Tạp chí VNCN 15.1
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật: 15.1.2023

Trích bài hát: Ngày tết quê em

PTV: Kính chào quý vị  và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Thưa Quý vị và các bạn! Không khí rộn ràng của ngày Tết đang đến thật gần. Những giai điệu đẹp về Tết, về mùa xuân cất lên, lại khiến lòngngười thêm náo nức, hân hoan. Trong không khí đất trời vào xuân mới, chương trình Tạp chí VNCn tuần này chúng ta hãy cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- 2 tác giả Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật

-Giữ gìn văn hóa cội nguồn qua những câu hát dân ca

-Hình ảnh con mèo trong sáng tác VHNT

-Tiểu mục Dọc đường văn nghệ có các bài viết:

+ Đến với bài thơ “ MỘT TÊN LÀNG QUẢNG TRỊ”

+ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN CHƯƠNG NGUYỄN XUÂN HOÀNG.

 Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.Thưa Quý vị và các bạn! Vừa qua, Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Quảng Trị tổ chức phiên họp tổng kết hoạt động Hội năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Trong năm 2022, Hội VHNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” (1972-2022); phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam đăng cai triển lãm mỹ thuật 6 tỉnh Bắc miền Trung thành công tốt đẹp; hối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trại sáng tác văn học và âm nhạc với chủ đề: Giáo dục đào tạo Quảng Trị 50 năm vì sự nghiệp trồng người” (1972-2022); tổ chức cho các hội viên tham gia học tập chính trị, lý luận, chuyên môn và giao lưu với các đơn vị...

 

Trong năm, nhiều hội viên đạt được các giải thưởng lớn của toàn quốc như: Giải A Giải thưởng VHNT năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; 1 giải B, 3 giải khuyến khích; 2 giải khuyến khích Liên hoan ảnh nghệ thuật 6 tỉnh bắc miền Trung và nhiều giải thưởng của các Bộ, ngành Trung ương...

2.Tỉnh Quảng Trị có 2 tác giả là Hồ Sỹ Sô và Trịnh Hoàng Tân vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đây là những tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc về văn học, nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Việc xét thưởng Giải thưởng Nhà nước hiện được thực hiện 5 năm/lần. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đợt này, cả nước có 87 tác giả, đồng tác giả vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.

3. Hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương, Trường Tiểu học (TH) và THCS A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, đã ra mắt Câu lạc bộ (CLB) dân ca Vân Kiều, Pa Kô.

CLB này ra đời nhằm tạo sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa loại hình văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trong cộng đồng. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức và Nghệ nhân Hồ Văn Việt ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt đã trực tiếp đến biểu diễn, truyền dạy những kiến thức, lời ca, bài hát, cách chơi nhạc cụ cho các thành viên của clb, qua đó giúp các em học sinh hiểu và giữ gìn làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Nhạc cắt.

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Loại hình nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Tại huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Hòa là địa phương nổi tiếng còn lưu giữ loại hình nghệ thuật này. Với mục đích lưu giữ nét văn hóa độc đáo của quê hương, tháng 8/2022, CLB dân ca Bài chòi Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa ra đời…nhằm thu hút những thành viên có lòng đam mê dân ca, thúc đẩy phong trào sưu tầm lời cổ, sáng tác lời mới, chơi nhạc cụ, phục dựng và trình diễn dân ca bài chòi của địa phương.

Giữ gìn văn hóa cội nguồn qua những câu hát dân ca

Dân ca bài chòi Đơn Duệ là nét văn hóa truyền thống độc đáo có từ xa xưa của người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Ngày trước, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về; người dân làng Đơn Duệ lại cùng nhau ca hát bài chòi, mang lại không khí tươi vui, rộn ràng. Tuy nhiên, cùng với cuộc sống hiện đại, đã có một thời gian dài loại hình ca hát dân ca bài chò Đơn Duệ bị mai một. Với mong muốn phục dựng và giữ gìn loại hình văn hóa phi vật thể của cha ông, được sự quan tâm của ngành văn hóa huyện Vĩnh Linh và chính quyền địa phương xã Vĩnh Hòa; những người yêu mến dân ca bài chòi Đơn Duệ đã thành lập và ra mắt clb dân ca bài chòi Đơn Duệ vào tháng 8 năm 2022. Clb Tập hợp những người tâm huyết, yêu quý bài chòi, thường xuyên tổ chức sáng tác, tập luyện, giao lưu, biểu diễn và truyền dạy. Từ đó, hướng đến mục tiêu góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất Vĩnh Hòa.

P/v: Bà Trần Thị Lý- chủ nhiêm clb dân ca bài chòi Đơn Duệ, Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh chia sẽ:

Để phù hợp với cuộc sống hiện đại,  các thành viên CCLB đã mạnh dạn đổi mới về nội dung lẫn hình thức để  loại hình nghệ thuật truyền thống, nét đẹp văn hoá bài chòi được nhiều thế hệ dân làng đón nhận.Trong các chương trình văn hóa - văn nghệ tại cơ sở, sự góp mặt của CLB dân ca Bài chòi với những tiết mục dàn dựng công phu, đặc sắc luôn được người xem hưởng ứng nhiệt tình.

Bài Chòi là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng và tiêu biểu ở các làng quê thuộc dải đất miền Trung. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng lại rộn ràng chuẩn bị dựng chòi kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi mùa xuân .Ở Quảng Trị, ngày xưa chơi Bài Chòi cũng là một trò chơi dân gian được nhân dân thường tổ chức chơi vào các dịp đầu xuân tuy nhiên trải qua thời gian, chiến tranh loạn lạc và với nhiều nguyên nhân khác nữa nên trò chơi này hiện nay còn rất ít làng khôi phục và duy trì. Chơi bài chòi thường được bắt đầu khởi động từ ngày 28 tháng Chạp cho đến ngày hạ nêu. Với clb dân ca bài chòi Đơn Duệ, những ngày này các thành viên đang khẩn trương với công việc tập luyện để phục vụ bà con quê hương trong dịp tết Nguyên Đán sắp đến.

P/v: Bà Trần Thị Lý- chủ nhiệm clb dân ca bài chòi Đơn Duệ, Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh nói thêm:

Nghệ thuật bài chòi ở các vùng miền khác nhau có cách chơi khác nhau. Riêng làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa), làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), Khóm 5, khóm Vĩnh Tiến (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) có đặc trưng riêng, đó là theo quy định của ban tổ chức, có thể dựng 9 - 11 chòi con (chia thành 2 phe với 1 chòi cái nằm ở vị trí trung tâm)… Bà Trần Thị Lý- chủ nhiệm clb dân ca bài chòi Đơn Duệ, Vĩnh Hòa  chia sẽ thêm: Ngày xưa, người chơi bài chòi chủ yếu là hô chứ chưa đưa các làn điệu dân ca vào diễn xướng bài chòi như ở các CLB bài chòi các tỉnh miền Trung bây giờ. Ở huyện Vĩnh Linh có nhiều CLB bài chòi hiện tại cũng chưa đưa các làn điệu dân ca vào nghệ thuật bài chòi. Từ lâu, bà luôn ấp ủ ý tưởng thành lập CLB bài chòi để đưa các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên vào trò chơi dân gian này.

Bài chòi ở Đơn Duệ nói riêng và Quảng Trị  nói chung vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Chính vì thế, Hội Bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân trong làng, tạo nên không khí vui tươi đầm ấm trong những ngày xuân. Với những giá trị văn hóa đặc sắc đó, hy vọng clb bài chòi Đơn Duệ xã Vĩnh Hòa sẽ được các cấp các ngành quan tâm hơn nữa để bảo tồn và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Trích bài chòi

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Năm 2023 là năm Quý Mão gắn liền với hình ảnh con mèo. Thế nên con vật này cũng trở thành chủ đề sáng tác của các tác phẩm nghệ thuật. Thông qua các tác phẩm của mình, bằng con mắt của người nghệ sỹ, vẻ đẹp của mèo đã được tái hiện dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó cũng là là lời chúc mừng bằng nghệ thuật, bằng cái đẹp của người nghệ sỹ đến công chúng với mong ước về một năm mới hạnh phúc và thành công. Trong chương trình Tạp chí VNCN hôm nay, họa sỹ Thế Hà có những chia sẽ về hình ảnh của mèo với sáng tác của mình trong năm mới 2023. Chúng ta cùng nghe.

1/Thưa họa sỹ Thế Hà! Chúng ta đang ở trong năm mới 2023- một năm gắn liền với hình ảnh con mèo. Vậy trong quan niệm dân gian, mèo gắn liền với hình ảnh nào ạ?

2/Thưa ông! Trong những ngày đầu năm mới này, mèo đã được nhiều văn nghệ sỹ lựa cho cảm hứng sáng tác của mình. Với họa sỹ Thế Hà thì thế nào ạ?

3/ Vâng! Được biết ông vừa có hai tác phẩm vẽ về mèo mang chủ đề “Tình bạn”. Ông có thể chia sẽ một chút về tác phẩm của mình ạ?

4/ Vậy khi vẽ về mèo, những đặc điểm nào của con vật này được ông tập trung thể hiện?

5/ Chúng ta đang ở trong năm mới Quý Mão 2023. Một cái tết cận kề đang đến gần. Ông có những chia sẽ nào hay ko ạ?

Xin cảm ơn họa sỹ Thế Hà và chúc ông sẽ có nhiều tác phẩm hội họa ý nghĩa trong năm mới này.

Trích bài hát: Mùa xuân ơi

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn !  Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (1934-2014) tại thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với bút danh Vũ Ngàn Chi. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từng có thời gian gắn  bó với mảnh đất và con người Quảng Trị. Thế nên Quảng Trị đã đi vào sáng tác của ông với những tình cảm yêu mến và bình dị. Tiểu mục Dọc đường văn nghệ hôm nay, chúng ta cùng đến với bài thơ: “ Một tên làng Quảng Trị” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh qua cảm nhận của nhà báo Xuân Dũng.

MỘT TÊN LÀNG QUẢNG TRỊ

 Sinh trưởng trong một gia đình tiểu thị dân, Phạm Ngọc Cảnh được cha mẹ cho ăn học tử tế. Cách mạng Tháng Tám thành công, Phạm Ngọc Cảnh mới 12 tuổi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc viên, rồi tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của trung đoàn 103 Hà Tĩnh rồi trở thành diễn viên kịch nói. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông ở đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, từng biểu diễn giữa thành phố Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Về sau ông là diễn viên trụ cột của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.

   Nhưng rồi từ một diễn viên chuyên nghiệp, ông trở thành nhà thơ như một điều không thể khác. Trong rất nhiều sáng tác của mình, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã dành nhiều trang viết cho mảnh đất Quảng Trị- nơi ông từng có thời gian gắn bó. Trong đó, bài thơ "Một tên làng Quảng Trị" là một sáng tác đáng nhớ về miền đất ông từng đi qua trong chiến tranh và gắn bó lúc hòa bình. Bài thơ như nhiều tác phẩm khác của những nhà thơ áo lính, bắt đầu là những hoài niệm đằm sâu:

Qua rất nhiều tháng năm

hết sáng bình yên lại chiều binh lửa

lòng ta chốt giữ hai đầu

cái tên làng ở giữa

   Hình như không có điều gì to tát cả. Một tên đất, một tên làng, thậm chí có thể là một ngôi làng nhỏ như bao nhiêu ngôi làng khác mà người lính- nhà thơ đã đi qua. Nhưng, không hiểu sao nó vẫn hiện về ám ảnh, vẫn thao thức, thúc giục người ta nhớ về nó như là một hướng đi của cảm xúc không thể khác, từ những điều tưởng như quen thuộc và rất đỗi bình thường:

 Ùa vào sâu niềm tưởng nhớ

cái ta chưa để ý một lần

cái không có tên trên bản đồ chiến sự

ai hơi đâu mà chép thêm vào lịch sử

lối rẽ vào làng in dấu chân

mà chiều qua trong một thoáng phân vân

đã chợt về nâng đỡ

   Những cảm xúc hiện hữu cụ thể, và nói như tác giả, những điều có vẻ nhỏ nhặt, như không đáng kể, như không có ai để ý- lại có một bí ẩn sâu xa đeo đẳng tâm tư nhà thơ, nâng đỡ nhà thơ vào những khi tâm hồn chống chếnh.

Mẹ chẳng cố tình bắt ta lưu giữ

em không hề khuyên

không bát về dâng hương ngày giỗ kỵ

một tên làng Quảng Trị

suốt đời đâu dám quên

   Đúng vậy, tình cảm là một trạng thái tinh thần tự nhiên, không thể gò ép, miễn cưỡng, cả tên làng và nỗi nhớ về Quảng Trị cũng thế, nó hình thành tự nhiên và ăn sâu vào tiềm thức, thành nỗi nhớ thương da diết, sâu nặng, có khi theo suốt một đời người. Chính vì thế mà bài thơ kết thúc trong tâm cảm dạt dào.

 Ở với ta lúc vui lúc buồn

lúc suôn sẻ lúc cay đắng

không đòi trả ơn mà nghĩa nặng

không ràng buộc mà thân gần

không giao đãi ngọt ngào mà lặng thấu

làm vốn nuôi con làm quà tặng cháu

cái tên làng Quảng Trị ấy thôi

cái tên làng Quảng Trị đứng loi thoi

dọc bấy nhiêu trận mạc

trắng phau doi cát bồi.

 Bài thơ “Một tên làng Quảng Trị” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh với thi tứ và ngôn ngữ bình dị, cụ thể, chân thực đã khắc họa tình cảm của một nhà thơ tên tuổi với mảnh đất này.

Trích bài hát: Anh có về Quảng Trị với em không?

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng từng có thời gian công tác ở Đài PTTH Thừa Thiên-Huế, sau đó chuyển sang tạp chí Sông Hương. Trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của mình, anh đã in năm tập sách, một gia tài báo chí-văn chương không thể coi là nhỏ khi để lại cho đời. Trong đó có thể kể tên các tác phẩm : "Hương mùa thu" (2001), "Cỏ hoa xứ Huế" (2003), "Ký ức xứ Huế"(2007), "Hồn mai" (2007) và "Cõi tạm phù hoa". Ngòi bút của Xuân Hoàng thường nhẹ nhưng sâu sắc, từ tốn mà da diết. Phần cuối chương trình hôm nay, mời Quý vị cùng tìm hiểu đôi nét về văn chương Nguyễn Xuân Hoàng qua bài viết của Xuân Nguyên.

ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN CHƯƠNG NGUYỄN XUÂN HOÀNG.

   Thể tạng tinh thần và bản mệnh văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng chính là tùy bút. Dáng đi nghiêng, thường nhìn về một phía của người thích sống nội tâm; mái tóc bồng bềnh lượn sóng và đôi mắt đa cảm, xa xôi phát lộ vẻ bề ngoài của một hồn vía văn nhân như một nghiệp dĩ đã in dấu vân tay số phận từ tiền kiếp. Đặc sắc của tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng là tinh tế thầm thì chầm chậm lọc qua ngũ giác mà khởi phát hành ngôn.

  Tác giả kể cho ta nghe cuộc phiêu diêu của tâm hồn qua mỗi tiếng chuông. Nguyễn Xuân Hoàng đã viết  "Mỗi năm 365 đêm, đêm nào cũng thế, cứ vào giờ tí, sư trụ trì chùa Thiên Mụ lại cho thỉnh chuông. Mùa xuân, tiếng chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất trời, đâu đó những mầm sống cựa mình cho đất nở hoa, cho hoàng mai nở vàng suốt một dãy phố chợ. Kể từ tiếng lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi hơn, có nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng chuông như có bóng mát che chở  mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm vẫn sừng sững một nỗi cô đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc này nghe như đại ngã bao dung". Tiếng chuông đã vọng thấu tiếng lòng, từ tri giác mà chạm vào tri ngộ.

  Với tác phẩm "Hương mùa thu", Nguyễn Xuân Hoàng thể hiện sự tinh tế khi cảm nhận cuộc sống. Khác với Xuân Diệu thưở ban đầu lưu luyến muốn thả trôi cảm giác khi tự vấn : "Ai đem phân tích một mùi hương...", Xuân Hoàng đã tái hiện hương hoa cúc đậu xuống tóc người con gái, mùi phù sa, bùn đất không phải xưng danh cũng biết được "Đây thôn Vĩ Dạ" và cả hương bắp nấu thấm đẫm một đời đất nước sông Hương... Nguyễn Xuân Hoàng đã viết:  "Xòe bàn tay đếm hương mùa thu Huế, những hương Thạch Xương Bồ, hương cúc, hương bắp, hương sen...sao vẫn còn thấy thiếu thiếu. Chợt nhớ trong ký ức là còn nữa một mùi hương lá. Chỉ thoáng hiện vào buổi sáng sớm và đậm đặc lúc chiều tối. Lá long não nồng nàn, lá phượng cay thoảng chút chua chua, lá bàng sên sết đắng, lá hoàng hậu ngọt lạnh. Hương lá đã làm cho mùa thu xứ Huế có một phong vị và gương mặt riêng của đất kinh kỳ". Như là một tổng phổ của xứ Sông Hương cơ hồ tác giả "Đi tìm thời gian đã mất".

  Nếu như mùa thu được Nguyễn Xuân Hoàng miêu tả với những mùi vị đặc trưng được cảm nhận bằng khứu giác thì nghệ thuật thị giác hay là cái nhìn văn chương của Xuân Hoàng khi viết về một ngoại cảnh như là màu sắc mùa hè quen thuộc tưởng chừng như không còn thấy lạ, như thể quên nhận ra hơi thở của chính mình. Với câu chuyện trong tác phẩm  "Cây phượng bên chân cầu Trường Tiền" nhà văn  đã có những cảm nhận:  "Có người đi qua lần đầu chỉ thấy phượng hay hay. Đứng một mình mà làm cả mùa hè. Còn với cư dân Huế, cây phượng là thước đo niềm vui, nỗi buồn, những kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Trên lớp vỏ xù xì thời gian vẫn còn đọng mãi những dấu khắc vụng dại. Dấu khắc có khi là một cái tên người trọn vẹn. Có khi chỉ là hai chữ xoắn vào nhau trong một ô van trong ngần tuổi học trò. Vỗ nhẹ bàn tay vào thân cây, nghe như đâu đó dưới mặt sông có tiếng cười âm vang. Rồi một tà áo tím bạch như áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa đi qua cội lòng như một giấc mơ đã nhòa hương sắc".

  Thế đấy, văn của Xuân Hoàng thường nhẹ mà da diết, từ tốn nhưng đọng lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc, tạo được ấn tượng rất riêng của mình...

Trích bài hát: Xuân đã về

PVTV: chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 09/01/2023 22:06 Lê Vĩnh Nhiên 10/01/2023 15:23

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà