TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG


QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị gồm:, các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 9/10 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 10/10. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 9.10.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Giới thiệu bài viết nhận đinh về thơ của tác giả Xuân Nguyên

+ Văn hóa đọc sách của tác giả Xuân Dũng

+ Tãn văn “Thương nhơ quê nhà”cửa tác giả Minh Tâm

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1. Từ ngày 1 - 3/10, tại TP. Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tổ chức Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III với chủ đề “Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai

 

 

Tham gia ngày hội có các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tumvà 10 tỉnh của Lào có chung tuyến biên giới với Việt Nam, gồm: Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Át Ta Pư, Sê Kông, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Van Na Khẹt, Sa La Van, Phong Sa Lỳ.

Tại ngày hội, đoàn Quảng Trị xuất sắc đoạt 2 giải A: Múa độc lập “Suối nguồn Ta lư”, tích trò “Lễ hội A Riêu ping”; 3 giải B: Trình diễn thời trang, hòa tấu nhạc cụ, hát múa “Quảng Trị - Salavan xamakhi” và 1 Huy chương Đồng môn thể thao truyền thống kéo co nam nữ phối hợp.

 

2. Những năm qua, phong trào dân vũ phát triển khá sâu rộng trên toàn tỉnh, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hăng hái tham gia. Dân vũ giúp chị em phụ nữ có sân chơi bổ ích, làm phong phú đời sống tinh thần. Phong trào luyện tập và biểu diễn dân vũ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong các địa phương của tỉnh.

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ luôn khuyến khích, động viên và hỗ trợ phong trào dân vũ thể phát triển. Tháng 9/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức tổng kết cuộc thi “Dân vũ trực tuyến” với chủ đề “Vũ điệu khỏe đẹp”. Sau gần 1 tháng triển khai, hội thi thu hút 137 đội, nhóm, câu lạc bộ với sự tham gia của hơn 1.770 cán bộ, hội viên và tuyên truyền trên fanpange, facebook, zalo của các cấp hội, facebook cá nhân của hội viên phụ nữ, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng phong trào luyện tập dân vũ trong cộng đồng.

                                                    Nhạc cắt

File ngâm bài thơ “  Mẹ của anh ” của Thanh Thủy.

MC: Quý vị và các bạn vừa nghe nghệ sỹ ngâm thơ người Quảng Trị- Thanh Thủy  ngâm bài thơ “Mẹ của anh ” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Bài thơ rất hay về tình cảm mẹ chồng- nàng dâu.

Qúy thính giả thân mến! Thơ ca hò vè luôn là đời sống tinh thần của con người. Ngày nay, Thơ càng có hiện tượng trăm hoa đua nở, nhất là trên mạng xã hội. Nghĩ về thơ, Xuân Nguyên có bài tản mạn sau, mời quý vị cùng nghe

   Dân tộc Việt là một dân tộc thơ, xuất khẩu thành thi (thơ), nhiều người đã nói đại loại như vậy. Riêng tôi nghĩ khác hơn. Đúng là người Việt có vẻ thích thơ, hay nói vần điệu, nói lối và không ít người đua nhau làm thơ, bề ngoài như vậy nhưng nhiều khi đừng thấy đỏ mà tưởng chín.

   Nói vậy có vẻ hơi thận trọng nhưng nên như thế.  Nếu quan sát đời sống xã hội hơi kỹ một chút sẽ thấy ngay một nghịch lý về thơ. Bởi đã có hiện tượng ngày càng nhiều người làm thơ do sự xuất bản không còn quá khắt khe như trước và do mạng xã hội cũng  quá thoải mái cho việc thể hiện nên số lượng “nhà thơ” tăng đột biến. Ra ngõ gặp “nhà thơ”!  Nhưng mặt khác nếu lựa chọn nghề nghiệp thì các nghề thiên về xã hội có phần lép vế, trong đó có môn Văn (đương nhiên trong văn chương có thơ). Ngày xưa học văn chương để làm quan, chữ được coi là của thánh hiền, nay muốn thành đạt, làm giàu thì người ta chạy đua vào các ngành thương mai, công nghệ, ngoại ngữ... nên văn chương lắm lúc bị coi thường, giễu cợt, thậm chí còn bị rẻ rúng. Đó là tình trạng lưỡng phân về thơ rất cần thao tác giải mã tường minh của các nhà xã hội học, các bậc thức giả.

   Nhưng thơ vẫn là... thơ, nhất là loại thơ đích thực thì thời  nào cũng cần và đời nào cũng quý. Không phải bỗng dưng mà rất nhiều văn nhân thi sĩ thời nay thường nhắc đến một câu thơ nổi tiếng của Phùng Quán : “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Hoặc hay hai câu thơ của nhà thơ Liên Xô (cũ)  Evtushenko : “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” mà có thể không để ý hoặc quên hẳn tên của bài thơ, thậm chí tên tác giả. Cũng như có nhiều câu thơ mang  triết lý của Chế Lan Viên đã thành như châm ngôn của trái tim và đời sống : "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Hay như Xuân Diệu với hai câu thơ : "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm".  Đó cũng là hạnh phúc của những người làm thơ  chân chính. Còn như với lớp người lớn tuổi yêu thi ca thì “Thơ Mới” hay Truyện Kiều vẫn xuất hiện nhiều trong lời ăn tiếng nói. Nhất là ngày trước.  Ví dụ gặp nhau khi gặp một cô gái, chàng trai muốn thăm dò thì sẽ dẫn hai câu : "Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không?" hoặc khi nói chuyện về một phụ nữ than thân, trách phận, giận tình mà bực mình quá thể không kiềm chế được thì : "Chém cha cái kiếp ba đào/Cỡi ra rồi lại buộc vào như chơi". Hay tình duyên trắc trở thì lại than : "Đời là bể khổ, tình là dây oan"

   Ngày nay, thơ phát triển mạnh về số lượng, kể cả trong in ấn cũng như trên mạng xã hội, có vẻ trăm hoa đua nở. Tuy nhiên thơ hay vẫn hiếm và đương nhiên vẫn quý bởi làm thơ đúng nghĩa là công việc chẳng dễ dàng gì như nhiều người lầm tưởng. Những cái gần giống thơ thì rất nhiều nhưng cái đích thực thơ thì ít thôi nên cũng phải hiểu cả khi những cái lấp lánh chưa chắc đã là vàng, nên có khi vàng thau lẫn lộn; nhưng cùng với thời gian và công chúng, mọi giá trị sẽ được sàng lọc và định vị. Nếu là thơ hay nhất định sẽ ở lại cùng người thưởng thức.

Nhà thơ Võ Văn Hoa- hiện công tác là hội viên Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị chia sẽ ( Trích Băng 1)

                                                

                                                    Nhạc cắt

 

Thưa quý vị và các bạn! Sách và văn hóa đọc là câu chuyện rộng và sâu, chúng ta cùng cảm nhận đôi điều qua bài viết sau của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn theo dõi.

   Ngày xưa vua là cao nhất thiên hạ, là thiên tử (con trời) vậy vua có đọc sách không và đọc như thế nào? Xin thưa dù bận trăm công nghìn việc nhưng hễ là những bậc quân vương có trách nhiệm với xã tắc thì quyết không thể xa rời sách vở. Chẳng hạn như vua Lê Thánh Tông, mộ bậc minh quân, nói về việc cần thiết phải đọc sách như sau : " Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, không nghe huyên náo, lòng như hoa thơm, dục thần ít trong, ở yên cao hứng, bèn hăng hái nghĩ đến các bậc đế vương thánh triết, đến lòng cặn kẽ của những bề tôi trung lương, mới gọi Giấy, Bút, Mực, Nghiên đến bảo cho biết rằng: Tình của ta thư thái, khí tinh anh cuồn cuộn tuôn ra, lời khuôn mẫu từng từng lớp lớp, các ngươi có thể vì ta ghi lấy được không?”

   Vua còn cho tập hợp các vị đại khoa tên tuổi lập hội sáng tác mang tên Tao Đàn, để cùng nhau đọc sách, ngâm vịnh. Lê Thánh Tông cũng nói rõ việc này để quần thần và bá tánh được rõ : " Bài nào cũng chọn chữ kỹ càng, điệu vần sang sáng, dâng lên ta xem, lòng ta rất vui, xem kỹ hai ba lần. Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn chỉ để riêng ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng”

   Liên quan đến chuyện đọc sách, tương truyền vua Tự Đức khi đọc "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đến hai câu miêu tả anh hùng Từ Hải : " Chọc trời khuấy nước mặc dầu/Dọc ngang nào biết trên đầu có ai" thì bảo nếu Tố Như còn sống chắc sẽ phạt trượng đánh đòn vì "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" là khi quân phạm thượng, coi vua cũng chẳng ra gì (?).

   Cũng thời vua Tự Đức, nhà thơ, cử nhân Lê Ngô Cát đang làm quan ở biên viễn phía bắc được triệu về kinh để tham gia sửa lại bộ "Quốc sử diễn ca" . Ông tuân mệnh dốc lòng cho công việc hoàn thành. Khi vua xem bộ sử, đọc thấy bốn câu về Bà Triệu  của ông Lê Ngô Cát : " Vú dài ba thước dắt lưng/Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra/ Cũng toan gánh vác sơn hà/Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam" , vua thích thú và sửa "cũng toan" thành"  Ghé vai" rồi bảo: " Vậy đàn ông nước Nam đi đâu cả?". Vua thưởng cho ông Lê Ngô Cát tấm lụa và hai đồng tiền vàng. Bạn hữu biết tin chúc mừng nhà thơ. Ông bèn cao hứng đọc hai câu thơ nửa đùa nửa thật : "Vua khen thằng Cát có tài/Ban cho cái khố với hai đồng tiền". Việc đến tai  Tự Đức, vua cho rằng ông chê vua keo kiệt nên lại cho ông ra làm tiếp Bố chánh tỉnh Cao Bằng, nơi ông từng tòng sự với chức quan này trước khi được triệu về kinh sửa "Quốc sử diễn ca", trong lúc  lẽ ra ông phải được làm quan ở chỗ khác.

   Say mê đọc sách, chịu khó đọc sách, nghiền ngẫm sách thì mới có thể thành tài. Như Mạc Đĩnh Chi dù nhà nghèo, phải đi kiếm củi nhưng rất chăm đọc sách, có được sách là như bắt được vàng. Nhà khó, không đủ dầu thắp thì đốt lửa lên mà đọc sách. Nhờ vậy thi cử đỗ đạt trạng nguyên, danh tiếng lừng lẫy, được tôn vinh là "Lưỡng quốc trạng nguyên" của hai nước Việt và Trung Hoa. Chăm đọc sách thiên kinh vạn quyển mới mong thành người nhiều chữ, hay chữ như Cao Bá Quát. Còn nếu kém cỏi, không chịu học hành, đọc sách thì lại bi chê cười như khi nhà thơ Tú Xương trào phúng nổi tiếng cười nhạo một ông quan coi thi : "Sơ khảo khoa này bác cử Nhu/Sách như hũ nút, chữ như mù/Văn chương lọ phải là đơn thuốc/Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu".

    Đọc sách  mang lại nhiều lợi ích to lớn cho tâm hồn và tri thức.

 

Kính thưa quý vị. Chàng trai Lê Minh Tuấn, trú tại thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh, Quảng Trị) được nhắc đến với cái tên “Tuấn sách hóa nông thôn”, bởi trong anh luôn cháy bỏng ước mơ “phủ sóng” 3.000 tủ sách cho tất cả trường tiểu học ở tỉnh nghèo Quảng Trị. Tuấn muốn tạo cho trẻ em thói quen đọc sách, “học nữa học mãi”, từ đó góp phần nâng cao trí tuệ Việt Nam. Anh Lê Minh Tuấn chia sẽ ( Trích băng 2)

                                              Nhạc cắt

KỶ THUẬT PHÁT BÀI HÁT KHÚC RU MÙA- CA SĨ NHƯ Ý THỂ HIỆN

 

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

Kính thưa quý vị và các bạn, quý vị và các bạn vừa nghe ca khúc có tựa đề “ Khúc ru mùa” của nhạc sĩ Quảng Trị Lê Phương Bắc, qua sự thể hiện của ca sĩ Như Ý- Quán quân solo cùng Bolero 2018.

Mời quý vị cảm nhận hương vị quê nhà qua tãn văn “ Thương nhớ quê nhà” của tác giả người Quảng Trị- Minh Tâm

Chèn nhạc

Khi từng cơn gió bấc vờn trên những ngọn tre bao quanh làng, gió mùa choàng mình trên cánh đồng hoang hoải còn trơ gốc rạ khô queo, mục nát sau vụ gặt. Gã đông đã đến, những chiếc lá cuối cùng rụng rơi xoay xoay trong cái lạnh tái tê, để lại cây cối trong vườn trơ những cành khẳng khiu để chắt chiu nhựa sống cho mùa sau.

 

Sáng của một ngày xưa cũ, khi cái rét luồn qua khe cửa sổ, sộc vào trong căn buồng làn gió lạnh căm căm, tôi lạnh cóng trở mình thức giấc. Đã nghe tiếng lốp đốp nổ củi khô cháy đượm, tôi chạy vội xuống căn bếp, bà đang thui chân giò. Tôi thắc mắc: “Bà nấu thịt đông đó ạ?”. Bà tôi đang nhai trầu, cười móm mém: “ừ, mai giỗ ông rồi”.

 

Năm nào cũng thế, trước hôm ngày cúng giỗ ông nội, bà tôi lại cầu kỳ chuẩn bị nấu nồi thịt đông từ chân giò thui rơm vàng ruộm, bì lợn, thịt tày cổ, nhưng bà tôi nấu nó bằng tấm lòng yêu thương hết thảy. Bà tỷ mỉ chuẩn bị từ lâu lắm. Từ lúc tháng Tám với những cơn mưa giăng mắc, khi những tai mộc nhĩ mọc trên cây củi mục ngoài vườn, bà đã chăm chút đưa nó vào chân đống mùn cạnh đống rơm để nó thuận lợi phát triển. Khi mộc nhĩ đã vươn mình nở rộ, bà cắt rồi phơi khô. Đến khi mùa đông se sắt tới bà mang ra ngâm với nước để chuẩn bị cho việc nấu thịt đông.

 

Hành hoa cũng vậy, khi vài lá úa dưới ánh nắng hiu hắt và yếu ớt cuối mùa thu, bà lựa chọn cụm hành có củ to nhất, mẩy nhất, căng bóng một màu tím đem túm thành túm nhỏ phơi khô dưới nắng hanh hao, rồi đưa vào treo gác bếp. Lưng bà tuy đã còng nhưng cố gắng víu bó hành khô cong trên gác bếp với đầy những bồ hóng. Tôi đến bên bà ngay cạnh bếp lửa bập bùng cùng bà nhặt hành, mắt tôi cay xè đi vì hương hành xộc lên.

 

Để có nguyên liệu nấu thịt đông, bà thường đi chợ sớm lắm, bà tôi chẳng sợ cái lạnh thấu xương mà gã đông kia mang tới, bóng bà liêu xiêu trên con đường đất trơn trượt đi tắt qua cánh đồng mua nước nổi trắng đồng chiêm trũng. Mùa đông bầu trời như sụp xuống thấp hơn, làn sương mờ bao phủ khiến cho con đường trở nên ảm đạm. Nhưng vẫn không ngăn bước chân thoăn thoắt của bà đi chợ lúc chưa tỏ mặt người. Ngày xưa chợ quê nghèo, cả phiên bán có hai, ba con lợn, thế nên bà đi sớm lắm mới có thể mua được chân giò ưng ý.

 

Mưa đông giăng mắc thấm ướt trên chiếc áo bông nâu sòng. Tay bà cóng vì cái lạnh tê tái. Bà đặt cái thúng trên đầu xuống, tôi chạy đến kiểm tra kết quả của phiên chợ sớm, nào chân giò phía trước của con lợn, một miếng bì lớn của con lợn nái được lựa chọn rất kỹ lưỡng, thịt tày cổ rất nhiều mỡ, chỉ dính chút nạc.

 

Bà lụi cụi ra vườn nhổ củ cà rốt to nhất, hái một ít hành, ngò. Bà mở cửa nhỏ xinh chiếc chạn bát làm bằng tre cũ mèm ra lấy chiếc hũ bằng sành xinh xinh. Trong đó có đựng tiêu mà người bà con ở miền Nam mỗi dịp về thăm quê mang đến biếu bà. Bà quý nó như một gia vị đặc biệt. Mỗi lần nấu gì quan trọng lắm bà mới mang ra rắc rắc chút ít lên thôi.

 

Bà cặm cụi trong bếp, đôi bàn tay nhăn nheo đồi mồi của bà thái thoăn thoắt từng miếng bì lợn đã được chần qua nước sôi, từng miếng bì đều nhau tăm tắp, bà lọc chân giò chuyên nghiệp như một vị đầu bếp tài ba đang trình diễn.

 

Trong lúc chờ đợi gia vị ngấm vào từng thớ thịt, bà tôi rất chú tâm ngồi tỉa tót củ cà rốt thành những bông hoa thật đẹp. Mộc nhĩ sau khi ngâm mình trong nước nở ra, bà rửa sạch rồi thái thành từng sợi mỏng manh nhìn rất lạ mắt.

 

Bà bắc chiếc nồi gang lên bếp, dưới ánh lửa bập bùng bà đổ nước xâm xấp. Khi nước sôi, bà lấy chiếc môi làm bằng gỗ dừa vớt sạch những bọt đang nổi lên. Bà rút bớt củi để ngọn lửa cháy liu riu. Bà bảo món này càng ninh nhừ càng ngon. Một mùi hương thơm ngan ngát toả ra khiến tôi thèm lắm. Bà hiểu ý tôi nên cười hiền hậu: “thịt đông ăn nóng không ngon, phải để đông lạnh, ăn mới đúng vị cháu gái ạ”.

 

Nội tôi rất cầu kỳ trong nấu món thịt đông, bởi đây là món ông nội thích ăn nhất. Nay ông nội đã là người thiên cổ, nên mỗi dịp giỗ hay Tết bà đều kỳ công nấu để cúng ông. Vì vậy, trong hai dịp trọng đại bà tôi còn múc những bát thịt đông ra bát, đợi cho màn đêm buông xuống, sương sa xuống buốt giá, bà bỏ chiếc mâm đồng ra ngoài sân, đặt cẩn thận những bát thịt đông đã múc sẵn ra hong sương đêm giá rét, bà đậy bằng chiếc lồng bàn bằng tre. Dù sau này có tủ lạnh bà cũng nhất quyết giữ thói quen xưa cũ ấy.

 

Khi tôi thắc mắc bà giải thích rằng: “món thịt đông không chỉ đơn thuần là món ăn, mà nó còn có ý nghĩa phong thuỷ nữa. Khi phơi sương món ăn ấy sẽ hấp thụ những tinh tú nhất, bởi buổi tối chính là lúc giao thoa của trời đất. Ngày mai, món ăn sẽ được kết dính bằng chất keo vô hình màu trắng đục đó chính là sự cam kết ngầm rằng tất cả người thân trong gia đình sẽ mãi yêu thương, gắn kết với nhau”.

 

Bà tôi cả đời sống bên trong luỹ tre làng, vì vậy với bà “vạn vật hữu linh”, bà luôn tin vào tín ngưỡng của tổ tiên truyền lại. Thế nên món thịt đông của bà nhất định phải đủ năm màu ngũ hành kim-mộc-thuỷ-hoả-thổ. Đó là màu vàng uôm của chân giò thui rơm, màu trắng của miếng thịt mỡ tày cổ, màu cam của miếng cà rốt, màu đen của mộc nhĩ, màu xanh của hành ngò. Bởi xưa nay, người làng quê vùng chiêm trũng luôn trân trọng và mơ ước cuộc sống mưa thuận gió hoà, để có những mùa màng bội thu. Nên mỗi món ăn để cúng gia tiên đều thể hiện ước vọng ấy.

 

Cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nồi cơm đang nghi ngút bốc khói, bà lật ngược chiếc bát vào đĩa, khi nhấc bát ra là một đĩa thịt đông thật là đẹp. Bà cắt rất khéo miếng thịt đông. Khi thịt đông quyện lại với cơm nóng ăn thật tuyệt. Phần keo dính tan chảy với cơm nóng, miếng thịt mỡ mền ăn không có vị ngấy, miếng bì ăn giòn, dai và sần sật, miếng chân giò mềm, hương vị ấy cứ vấn vịt mãi ở tận đầu lưỡi.

 

Sau này dù có ăn biết bao món cao lương mỹ vị, vẫn không thể quên nổi hương vị nồi thịt đông của bà, tôi nhớ đến quoay quắt.

 

Phần cuối phát lồng một đoạn ngắn bài hát “ Em có về Quảng Trị với anh không ” Thanh Quý hát

 Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 06/10/2022 15:39 Nguyễn Việt Hà 06/10/2022 15:39

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà