trong những năm hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước, có lẽ sẽ luôn được vang lên, được nhắc đến trong mỗi chuyến tàu chở những đoàn người đến với đảo nhỏ thân yêu này.

MC2: Với bất cứ ai đã có 1 lần đến với Cồn cỏ, dù chỉ một ngày thôi cũng đủ để mang lại những cảm xúc khác biệt..

Chúng ta cùng đến thăm Cồn Cỏ qua chương trình tạp chí văn nghệ chủ nhật tuần này quý vị nhé!

Nhạc cắt

Giấc mơ xanh Cồn Cỏ

MC1: Thưa QV & CB! Trong các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định, có đề án trọng điểm “xây dựng một số sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế của tỉnh (du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm, du lịch sinh thái biển…); xây dựng Khu du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ. Do đó, việc từng bước xúc tiến, thúc đẩy hoạt động du lịch ở đảo Cồn Cỏ nằm trong định hướng phát triển du lịch sinh thái biển và là một “sản phẩm du lịch mới” có lợi thế của địa phương đã được tỉnh quan tâm đón đầu, chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Bài viết của Nhà báo Võ Thế Hùng, mời QV & CB cùng nghe!

Mc2: Đảo Cồn Cỏ với diện tích 2,3 km2, điểm gần nhất cách Mũi Lay thuộc xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) 13 hải lý về phía Đông được hình thành bởi hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi từ kỷ Đệ tứ cách đây khoảng 44 vạn năm. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN, hậu phương lớn vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, trở thành “chiếm hạm không thể bị đánh chìm” giữa lòng Biển Đông của Tổ quốc. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và hàng trăm phần thưởng cao quý khác; có 6 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhưng nếu những ai đã đọc các trang sách, xem những thước phim về Cồn Cỏ những năm tháng bom đạn ấy, hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu có dịp trở lại hòn đảo này.

Từ bờ biển Cửa Tùng, ngày đẹp trời sẽ nhìn thấy Cồn Cỏ hiện ra như một vệt xanh mờ sau sóng nước.

MC1: Vén bức màn huyền thoại, lần theo những dẫn cứ khoa học thì Cồn Cỏ được hình thành từ quá trình vận động phun trào của núi lửa nên cấu tạo khá đa dạng. Cả đảo ngập một màu xanh nõn óng ả, thứ sắc xanh cây lá chỉ có những hòn đảo được kiến tạo từ hoạt động của núi lửa giữa biển khơi.Trên đảo, vừa có đất đỏ bazan, vừa có đá san hô và cát. Vẻ đẹp của Cồn Cỏ là vẻ đẹp nguyên sơ đầy lãng mạn.

Mùa hè năm 1992, chuyến điền giã của giáo sư Trần Quốc Vượng và các cộng sự ra Cồn Cỏ đã mang về những thông tin quý giá: Cồn Cỏ đã có những dấu vết của thời đại đá cũ. Và từ những năm đầu công nguyên, Cồn Cỏ đã có những cư dân Chăm sinh sống, đó cũng là nơi những đoàn thuyền Đại Việt ghé nghỉ ngơi trên những hành trình vượt biển…

MC2: Theo các nhà nghiên cứu, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan, như một bảo tàng thiên nhiên phong phú, đa dạng. 
Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng mang đặc trưng của đảo núi lửa Việt Nam. Hệ thực vật trên đảo rất phong phú với nhiều cây cổ thụ to 3-4 người ôm. Một số loài cây lạ không có ở đất liền như loại cây thân vằn, có nhiều đốt, cây "dầu máu", một số loài khoai dại (lá to hơn lá chuối), cây sâm cau, nhàu nhàu... 

MC1: Không chỉ mang trong mình quá khứ hào hùng, tự thân đảo Cồn Cỏ đã là một “thiên đường nhỏ giữa Biển Đông” đầy hấp dẫn đối với du khách muốn trải nghiệm, khám phá.

Khu vực biển đảo Cồn Cỏ là nơi tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực... Đặc biệt, tại đây có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang có nguy cơ tuyệt chủng...

MC2: Cồn Cỏ cũng là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá đang trong tình trạng rất tốt, đa dạng về thành phần loài, với khoảng 113 loài san hô, đặc biệt là san hô sừng... Rạn san hô ở đây được đánh giá chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo, Hòn Mun và Cù Lao Chàm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết:

PV: Ông NGUYỄN VĂN HÒA

MC1: Ngày 31/10/2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị.

Phó thủ tướng giao UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan lập quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng củng cố thế trận quốc phòng trên địa bàn.

Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của đảo Cồn Cỏ trong lộ trình trở thành đảo du lịch, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước.

Có thể thấy, chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn hướng đến kết hợp với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để tạo thành sản phẩm du lịch liên hoàn, hấp dẫn của Quảng Trị. 

Nhạc cắt

Du lịch ra đảo Cồn Cỏ

MC2: Thưa QV & CB! Tháng 10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Trút chiếc áo chiến trận, hòn đảo quân sự nay đã mang một vị thế khác với chủ trương phát triển kinh tế theo cơ cấu du lịch- dịch vụ- thủy sản, lâm, nông nghiệp.

Ngay từ khi thành lập, Cồn Cỏ đã thuê chuyên gia Cuba Abelardo Prez Ayllón, chuyên viên cao cấp của Viện Quy hoạch Cu Ba đến lập quy hoạch, biến hòn đảo thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

MC1: Những bãi tắm ở Cồn Cỏ vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên thủy và độc đáo. Bãi Nghè đẹp nhờ sự phong hóa của các tầng đá bazan thì bãi Hương Giang lại mang vẻ đẹp trắng mịn của đá san hô và bãi đá đen với hàng vạn viên đá tròn, đen bóng như những viên ngọc trai đen khổng lồ nằm phía tây bắc đảo.

Còn gì thú vị hơn khi sau một ngày leo đồi đến với những di tích xưa, lang thang trong khu rừng nguyên sinh rợp mát, chiều về lại vẫy vùng trên những bãi tắm hoang sơ.

MC2: Những cư dân từ đất liền đã ra đảo sinh sống làm ăn, những ngôi nhà ấm tiếng trẻ bi bô mọc lên, trường mầm non Hoa Phong Ba được xây dựng. Cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ nhiều miền đất nước ghé lại đảo để tiếp dầu, tiếp nước cho những chuyến đánh bắt dài ngày.

Bên cạnh đó, Cồn Cỏ được quy hoạch là một đỉnh trong tam giác phát triển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung nối với các quốc gia trong khu vực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong chiến lược phát triển, Cồn Cỏ đã được quy hoạch trở thành đảo du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

MC1: Đảo Cồn Cỏ vốn rất hoang sơ nên phù hợp với tour du lịch trải nghiệm. Trong hai ngày một đêm đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách có thể tận hưởng trọn vẹn bầu không khí trong lành; khám phá rừng già nguyên sinh; đi dạo trên bờ biển đẹp; chèo thuyền ngắm san hô, câu cá… Tour cũng đưa du khách tham quan phòng truyền thống của huyện; dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; ngắm toàn cảnh đảo trên ngọn hải đăng. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức những đặc sản, hải sản tươi ngon của địa phương do người dân trên đảo chế biến.

ông Nguyễn Thanh Sơn, một cựu chiến binh ở thành phố Hải Phòng chia sẻ :

PV: Ông NGUYỄN THANH SƠN

          MC2: Hiện nay, đa phần các đảo gần bờ của Việt Nam đều là đảo dân sự, có nhiều khách ra tham quan, du lịch, mang lại nguồn thu đáng kể. Trong khi đó, đảo Cồn Cỏ của chúng ta vẫn là một hòn ngọc thô giữa đại dương, hiếm có du khách ghé thăm. Trên thực tế, đảo Cồn Cỏ được bạn bè trong nước và thế giới biết đến từ rất lâu với bề dày lịch sử, phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành…Những tiềm năng của đảo sẽ rất phí nếu không được khai thác, phát huy hiệu quả.

Huyện đảo Cồn Cỏ hiện đang tập trung vào việc thực hiện kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo giai đoạn 2015-2020 với các mục tiêu chính là: Tập trung xây dựng Cồn Cỏ trở thành điểm du lịch, trước hết là du lịch sinh thái biển- đảo, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, kết hợp các điểm du lịch trong toàn tỉnh để trở thành sản phẩm du lịch liên hoàn...

MC1: Chủ trương đã có, lộ trình đã khai mở, nhưng để tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ được thông suốt, thuận lợi, an toàn, hiệu quả, bền vững đang đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền huyện đảo và các ban, ngành liên quan nhiều vấn đề cần giải quyết.

Để phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên; có kế hoạch khai thác hợp lý để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên trên đảo, tránh phương hại đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Với những chứng tích lịch sử một thời trận mạc, những di chỉ văn hóa mới được phát hiện, cộng với đặc thù của một hòn đảo được kiến tạo từ hoạt động của núi lửa, Cồn Cỏ sẽ là điểm du lịch hội nhiều yếu tố hấp dẫn du khách, nối quá khứ vào tương lai.

Nhạc cắt

MC2: Thưa QV & CB! Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ giữa lòng Quảng Trị luôn ẩn chứa nhiều câu chuyện kể. Trong những câu chuyện kể xa xưa, Cồn Cỏ mang những dấu tích đầy huyền thoại. Chuyện kể rằng: Có người anh hùng khổng lồ gánh đất đắp nên dãy Trường Sơn được bền chặt. Một hôm đất đá nặng quá đòn gánh gãy hai đầu đất rơi xuống. Một đầu thành đồi Lo ren (xã Vĩnh Thuỷ bây giờ). Đầu kia văng mạnh ra biển thành một hòn Đảo cây cỏ mọc xanh tên gọi Cồn Cỏ muôn đời...

MC1:  Chị ...... thân mến!

Liên quan đến Cồn Cỏ, tôi  còn biết một sự tích khác rằng Cồn Cỏ là tâm phật từ bi hạ xuống làm nơi tránh mưa bão cho ngư dân và tàu thuyền những khi biển Tây biển Bắc dồn dập sóng vỗ thì Đảo là nơi che chở neo đậu cập bến của thuyền chài...

MC 1:  Vâng, mỗi một câu chuyện, một sự tích đều nói về Cồn Cỏ, một phần đất trước đây của lũy thép Vĩnh Linh đã trở thành một biểu tượng chói sáng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cồn Cỏ là “hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, “Con mắt thần” của miền Bắc thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Một ngày với Cồn Cỏ cũng đủ để mang lại những cảm xúc khác biệt, cho bất cứ ai, dẫu một hay nhiều lần đặt chân đến vùng đất này.

Chúng ta cùng đến thăm Cồn Cỏ quý vị nhé!

Thăm mắt xanh Cồn Cỏ

MC2: Ấn tượng lớn nhất của tôi khi đến với hòn đảo “xứ chân trời” Cồn Cỏ  - nơi từng là “mái hiên” của Tổ quốc một thời chống Mỹ là những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thật chặt của những người lính đảo. Họ  đón chúng tôi đến với đảo này như chính những người thân yêu nhất của mình trở về sau bao năm xa cách. Không riêng tình thân quý giá ấy mà có lẽ, khi được tiếp xúc với họ, ai cũng dễ dàng nhận ra một điều, rằng chính nơi đảo nhỏ xa xôi này, niềm vui lớn nhất của những người lính là được gắn bó ruột thịt với dân, với đất này, là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng quê hương, của Tổ quốc.

          MC1: Suốt những tháng năm chống Mỹ, chiến sĩ Cồn Cỏ đã luôn bám vững trận địa, anh dũng tham gia hơn 1000 trận chiến, và nếu tính sơ bộ thì mỗi lính đảo nơi này phái hứng chịu trung bình đến 40 quả bom và tất thảy phải chịu hàng ngàn đạn pháo các loại .

Vẫn thân thương tên đất, tên người, những di tích trận địa, hệ thống địa đạo dài hơn 20 km, những lô cốt và nhà pháo, giao thông hào bao quanh đảo… Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ đảo đặt trên đồi Hoả Lực, uy nghi như biểu tượng của niềm tin tất thắng.

Tất cả dường như còn đang ở phía trước, nhưng sự sống thì đã không ngừng sinh sôi.

Ông Trần Quốc Việt – du khách đến từ Thành phố Hải Phòng nói lên cảm xúc của mình:

Trích băng

MC2: Dù diện tích không lớn - chỉ khoảng 2,3 km2, chu vi đảo chừng 8 km nhưng Cồn Cỏ lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Bắc Trung bộ, có vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải, là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ  hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiê%3ḅu Anh hùng lực lượng vũ trang, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, trong đó có 2 câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trâ%3ḅn/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.

MC1:Trải qua bom đạn chiến tranh, Cồn Cỏ vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển đảo. Quân và dân Cồn Cỏ đang ngày đêm vun đắp, xây dựng nên một hòn đảo xanh nơi tiền tiêu của Tổ quốc với những dãy nhà khang trang, con đường, sân bóng, vườn rau... Cồn Cỏ đang khai thác tiềm năng, kinh tế biển và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển, vùng trời của đất nước. Cồn Cỏ đang trở thành hòn đảo hòa bình và du lịch, một hòn đảo lao động và dựng xây.

MC2: Trước mắt chúng tôi là trường mầm non Phong Ba, nơi học tập của con em cư dân sống trên đảo. Dù trong điều kiện cách trở với đất liền và còn đó nhiều khó khăn nhưng những đứa trẻ được sinh ra trong môi trường này cũng trở nên rắn rỏi lạ thường. Rồi đây, khi lớn lên các em sẽ mang theo bao khát vọng về một cuộc sống mới, xây dựng hòn đảo này tươi đẹp hơn, tiếp bước cha ông vững tay lái “chiến hạm không bao giờ đắm” đến bến bờ ấm no hạnh phúc, xứng đáng với tầm vóc của một thời ký ức hào hùng…

Với mong muốn đưa du lịch Cồn Cỏ phát triển, ông Trần Quốc Việt chia sẻ thêm:

Trích băng

MC1: Một ngày khép lại với chiều buông dịu nắng Cồn Cỏ. Nhìn ra biển, bãi đá đen tròn nhẵn bóng như những viên ngọc trai khổng lồ lấp loáng bên bãi cát trắng mịn màng, mời mọc bước chân lữ khách.

Khi đêm buông màn, những ánh sao nô giỡn sóng biển như muôn ngàn chùm pha lê sóng sánh cùng ánh đèn tàu thả neo ngoài khơi nhấp nháy. Ngọn hải đăng quét vào không gian những luồng sáng mạnh mẽ, như gửi gắm với biển trời thông điệp về một Cồn Cỏ yên bình hôm nay và mai sau.

Nhạc cắt

MC 1: Thưa QV & CB! Cồn Cỏ trở nên gần gũi hơn khi giờ đây chỉ hơn một giờ chạy là tàu từ đất liền ra đến đảo, từ bến Cửa Tùng hay Cửa Việt. Cho nên khá lý tưởng khi một tuyến du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ được thiết lập, tạo nên một hình thái du lịch thật đẹp của vùng biển đảo mà Cồn Cỏ được coi là đỉnh của tam giác du lịch phát triển ấy. Một vùng biển đảo có sắc thái riêng, mở ra cơ hội hiếm có đánh thức tiềm năng nền kinh tế biển của một tỉnh nghèo. Cồn Cỏ - một đảo anh hùng nổi tiếng trong chiến tranh sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách cả về du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái.Vâng, chúng ta cùng hy vọng như vậy

Và thưa quý vị. Với vị trí và ý nghĩa lịch sử đặc biệt, đảo Cồn Cỏ đã trở thành đề tài sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ.

Một ngày nơi đảo Cồn Cỏ là bài hát được nhạc sĩ Quỳnh Hợp sáng tác. Chúng tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị bài hát này sau đây.

Phát băng ½ bài hát

MC2: Nhà thơ Xuân Lợi kể rằng anh đã bao lần tháp tùng nhiều chính khách, các đoàn bộ ngành Trung ương ra Đảo thăm & làm việc, và lần này là thành viên trong BTC lễ khởi công xây dựng Cảng cá & khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Cồn Cỏ do Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Trị tổ chức đầu tháng 6  năm 2009 – một công trình của tỉnh Quảng Trị chào mừng Cồn Cỏ nửa thế kỷ - Máu và hoa (08/08/1959 – 08/08/2009).

Trong không khí trang trọng, cảm xúc tràn đầy của một ngày lưu luyến trên đảo, với nỗi niềm lay thức lâu nay muốn viết về đảo, về những Cây Bàng vuông chỉ có ở đảo Sinh Tồn và đảo Cồn Cỏ; về con Cua đá duy chỉ có ở đảo Cồn Cỏ và đảo Lý Sơn và giai thoại Hòn Hổ mộng mơ, cầu tàu đã được khởi công xây dựng... Xuân Lợi viết một mạch bài thơ “Hòn hổ” để ghi lại tình cảm của mình với nhịp thơ khoáng đạt, tứ thơ hay nhiều cảm xúc.

MC1: Nhạc sĩ Quỳnh Hợp kể rằng mình” tôi nhận bài thơ "Hòn Hổ" của nhà thơ Xuân Lợi do nhà thơ Mai Thanh Tịnh gửi qua email.

Dịp đó là những ngày rất bận nhưng ngay đêm hôm đó tôi cũng ngồi lại để viết cho xong bài hát vì sợ sau đó sẽ không tập trung viết được phụ lòng gửi gắm của bạn bè .

Tôi đặt tên bài hát là "Một ngày nơi đảo Cồn Cỏ" vừa diễn tả được cảm xúc của tác giả thơ và người nghe dễ dàng hình dung một địa danh. Bài hát nhẹ nhàng tươi trẻ một chút vấn vương lúc chia tay nhưng tràn đầy tình yêu với bạn bè với Đảo thân thương...”

Bài hát vừa diễn tả được cảm xúc của tác giả thơ và người nghe dễ dàng hình dung một địa danh. Giai điệu bài hát sôi nổi, tươi trẻ, một chút vấn vương lúc chia tay nhưng tràn đầy sự sẻ chia và tình yêu với bạn bè, với Đảo thân thương...

MC2: Mở đầu bài hát, sau tiếng guitare đầy phóng túng là không gian đảo Cồn Cỏ với những nét rất riêng biệt hoang sơ và vắng lặng vô cùng giữa mênh mông biển xanh trong vắt. 

Có một ngày mình bên nhau ở đảo
Cây bàng vuông vững vàng trêu gió 
Sóng vỗ chơi vơi rêu trơn bám bước cầu tàu 

Có một ngày mình bên nhau ở đảo
Mạn chông chênh hì hụp sóng thẳm sâu 
Môi chờ mé biển đất mặn chát nhớ se nâu

MC1: Nhìn từ xa, đảo Cồn Cỏ là một chấm xanh của rừng cây giữa biển nước mênh mông. Lên đảo, cảm giác đầu tiên là làn gió mát hoà hương vị đất liền và hương vị biển với nhau. Tiếng sóng vỗ ì oạp vào các bãi đá, nước biển trong xanh khiến cho những ai lên đảo lần đầu đều phải thốt lên ngỡ ngàng. 

Đoạn điệp khúc, giai điệu bài hát “bay” hơn, thoáng đãng nhưng vẫn âm hưởng kể chuyện, như tâm tình với những sẻ chia chân thực. Có thể cảm nhận được sức trẻ, tình yêu cuộc sống phơi phới cùng một chút ngợi ca, đượm nghĩa tình, hồn hậu mà duyên… một trời man mác chơi vơi trong tiếng đàn guitare ngân lên réo rắt hòa vào tiếng sóng biển… 

Đảo Cồn Cỏ - Hiên ngang MÁU – HOA & LỬA
Còi tàu nhẫn nhịn rời trong mưa bay bay
Hòn Hổ phục ngâm mình ngắm biển
Nhùng nhằng tung bọt trắng bùi ngùi chia tay...

Đảo Cồn Cỏ dần xa trong nhịp điệu nhẹ nhàng, giản dị mà ấm áp đầy xúc động của bài hát. Những ánh mắt lưu luyến, những cái xiết tay với lời hẹn: “Nhớ ra đảo lại nhé!”.

Trích ½ bài hát

Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 19/09/2019 08:34 Lê Vĩnh Nhiên 04/10/2019 09:22

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà