Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 23/2:

Âm nhạc truyền cảm hứng

MC1: Kính chào QV & CB! Như là một lời hẹn, cứ vào chủ nhật hang tuần chúng ta lại gặp nhau trong tạp chí văn nghệ chủ nhật. Chương trình được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Hẵn rằng trong mỗi chúng ta, ai cũng có một vài ca khúc, một vài bản nhạc yêu thích để ngâm nga hay đơn giản chỉ để nghe những lúc vui, khi buồn. Nói như vậy để thấy rằng hiện nay âm nhạc là một trong những nguồn giải trí tối ưu và không thể thiếu của con người.

MC1: Vâng và nhiều người còn khẳng định âm nhạc giúp ta xua tan nỗi đau khổ, mang lại niềm vui sướng, tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Thưởng thức những ca khúc yêu thích còn giúp con người thư thái và có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Cũng chính vì thế mà chúng tôi chọn chủ đề: Âm nhạc truyền cảm hứng cho tạp chí Văn nghệ chủ nhật tuần này. Mời QV & các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Sự kỳ diệu của âm nhạc trong cuộc sống

mc2:  Thưa QV & Các bạn! Âm nhạc gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Thật khó mà tưởng tượng một thế giới thiếu vắng những nốt nhạc: từ lời mẹ ru con ngủ, nhạc không lời cho cà phê chiều thứ bảy, bài ca vinh danh cô cậu học trò cho lễ tốt nghiệp, đến giai điệu rộn ràng cho lễ cưới đôi uyên ương. Ngay cả khi buồn bã, đau khổ, chúng ta cũng tìm tới những giai điệu giúp xoa dịu tinh thần. Không chỉ đem đến niềm vui, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, những món ăn tinh thần này còn là chất keo tạo nên sự liên kết cộng đồng. Mời QV & các bạn cùng tìm hiểu thêm về những tác dụng của âm nhạc trong bài viết sau đây.

MC1: Âm nhạc là một phát minh quan trọng của loài người. Những bài ca tạo ra mối gắn kết xã hội, là nền tảng cho sự hình thành những cộng đồng đầu tiên. Các nhà nghiên cứu còn khẳng định không có xã hội nào không có âm nhạc. Giai điệu, tiết tấu, và chuyển động cơ thể là phương pháp giao tiếp mà con người nguyên thủy sử dụng trước khi có ngôn ngữ. Bằng việc cùng tạo ra những giai điệu, chúng ta có thể hiểu cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của đối phương, từ đó kết nối và gắn bó với nhau. 

MC2: Âm nhạc từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Với những người dân miền núi phía Bắc, ngày hội xuống đồng đầu xuân là dịp mọi người cầu xin một mùa trồng trọt bội thu bằng hình thức hát Then. Những lời ca điệu múa này còn xuất hiện trong mọi sự kiện của làng xã, và riêng từng gia đình như mừng tân gia hay sinh con đầu lòng.

Hò giã gạo là hình thức diễn xướng rất được ưa chuộng tại nhiều địa phương miền Trung. Khởi nguồn từ những bài dân ca phục vụ lao động, những buổi hò này còn là cơ hội để thanh niên trong làng gặp gỡ, giao lưu. Điệu hò câu hát vừa thể hiện tài năng ứng đối, vừa ngỏ ý giao duyên.

Có thể thấy, những giai điệu muôn màu muôn sắc này không chỉ ghi lại những thanh âm của cuộc sống mà còn là nét văn hóa, phản ánh đời sống tâm hồn và tính cộng đồng của con người. 

MC1: Trong nhịp sống thanh bình hôm nay, nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, chúng ta không thể không nhắc đến một phần chiến công của dòng âm nhạc Cách mạng, đó là một phần sức mạnh để đưa đoàn quân ra mặt trận, là giá trị tinh thần cho các chiến sỹ thêm niềm lạc quan tin tưởng vào sự chiến thắng của dân tộc đem lại nền hòa bình độc lập như hôm nay.

“ Việt Nam Hồ Chí Minh” câu hát đó đã vỡ òa hòa quyện vào đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước,đoàn chiến sỹ đi trong rực rỡ cờ hoa,cả thế giới đã cảm nhận sâu sắc hơn sự chiến thắng của dân tộc nhỏ bé, anh hùng với hình ảnh vị Lãnh tụ vĩ đại.

Với Bác Hồ kính yêu mỗi người dân Việt Nam tỏ lòng biệt ơn, kính yêu với người không chỉ bằng những trang sử hào hùng, những áng thơ đầy xúc động mà chính những tác phẩm âm nhạc đã được viết lên từ trái tim từ cảm xúc và tình yêu vô hạn đối với người để “thế giới hát về người Việt Nam hát về người” những tác phẩm ngợi ca,dạt dào cảm xúc đó dường như trở thành một dòng nhạc riêng dành cho vị Lãnh tụ kính yêu của người dân Việt Nam.

MC2: Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc vang lên”.. Ta muốn viết nhiều điều,muốn nói nhiều lần để ngợi ca,về quê hương đất nước,về những người mẹ thân yêu,những người con hy sinh vì tổ quốc, và nhiều điều gủi gắm về tình yêu đôi lứa ... hãy để Âm nhạc thay cho lời muốn nói,  vô vàn cảm xúc được thăng hoa để kết thành những tác phẩm bất hủ còn vang vọng mãi như “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi. “Du kích sông Thao” “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận “Sông Lô” của Nhạc sỹ Văn Cao, “ Lên ngàn” ; “Tình ca” của nhạc sỹ Hoàng Việt; “Chào sông Mã Anh hùng” của Xuân Giao “ Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà... đã mãi mãi cho thế hệ mai sau lưu giữ hình ảnh của một thời máu lửa đầy vinh quang và nước mắt của cả Dân tộc. Ai không khỏi xúc động khi nghe giai điệu, lời ca trong bài hát “Người mẹ của tôi”của nhạc sỹ Xuân Hồng để “chia sẻ nỗi buồn” để “soi lại đời con”...với mẹ. Và “ Em vẫn đợi anh về” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp hay “Xa khơi” của Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ.

MC1: “ Thời hoa đỏ’ của Nguyễn Đình Bảng “ Mối tình đầu” của Nguyễn Hoàng “Thuyền và biển” của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu-Thơ Xuân Quỳnh.. ai không khỏi trào lên cảm xúc da diết nhớ mong về những kỷ niệm của riêng mình..có gì diễn tả được toàn diện hơn là âm nhac?! và những kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời con người làm ta nhớ ta quên, nhưng có một điều kỳ diệu khi mỗi kỷ niệm đó được gắn với những giai điệu của một bản nhạc hay lời ca của một ca khúc nào đó thi dù thời gian có trôi đi khi ta gặp lại giai điệu thân quen cùng đó là những kỷ niệm trỗi dậy...            

MC2: Trong nền giáo dục của xã hội văn minh chúng ta giáo dục một cách toàn diện với đầy đủ tri thức khoa học kỹ thuật của nhân loại, trong đó không thể thiếu giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nhân cách của con người bằng biện pháp nào đó thì âm nhạc có đầy đủ ý nghĩa để hướng cho con người hướng tới cái hay cái đẹp trong cuộc sống...đối với trẻ nhỏ sự trưởng thành và nhận biệt nhiều điều trong cuộc sống có phần theo từng cung bậc của giai điệu âm nhạc. Âm nhạc đã giúp con người trở thành hoàn thiện trong muôn vàn tri thức của nhân loại.

( Trích đoạn ca khúc: Thời hoa đỏ )

“Cỏ non Thành cổ” - nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

          MC1: Thưa QV & Các bạn! Như chúng ta đã thấy âm nhạc có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Và trong dòng chảy âm nhạc nước nhà, chúng ta không thể không nhắc đến âm nhạc viết về chiến tranh, những tác phẩm âm nhạc viết về chiến tranh, về người lính có sức lay động lòng người sâu sắc, gợi lên tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người.

MC2: Vâng, và bao nhiêu năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến những bài hát về đề tài thương binh - liệt sĩ thì “Cỏ non Thành cổ” của  nhạc sĩ Tân Huyền là bài hát không thể không nhắc tới. Ca khúc quen thuộc này không chỉ gợi nhắc đến một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử mà còn là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình.

Bài hát có ca từ giản dị, chỉ hai đoạn nhạc ngắn nhưng giai điệu lại trầm lắng, da diết, bi hùng… Như khắc vào tâm thức người nghe rằng, dưới thảm cỏ xanh non tơ kia, từng tấc đất đều có máu xương của các anh hùng liệt sĩ và trong cuộc sống hôm nay không được quên sự hy sinh của ngày hôm qua.

Ông Nguyễn Minh Chương, nguyên chủ tịch UBND Thị xã Quảng Trị nhớ lại:

PV: Ông Nguyễn Minh Chương

 

MC1: Sau này, nhạc sĩ Tân Huyền cũng thừa nhận, chính những ngày đi thực tế tại thị xã Quảng Trị lúc bấy giờ đã khiến cho nhạc sĩ rất xúc động, ông đã lặng đi rất lâu và trong giây phút lặng yên đó tứ nhạc “bật” ra theo những dòng suy nghĩ. Ông đã lấy cỏ xanh non tơ của ngày hoà bình để khắc hoạ sự hy sinh của các liệt sĩ đã chiến đấu trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và nhắc nhớ thế hệ sau không bao giờ được quên những người đã không tiếc máu xương giành lại mảnh đất này.

Sau này, nhạc sĩ Tân Huyền có chia sẻ thêm rằng: “Tôi viết bài này còn là vì có nỗi niềm riêng. Em trai tôi đi bộ đội ở chiến trường miền Nam và từ ngày em đi, cứ đến chiều chiều là mẹ tôi lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng em trai tôi không bao giờ trở về nữa. Vì thế, cái đoạn “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” là có hình ảnh mẹ tôi đấy. Viết được “Cỏ non Thành cổ”, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh của mình, với người mẹ đã khuất!”.

MC2: Theo vị nhạc sĩ xứ Nghệ này thì thông điệp mà ông muốn gửi tới mọi người là chiến tranh đã lùi xa nhưng thế hệ hậu sinh rất khó có thể hình dung ra dân tộc ta từng hy sinh những gì để giành độc lập tự do. Vì thế, bài hát của ông như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: “Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình...”. Có cuộc sống yên bình, tươi xanh như màu cỏ non hôm nay... xin đừng quên quá khứ hào hùng, đau thương phải đánh đổi bằng bao máu xương của đồng bào chiến sĩ.

Sau khi hoàn tất bài hát này vào cuối năm 1990 tại Hà Nội, nhạc sĩ Tân Huyền đã hát cho mọi người nghe và ai cũng rưng rưng nước mắt. Bài hát ngay sau đó đã có sức lan toả mãnh liệt.

Ca khúc đã từng được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện như: Lệ Thu, Nhã Phương, Bảo Yến, Cẩm Vân, Thái Bảo, Việt Hoàn, Tấn Minh, Minh Huyền... thể hiện trong rất nhiều chương trình tri ân liệt sĩ hoặc có ca sĩ từng biểu diễn ngay trong Thành cổ. Và ca sĩ nào cũng thừa nhận khi hát lại ca khúc này, cảm xúc về sự tri ân, về sự hy sinh luôn đong đầy trong từng câu hát.

MC1: Nhạc sĩ Doãn Nho từng nhận xét: “Ca khúc “Cỏ non Thành cổ” của Tân Huyền là một trong những ca khúc viết về chiến tranh hay nhất, giản dị tới mẫu mực...”. Riêng nhà văn Chu Lai lại nhìn nhận: “Có những ca khúc phải nghe mãi mới thấm, có ca khúc vừa nghe đã thấm và càng nghe càng hay thì “Cỏ non Thành cổ” là vế thứ hai và tôi nghĩ bài hát này sẽ mãi mãi sống cùng Thành cổ bi tráng!”.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cũng cho rằng: “Có thể xem “Cỏ non Thành Cổ” là tấm lòng tri ân, là nén tâm hương của muôn triệu người dân Việt Nam dành cho những liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có thể xem đây là sáng tác xuất thần trọn vẹn cả về tư tưởng và nghệ thuật, một điển hình về sự chân thành, giản dị đến không cùng khi người nghệ sĩ biết chắt lọc cái tinh hoa nhất của đời sống”.

Theo các thuyết minh viên ở Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị, họ đã được chứng kiến không biết bao lần, người dân nhoè lệ khi nghe họ cất giọng đọc lời bài hát “Cỏ non Thành cổ”. Và bất cứ ai bước vào Thành cổ cũng cố bước đi thật nhẹ vì họ hiểu rằng, từng tấc đất nơi đây đều có máu xương của hàng nghìn anh hùng liệt sĩ đổ xuống. Các anh đã hòa mình vào đất mẹ, vào cành cây ngọn cỏ, vào dòng sông Thạch Hãn để tạc nên dáng hình xứ sở muôn đời.

 

Trịch đoạn ca khúc cỏ non Thành Cổ

Nhạc sỹ trẻ và những ca khúc truyền cảm hứng

MC2: Thưa QV & các bạn! Tiếp nối truyền thống của thế hệ nhạc sỹ đi trước, hiện nay nhiều nhạc sỹ trẻ cũng đã sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc có sức lay động sâu sắc, truyền cảm hứng sống và hướng người nghe, đặc biệt là những người trẻ thái độ sống lạc quan, yêu đời, hướng đến những điều tốt đẹp. Với ca từ ý nghĩa, giai điệu rộn ràng, tràn đầy sự hứng khởi, dường như những ca khúc này đã truyền năng lượng tích cực đến cho khán giả.

Trích đoạn Ca khúc cuộc sống muôn màu

Với tiết tấu hiện đại, ca từ trong sáng mà giàu sức lay động, những Tâm hồn của đá (Trần Lập), Nếu chỉ còn một ngày để sống (Hoài An), Chào buổi sáng (MTV), Xin chào! Xin chào! (Đức Trí), Cuộc sống muôn màu (Nguyễn Hồng Thuận), Sống như những đóa hoa (Tạ Quang Thắng) đã thật sự đi vào đời sống của giới trẻ. Thời gian vừa qua một số ca khúc thể hiện niềm lạc quan, vui sống và sống không nhạt nhẽo, vô vị mà phải sống có ích đã xuất hiện như “món lạ” giữa thị trường âm nhạc dành cho người trẻ vốn đầy ắp các ca khúc về tình yêu. Có thể kể đến Vì tôi còn sống (Tiên Tiên), Do what you want (Châu Đăng Khoa - Karik)... được đông đảo người trẻ đón nhận nồng nhiệt, trở thành bài hit của nhạc Việt. Anh Trần Đặng Hùng ở TP Đông Hà chia sẻ cảm nhận của mình khi nghe các ca khúc này:

Băng ghi âm

Trích đoạn ca khúc “ Sống như những đóa hoa”

MC1: Độ hit ấy không chỉ chứng minh bằng lượt nghe, những chia sẻ được trích từ lời bài hát trên các trang cá nhân, trong những cuộc hội thoại hằng ngày, mà còn chính bởi việc sử dụng chúng trong nhiều chương trình mang tính cộng đồng, san sẻ yêu thương, lan tỏa nghị lực sống hay kích thích khát khao cống hiến. Chẳng hạn, dù là ca khúc nằm trong dự án hợp tác cùng nhóm V.Music từ 6 năm trước nhưng Xinh tươi Việt Nam hay Ngày mới nắng lên của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận vẫn còn được các nhà tổ chức, chương trình lớn và đài truyền hình của nhiều thành phố sử dụng thường xuyên. Hoặc Nếu chỉ còn một ngày để sống của nhạc sĩ Hoài An dù ra đời 10 năm rồi nhưng đến nay vẫn có những ca sĩ trẻ hát lại.

Tuy được giới trẻ ưa chuộng và có sức sống khá lâu bền so với các nhạc phẩm viết về tình yêu, nhưng có một thực tế là số lượng ca khúc truyền cảm hứng được giới trẻ yêu thích rất ít so với số lượng ca khúc viết về tình yêu.

MC2: Nhạc sĩ Hoài An, tác giả ca khúc Nếu chỉ còn một ngày để sống - nhạc phẩm được rất nhiều ca sĩ hải ngoại lẫn trong nước thể hiện - cho rằng: “Viết về tình yêu có nhiều thuận lợi, bởi ai cũng từng trải qua những cảm xúc tình yêu. Đây là dạng tác phẩm dễ viết, dễ được chọn để biểu diễn, và cũng dễ để giới thiệu - quảng bá. Nói chung, nhạc tình bao giờ cũng được thị trường đón nhận dễ dàng hơn, nên sẽ tạo sự “an toàn” cho người sáng tác hơn”. Hơn nữa, theo một số nhạc sĩ, ca khúc truyền cảm hứng sống không phải dễ viết vì nếu viết không khéo có thể sẽ rơi vào tình trạng “lên gân”, “hô khẩu hiệu”, khó được giới trẻ tiếp nhận. Do đó, theo Hoài An, không có lý do gì khiến các nhạc sĩ tự “làm khó” mình với những bài hát mà họ cho rằng chưa chắc tung ra thị trường sẽ được đón nhận.

Điều đó có nghĩa là khi sáng tác ca khúc truyền cảm hứng sống, các nhạc sĩ phải mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”. Chẳng hạn, sau khi sáng tác bản Do what you want, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và rapper Karik đã tự hát, tự thu ca khúc chỉ vì thích, vì đó là sáng tác thể hiện lý tưởng sống của mình. Sau đó, vì tính chất bài hát (thể hiện sự khát khao khẳng định mình, được là chính mình của tuổi trẻ) phù hợp với một giải thưởng dành cho các nhân vật truyền cảm hứng, ban tổ chức đã chọn đưa vào dự án này, từ đó ca khúc được biết đến nhiều hơn.

MC1: Nhiều nhạc sĩ thừa nhận những bản nhạc tình được viết hiện nay dù có thể được nghe nhiều, ăn khách và mang lại nguồn thu khủng cho tác giả, nhưng đời sống của nó đôi khi chỉ kéo dài trong 6 tháng hay một vài năm. Riêng những tác phẩm âm nhạc có tính chất truyền năng lượng và cảm hứng, nếu được viết bằng phong cách âm nhạc trẻ trung, hiện đại, ca từ gần gũi, hợp thời mà ý nhị, mang những thông điệp gắn liền với thực tế cuộc sống thì chắc rằng, đó sẽ là những giai điệu mà bất kỳ người yêu nhạc nào cũng muốn mở lên để bắt đầu cho một ngày mới đầy lạc quan, hứng khởi.

Trích đoạn ca khúc: nếu chỉ còn một ngày để sống

Thả trôi muộn phiền

 

MC2: Thưa quý vị và các bạn,

Quảng Trị luôn tự hào vì đã sản sinh ra những nghệ sĩ nổi tiếng cả nước. Và hôm nay, những thế hệ tiếp nối đang miệt mài trên cánh đồng nghệ thuật với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật công phu, mới lạ, tạo được xúc cảm mạnh mẽ cho công chúng trong tỉnh và cả nước. Được biết, năm qua, ở Phân hội Âm nhạc đã kết nạp một trường hợp rất đặc biệt, chị không những là một người sáng tác âm nhạc tài năng mà còn là một biểu tượng của tinh thần vươn lên, một nghị lực sống mạnh mẽ, chị là Nguyễn Thúy Hương, một cán bộ của Trung tâm văn hóa thể thao của thành phố Đông Hà, nguyên là giáo viên âm nhạc của trường tiểu học Hùng Vương.

MC1: Khi xưa tiếng hát át tiếng bom, còn ngày nay tiếng hát át đi những đau đớn của bệnh tật. Đó chính là tâm niệm của những người bệnh đang hàng ngày đấu tranh với căn bệnh ung thư tại Quảng Trị. Và cũng chính tại nơi đây, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng ca trong trẻo của một người phụ nữ đặc biệt, đó là chị Nguyễn Thúy Hương. Từ niềm đam mê ca hát, làm thơ, đến một đêm nhạc đặc biệt dành cho những người cùng cảnh ngộ, sự ấm áp từ trái tim lan tỏa tới trái tim vượt qua những khó khăn của căn bệnh hiểm nghèo.

Ở VN mỗi năm có hơn 26 ngàn ca mắc bệnh ung thư mới và 94 ngàn người chết vì ung thư. Tỷ lệ tử vong do ung thư ở VN đứng thứ 78/172 số các quốc gia được điều tra…

Chị Nguyễn Thúy Hương thổ lộ:

PV: Nguyễn Thúy Hương

 

Khát khao được sống và làm việc, cống hiến đã giúp chị Nguyễn Thúy Hương vượt lên nỗi đau, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ bằng cách tổ chức đêm nhạc ủng hộ bệnh nhân ung thư ở BVĐK QT. Đêm nhạc “Rứa khi mô anh về” đã thành công và gây tiếng vang lớn trong đời sống âm nhạc Quảng Trị với sự tham gia của nhiều ca sĩ tên tuổi là con em của QT…

Sau đây chúng ta cùng nghe cảm nghĩ của chị Nguyễn Thúy Hương về đêm nhạc đó:

PV: Nguyễn Thúy Hương

 

MC2: Với những người bệnh đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, mỗi ngày trôi qua là một ngày quý giá, và tiếng hát của người phụ nữ có dáng hình nhỏ nhắn này đang tiếp tục tiếp thêm nguồn động lực mạnh mẽ cho chính chị và những người xung quanh. Dù cho tiếng hát có yếu đi, nhưng nghị lực và tình yêu thương vẫn đầy ắp nơi trái tim ấy.

 

                          (nhạc thả trôi muộn phiền)

 

                                                                            Thế Hùng

                                    

Quý vị và các bạn thân mến!30 phút tạp chí VNCN xin được khép lại tại đây, những người thực hiện chương trình…. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 20/02/2020 10:28 Phạm Như Quỳnh 20/02/2020 10:28

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà