Người yêu thơ Quảng Trị pt 12/10
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 12/10 -Thưa quý thính giả! Mở đầu, như thường lệ là mục điểm thơ trên tạp chí văn nghệ địa phương. Bài của An Thái, chúng ta cùng nghe. -Tiếp nối ct, chúng ta cùng đến với nhà thơ Hồ Sĩ Bình, một người con Quảng Trị xa quê, anh hiện sống và công tác tại tp Đà Nẵng. Bài của Hiếu Giang. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct tiếp tục cuộc trò chuyện giữa pv với nhà thơ Võ Văn Luyến nhân dịp anh vừa cho ra mắt tập thơ "Mật ngôn của biển". Chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa nghe ct: người yêu thơ Quảng Trị, ct này do Xuân Dũng biên soạn và thực hiện với sự tham gia của ...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ Cửa Việt: (tùy bút-bình luận văn nghệ)

 

   Điểm thơ tuần này, chúng ta cùng đến với sáng tác trên tạp chí Cửa Việt.

   Bài thơ "Về làng" của Trần Văn Nhân là một vé trở về tuổi thơ bằng thi ca, bằng tất cả xúc cảm của một trái tim nghệ sĩ:

   Đặt chân về tới cổng làng

Tôi thành chú nghé ọ vang đồng chiều

Hồn tôi chao liệng như diều

Bay qua ba chuyện bốn điều tuổi thơ

 

   Một sự hóa thân bằng tâm tưởng rất chi dễ thương và rất dễ đồng cảm cho hết thảy những người muốn quay lại tuổi thơ, tìm lại bóng dáng thiếu thời của mình nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là một cách hoài niệm để tắm mình trong kỷ niệm, những kỷ niệm của tuổi hoa niên mà dù có đi hết trọn đời vẫn nhớ, vẫn thương.

   Thấy mình thoát trận bơ vơ

Rời xa khỏi cuộc bơ phờ mưu sinh

Tôi như định dạng lại mình

Sau bao phiên bản nhục vinh giữa đời

 

   Ngôn ngữ thơ có vẻ hiện đại của thời internet, của những computter nhưng lại vẫn nhuần nhị khi đưa vào lục bát khiến bài thơ vừa cổ điển như ca dao lại vừa tươi mới, tân kỳ của công nghệ thông tin nhưng quan trọng hơn cả là vẫn chất chứa những nghiệm sinh thiết thân của một người trưởng thành, từng trải những vui buồn, vinh nhục của một đời người. Và tác giả vẫn cứ muốn quay trở lại với chính mình, với bản lai diện mục của cái tôi bản ngã như nhà Phật thường nói, để được sống thật với chính mình, được là chính bản thân mình. Một ước mơ có vẻ giản đơn nhưng kỳ thực lại rất khó khăn trong thời buổi có quá nhiều xáo trộn.

   Bài thơ tiếp diễn với những cảnh tượng và mong ước khi một lần trở lại quê nhà của người đã qua nhiều nếm trải:

   Tôi đi đầu đội nắng trời

Thương cha ngày cuốc ruộng phơi lưng trần

Tôi thăm độông ngái vườn gần

Xót bàn chân mẹ nổi gân gánh gồng 

    Bài thơ kết thúc trong nỗi niềm của một người biết rằng trở lại tuổi thơ cũng chỉ là một giấc mơ ngay giữa ban ngày:

   Ngực căng hương lúa trổ đòng

Miệng thèm một chén cơm không đầu mùa

Ngồi ôm nguyên ngọn gió lùa

Mà nghe bùn thủm phèn chua nồng nàn

   Bài thơ này là một tác phẩm hay, giản dị mà nồng nàn, ấn tượng, đôi chỗ còn độc đáo trong cách thể hiện trong ước muốn về lại với tuổi thơ của một người thơ.

 

 

                        THƠ CỦA MỘT NGƯỜI QUẢNG TRỊ XA QUÊ.

                                                                                            (Xuân Dũng)

   (Nhân đọc tập thơ “Mưa nắng lưng đèo” của Hồ Sĩ Bình, NXB Hội Nhà văn)

 

   Theo tôi, có lẽ nét nổi trội nhất trong thơ Hồ Sĩ Bình là ám ảnh thời gian.

  Điều này thực ra không hề mới trong thi ca, nếu không nói đó còn là  một trong những đặc trưng phổ biến của nhiều giai đoạn sáng tác, của  nhiều nhà thơ, tập thơ, bài thơ. Nhưng với mỗi thi nhân thì biểu hiện có khác nhau.

  Trong thời hiện đại, nhờ những phương tiện giao thông tân tiến nên việc rút ngắn khoảng cách không gian đã trở nên đơn giản, hơn nữa cùng với sự phát triển của Internet đã làm cả trái đất trở thành môt “thế giới phẳng”.  Sự xa cách về mặt không gian, vị trí địa lý hình như không còn “làm khó” con người, kể cả các nhà thơ. Điều này cho thấy dòng thơ lữ thứ giang hồ thịnh hành một thời nay cũng không còn thời thượng, dù rằng thời nào thi nhân muôn đời vẫn là thi nhân, cũng thất tình lục dục. Còn riêng với hằng số thời gian thì hầu như không thay đổi trong đời sống thường nhật, hơn nữa đời người hữu hạn thường được tính bằng đại lượng thời gian, rồi những vui buồn trải nghiệm, sinh ly tử biệt thì không thể có gì thay thế. Nên thời gian vẫn là hiện hữu ưu tiên trong rất nhiều tác phẩm văn chương, trong đó có thơ Hồ Sĩ Bình mà chúng ta đang nói đến.

  Mang tâm trạng hồi cố nói như nhà văn Pháp Marxel Proust (Mác xen prut) “Đi tìm thời gian đã mất” nên thời gian nghệ thuật trong thơ Hồ Sĩ Bình là thời gian hoài niệm, thời gian tâm trạng. Mặt khác cũng mang tâm thế không mấy khi bằng lòng trước thực tại nên dù chạm mặt “thời gian tìm thấy” lẽ ra phải hoan hỉ  thì vẫn có cảm giác một Hồ Sĩ Bình gồng gánh u buồn từ tiền kiếp.

Ngay những bài thơ mà tên gọi đã là một địa danh cụ thể, nói những điều rất giản dị đời thường trong một không gian cố định thì ý niệm thời gian cứ như muốn bật ra từ vô thức:

   ngôi nhà gỗ thông nằm trên dốc

   ngã ba giao lộ cái quan 14

   chiều ra đứng trông theo những chuyến xe về xuôi

   vội vã ầm ào xe lao nhanh như lưỡi dao đâm vào nỗi nhớ

   về phía ấy ngong ngóng niềm đau

                                            (Buôn Hồ)

 “...lưỡi dao đâm vào nỗi nhớ”  chính là hoài niệm về quá khứ sinh viên Huế. Cách dùng động từ mạnh và cách ví von khá lạ khi để cái cụ thể hữu hình (chiếc xe) đâm như lưỡi dao xuyên qua cái trừu tượng vô hình (nỗi nhớ). Vì vậy đoạn thơ và cả bài thơ thoạt nghe như khẩu ngữ hội thoại đời thường lại có chất thơ từ câu chữ như thế.

    Một hôm nào đó về lại quê nhà Quảng Trị nghe cảnh vật và cả thời gian như thể chiêm bao khi lắng nghe “mộng mị quanh đời” :

   hoa cái vàng nghìn thu

          cũng một màu thảng thốt

   mưa bui bay tháng giêng ơi

   một chiều không đổi

 

  vẫn là một màu sương ấy bập bùng trong trái tim

  rung như quả lắc mập mờ một điều rất mới

  hiu hắt triền đê bóng chiều hấp hối

  chợt ngại ngần muốn hỏi

  khế trong vườn hoa tím chưa em?

   Dường như bất lực trong tâm thế muốn cố định hóa những gì đã qua, muốn đóng đinh kỷ niệm trên cây thập giá thời gian. Nhưng vô ích nên nhà thơ đành mượn thơ trong một nỗi niềm gần như tuyệt vọng như kẻ sắp chết đuối trên dòng sông của thì-quá-khứ. Lớp sương mù tâm trạng như vây bủa  cảm thức triết học về “thân phận lưu đày” trước một hiện thực dù là hiện thực tâm trạng cũng quá đỗi mong manh. 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 08/10/2019 11:40 Lê Vĩnh Nhiên 14/10/2019 09:37

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà