TẠP CHÍ VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Tạp chí Văn nghệ chủ nhật xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình với những nội dung đặc sắc về văn hóa Quảng Trị  với các bài viết về Quảng Trị của cây bút trong tỉnh. Chương trình được PS vào lúc 9h30, 19h 30 ngày 23/10 chủ nhật, 16h30 ngày thứ hai ngày 24/10. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

                                       NỘI DUNG TẠP CHÍ

                          Tạp chí văn nghệ chủ nhật 23.10.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, Kính mời Quý thính giả cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Bản tin Văn hóa

- Bài viết:

+ Tãn văn Hương khói quê nhà- tác giả Nguyễn Việt

+ Cảm nhận về giọng người Quảng Trị trong hoạt động nghệ thuật qua bài viết của Minh Tâm

+ Phần cuối Chương trình là tiểu mục Dọc đường Văn nghệ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

1.“ Cổng trường chải mái tóc xưa” là ấn phẩm nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng của nhà thơ Võ Quê. Là món quà tặng quý thầy cô, đồng môn nên ông đã dành sự trân trọng, nâng niu trìu mến đối với ngôi trường cũ của mình.

Với một tình yêu tha thiết, những hồi ức tươi đẹp ngày xanh luôn sống mãi, bút ký “Cổng trường chải mái tóc xưa” là tiếng lòng, là tâm nguyện của nhà thơ với mong muốn gắn kết bao thế hệ học trò trường Nguyễn Hoàng xưa. Dù bôn ba chân trời góc bể, sinh sống trong hay ngoài nước, thành đạt hay sống đời bình dị vẫn luôn đoàn kết, trên tinh thần tôn trọng chí hướng của nhau. Chỉ còn lại những hồi ức thật đẹp, thật hồn nhiên trong sáng dưới mái trường Nguyễn Hoàng như thuở nào. Ấn phẩm đưa người đọc cùng trở về dưới mái trường thân yêu một thuở mà có lẽ ai cũng đã có một lần nhớ nhung bồi hồi, xao xuyến: “Năm tháng đi tình yêu vẫn ở/Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau!”.\

 

2.Miền đất xa xôi A Vao, Tà Rụt của huyện Đakrông hiện vẫn còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội, nghề truyền thống độc đáo của người Pa Kô. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển nhanh chóng của xã hội ngày nay, một số giá trị văn hóa đặc sắc dần bị mai một, thậm chí có thể biến mất. Với mong muốn trao truyền những làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Pa Kô cho mai sau để tránh bị thất truyền, vừa qua các nghệ nhân ưu tú đã đứng ra thành lập CLB Đàn hát dân ca thôn A Liêng,

 CLB Đàn hát dân ca thôn A Liêng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) đã tập hợp được 25 nam, nữ thanh niên trong thôn tham gia. Ông đã miệt mài truyền thụ những đam mê và vốn hiểu biết của mình về đàn, hát các làn điệu dân ca Pa Kô cho những người trẻ. Điều đáng mừng là đến nay, nhiều bạn trẻ tham gia đã biết chế tác một số loại dụng cụ biểu diễn, nhạc cụ và hát được các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Ở xã Tà Rụt hiện có rất nhiều nghệ nhân dù chưa được Nhà nước công nhận chính thức nhưng được cộng đồng thừa nhận bởi sự tâm huyết và những đóng góp không ngừng trong việc lưu giữ, phục hồi các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Pa Kô

                                                Nhạc cắt

                   

              

   Phát MỘT ĐOẠN bài hát NẾU PHẢI XA QUẢNG TRỊ- VÂN KHÁNH

                                               

Kính thưa quý vị. Quý vị vừa nghe ca sỹ quê Quảng Trị Vân Khánh thể hiện ca khúc Nếu xa Quảng Trị, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng, lời thơ cũng của tác giả quê ở Gio Linh, Quảng Trị  cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ

Thưa quý vị. Xứ sở thiên nhiên khắc nghiệt mưa dầm nắng ác đã tạo nên một cách sống mạnh mẽ nơi con người Quảng Trị. Sự mạnh mẽ trong tâm hồn và cả toát ra bên ngoài, từ hình vóc rắn rỏi đến phát âm chắc nịch, thậm chí coi là... nặng. Nhưng giọng nặng mà khỏe ấy không phải là một bất lợi, không hề là một bất lợi, mà ngược lại, người Quảng Trị tự tin với lối phát âm của mình và mang giọng nói ấy đi xa hơn trong lĩnh vực nghệ thuật. Mời quý vị và các bạn nghe bài viết sau của tác giả Minh Tâm

Chỉ riêng trong âm nhạc, Quảng Trị đã sinh ra nhiều nhạc sĩ và ca sĩ danh tiếng. Điều đặc biệt là tất cả nghệ sĩ ấy đều dành cho quê hương một tình yêu lớn, thông qua việc chọn đề tài và cách thức biểu hiện. Họ mang “tinh thần nhà quê” và làm sang cho dòng nhạc trữ tình quê hương.

 

Hãy nghe ca sĩ Vân Khánh đọc lời tựa cho chính album của mình: Bông lau trắng, đó là những rừng lau trắng bạt ngàn đường Chín, là một trời khói trắng một vùng hoa lau, Đông Hà, Cam Lộ, là mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng. Chất giọng mộc mạc quê nhà, ca sĩ quê Vĩnh Linh đã dẫn người nghe đi qua những miền quê Quảng Trị bằng âm nhạc với các ca khúc: Sông Hiền Lương, Nhịp chèo sông Hiếu, Mưa chiều Khe Sanh, Giọng hò thương nhớ... Nghe ca khúc Quảng Trị, ngày con về của Mai Hoài Thu qua giọng hát Vân Khánh, ấn tượng nhất khi ca sĩ cất lên tiếng gọi thân thương: Mạ ơi.

 

Xa quê và thành danh ở miền Nam, rồi được thính giả khắp nơi yêu mến, song Vân Khánh thường về quê tham gia các chương trình để phục vụ bà con, gần gũi và thân thiện với mọi người. Có lần ở chương trình Vu lan tại Triệu Phong năm 2012, khi được cài một bông hoa hồng lên áo, cô tâm sự: “Chỉ cần nghe tiếng Quảng Trị gọi, là con về”.

 

Âm nhạc là tiếng lòng và tiếng lòng ấy phải được cất lên bằng ngôn ngữ nơi người nghệ sĩ đang viết. Những nhạc sĩ đi qua Quảng Trị đã khéo léo đưa lời ăn tiếng nói vào ca khúc và được cả nước yêu mến, chẳng hạn nhạc sĩ Hoàng Vân trong Bài ca Vĩnh Linh: Ngó bên tê Trường Sơn một dải, nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng. Những từ ngó, bên tê, bên ni đã được “nhạc hóa” thành giai điệu mà vẫn giữ chất riêng có của vùng quê miền giới tuyến. Chỉ cần nghe, là biết đang nói về Quảng Trị.

 

Riêng “ngó”, từ bắt đầu bài hát đã gây ấn tượng mạnh và đắt giá. Bởi “ngó” của người Quảng Trị không chỉ là nhìn, mà còn mang nghĩa ngóng trông. Nó phù hợp với hoàn cảnh ra đời, ấy là khoảng năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Vân được vào tuyến lửa thực tế sáng tác. Ông đã viết ca khúc Quảng Bình quê ta ơi và mấy hôm sau liền vào vùng giới tuyến viết Bài ca Vĩnh Linh. Nhạc sĩ thận trọng viết và không vội công bố, phải đến khi ra lại thủ đô, ông hát thử cho những người Quảng Trị nghe để góp ý rồi mới thu thanh phát sóng.

 

Sau này có ca khúc Ngẫu hứng Đông Hà - Rứa khi mô anh về (của nhạc sĩ quá cố Nguyễn Thúy Hương), ngay khi công bố đã được thính giả thích thú và yêu mến. Những người Quảng Trị xa quê, nghe bài hát có thể cảm nhận một thành phố đang dần sôi động như tiết tấu, nhưng đến cao trào, nhạc sĩ liền ngắt phách để cho một câu hỏi: Rứa khi mô anh về? Đây là kỹ thuật chuyển giai khá độc đáo và đầy... ngẫu hứng. Nhất là nhạc sĩ đã đưa nguyên câu nói quen thuộc của người Quảng Trị như một sự nhắc nhở.

  

Trong điện ảnh, giọng nói đôi khi là thứ được người ta nhớ đến nhiều hơn cả. Nhớ và ấn tượng, giọng nói riêng chính là “tiếng nói riêng” của người làm nghề. Cũng có khi chính giọng nói trở thành đặc sản, đặc sắc mà thông qua đó các đạo diễn tuyển chọn vai.

 

Kim Oanh (sinh năm 1993), nữ diễn viên Quảng Trị đã sớm có được những thành công bước đầu trong nghề. Với ngoại hình dễ nhìn, khuôn mặt trong sáng thân thiện, đặc biệt giọng nói chân chất mộc mạc Quảng Trị đã gây được thiện cảm với khán giả mọi miền. Kim Oanh nhập vai Lan trong phim truyền hình dài tập Những cô gái trong thành phố (phát sóng năm 2019) của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Bộ phim là câu chuyện xoay quanh bốn cô gái tỉnh lẻ ra thành phố lập thân lập nghiệp. Với đề tài đó, rõ ràng sự góp mặt của những diễn viên mang giọng nói đa vùng miền là điều tất yếu. Và Kim Oanh được chọn, được đạo diễn khuyên nói đúng chất giọng quê nhà.

 

Dù nhiều năm sinh sống học tập ở thủ đô, Kim Oanh đã hòa nhập với môi trường và nói được giọng Hà Nội, nhưng khi được yêu cầu nói giọng Quảng Trị, thì đúng như “chim trở về đàn”, có thể thỏa sức cất lên âm thanh bản năng nhất, hồn hậu nhất và cũng tự nhiên nhất.

 

Đến bộ phim dài tập Lửa ấm (phát sóng năm 2020), Kim Oanh vào vai Hiền. Đạo diễn Đào Duy Phúc lại đề nghị Oanh diễn thử một đoạn bằng hai giọng nói. Cuối cùng, đoàn làm phim quyết định Kim Oanh sẽ nói giọng Quảng Trị. Trên nhiều trang báo và mạng xã hội, cô được nhắc tên với biệt danh “nữ diễn viên nói giọng Quảng Trị”. Đó là một sự ưu ái đầy yêu thương và đáng tự hào.

*

Nhìn lại nhiều năm về trước, khi mà người quê lên thành phố thường “học theo” cách sống của người phố, nói theo tiếng nói của người ta, âu cũng là dễ hiểu cho một sự hòa nhập. Ngày nay, khi thế giới phẳng và xã hội gần như được cân bằng hơn, sự đa dạng được chấp nhận, sinh ngữ và ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Với nghệ thuật, cái riêng bao giờ cũng được trân trọng, vì nó đồng nghĩa với sự khác lạ, sự mới mẻ.

 

Giọng Quảng Trị tuy mộc mạc, tuy nằng nặng, thậm chí khó nghe, nhưng với nghệ thuật, không có khoảng cách nào là không vượt qua được. Điều quan trọng là người ta không tự ti với cái chất riêng của mình. Có rất nhiều nghệ sĩ người Quảng Trị đã làm được điều ấy, quê nhà với họ không chỉ là hình ảnh để mang theo, mà là cả âm thanh hồn cốt.

                       Nhạc hiệu của Dọc đường Văn nghệ

 

MC: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh Tạp chí Văn nghệ chủ nhật,

*Qúy vị và các bạn thân mến ! Nhà văn Hồ Sĩ Bình có nhiều trang viết tinh tế về văn nghệ sĩ, đó cũng là nội dung bài viết sau của pv Xuân Dũng, chúng ta cùng theo dõi.

   Nhà văn Hồ Sĩ Bình, quê Quảng Trị hiện sống Đà Nẵng, cũng đã viết khá nhiều về văn nghệ sĩ, trong đó có những người đã thành danh như các  nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Tần Hoài Dạ Vũ… các hoạ sĩ như Vĩnh Phối, Hoàng Đặng, Võ Xuân Huy… Ấn tượng nhất, theo tôi là  chân dung hai người dù họ không phải là những nhân vật thành đạt trong cuộc đời và nghề nghiệp, thậm chí còn ngược lại : Trần Hữu Nghiễm và Đoàn Thạch Hãn, một đồng môn và một đồng hương, cả hai đều có cuộc đời  không hề phẳng lặng cho đến phút lìa trần.

    Nhớ nhà thơ Trần Hữu Nghiễm, một cái tên rất quen thuộc với báo chí một thời bao cấp, anh bắt đầu phục dựng chân dung bạn, một gương mặt có nhiều nét đặc dị không giống ai : " Trong đời tôi từng tiếp xúc với rất nhiều người, nhà thơ rất mê thơ, sống chết một đời với thơ nhưng có lẽ không ai như Nghiễm, nói không quá, thơ với bạn là tất cả niềm vui sống, thơ đi suốt cuộc đời bạn trong tận cùng đau khổ và hạnh phúc, tưởng như  không có thơ bạn sẽ sống thế nào”.

   Cả cuộc gặp lại giữa hai người bạn gần như đồng cảnh ngộ ở đất mũi Cà Mau cũng khác thường sau bao phen cuộc đời quăng quật, họ đã phải kiếm sống và xô dạt nhiều nơi : “Nghiễm kéo tôi xuống ngồi ở một quán nhỏ dưới chân cầu gần chợ. Hai đứa ngồi uống rượu ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, không quên nhắc về Huế, về trường xưa bạn cũ với rất nhiều uất nghẹn. Đúng là một cuộc rượu sầu nghiêng chén của Hành phương nam…Thà cứ ngồi đây, ngồi giữa chợ/Uống say mà gọi thế nhân ơi. Rồi Nghiễm đọc thơ một cách say sưa, giọng thơ buồn da diết. Mọi người chung quanh tưởng hai thằng say nói sảng. Hình như người ta cũng không hiểu mình đang nói một thứ ngôn ngữ gì. Bạn hỏi tôi có viết lách gì không. Chữ nghĩa vứt hết trên núi rồi bạn ơi…”. Nhớ lại chuyện cũ, người viết không khỏi ngậm ngùi cho bạn mà cũng cho mình : “Cái bi kịch của chúng tôi ngày đó là hãy cố quên đi quá khứ để sống. Chao ôi sống mà để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất trong đời là quên đi quá khứ thì còn gì để sống nữa” .

   Trần Hữu Nghiễm cũng là một” người thơ phong vận như thơ ấy” đã có những câu thơ như buộc vào phận số đời mình. “Nghiễm là người nói lời vĩnh quyết với bạn bè sớm nhất lớp. Bạn đã nằm lại với Cà Mau như trong một câu thơ đầy sức tiên cảm về cố hương của một thời tuổi trẻ. Đứng thẫn thờ trông về phương cũ/Dáng ai cười sao ướt lá cây xanh…”.

   Còn cuộc đời của nhà báo, nhà thơ Đoàn Thạch Hãn cũng thật nhiều uẩn khúc, đa đoan và giông bão, gần giống như một nhân vật luôn bị giằng xé của tiểu thuyết chiến tranh oan nghiệt. Nhưng dù ngả nghiêng giữa dòng đời anh vẫn còn lại trong lòng nhiều bạn bè văn nghệ: “Trong một lần về Quảng Trị mới đây, tôi cùng Lê Đức Dục, Lê Diễn và Lê Hải về Đông Dương, Hải Lăng thăm mộ Đoàn Thạch Hãn-một người bạn, một nhà thơ mà anh em chúng tôi quý mến”.

   Hoàn cảnh éo le, cuộc đời nghiêng ngả vì sự xuất thân cứ như thể gắn chặt với thời cuộc và những ngã ba số phận. Cứ thế mọi sự  đã xô đẩy Đoàn Thạch Hãn vào những lựa chọn khó khăn, những thị phi nghiệt ngã và cả những ngộ nhận đáng buồn. Nhưng nhiều bằng hữu, trong đó có người viết vẫn nhận ra : “ Tội cho anh, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì.

   Một cuộc đời  trầm thống luôn biến động không yên với những phong ba không dễ vượt qua nhưng trước sau Đoàn Thạch Hãn vẫn thương nhớ khôn nguôi quê cũ, vẫn quặn lòng khi nhắc đến cố hương. “Và anh viết : Chao ôi những phố phường mơ ước/Chẳng thấy gì đâu chỉ thấy buồn.

     Hồ Sĩ Bình vẫn đi và viết, cầu chúc cho anh chín tới văn mình.

Tiếp ngay sau đây. Kinh mời quý vị nghe bài thơ………………. Qua giọng ngâm thơ của Nghệ sĩ ngâm thơ người Quảng Trị Ngọc Lan. FILE THƠ

                                          

                                                   Nhạc cắt

Thưa quý vị và các bạn, Trong nhiều bút ký văn học về quê nhà của các nhà văn Quảng Trị, xin dẫn ra đây hai tác phẩm khá tiêu biểu của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hồ Sĩ Bình.

    Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về tinh thần khắc phục khó khăn khi đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt của người dân Quảng Trị. "Chế ngự cát" kể chuyện này ở tiểu trường sa Hải Lăng ngay sau ngày nước nhà thống nhất để đem lại màu xanh no ấm, thanh bình. Bởi ám ảnh cát từng đi vào tận giấc ngủ sâu không chỉ của một người. Cát hiền lành mà cũng đầy bí hiểm như câu đố của con nhân sư trong truyền thuyết. Ngòi bút nhà văn chấm phá linh hoạt, nắm bắt và tái hiện sự biến ảo như thể mang màu sắc truyền kỳ của cát:   "Cái dải cát mênh mông ấy, chạy dài suốt bờ biển Trị -Thiên đến cuối phá Tam Giang, là một vùng quê hương khó hiểu ngay đối với những con người đã từng chôn nhau cắt rốn trong lòng đất biến động của nó. Nó y nhiên tự tại như thể từ thưở khai thiên lập địa đã có đấy, nhưng đồng thời nó cũng thay hình đổi dạng nha đến nỗi có lúc con người không kịp nhận ra con đường đi nhặt cũi lúc sáng. Đang lặng lẽ, bí mật như giấc ngủ dài hàng trăm năm, bỗng nhiên nó chồm dậy trong cơn cuồng nộ vô tận, những lăng miếu cũ cũng biến mất không còn dấu tích, để một cơn cuồng nộ từ một phía khác kéo đến, những cái đã mất lại đột ngột hiện ra như những lăng miếu hoang đường..."

   Bút ký mô tả tỉ mỉ những gian truân và cả hiểm nguy trong chặng đường chinh phục cát bằng cách mở đại công trường của tuổi trẻ đắp đê. Những người phụ nữ còn cho con bú, những tráng niên của làng quê vừa qua vụ mùa, những cán bộ địa phương biết khóc cười với đất đai bản quán...tất cả đều hăm hở và hối hả vì đại cuộc . Nhưng giữa những điệp trùng gian khổ vẫn ánh lên vẻ lãng mạn đáng yêu trang viết nhà văn. "Sau lưng họ, ngay dưới chân đê là khu vực dựng trại. Giống như một binh đoàn du mục thời cổ, mấy trăm căn lều, toàn bằng những tấm chăn chiên đỏ, chen chúc giữa một rừng cờ lộng gió, rừng rực trong nắng tháng tư, gợi ấn tượng một đám lửa lớn đang bốc cháy trên mặt cát, đẹp không thể tả. Buổi chiều người về tắm giặt, con trai con gái đàn hát chung quanh những lều trại nhả khói ung dung trên bầu trời xanh thẳm của vùng biển; tất cả bỗng gợi lại những bãi biển nhiệt đới tràn trề sức sống đâu đó trong tranh Gô-ganh".

    Trong bút ký "Chợ Thuận trong tâm thức người xa xứ" nhà văn Hồ Sĩ Bình nhớ về quê nhà bằng một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và thật da diết.

    .   Chợ mà lại là chợ quê cố hương cứ đeo đẳng Hồ Sĩ Bình không dứt, vì đó tấm vé thông hành cho anh về lại tuổi thơ, về với mẹ xưa tảo tần, lam lũ, với món bánh ướt của làng chấm nước mắm Cửa Việt mà anh xếp hạng thuộc vào loại ngon nhất nước. Hương vị tuổi thơ không chỉ là chuyện món quà quê, chuyện văn hoá ẩm thực mà chứa chan những chuyện không thể nào nói hết cứ mãi theo anh đến hết cuộc đời. Đó quả tình là những thứ mà ta quen gọi nhiều khi mòn cũ là kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại dù cho người từng trải cũng không khỏi xốn xang :  “Thiệt lòng mà nói tôi ngồi nhìn anh chị trong đoàn ăn một cách ngon lành không gì sướng bằng, thầm tự hào về đặc sản chợ Thuận quê miềng. Ngon dở cũng tuỳ khẩu vị nhưng có một điều cái vị giác của mình từ ngày thơ dại đã quen với hương vị đầu đời mà mẹ nấu cho ta ăn, kể cả mấy món hàng vặt mẹ mang về cho con, nó như đóng đinh vào vị giác quen thuộc của mình. Huống chi những ngày ấy trong đôi mắt mẹ ngập tràn niềm vui khi nhìn đứa con út ăn một cách say sưa...”.

 

Kỷ thuật Phát bài Quảng Trị yêu thương

  

Quý vị và các bạn vừa nghe xong CT Tạp chí Văn nghệ CN, CT được Việt Hà biên tập, cùng sự tham gia thực hiện của…. Hẹn gặp lại quý vị trong CT lần sau

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 20/10/2022 10:01 Lê Vĩnh Nhiên 20/10/2022 10:47

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà