TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm: Giới thiệu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân, các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 2/10 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 3/10. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 2.10.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Đôi nét về nhà thơ Quảng Trị Nguyễn Hữu Minh Quân

+ Giới thiệu bài thơ “Sau cơn lũ”của nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân qua giọng ngâm của  nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan

+ Tãn văn “Mưa chiều miền Trung”và bài thơ “ Bão lại về miền Trung” của tác giả Quảng Trị Nguyễn Hữu Thắng

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1.Sáng ngày 28/9, tại TP. Đông Hà, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào và tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam tổ chức trọng thể lễ khai mạc Liên hoan Hữu nghị Nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ V.

Liên hoan với nhiều lần này là dịp để các đại biểu hai nước cùng ôn lại truyền thống hào hùng và tình đoàn kết gắn bó keo sơn Việt – Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống kẻ thù chung, lan tỏa tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; khích lệ nhân dân và thế hệ trẻ hai nước phát huy truyền thống vẻ vang, vượt qua mọi thử thách, xây dựng Việt Nam và Lào thành hai quốc gia giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Liên hoan cũng là cơ hội tốt để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm và những biện pháp đẩy mạnh hợp tác để đảm đương tốt sứ mệnh là nhịp cầu hữu nghị, góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam – Lào.

 

2. Hàng năm cứ vào dịp cuối thu, người dân làng Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải lăng, tỉnh Quảng Trị háo hức tập trung về trằm Trà Lộc tham gia lễ hội phá trằm bắt cá. Đây là lễ hội văn hóa dân gian độc đáo, nổi tiếng hấp dẫn, mỗi năm chỉ diễn ra đúng một lần. 

Trằm Trà Lộc có diện tích mặt nước khoảng 10ha, xung quanh là rừng nguyên sinh và thảm thực vật rộng chừng 100ha. Trằm là nơi giữ nước, cung cấp cho các cánh đồng ở cạnh đó. Trước khi diễn ra lễ hội, nước ở trằm được rút cạn. Từ sáng sớm, sau tiếng trống khai hội, người dân cầm các dụng cụ đã chuẩn bị sẵn lội xuống bùn để bắt cá. Dụng cụ người dân mang theo tham gia lễ hội như chơm, rớ, vợt, rổ, rá cùng oi đựng cá. Hàng trăm người dân chỉ được phép xuống trằm bắt cá sau khi các cụ cao niên của làng thực hiện xong phần lễ cáo giang sơn. Ngoài quan niệm dự lễ hội phá trằm để lấy lộc, phá trằm còn là dịp để nạo vét, vệ sinh, thay đổi nước để cảnh quan trong hồ luôn được trong sạch. Với nhiều ý nghĩa, nên lễ hội này có từ khoảng 300 năm trước và duy trì đến hôm nay.


                                                 Nhạc cắt

File ngâm bài thơ “ Sau cơn lũ ” của Ngọc Lan.

MC: Quý vị và các bạn vừa nghe nghệ sỹ ngâm thơ Ngọc Lan ngâm bài thơ “Sau cơn lũ ” của thi sĩ Nguyễn Hữu Minh Quân. Bài thơ được in trong tập thơ Vong Âm- tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân.

Thưa quý vị, nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân sinh năm 1966, quê quán Làng Lệ Xuyên, Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị. Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị. Thơ Nguyễn Hữu Minh Quân không nhiều, nhưng thơ anh có một chất giọng riêng, một sự hào sảng trong câu từ. Những chủ đề trong thơ anh cũng rất gần gũi,, dung dị qua con mắt một người luôn yêu thương trân trọng cuộc sống này. Anh trần tình về mình đối với sự khai mở thi ca rất chân phương, mộc mạc, rằng:

Đôi khi viết như là một nhu cầu tự thân, tự khai phá, tự thức dậy tìm về nguồn sáng hiện hữu bên trong mình. Với tôi viết là một niềm an ủi lớn, viết để cân bằng, để giải thoát khỏi những sinh tồn thế tục, từ đó con người bừng ngộ. Cuộc sống của con người là một chuỗi tiếp biến khổ đau, từ đó con người nhận chân được giá trị của cái đẹp, giá trị của sự cứu rỗi, từ đó con người được giải phóng khỏi mọi khổ đau.  Làm thơ là hành vi cúi nhặt những gì đã rơi, đang rơi trong cuộc đời mình. Làm thơ có khi chỉ để ngâm ngợi giãi bày, có khi sắp xếp lại những ưu tư bất hạnh để khi nhìn lại mới nhận ra thực tại là giấc mơ của thi ca!

Đôi khi, những dư vang u trầm buồn bã của kiếp nhân sinh khua động các giác quan nhằm che đậy sự trống rỗng, che đậy sự tin tưởng mù quáng vào vô thức, bằng việc dựa dẫm vào trực giác để xua tan những khổ đau. Mặc cho ngẫu nhĩ hay là ngẫu nhiên, những thứ đó trào dâng trong hữu thể của chúng ta, từ sự trống rỗng, từ sự nỗ lực tìm kiếm và nắm bắt cái  bất khả tri để vươn tới chân trời siêu nghiệm.

Những bài thơ có thể chỉ là những lát cắt của cuộc sống thường ngày nhưng đã tự mang trong nó xung chấn khủng khiếp của cơn “ áp thấp”tâm trạng trong những đêm khó ngủ, nhằm ngăn cản những đớn đau, những thảm họa phi lý do thời đại tạo ra. Tôi luôn hiểu rằng mỗi bước đi trên đường đời là một bài học và ngay cả thất bại cũng có thể là đã đạt đến mục tiêu. Với tôi hành trình quan trọng hơn đích đến. Vì tôi là người mơ mộng nên thường dễ lạc lối trong cõi mơ của chính mình. Tôi đã dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ vẩn vơ và hành động dựa trên cảm xúc. Tôi có quá nhiều giấc mơ hơn là các mục tiêu cụ thể và cũng đã nỗ lực để theo đuổi những giấc mơ ấy. Sáng tạo là cách duy nhất cho tôi cảm nhận được rằng tôi không trống rỗng! Tôi chan chứa tôi! Tôi nở ra tràn trề...

Nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân nói ( Trích Băng 1)

File ngâm bài thơ “ Sau cơn lũ ” của Ngọc Lan.

Kính thưa quý vị và các bạn. Như đã nói ở phần đầu của chương trình.Nguyễn Hữu Minh Quân là một người viết thơ cần mẫn và khá lặng lẽ, nhưng tập thơ đầu tay VỌNG ÂM đã tạo nên một giọng thơ riêng, vừa cổ điển, vừa truyền thống, lại mang tính hiện đại. Cảm hứng chủ đạo của tập thơ là quê hương với những tứ thơ độc đáo, hình ảnh thơ quen thuộc được cách điệu hóa như cánh cò, hoa sầu đông, con đò, bến nước... Tác giả chọn thể thơ tự do và chú trọng đến âm điệu. Không chú tâm làm chữ nhưng chữ rất mới mẻ, đọc nhẹ nhàng như một hơi thở đồng quê.

 Đây là một tập thơ đánh dấu sự xuất hiện của một giọng thơ mới của Quảng Trị. Trân trọng giới thiệu đến với quý vị và bạn đọc. Trong Chương trình hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu đến quý vị về tập thơ này của thi sĩ Nguyễn Hữu Minh Quân.

Chèn nhạc

Tôi có cảm tưởng nguồn thơ của tác giả Nguyễn Hữu Minh Quân khởi từ một dòng sông. Dòng Thạch Hãn, con sông quê chảy vào thơ anh như nhánh chi lưu trăn trở hòa vào dòng hợp lưu thao thiết của những con sông gợi nhớ gơi thương khác trong tập VỌNG ÂM : sông Hương, sông Hồng, sông Hàn...Những tên sông bắt đầu bằng âm “H” như chỉ dấu người đọc tìm về những bến bờ trôi nổi vui buồn trong bản giao hưởng của đời thơ, đời sống.Lại có lúc tên sông trong VỌNG ÂM như chiếc cầu nối hồn thơ với bạn đọc.

 Này nhé để có được chùm thơ đặc sánh chất Hai-ku, tác giả hẳn đã đổ bao giọt “mồ hôi” bên dòng Thạch Hãn.người thơ cảm nhận những buổi lòng mình nắng hạn, giữa nơi gió lào cát trắng. Cơn mưa hạ như thứ quà tặng đặc biệt, ân cần nhỏ xuống những thanh bằng êm nhẹ lâng lâng mà nhiều trắc ẩn muộn  màng: Về đây ôm đàn ra mà ca/ Bờ sông chiều nao chờ em mưa tuôn/Người ơi tình ta như thu xa / Mình ta ngồi đây nghe đêm buông...Những thanh bằng nhỏ nhẹ ấy có khi như bản serenade dang dở kéo buổi chiều dài thêm khoảng ưu phiền giữa trùng vây ảo ảnh : “Trống vắng lá rơi chiều ngược gió / Mắt nhòa cay bến nước sông Hồng. Ở hồ Gươm mà nghĩ bến sông Hồng là một trạng thái tâm thức. Ở mặt hồ tĩnh lặng mà nhớ sống ở lòng sông thiết tưởng cũng không lạ. Quy luật vận hành tâm lý khiến con người ở nơi hữu hạn mà hướng đến vẻ bao la của sông, nghĩ đến cái vô hạn của trời cao biển rộng. Trong cõi nhớ điêu linh của thi nhân, từng bến sông gắn với mỗi con đò, mỗi dòng sông thơm một miền cổ tích, như dòng Hương dùng dằng đi vào huyền sử từng “lụy con đò cổ độ”. Gọi tên sông là gõ vào kí ức, là gọi tên một thuở yêu người:

Hương ơi mưa ơi mấy thuở tương phùng/

Không dừng lại và cũng không đi nữa/

Bến bờ xa thôi cũng một con đò

Có một nỗi sầu đầu ghềnh cuối bãi, đầu nguồn cuối bến trong thơ Nguyễn Hữu Minh Quân. Và, những thanh bằng khéo léo chắp nhặt trong bài “Tình xa” thành những vọng âm thao thức khôn nguôi, dìu người thơ trở về  một triền sông quê tháng ba mang mang sương khói:

Chủ nhật chi mà buồn như sương khói

Lay lắt nón cời đánh dậm cuối triền sông

Chủ nhật chi vừa nhớ lại vừa quên

Nhìn mấy lá vàng giống hệt mắt em

Nhìn chén rượu cay nhớ chiều cổ độ

Ôm phù vân một mối tơ vò...

Có thể người đọc từ buổi chiều chủ nhật buồn lạc về một vùng khối Đường thi “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Có thể thi nhân đành lòng gọi sông qua sương khói bể dâu “Sông ơi sương khói nói thay người”. Tuy nhiên, người viết lại hồ như thấy dáng dấp tác giả đang tấu trên căn phần mình những vọng âm da diết của nhạc Trịnh. Như mấy dòng âm hao tự trào: vừa khiêm nhường lại vừa như một tuyên ngôn của anh về thơ. Một cách so sánh hết sức trân trọng dành cho thi ca. Như thể được hẹn hò với thơ là cả một ân huệ. Như thể tác giả hạ một tiếng “chi” thân thương nhỏ gọn đúng chất miền Trung ở “ Chủ nhật buồn”, đem về đặt giữa mấy dòng phóng khoáng. Để rồi những câu thơ cứ thế bước qua miên trường thật nhẹ.

“ Em ạ, thơ anh bước ra ngoài hay dở/

Chẳng cần chi hơn thiệt với đời”

Chữ “chi” thắt lại giữa lưng vời bài thơ, khiến cả bài thơ quặn lòng! Những câu thơ được vo viên, ném vào nỗi đau nhân tình thế thái, chợt vỡ òa thành tự khúc giản dị của người cầm bút. Cái hay của bài thơ cũng vì thế hồn nhiên mà đến.

Trong mênh mông ấm lạnh tháng mười, vào những ngày lũ ào ạt cuộn xoáy trên các dòng sông quê, người viết chỉ mong đọc được những câu thơ chân thành như nắng mới, xóa dần những toan lo vất vả của mẹ, của em: “ Trắng thêm lũ về như  hắt đỗ/ Bời bời mắt mẹ thâm quầng/ Chờ lũ rút gió lên phơi áo mới/ Em đứng cười vẫy nắng bên sông”.

Tôi thử gọi sông trong thơ Nguyễn Hữu Minh Quân, hỏi “dòng trường lưu mấy người tri ngộ” mà thoảng nghe “vọng âm” đáp lời cổ độ. Biết sông mấy thuở nông sâu? !

Khi nói về cảm xúc sáng tác tập Vọng Âm, nhà thơ Nguyễn Hữu Minh Quân cho biết thêm ( TRích băng 2)

                                              Nhạc cắt

File ngâm thơ “ Bão lại vào miền trung “ của Nguyễn Hữu Thắng

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

Thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn vừa nghe bài thơ “ bão lại vào miền Trung” của nhà thơ Quảng Trị Nguyễn Hữu Thắng, qua giọng ngâm của nghệ sĩ Hương Ngọc Lan. Thưa quý vị. Cứ vào cuối hè sang thu thì miền Trung lại đón nhận những trận bao lũ mịt mùng. Chẳng thể nào đi ngược được thiên nhiên, trời đất nên cứ mỗi năm người dân quê lại sẵn sàng đón đợi, sẵn sàng để gánh gồng mọi khó khăn, chống chọi thiên tai mà anh dũng đi qua. Mùa mưa lũ lại về, nghe trên mi những giọt cay cay buồn tủi, nghe giọt buồn xót xa thương nhà nhức nhối tự trong tim…

Mời quý vị cảm nhận hương vị quê nhà qua tãn văn “Mưa chiều miền Trung” của tác giả người Quảng Trị- Minh Tâm

Chèn nhạc

“Nghe tin bão phương xa, đã biết mùa lũ bắt đầu ùa về, mùa của những con nước ồ ạt dọa dẫm. Nước lênh lang trên mọi nẻo đường, mọi cánh đồng miền Trung và choán hết tầm nhìn. Nước lênh lang buồn đau trong mắt, trong ký ức những đứa con xa chạnh lòng thương nhớ quê.Mưa về ầm ì, gió dữ dội cuốn lốc những mái nhà. Tiếng gió phần phật, rầm rĩ như muốn đe dọa, nạt nộ ra oai với người. Tiếng sấm, những tia chớp rạch tía lia ngang dọc bầu trời, cơn mưa xối xả như trút hết mọi nguồn nước dư thừa từ trời. Mỗi lần như vậy, tôi vẫn hay nói: Chắc ông trời đang trong cơn thịnh nộ nên đổ xuống trái đất.

Những ngày bão lũ, các gia đình đều rất chú ý theo dõi tin tức từ loa đài của xóm, sau này hiện đại hơn thì mỗi nhà đều có ti vi để nắm bắt tình hình thường xuyên mà khuân chuyển đồ đạc hay gặt chạy lụt sớm. Bố lo lắng di chuyển lợn gà cùng với bồ thóc, bồ lúa, ngô khoai lên chỗ trú ngụ cao hơn, bởi đó là những thứ tài sản quan trọng với người nông dân. Mẹ dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị những món ăn có thể cất giữ lâu như cá khô, lạc rang, vừng. Mấy anh chị em tôi làm những việc nhỏ hơn như cất dọn quần áo, sách vở kẻo con nước cuốn trôi. Chẳng mấy chốc mà bão về, quần quật, sầm sập xô đập trên bao mái nhà. Nước từ từ dâng lên, ngập vào sân rồi trườn vào nhà, chân giường, chân bàn, chân ghế. Con ngồi co ro từ trên chiếc bàn thả chân xuống dòng nước khua khua. Cảm giác như mình đang bồng bềnh trên bể sóng dập dềnh mênh mang, chẳng biết đâu là bến bờ.

Ngày lũ, mẹ nấu nồi cơm nóng hổi ăn với chút cá kho mà sao ai cũng cảm thấy ngon thế. Có lẽ bởi vì những vất vả từng ngày đang đối diện nhưng cả nhà vẫn có thể bình an ngồi bên nhau mỉm cười cùng ăn một bữa cơm. Có lẽ vì dẫu ngoài kia giông gió mưa dầm, dưới mái nhà nhỏ này, nồi cơm nóng đủ thắp ấm tấm lòng mỗi người. Có những ngày lũ kéo dài, chẳng còn gì ăn, chỉ có chút cơm muối vừng lạc mà sao vẫn cảm thấy ngon đến vậy. Có lẽ sau này đi đâu làm gì cũng chẳng thể tìm lại được cảm giác ngày tháng cực khổ mà đáng nhớ ấy.Rồi đến lúc mưa cũng phải ngừng, ngước mắt nhìn xung quanh mà thảng thốt, lo lắng, hoảng sợ.

Bao quanh những căn nhà, cánh đồng chỉ toàn nước là nước. Nước trắng trời trắng đất. Nước quyện với đất đai thành một màu vàng đục xót xa. Nước chấp chới tầm nhìn. Nước dàn trải không gian. Nước đe dọa bao gương mặt người.Những cành cây trôi dạt từ trên thượng nguồn xuống. Những thân lúa đổ rạp đớn đau trong cái nhìn cay nhức của người nông dân. Những mái tranh tốc bay để lại khung nhà trống hoang hoác. Gương mặt trẻ thơ ngác ngơ, tội nghiệp, vết bùn vương trên má. Gương mặt người lớn thất thần xót cay. Ai đó quay đi chấm dòng nước mắt. Bão lũ rồi sẽ qua nhưng tổn thất, dư âm của nỗi đau thì còn ở lại.

Chẳng thể nào đi ngược được thiên nhiên, trời đất nên cứ mỗi năm người dân quê lại sẵn sàng đón đợi, sẵn sàng để gánh gồng mọi khó khăn, chống chọi thiên tai mà anh dũng đi qua. Mùa mưa lũ lại về, nghe trên mi những giọt cay cay buồn tủi, nghe giọt buồn xót xa thương nhà nhức nhối tự trong tim…”

Phần cuối phát lồng một đoạn ngắn bài hát “ Nếu xa Quảng Trị ” thơ Tạ Nghi Lễ, nhạc Nguyễn Tất Tùng, Vân Khánh hoặc Bạch Trà hát.

 Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 29/09/2022 09:45 Lê Vĩnh Nhiên 29/09/2022 10:02

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà