Tạp chí văn nghệ chủ nhật
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 24-11

          MC1: Kính chào quý vị thính giả thân thuộc của tạp chí văn nghệ chủ nhật. Cảm ơn QV đã luôn dành thời gian để đồng hành cùng chương trình.

MC2:Quý vị và các bạn thân mến! Nằm giữa khúc ruột miền Trung, mảnh đất Quảng Trị kiên cường đã ghi những dấu ấn đậm nét trong lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam. Mãnh đất này cũng mang đậm những dấu ấn văn hóa, là nơi hội tụ, sản sinh ra những điệu lý, điệu hò, là nơi sinh thành của nhiều văn nghệ sỹ.

MC1:Tạp chí VNCN tuần này mời QV & CB cùng đến với làng nghệ sỹ qua bài viết của Nhà báo Võ Thế Hùng, tiếp đó là các bài Ô lâu bến nước trăng thề, Nhạc sỹ Phan Thạch Hùng với album Ô Lâu huyền thoại. Cuối chương trình chúng tôi sẽ giới thiệu đến Qv & các bạn những ca sỹ Quảng Trị nổi danh với dòng nhạc trữ tình quê hương. Trước hết, mời QV & CB cùng đến với trang tin văn hóa văn nghệ.

Nhạc cắt

Tin 1: Tổng kết và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2019

Ban Tổ chức cuộc thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) tổ chức lễ tổng kết và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Trị năm 2019.

Sau khi cuộc thi được phát động, Ban Tổ chức đã nhận được trên 60 tác phẩm dự thi với nội dung và hình thức phong phú, phản ánh một cách khách quan, đa dạng và có chiều sâu trên các mặt của công tác xây dựng Đảng. Kết thúc cuộc thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Trị năm 2019, Ban Tổ chức đã chọn ra 11/23 tác phẩm để trao giải, bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Đồng thời, đề nghị gửi 11 tác phẩm đoạt giải dự thi cấp Trung ương.

          Tại đây, BTC cuộc thi đã phát động cuộc thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) năm 2020.

Tin 2: Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Xây dựng

Trong tuần, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

5 năm qua việc thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh đã đạt được những kế quả tích cực. Cụ thể như công tác quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và thực hiện việc tang lễ; góp phần xây dựng đô thị, nông thôn xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững góp phần cụ thể hóa các văn bản quy định của nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển của địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết này hiện đang còn gặp một số khó khăn, hạn chế...
          Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết, ban VH – XH HDND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng cần tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quy hoạch hệ thống nghĩa trang; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho quy hoạch xây dựng nghĩa trang; cần có sự đánh giá việc triển khai thực hiện 27 danh mục dự án ưu tiên, trong đó giai đoạn 2014- 2020 có 23 dự án; ra soát lại thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 04 đã đề ra.

Tin 3: Tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019 từ 18 - 23/11

Tuần “Đại đoàn kết toàn dân tộc - Di sản Văn hóa Viê%3ḅt Nam” năm 2019 diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 18 - 23/11. Đây là chuỗi hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm tôn vinh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thiết thực chào mừng Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Thông qua các hoạt động, Ban Tổ chức mong muốn khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc thông qua các hoạt động phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ các di sản văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống dân gian, tạo cơ sở củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhạc cắt

Làng nghê%3ḅ sĩ

 

MC1:Thưa QV & CB! Có một làng quê nhỏ, khiêm nhường nép mình sau lũy tre xanh ở cuối dòng sông Bến Hải, suốt bốn mùa trầm mình trong tiếng du dương nghìn đời của sóng biển Cửa Tùng. Làng quê nhỏ bé này đã trải qua biết bao biến cố lịch sử, đã sản sinh ra biết bao nghệ sĩ tài hoa, họ như những bông hoa rực rỡ trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà. Bài viết của nhà báo Võ Thế Hùng, mời QV & CB cùng nghe!

MC2:Làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang – thuộc đất Quảng Trị nổi tiếng đã lâu đời, không chỉ bởi vẻ ngoạn mục, trù phú mà còn bởi câu vè truyền tụng qua các làng: “Văn chương Xuân Mỹ, lý sự Thủy Khê, làm thuê Cẩm Phổ… chèo cạn làng Tùng”.

 Theo thuật phong thủy, làng nằm trên thế đất “phụng hàm thơ” (nghĩa là con chim phụng hoàng ngậm thơ trong miệng). Âu đó cũng là điềm lành dự báo đất sẽ sinh ra nhiều bậc anh hào, tài tử, giai nhân.

MC1:Giải thích nguồn gốc của điệu hò chèo cạn ở đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: xưa kia đây là một cảng thị sầm uất, nằm ngay mé biển nên xác cá voi, cá ông chết ngoài biển thường trôi dạt vào bờ. Là những cư dân vùng biển, họ hết sức tôn thờ những loài vật này theo truyền thống tín ngưỡng vật linh luận. Mỗi khi thấy xác cá trôi dạt vào bờ, người dân ở đây thường tập trung cả đội chèo cạn để hát đưa linh tiễn cá ông về trời. Mỗi đội từ 22 đến 24 người. Các nghệ nhân người cầm chịch, người cầm chèo, người tát nước, người đứng mũi, rồi nhịp nhàng hát theo những bè cao, bè thấp.

Dần dà, chèo cạn đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của tất cả các cư dân miền biển. Ở Tùng Luật, lễ hội này được diễn ra vào rằm tháng hai âm lịch, với tên gọi cầu mùa.

MC2:Nhân vật được coi là ông tổ đã khơi thông cho mạch nguồn ca hát ở làng Tùng Luật chảy mãi đến muôn đời là cụ Nguyễn Như Bá, sinh năm 1840 (là ông nội của cụ Aí Chủng và là ông ngoại của NSND tuồng Lệ Thi). Số phận của ông khéo là đưa đẩy. Ông vào Nam học nghề bốc thuốc. Nhưng thay vì lưu ý các đầu vị theo con bệnh thì ông lại để tâm vào các làn điệu dân ca, các loại nhạc cổ truyền. Kết cuộc là sau tám năm ròng tầm sư học đạo, năm 1880, ông Bá trở về làng lập các đoàn hát tuồng, đoàn nhạc thổi kèn, đoàn ca Huế. Gánh hát của làng thường bộ hành đi diễn khắp tỉnh, ra đến tận phía nam Quảng Bình. Học trò và con cháu không phụ lòng ông đã thành những người tên tuổi như Nguyễn Như Giản (thân sinh cụ Sỹ Thủy), Ba Mè (thân sinh của nghệ sĩ Châu Loan), Võ Cháu (thân sinh nhạc sĩ Võ Đình Hùng), Lê Não (thân sinh nghệ nhân Lê Gẫm)…Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đàn và hát dân ca có tiếng tăm ở các đoàn ca kịch Huế, Quảng Bình cũng xuất thân từ Tùng Luật. Có người cho rằng, làng Tùng là cái nôi của dân ca Bình Trị Thiên, dân ca Huế chắc cũng dựa vào thực tế ấy. Làng Tùng nổi danh không chỉ vì sinh hạ được nhiều tài hoa văn nghệ, mà còn nhiều nghệ sĩ cha truyền con nối, giữ vững nguồn mạch của làng và phúc ấm tổ tông.

MC1:Làng Tùng Luật đã sinh hạ nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng làm âm vang bản dân ca quê hương, đất nước. Từ chiếc nôi Tùng Luật, nhiều người con đã thành danh như NSND Châu Loan, NSND Lệ Thi, NSND Kim Qúy, NSƯT Kim Phú, NSƯT Minh Tiến… Dù ở nơi đâu, họ vẫn sâu nặng nghĩa tình về một miền quê máu thịt. Và đây là tâm sự của NSND Kim Qúy khi bà nói về mảnh làng quê yêu dấu của mình:

Phỏng vấn: NSND Kim Qúy

 

MC2:Làng Tùng hôm nay xinh đẹp và trù phú hơn những ngày xưa lam lũ, đạn bom. Duy chỉ người bến sông vẫn thế, vẫn chắt chiu từng hạt phù sa nghệ thuật. Bậc cao niên không chỉ dạy con cháu dân ca, đàn nguyệt, đàn bầu mà chỉ bảo đạo làm người chính trực, vị tha. Không chỉ nổi tiếng là làng có nhiều nghệ sĩ tài danh, người dân Tùng Luật luôn sống đoàn kết, yêu thương nhau, trọng nghĩa tình, làm cho đời sống văn hóa tinh thần luôn phong phú. Dường như có một sức mạnh nguồn cội ở nơi đây, một dòng chảy kì lạ bắt nguồn từ quá khứ đổ về hiện tại và không ngừng luân hồi.Tùng Luật – làng nghệ sĩ, mảnh đất anh hùng, miền dân ca cuối dòng Bến Hải, một điển hình của chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Linh, là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng làng văn hóa xuất sắc của tỉnh Quảng Trị.

 

                                                                               Thế Hùng

 

Ô Lâu bến nước trăng thề

 

MC1: Thưa QV & CB! Có những làng quê là cái nôi sản sinh ra những nghệ sỹ, có những miền quê là mạch nguồn cảm hứng cho nhiều thi sĩ, nhạc sỹ, những miền quê ấy vừa mang trong mình những giá trị lịch sử, vừa chất chứa nhiều câu chuyện tình đầy lãng mạn. Dòng Ô Lâu chảy ngang qua Quảng Trị cũng vậy, dòng sông ấy mang vác một danh phận dằng dặc đời sông, sóng chìm sóng nổi.  Còn vang vọng đâu đây trên khúc sông những này giọt máu, lời yêu, bến nư­ớc, trăng thề và cả câu hò, điệu lý...

MC2:Quảng Trị có cả một dòng sông tình sử, hay nói một cách khác, có một tình sử buồn thương mang tên một dòng sông quê mẹ dấu yêu, đó là “tình sử Ô Lâu”.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã nhận định như sau:

                                PV: Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH HẰNG

Cùng nhận định về dòng sông Ô Lâu ở góc độ giao thoa văn hóa, nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:

PV: Nhà giáo ưu tú TRẦN ĐẠI VINH

 

MC1:Tình sử Ô Lâu gắn liền với một mối tình giữa chàng thư sinh xứ Nghệ với cô lái đò trên sông này nảy nở nhân một chuyến chàng “qua sông luỵ đò” để vào Kinh ứng thí.

Và sông nước Ô Lâu đã chứng giám lời thề non hẹn biển giữa anh học trò nghèo với cô thôn nữ ấy bên cây đa, bến cộ ở làng quê dân dã.

Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm:

 

PV: Nhà giáo ưu tú TRẦN ĐẠI VINH

 

Tiếp lời Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh, Nhà giáo ưu tú Võ Văn Hoa, Nguyên Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Hải Lăng kể rằng:

 

PV: Nhà giáo ưu tú VÕ VĂN HOA

 

Nói về bến đò ba bến, nơi diễn ra chuyện tình cây đa bến cộ, Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh chia sẻ thêm:

PV: Nhà giáo ưu tú TRẦN ĐẠI VINH

 

MC2:Bến sông xưa, nơi diễn ra câu chuyện tình làm nên câu hò quen thuộc, truyền khẩu trong dân gian Quảng Trị. Vậy thì nơi nào là bến đò ngày xưa ấy?  Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, ghi rõ: “có bến đò Lương Điền ở huyện Hải Lăng và bến đò Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Điền và con đường cái quan từ Huế ra đến Mỹ Xuyên qua Lương Điền đến Trường Sanh, Diên Sanh.

Bàn về con đường cái quan, Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã nhận định như sau:

 

PV: Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH HẰNG (trong băng PV 1)

 

Và sau đây là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Bình, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Trị:

PV: Tiến sĩ NGUYỄN BÌNH

 

Cây đa, bến cũ nay đã khác xưa, con đường cái quan chỉ còn là một lối đi nhỏ. Dấu tích chợ Hôm Lạng là cái đình chợ được người dân địa phương góp tiền xây dựng lại như lưu dấu cùng con cháu một phần lịch sử của quê hương.

 

                                                                                       Thế Hùng

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Có thể nói dòng Ô Lâu huyền thoại với câu chuyện tình đầy lãng mạn đã trở thành thi cảm và đi vào thơ, vào nhạc với những giai điệu hết sức mượt mà, sâu lắng. Nhạc sỹ Phan Thạch Hùng, một người con đã sinh ra trên mãnh đất Hải Lăng, nơi có dòng Ô Lâu thơ mộng chảy hiền hòa cũng đã có những sáng tác âm nhạc đầy xúc cảm về dòng sông này. Tiêu biểu nhất trong các sáng tác của ông là album “ Ô Lâu huyền thoại” được phát hành vào năm 2010.

MC2: Nhạc sĩ Phan Thạch Hùng đến với âm nhạc khá muộn nhưng lại xem đó là một nghiệp dĩ khó đánh đổi bởi anh luôn xem đó là lẽ sống của mình là  chốn đi về để anh giải toả những ẩn ức những đa cảm chân thành trước thực tại. Ra mắt với an bum “Ô Lâu huyền thoại” năm 2010 gồm 10 ca khúc Phan Thạch Hùng đã đem lại cho người mộ điệu  một cách nhìn mới mẻ sáng trong bằng sự chắt lọc đến thuần khiết và nhất là nét hồn hậu tình quê trong cách thể hiện.

MC1: Khi Lắng nghe Ô Lâu huyền thoại, người ta nhận ra rằng quê nhà Hải Lăng hiện ra trong ca từ của Phan Thạch Hùng thật chứa chan tình cảm. Nó vừa mộc mạc chân thành nhưng lại sâu lắng đến khó tin; nó hoàn toàn không là triết học thuần tuý  mà là một kiểu thể hiện theo giác quan trực khởi trên “chất mộc” của đặc thù âm nhạc Quảng Trị làm nên một nét rất riêng của âm nhạc Phan Thạch Hùng. Vừa nhẹ nhàng nhưng vang ngân đằm thắm mượt mà vừa sâu lắng tình người Hải Lăng. Nhạc sỹ Phan Thạch Hùng chia sẻ về album Ô lâu huyền thoại của mình:

Băng ghi âm

MC2: Al bum đầu tiên của anh mang tên “Ô Lâu huyền thoại”; vậy là một lần nữa tình sử Ô Lâu lại đến với anh bằng lời ca làm nao lòng người . Anh đã hoá thân thành nhân vật trữ tình làm chàng trai trở về chới với bên bến sông khi hình bóng người con gái “đã thác năm xưa tê rồi”; nhạc của Phan Thạch Hùng một lần nữa đã nâng tầm cao của thi ca. Và với 10 ca khúc trong album có lẽ cũng là 10 câu chuyện, 10 cung bậc cảm xúc của anh, đối với quê hương.  Nhạc sỹ Phan Thạch Hùng chia sẻ thêm:

Băng ghi âm

MC1: Sự đồng hiện giữa hiện tại và quá khứ giữa khúc tình sử xa xưa  và tình yêu em và tôi đã làm nên sự đồng cảm sâu sắc của nghệ thuật. Hình tượng cây đa đứng đợi đã làm nên khúc tình sử thứ hai - một biểu tượng của mối tình thuỷ chung thình người tình quê.  Một lần nữa Phan Thạch Hùng đã lãng mạn hoá sử thi bằng lời ca diệu vợi của“Ô Lâu huyền thoại”.  Hãy nghe lời tình yêu lên tiếng:

Tôi đi tìm huyền thoại Ô Lâu

Em mang tình hoá vào dòng thương

Ngàn năm sóng ru bờ-  Vỗ về con nước trong

Làm cây đa đứng đợi chung tình cùng sông

Hay chăng tình quê bền chặt đã hoá thành những lời ca nồng đượm chân thành.

Trích đoạn ca khúc Huyền Thoại Ô Lâu

Sáng tác: Phan Thạch Hùng

Ca sỹ Quảng Trị với dòng nhạc trữ tình quê hương

          MC2 :Quý vị và các bạn thân mến! Vùng đất Quảng Trị nắng gió, khô hạn nhưng cũng ấm áp tình người đã sản sinh ra nhiều người làm nghệ thuật tài danh, trong đó có những ca sĩ mà tiếng hát của họ neo lại trong lòng khán giả, được nhiều người yêu thích. Không tính thời gian trước, chỉ tính từ thập niên 1980 đến nay đã có khá nhiều ca sĩ Quảng Trị thành danh với những ca khúc trữ tình sâu lắng, đậm đà màu sắc quê hương, để lại trong lòng người nghe bao hoài niệm, nhớ thương về một thời đã xa.

  

MC1:Nổi bật trong những ca sĩ thành danh từ thập niên 1980 đến nay phải kể đến hai chị em Bảo Yến và Nhã Phương, đây là hai ca sĩ tài sắc vẹn toàn. Có thời điểm khi họ đi đâu biểu diễn cũng tạo nên những cơn “sốt” “cháy vé”.  Bảo Yến sinh năm 1958 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở đồn Mang Cá, Huế nhưng có quê gốc tại Quảng Trị. Chị là một ca sĩ đa tài, hát rất hay những bản nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc cách mạng và cả nhạc Rock. Đó là tiếng hát giàu sắc thái, cảm xúc và đa dạng. Nhưng có thể nói Bảo Yến được nhiều người nghe mến mộ là bởi chị đã hát rất hay dòng nhạc trữ tình quê hương. Những bài hát như Chiều hạ vàng, Một sớm con về, Tình ca Vũng Tàu, Bài ca tết cho em, Chiều hè trên bãi biển, Phố biển…vang lên với những giai điệu ngọt ngào, ấm áp, chân chất, mộc mạc như cất lên từ những làng quê, có sức lan tỏa, lay động lòng người. Mặc dù đến nay thời gian đã trôi qua 30-40 năm nhưng nhiều người vẫn không quên những giai điệu, ca từ trong những bài hát ấy. Thời điểm thập niên 1980 và đầu những năm 1990 giọng ca Bảo Yến vang khắp phố phường, trong các phòng trà, quán cà phê và những đường quê, ngõ hẻm. Phải nói là Bảo Yến có chất giọng trầm khàn, có độ sâu, dày, cách luyến láy phát âm, nhả chữ có sự sáng tạo cá nhân, không lẫn vào đâu được.

 

MC2:Tuy sinh ra trong một gia đình nhưng Bảo Yến và Nhã Phương mỗi người có phong cách hát, biểu diễn khác nhau. Khác với cô chị, Nhã Phương lại chọn những bài hát trẻ trung, sôi động, rực lửa như tuổi đôi mươi. Nhã Phương kết hợp hát với nhảy rất bắt mắt nên được nhiều người trẻ tuổi ưa thích. Thời kỳ đầu khi mới đi biểu diễn Nhã Phương nổi tiếng hơn chị của mình nhờ phong cách trẻ trung này. Những bài hát mà Nhã Phương trình diễn được nhiều người nhớ như bài Vào hạ, Hãy ngước mặt nhìn đời, Huyền thoại người con gái…đều là những sáng tác của Lê Hựu Hà. Không chỉ hát nhạc trẻ, trong gia tài của mình, Nhã Phương còn để lại nhiều bài hát nhạc ngoại rất hay. Sau này khi chồng mất, Nhã Phương cũng ít khi xuất hiện trên sân khấu.

          MC1: Một ca sĩ Quảng Trị cũng rất nổi danh trong những năm còn khó khăn của thời kỳ bao cấp là Như Quỳnh (tên khai sinh là Lê Lâm Quỳnh Như, sinh năm 1970 ở Đông Hà). Trước giải phóng năm 1975 nhà chị ở đường Phan Bội Châu (phường 1) gần với Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị bây giờ. Trong những năm chiến tranh ly tán, chị đã theo gia đình đi nhiều nơi, có thời điểm dừng chân lại định cư ở Sài Gòn.        

Thời còn đi học Như Quỳnh tham gia các phong trào văn nghệ của trường. Bước ngoặt quan trọng là khi chị tham gia cuộc thi “Tiếng hát truyền hình” do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu tiên năm 1991 và đạt được điểm tuyệt đối với bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”. Sau đó chị lấy chồng và định cư ở nước ngoài. Cũng như Bảo Yến, Như Quỳnh là giọng ca riêng biệt, cất lên là người nghe nhận biết ra ngay. Như Quỳnh thành công với nhiều bài hát Bolero, nhiều bài do chị thể hiện đã định hình, “đóng đinh” trong lòng người nghe mà những ca sĩ khác không thể thay thế được như bài Duyên phận, Mưa đêm ngoại ô, Vùng lá me bay…

MC2 :Trưởng thành sau này là ca sĩ Quang Linh và Vân Khánh, họ là những ca sĩ trẻ, tiếp nối dòng nhạc trữ tình quê hương. Nhạc sĩ Võ Thế Hùng khẳng định rằng Quang Linh quê ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng. Sinh năm 1965, anh có thời gian làm việc ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị những năm đầu mới chia tỉnh, hoàn cảnh khó khăn. Năm 1990 anh đạt giải nhất Giọng hát hay khu vực miền Trung với bài Tùy hứng lý qua cầu. Một thời gian sau anh ra Hà Nội được mời cộng tác với Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long và nổi lên qua chương trình “Nhịp cầu âm nhạc”. Xem truyền hình hồi đó mỗi lần Quang Linh xuất hiện với những bài hát như Chim sáo ngày xưa, Ai ra xứ Huế, Yêu nhau ghét nhau, Xin đừng trách đa đa...là khán giả sôi nổi, hào hứng, tán thưởng, yêu cầu hát lại.

          MC1:Một nữ ca sĩ xinh đẹp, hát dòng nhạc trữ tình quê hương rất đáng nhớ là Vân Khánh, sinh năm 1978, quê gốc ở huyện Vĩnh Linh, bây giờ định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng Vân Khánh trở về Quảng Trị và tham gia hát trong chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường”. Khác với những ca sĩ nêu trên, Vân Khánh được đào tạo bài bản ở trường âm nhạc nên hát được nhiều dòng nhạc, nhất là dòng nhạc dân ca, trữ tình của miền Trung, miền Nam. Cô đã 2 lần đạt giải Mai Vàng, là một trong những ca sĩ trẻ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012. Những bài hát do Vân Khánh thể hiện như Huế thương, Miền Trung ơi nước mắt lại rơi, Đêm tàn bến Ngự, Neo đậu bến quê… rất được nhiều người yêu thích…

          MC2:Có thể nói điểm chung của các ca sĩ Quảng Trị nêu trên đó là sự lựa chọn dòng nhạc trữ tình quê hương, những bài hát có chất dân ca miền Trung để phô diễn chất giọng thiên bẩm, riêng biệt của mình. Họ thành danh, khẳng định mình và để lại trong lòng người nghe sự yêu mến, ngưỡng mộ cũng nhờ dòng nhạc này. Nếu không sinh ra trên miền đất Quảng Trị, miền Trung nghèo khó, đầy nắng và gió, không tắm mát dòng sông với những làn điệu dân ca mượt mà của quê hương, xứ sở thì có lẽ họ khó mà hát hay đến như thế.

          Chào cuối

MC1: Vâng, quý vị và các bạn thân mến! Là một người dân Quảng Trị hẵn rằng chúng ta đều rất tự hào về mãnh đất, con người quê hương mình. Chúng ta cũng hy vọng rằng từ mạch nguồn truyền thống cha ông, những điệu lý, câu hò quê hương sẽ luôn được gìn giữ và ngày càng có nhiều nghệ sỹ thành công, xứng danh là những người con của quê hương Quảng Trị anh hùng. Tạp chí VNCN tuần này cũng xin được khép lại tại đây. Những người thực hiện chương trình... xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 20/11/2019 16:02 Lê Vĩnh Nhiên 10/12/2019 15:12

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà