TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm: Tãn văn “ Bếp củi đầu đông” của tác giả người Quảng Trị Hiền Trần; Giới thiệu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân, các bài viết trong tiểu mục Dọc đường văn nghệ của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 27/11 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 28/11. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 27.11.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tãn văn “bếp củi đầu đông” của tác giả Hiền Trần

+ Đôi nét về nhà thơ Quảng Trị Nguyễn Hữu Minh Quân

+ Giới thiệu bài thơ “Sau cơn lũ”của nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân qua giọng ngâm của  nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan

+ Tiểu mục Dọc đường văn nghệ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1. Sáng ngày 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Cục Di sản Văn hoá (Bộ VHTTDL) phối hợp Sở VHTT và DL Quảng Trị tổ chức Khai mạc chương trình trưng bày, trình diễn di sản Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay. Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Việc lựa chọn Lễ hội mừng cơm mới của người Bru – Vân Kiều xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thể hiện sự quan tâm đối với văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội tham gia các sự kiện giao lưu để quảng bá sản phẩm văn hóa cộng đồng ra bên ngoài, nhất là với loại hình di sản mang tính đặc thù nghi lễ, tập tục như Lễ mừng cơm mới.

2. Thời gian qua, nhiều lớp học văn hóa được cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng Ba Tầng, Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phối hợp với hội phụ nữ địa phương tổ chức để giúp chị em người dân tộc thiểu số có thêm kiến thức văn hóa, kỹ năng sống, từ đó tự tin, tự chủ hơn để vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy, nhiều phụ nữ ở vùng biên giới xa xôi gọi đây là lớp học nghĩa tình

Các lớp học được tổ chức là rất thiết thực đã giúp chị em tiếp cận được các kiến thức, kỹ năng sản xuất, sinh hoạt, từ đó phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng văn minh, văn hóa. Hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vươn lên làm chủ cuộc sống mà còn thúc đẩy, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của hội viên phụ nữ và người dân trong bảo vệ ninh trật tự, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

 

                                                    Nhạc cắt

Đêm đầu đông. Trăng còn chếch ngọn lọt vào song thưa, gió se sẽ mang theo hơi lạnh về áp kề từng làn da mỏng. Ngó ánh lửa bập bùng bên chái bếp, toả ánh sáng rực hồng cả gian nhỏ nhà tranh. Ngó dáng mạ lui hui thổi lửa, bàn tay gầy đun đẩy từng thanh củi nè khô. Bóng dáng quê hương muôn năm cũ bỗng nhiên hiển hiện, lòng đau đáu nhớ thương năm xa cũ tìm về. Thấy ấm lòng một miền thương da diết mãi: bếp củi quê nghèo, bếp củi mạ nhen! Đông đã về ngoài kia, năm nay thời tiết không thấy rét như mọi năm, cũng có thể những cơn gió đông bắc ở nơi đâu đó sẽ buốt lạnh về những ngày cuối năm. Mời quý vị và các bạn nghe tãn văn “ Bếp củi đầu đông “ của tác giả người Quảng Trị Hiền Trần

Mỗi sớm mỗi ngày bếp củi đều dậy sớm nhất nhà, lửa réo rắt toả rạng từ khi màn trời còn tinh sương lạnh giá. Bếp lửa bập bùng hắt bóng mình lên vách, có bóng mẹ lom khom bên ấm nước soong nồi. Bếp lửa tí tách dăm ba câu chuyện cũ về đời tre đời nứa, thanh củi khô giòn ấm tình lửa bao la. Bếp sưởi ấm cho tiếng gà gáy sớm, dậy canh ba mùa đông còn run run hơi lạnh, chốn đồng xa gió thốc bàng bạc cả gốc rạ trơ sương. Bếp thắp lên than hồng từ những que nè nhỏ hôm qua bé mót về từ đồi bạch đàn thơm nồng mùi hăng hăng ngai ngái. Đồi bạch đàn ủ ấp cả tình quê nồng đượm, cho bếp lửa quê nghèo thơm lạ mùi khói bay.

 

Bỗng nhoè mắt thương bó củi còn ẩm ướt, đọng nước bùn từ đợt lụt vừa qua. Hơi khói nồng cay cay từ bao mặn ngọt phèn chua của bùn đất, nước lũ qua rồi bó củi còn neo vương. Ngày lụt tới mạ còn lội nước, vớt hết thảy những thanh củi lênh đênh, đời mạ nghèo từng que củi mạ quý, mạ ôm vào lòng, mạ vuốt phẳng phiu. Mạ bó lại từng bó to chặt cứng, chất lên chạn cao để iu ấp từng ngọn lửa ấm gian bếp hồng. Bỗng hít hà thật lâu mùi củi ướt, mùi củi đượm nồng ngai ngái vị bùn xa. Để ta nghe trong lửa từng thanh âm tóc tách, thanh âm của cánh đồng trơ vụ gặt mùa qua. Thanh âm của bao đời mệ ông ta cần mẫn, nhặt từng thanh nè nhỏ, vun xây từng nếp tranh.

 

Rồi trải qua bao năm trời khôn lớn, lại thèm da diết một ngày đông giá rét, đội chiếc nón rách cời chạy vội ra sau nhà kéo đại nhón rơm khô, nhen bếp lửa rực hồng ấm cả gian nhà bếp. Bỗng nhớ lại năm xưa, mỗi lần nhà xây rơm là cả nhà tề tựu đông đủ, hàng xóm láng giềng quây quần mỗi người một tay. Đàn ông thanh niên xây rơm thoăn thoắt, đàn bà con gái nấu nước nấu khoai. Ấm nước chè xanh, vài câu hò đối đáp, mồ hôi rơi bóng làn da mặn đen nâu. Ông thắp hương, mệ lại thầm cầu khấn, xin thần lửa bảo vệ bình an, cho rơm ụ dày, cho ấm bếp đông. Mong an lành đừng lan xa ngọn lửa, nén nhang bàn thờ thêm trang trọng linh thiêng. 

 

Lại nhớ sớm mùa đông mạ dậy thật sớm, nhớ dáng cha ngồi bên bếp lửa sưởi đôi tay to bè đỏ gay vì lạnh sau một đêm đi tuần tra dọc đường sắt. Nhớ những đống củi to cha chặt ra chẻ nhỏ, nhớ hai đứa con thơ tranh nhau phơi củi rồi ôm từng bó to vào bếp, cha mẹ cười hiền mồ hôi ướt đẫm lưng vai. Dẫu không ít lần dằm đâm vào ngón tay. Nhưng có thể đoán được mùi hương từng thanh củi đang đốt mình trong lửa, có những thanh củi thơm lạ thơm lừng. Mùi của bếp lửa, mùi của niềm nhớ thương bất tận lại đau đáu về bên ta mỗi mùa gió trở. Thương vô cùng bếp lửa mạ nhen.

 

Bếp củi mạ nhen, ánh lửa hồng từ đôi tay gầy guộc, thắp lên sinh khí ấm nồng từ lạnh giá mùa đông. Cho hồn con nương tựa mãi trong từng nhịp thở, tìm thấy bến bờ giữa muôn lối chênh chao. Bếp lửa gói tròn những gian nan đời mạ, dẫu bao gập ghềnh vẫn toả rạng trong chái bếp mỗi sớm mỗi chiều, thu qua đông tới, xuân qua hạ về. Bếp lửa chứng nhân từng niềm vui bên bữa cơm sum họp, chắt chiu cơm rau từ tay mẹ tảo tần. Bếp lửa làm trượt dài từng dòng mồ hôi khô mặn, nóng hầm đôi gò má những trưa nắng bên hè, mạ vẫn cần mẫn nếm cá luộc măng. Bếp lửa ấm lòng cho những tiếng xuýt xoa nhỏ dần mỗi mùa đông giá, còn gì tuyệt vời hơn khi đi học về giữa cái rét căm căm cắt da cắt thịt lại có bếp lửa đang cháy bập bùng để ngồi sát vào hơ cả hai bàn tay. Bếp lửa bập bùng cùng những câu chuyện nhỏ của cha và mạ, khe khẽ những chia sẻ ân tình, ấm nồng những dự định tin yêu. 

 

Đó là những mùa đông ngày trước, cái rét làm thâm tím thịt da, rét trắng xoá đất trời, rét bảng lảng trong từng ngóc ngách của ngôi nhà, ngõ xóm. Trốn chỗ nào cũng rét, ngồi chỗ nào cũng rét. Rét run cầm cập đôi hàm răng, mạ đi làm về mua cho bé chiếc áo ấm bần màu ca rô sọc đỏ, mạ nói màu đỏ trong mắt cũng làm đỡ rét ngày đông. Căn nhà ba gian gió lùa vào khe cửa, giường bé nằm sát bếp nhỏ màu nâu. Cha thức dậy đi làm từ sớm, ghé tay vào kéo lại chiếc chăn chiên. Lạnh buổi sáng, bếp đã hồng rực rỡ, dáng mẹ tảo tần nhen sáng cả tương lai.  

 

Lại về thương bếp lửa suốt một đời tự đốt cháy mình cho mùa no, mùa ấm. Dẫu bếp ga, bếp điện, bếp từ, cũng không nhen ấm được những chiều mùa đông. Nhen tất cả những xuýt xoa bé nhỏ, của hồn quê muôn năm cũ trường tồn. Của lòng mẹ công cha những năm mòn tháng cũ. Của tuổi thơ ấm giấc ngủ đông vùi. 

 

Của hồn ta suốt một đời nương tựa: bếp củi bếp nhà, bếp củi mạ nhen!

Phát một đoạn bài hát CHIỀU ĐÔNG- NGUYÊN KHANG HÁT

Nhạc cắt

                  Xướng Dọc đường văn nghệ

 Thưa quý vị và các bạn! Quý vị và các bạn đang nghẹ chương trình Tạp chí Văn nghệ chủ nhật;

Thưa quý vị. Tản mạn về làng quê dưới góc nhìn văn hóa, văn nghệ có nhiều điều lý thú, đó cũng là nội dung bài viết sau của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

          

Làng quê Quảng Trị có bao điều thú vị đáng nói. Địa danh là chuyện thú vị nên mới nảy sinh những câu đối (thơ) đa nghĩa dựa vào cách chơi chữ như : "Trai Tân Trúc chặt tre thở hoi hóp/ Gái Đông   Hà xúc hến hát nghêu ngao". Đúng là làng Tân Trúc (Cam Hiếu) có nhiều tre và trúc, hóp đều thuộc họ tre, còn làng Đông Hà có sông Hiếu vốn nhiều con hà, hến, nghêu, ngao cùng là một họ, nên đọc lên thật là đăng đối và dí dỏm, chưa nói chuyện: nhất chặt tre, nhì ve gái (ve: tán tỉnh) chỉ sự khó nhọc, nên chặt tre phải thở hoi hóp (tượng thanh), đối lại với xúc hến không đến nỗi cực nhọc nên vừa làm vừa hát nghêu ngao (tượng thanh). Cũng như một câu khác : "Cam Lộ buôn cam, Cam Lộ lộ/ Bích La đau bụng, Bích La la !" Lợi dụng sự đồng âm, địa danh và phương ngữ mà chơi chữ  (Cam Lộ lộ: Cam Lộ buôn cam lỗ vốn) để đối với ...Bích La la, thật là câu trên tám lạng, câu dưới nửa cân, đôi lứa xứng đôi, thể hiện tài quan sát, đối đáp nhanh nhạy, thông minh và hóm hỉnh.

   Quảng Bình có bát danh hương: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại thường được gọi tắt là : Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim. Quảng Trị tuy không có bảng tấn phong chính thức nhưng nhiều làng quê nổi tiếng từ lâu như làng Thủy Ba bắt cọp, làng Tùng Luật nghệ sĩ, làng khoa bảng Hà Trung, làng hào kiệt Bích La Đông, làng văn vật Bích Khê, làng khai khoa Câu Nhi...còn chợ quê thì Quảng Trị nức tiếng với chợ Cầu "Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh", chợ Đình Bích La Đông với phiên chợ độc đáo vào đêm mồng ba tết Nguyên đán được gần xa biết đến, chợ Kẻ Diên (Diên Sanh) có con gà vỗ cánh trong bài ca dao được xếp vào hạng đầu bảng xưa nay, chợ phiên Cam Lộ là đầu mối nội thương và đặc biệt là ngoại thương trong lịch sử xứ Đàng Trong...

   Làng quê Quảng Trị có nhiều chuyện hay, nay xin dẫn hai chuyện mà rất nhiều người bản địa vẫn chưa biết đến. Chuyện hay, thú vị và để lại nhiều bài học nhân sinh quý giá. Chuyện thứ nhất là xưa kia có vạn đò lênh đênh sông nước, tập hợp ngư dân gần xa, cứ tá túc trên sông Cánh Hòm tại xã Trung Hải (Gio Linh) ngày nay, họ không chỉ không có nổi tấc đất cắm dùi mà ngay đến cả một hòn đất ném chim cũng không thuộc về mình. Sống đã vậy, còn thác về đâu ? Câu hỏi làm đau đầu và đau lòng bà con sông nước. Làng Xuân Mỵ (vè: "Văn chương Xuân Mỵ, lý sự Thủy Khê...") thấy vậy thương tình nhường lại cho hai mẫu đất để phơi chài lưới, lâu dần thành làng Bách Lộc ngày nay, làng mới sinh thành từ làng cũ,  vậy là làng ở trong làng. Thật là tấm lòng thơm thảo, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Nếu làng văn chương, học hành có tiếng như Xuân Mỵ chỉ biết bo bo chữ nghĩa, không thấu nhân tình thì sao có làng Bách Lộc ngày nay ? Khi tôi về đây điền dã, các cụ cao niên Bách Lộc kể lại chuyện xưa vẫn không hề quên đạo lý uống nước nhớ nguồn, cảm tạ bà con Xuân Mỵ. Chuyện thứ hai là danh thần Trần Đình Ân, người làng Hà Trung được thờ phụng ở nơi chôn nhau cắt rốn thì không ai lấy làm lạ, nhưng cụ được làng Mai Xá Thị trang trọng thờ trong chốn đình trung thì ai cũng ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết khi cụ làm quan nhân một vụ kiện đã xử công bằng cho làng này. Dân làng nhớ ơn nên nhắc nhau đời này sang đời khác luôn kính cẩn hương khói để tưởng niệm công đức của ngài. Thế nên câu ca dân gian tình nghĩa mà riết róng : "Thương dân, dân lập đền thờ/Hại dân, dân đái ngập mồ cho coi" không phải là chuyện viễn vông, xa vời mà chính là nhân nào, quả ấy.

Phát một đoạn ngắn bài hát “ Nếu xa Quảng Trị Bạch trà hát

                                     Nhạc cắt

Thưa quý thính giả! Ngoài sáng tác thơ, nhà thơ Võ Văn Luyến còn có tác phẩm phê bình tiểu luận, Xuân Nguyên đã ghi nhận đôi điều trong bài viết sau, chúng ta cùng theo dõi.

Cuốn sách "Đối ngọn đèn khuya" của thác sĩ văn học, nhà thơ Võ Văn Luyến có phần viết phê bình giới thiệu tác phẩm thơ văn. Có thể nhận ra ở đây những cây bút từng sống và viết ở Quảng Trị như Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Chức, Trần Đình Thành, Lê Văn Hoan, Minh Tứ, Đức Tiên, Nguyễn Văn Trình, Võ Văn Hoa...  hay đã xa quê như Trần Xuân An, Võ Thị Như Mai...

Thi sĩ Nguyễn Văn Đắc từng nổi tiếng với bài thơ "Cái rốn" đầy cảm hứng nhân sinh đọng lại trong mắt nhìn của cây bút phê bình Võ Văn Luyến: "Tác giả biết dựng dậy cơn ngái ngủ đời người trên trò chơi bập bênh con chữ bởi sứ mệnh thi ca đòi hỏi sự trầm tư trong hồn nhiên, sự cay đắng trong ngọt ngào ..." . Còn nhà thơ Trần Xuân An nhớ về cố hương bằng tâm cảm: "Nơi cho giọng nói chưa pha phách. Chốn yêu thương, về bỗng khóc ròng" (Tặng một người...) được đánh giá "Dù đi xa nhưng lòng vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Đấy là lúc tình cảm câu thúc để có được những câu thơ dung dị, thật lòng mà thấm thía, cảm động.". Con mắt phê bình của Võ Văn Luyến đã tinh tế nhận ra một Lê Thị Mây đầy nữ tính trong "Đám cỏ xanh" khi người yêu lỡ hẹn: "Qúa trình từ vô thức "bứt cỏ" đến hữu thức "đau cây" hóa ra có ngọn nguồn cơn nhói của tim. Đấy là nỗi thất vọng  có cái gì đe dọa hơn cả sự thất tín, bởi linh giác đánh động sự mất yên tĩnh (phụ nữ thường sợ những biểu hiện gợi cái mong manh, dễ vỡ)..."

Cảm nhận tập bút ký, phóng sự "Dòng sông ký ức" Võ Văn Luyến luận bình: "Có thể nói, Minh Tứ là cây ký có khả năng thâu tóm, lật xới sự kiện, làm nổi bật những vấn đề nóng hổi, xã hội quan tâm hay vấn đề xưa cũ nhưng tươi nguyên "chất sống" và lay thức tâm cảm người đọc .Còn khi chiêm nghiệm truyện ngắn Hòa Vang, tác giả phê bình gọi tên lối viết đó là "dòng ý thức phản huyền thoại". Và truyện ngắn "Sự tích ngày đẹp trời" viết lại câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thực ra là một phản đề văn chương, vì thế Võ Văn Luyến đã có lý khi  viết: "Thông điệp mà Hòa Vang muốn gửi tới  độc giả không như ngọn gió đi tìm sự đồng cảm mà là lời khẩn cầu về một lẽ công bằng cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc. Hơn cả chiêu tuyết, minh oan cho Thủy Tinh, nhà văn cố gắng làm thay đổi cái nhìn đơn giản một chiều, duy lý về nhân vật luôn bị xem là tội đồ đáng nguyền rủa."

Dù còn đôi điều có thể cần phải bàn thêm về thơ tứ tuyệt; hay góp ý nên chọn lọc hơn đối với tác giả thơ, để tránh sự ôm đồm  trong một tập sách phê bình đúng nghĩa, thì người đọc tựu trung, vẫn đồng cảm nhiều và trân trọng lao động của cây bút Võ Văn Luyến. Độc giả trân trọng một cây bút nghiên cứu phê bình lặng lẽ và nghiêm túc, một mình đối ngọn đèn khuya, thức cùng trang văn để góp nhặt những gì đồng điệu.

 Kết thúc Chương trình kính mời quý vị và các bạn nghe nghệ sĩ Ngâm thơ Thúy Ái ngâm bài thơ Đối ngọn đèn khuya- bài thơ trong tập thơ cùng tên của Nhà thơ Võ Văn Luyến ( Lấy bài thơ Thúy Ái ngâm tại phòng thu)


Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 24/11/2022 09:58 Lê Vĩnh Nhiên 24/11/2022 10:27

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà